1

6 điều cần biết về bệnh đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên khắp thế giới. Ước tính có khoảng 8,5% người lớn trên toàn thế giới hiện đang sống với bệnh đái tháo đường. Có hai loại bệnh đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.
6 điều cần biết về bệnh đái tháo đường type 2 6 điều cần biết về bệnh đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 2 phổ biến hơn đái tháo đường type 1. Nhờ có những tiến bộ lớn trong y học trong những năm gần đây mà việc chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo đường type 2 cũng như hiểu biết của mọi người về căn bệnh này đã được nâng cao đáng kể, nhờ đó có thể phòng ngừa và kiểm soát bệnh tốt hơn. Dưới đây là 6 điều mà mọi người nên biết về bệnh đái tháo đường type 2.

1. Đái tháo đường type 2 là một bệnh mãn tính và hiện chưa có cách chữa khỏi

Hiểu một cách đơn giản, bệnh đái tháo đường là tình trạng xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh lý này xảy ra khi cơ thể không có khả năng sản xuất hoặc sử dụng insulin - một loại hormone có chức năng điều hòa lượng đường trong máu. Nguyên nhân có thể là do cơ thể không sản xuất đủ hoặc hoàn toàn không sản xuất insulin hay các tế bào kháng lại tác động của insulin và cơ thể không thể sử dụng lượng insulin được tạo ra một cách hiệu quả. Nếu cơ thể không thể sử dụng insulin để vận chuyển glucose từ trong máu vào các tế bào, glucose sẽ tích tụ trong máu và dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Do tình trạng kháng insulin, các tế bào khác nhau trong cơ thể sẽ không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết để hoạt động bình thường và điều này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau. Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính mà hhiện tại vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm. Điều này có nghĩa là một khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ phải điều trị suốt đời để kiểm soát lượng đường trong máu luôn ổn định trong phạm vi an toàn.

2. Tỷ lệ mắc đái tháo đường đang gia tăng, đặc biệt là ở người trẻ tuổi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh đái tháo đường trên khắp thế giới đã tăng từ 108 triệu vào năm 1980 lên 422 triệu vào năm 2014 và trong đó hầu hết là bệnh đái tháo đường type 2. Điều đáng chú ý là bệnh đái tháo đường type 2 trước đây vốn chỉ xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi nhưng hiện nay tỷ lệ mắc ở thanh niên đang ngày càng tăng. Điều này có thể là do bệnh đái tháo đường type 2 có liên quan đến chỉ số khối cơ thể (BMI) cao và béo phì mà đây cũng là một vấn đề đang trở nên phổ biến ở những người trẻ tuổi hiện nay.

3. Bệnh đái tháo đường có thể không được phát hiện trong suốt nhiều năm

Nhiều trường hợp mắc đái tháo đường type 2 không được chẩn đoán do không có triệu chứng hoặc do người bệnh không biết các triệu chứng gặp phải là của bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, hay cảm thấy đói và liên tục khát nước đôi khi khó xác định và thường phát triển trong một thời gian dài. Vì lý do này nên người từ 45 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm máu kiểm tra bệnh đái tháo đường định kỳ, đặc biệt là những người thừa cân. Người dưới 45 tuổi nhưng thừa cân cũng nên cân nhắc việc xét nghiệm máu định kỳ vì thừa cân là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.

4. Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát

Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Điều này có thể xảy ra ở cả những trường hợp biết mình bị đái tháo đường nhưng kiểm soát không tốt. Bệnh tim mạch, bệnh về mắt, bệnh thận, tổn thương thần kinh, tổn thương thính giác, tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh Alzheimer là những biến chứng chính mà người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thể phải đối mặt. Theo dõi và duy trì mức đường huyết, cholesterol và huyết áp khỏe mạnh là điều vô cùng cần thiết để giảm thiểu nguy cơ gặp phải những biến chứng này. Để được như vậy thì cần phát hiện và điều trị bệnh từ sớm, thực hiện lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ.

5. Một số nhóm người có nguy cơ đái tháo đường cao hơn

Mặc dù chưa lý giải được chính xác tại sao một số người bị đái tháo đường trong khi một số khác lại không nhưng nghiên cứu cho thấy một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Có nhiều mỡ thừa ở vùng bụng
  • Lối sống ít vận động (tập thể dục dưới 3 lần/tuần)
  • Có tiền sử gia đình (cha mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc bệnh đái tháo đường
  • Tiền sử đái tháo đường thai kỳ
  • Tiền sử tiền đái tháo đường
  • Tiền sử kháng insulin, chẳng hạn như những người bị hội chứng buồng trứng đa nang
  • Người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ da đỏ, người dân đảo Thái Bình Dương và/hoặc người gốc Châu Á
  • Từ 45 tuổi trở lên, những người có mức triglyceride cao, HDL cholesterol thấp và những người bị cao huyết áp

6. Có thể kiểm soát và ngăn ngừa bệnh đái tháo đường bằng lối sống lành mạnh

Một trong những điều quan trọng nhất cần thực hiện để kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 và sống khỏe mạnh là ăn uống đầy đủ, cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Do có một số yếu tố nhất định làm tăng nguy cơ đái tháo đường nên cũng có nhiều cách để ngăn chặn hoặc ít nhất là trì hoãn sự khởi phát bệnh. Một số biện pháp cơ bản để ngăn ngừa và/hoặc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 gồm có:

  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Dành ra 30 phút tập thể dục cường độ vừa phải hàng ngày hoặc tập cường độ cao 3 ngày một tuần.
  • Hạn chế đồ uống có đường và chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống. Ăn nhiều trái cây và rau củ, tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn.
  • Không sử dụng thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch.
  • Thường xuyên đo đường huyết nếu đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường. Khám bàn chân, thận, mạch máu và mắt để phát hiện sớm các biến chứng.

Chú ý lượng đường trong chế độ ăn uống. Đường có trong rất nhiều loại đồ ăn, thức uống khác nhau. Phần lớn các loại thực phẩm chế biến sẵn đều có chứa đường. Tốt nhất nên tự nấu nướng từ các loại thực phẩm tươi. Không chỉ chứa đường, thực phẩm chế biến sẵn còn chứa các thành phần có hại cho sức khỏe khác như hương liệu, chất tạo màu, chất nhũ hóa và chất bảo quản.

Có thể bác sĩ sẽ kê thuốc để kiểm soát bệnh đái tháo đường nhưng bệnh nhân không nên ỷ lại vào thuốc.

Không ít người cho rằng vì đã dùng thuốc nên có thể ăn uống thoải mái nhưng điều này là sai. Cho dù dùng thuốc thì vẫn phải kiểm soát chế độ ăn uống và tăng cường vận động.

Đối với những người thừa cân hoặc béo phì, chỉ cần giảm 5% khối lượng cơ thể là đã có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng này ở những người bị tiền tiểu đường.

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về bệnh teo cơ do đái tháo đường
Những điều cần biết về bệnh teo cơ do đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu như không được kiểm soát tốt. Một số biến chứng phổ biến có thể kể đến như bệnh tim mạch, đột quỵ, mù lòa, bệnh thận và hoại tử chân. Ngoài ra còn có những biến chứng ít được biết đến hơn và một trong số đó là bệnh teo cơ do đái tháo đường - một loại bệnh thần kinh. Tình trạng hiếm gặp này có nhiều điểm khác với các loại bệnh thần kinh khác. Dưới đây là những điều cần biết về chứng teo cơ do đái tháo đường.

Nghiên cứu cho biết statin có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2
Nghiên cứu cho biết statin có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Bạn có biết rất có thể một loại thuốc mà bạn đang dùng để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ thực ra lại đang gây nguy hiểm theo một cách khác?

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường

Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.

Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?
Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?

Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.

6 điều cần biết về liều insulin để điều trị bệnh tiểu đường
6 điều cần biết về liều insulin để điều trị bệnh tiểu đường

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với những người cần điều trị bằng insulin, bắt đầu ngay từ sớm hơn sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về liệu pháp insulin và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều insulin cần sử dụng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây