Những điều cần biết về bệnh teo cơ do đái tháo đường
Teo cơ do đái tháo đường là gì?
Chứng teo cơ do đái tháo đường là một dạng bệnh lý thần kinh do đái tháo đường hiếm gặp.
Chứng bệnh này còn có các cái tên khác như:
- Bệnh thần kinh gốc do đái tháo đường
- Hội chứng Bruns - Garland
- Bệnh thần kinh đùi-tọa do đái tháo đường
Biến chứng này rất hiếm gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 1% người lớn mắc bệnh đái tháo đường, trong đó chủ yếu là đái tháo đường type 2. Nam giới có nguy cơ bị teo cơ do đái tháo đường cao hơn phụ nữ.
Chứng teo cơ do đái tháo đường gây đau và yếu cơ ở hông, đùi, mông và chân. Đôi khi, tình trạng này còn ảnh hưởng đến ngực và bụng.
Điểm khác biệt giữa bệnh teo cơ và bệnh thần kinh
Bệnh thần kinh đái tháo đường điển hình phổ biến hơn nhiều, ít nhất 50% tổng số người bị đái tháo đường gặp phải biến chứng này.
Chứng teo cơ do đái tháo đường không phổ biến bằng. So với bệnh thần kinh điển hình, chứng teo cơ ảnh hưởng đến vùng cơ thể rộng hơn và thường không gây sụt cân.
Không giống như đa số biến chứng khác của bệnh đái tháo đường thường chỉ phát sinh khi lượng đường trong máu cao trong thời gian dài, chứng teo cơ có thể xảy ra ngay cả khi bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt.
Cả teo cơ và bệnh thần kinh thông thường đều gây khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Triệu chứng của bệnh teo cơ do đái tháo đường
Các triệu chứng của bệnh teo cơ do đái tháo đường gồm có:
- Đau và tê ở các vùng bị ảnh hưởng
- Đau bụng
- Sụt cân
- Yếu cơ theo thời gian (nhược cơ)
- Khó khăn khi đứng lên
Thả bàn chân là một triệu chứng của bệnh teo cơ do đái tháo đường
Chứng teo cơ do đái tháo đường còn có thể gây thả bàn chân (hay còn gọi là rũ chân) – tình trạng không thể nhấc cao phần trước của bàn chân mà phải kéo lê trên mặt đất khi đi bộ do vấn đề về dây thần kinh ở chân. Khoảng 2/3 số ca bệnh chỉ gặp triệu chứng này chỉ ở một chân. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng thả bàn chân cũng có thể tiến triển sang chân còn lại.
Thả bàn chân thường kéo dài vài tháng nhưng cũng có thể kéo dài đến vài năm. Sau đó, khả năng đi lại thường sẽ hồi phục bình thường, mặc dù không phải trường hợp nào cũng hồi phục hoàn toàn.
Các triệu chứng có thể nghiêm trọng đến mức bệnh nhân phải sử dụng xe lăn.
Chẩn đoán teo cơ do đái tháo đường
Bệnh teo cơ do đái tháo đường thường được chẩn đoán sau khi loại trừ các tình trạng bệnh lý khác.
Các phương pháp chẩn đoán thường được thực hiện gồm có:
- Chọc dịch não tủy thắt lưng để tìm dấu hiệu viêm trong chất dịch xung quanh tủy sống
- Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh để kiểm tra tình trạng các dây thần kinh ở chân
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) thắt lưng để loại trừ tình trạng chèn ép các dây thần kinh xung quanh cột sống
Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các cơ xem có bị yếu hay không, một bước quan trọng trong quá trình này là phải đánh giá phản xạ chân.
Ngoài ra, bệnh nhân thường sẽ phải làm xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC). Tùy vào các triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu đo nồng độ các chất như folate, vitamin B12, thiamine và đồng. Đôi khi, tình trạng thiếu hụt các chất này gây ra một số triệu chứng giống như teo cơ do đái tháo đường.
Vì bệnh teo cơ do đái tháo đường là một biến chứng của bệnh đái tháo đường nên bệnh nhân cũng sẽ phải làm xét nghiệm HbA1C để bác sĩ đánh giá khả năng kiểm soát tình trạng bệnh trong vòng vài tháng qua.
Điều trị teo cơ do đái tháo đường
Chứng teo cơ do đái tháo đường thường không cần điều trị nhưng một số biện pháp can thiệp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng đau đớn và khó chịu:
- Kiểm soát đường huyết và theo dõi chặt chẽ khả năng kiểm soát bệnh đái tháo đường: Có ba phương pháp chính để kiểm soát bệnh đái tháo đường là dùng thuốc thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Nếu nhận thấy đường huyết thường xuyên dao động thì bệnh nhân cần báo cho bác sĩ để xem lại phác đồ điều trị hiện tại và điều chỉnh.
- Dùng các loại thuốc như Gabapentin và pregabalin để giảm đau: Các loại thuốc kê đơn này có thể giúp giảm cơn đau dây thần kinh kéo dài. Bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen.
- Chườm lạnh và chườm nóng xen kẽ: Phương pháp này có thể giúp giảm đau tạm thời. Bệnh nhân cũng có thể thử tắm muối Epsom (muối magie sulphat).
Công nghệ điều trị teo cơ do đái tháo đường
- Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS): Đây là một công nghệ kích thích thần kinh hoàn toàn tự động, gồm có một thiết bị bao quanh bắp chân, truyền xung điện qua da để kích thích các dây thần kinh và giảm đau. Thiết bị nhỏ này có thể được đeo trong suốt 24 giờ và giúp người bệnh đối phó với cơn đau kéo dài bằng cách ngăn chặn các tín hiệu đau của cơ thể truyền đến não.
- Kích thích dây thần kinh tủy sống: Đây là phương pháp điều trị không dùng thuốc giúp làm giảm tình trạng đau mãn tính do vấn đề về thần kinh. Một thiết bị nhỏ được cấy ghép vào gần phần dưới của cột sống. Thiết bị này truyền đi xung điện nhẹ đến tủy sống khi cần thiết, giúp giảm đau ở các khu vực khác nhau của cơ thể như cánh tay, cẳng chân, bàn chân và ngón chân. Các xung này còn giúp làm dịu tình trạng viêm dây thần kinh và giảm các tín hiệu đau được chuyển đổi bởi não.
Điều trị teo cơ do đái tháo đường bằng vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cũng là một giải pháp điều trị giúp cải thiện và duy trì các cơ bị suy yếu, tổn thương ở những người bị chứng teo cơ do đái tháo đường.
Khi tập vật lý trị liệu, bệnh nhân sẽ được học các bài tập có tác dụng tăng cường sức mạnh của các cơ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cân nhắc sử dụng các thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như gậy lấy đồ, ghế ngồi bồn cầu có thể nâng cao hoặc ghế đẩu để có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng và đỡ đau đớn hơn.
Mặc dù vật lý trị liệu có lợi cho người bị chứng teo cơ nhưng hiệu quả sẽ không đến ngay lập tức mà phải kiên trì tập một thời gian thì mới thấy sự cải thiện.
Quá trình phục hồi có thể mất nhiều năm và cũng có những trường hợp không thể phục hồi hoàn toàn.
Tóm tắt bài viết
Teo cơ là một biến chứng về thần kinh hiếm gặp của bệnh đái tháo đường với tỷ lệ mắc chỉ khoảng 1%. Đó là một dạng bệnh lý thần kinh gây đau đớn chủ yếu ảnh hưởng đến đùi, mông, hông, chân và đôi khi cả ngực và bụng. Biến chứng này còn gây yếu cơ và thường chỉ xảy ra tạm thời từ vài tháng đến vài năm.
Chứng teo cơ do đái tháo đường có thể xảy ra ngay cả khi lượng đường trong máu được kiểm soát tốt. Bệnh lý này phổ biến hơn ở những người bị đái tháo đường type 2, đặc biệt là nam giới. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc giảm đau, kích thích thần kinh tủy sống, kích thích thần kinh bằng xung điện qua da.
Chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường ngay từ sớm sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng dễ dàng hơn, ngăn ngừa các biến chứng về lâu dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nếu là một người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 1, chắc hẳn bạn đã nắm được những điều cơ bản về đường huyết và insulin nhưng có thể còn một số điều mà bạn chưa biết đến.
Bệnh tiểu đường và loãng xương có thể xảy ra đồng thời và có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và chứng loãng xương có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với những người cần điều trị bằng insulin, bắt đầu ngay từ sớm hơn sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về liệu pháp insulin và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều insulin cần sử dụng.