1

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống được thực hiện khi nào?

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể. Phương pháp này thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bao gồm cả tiểu đường thai kỳ.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống được thực hiện khi nào? Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống được thực hiện khi nào?

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống là gì?

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (oral glucose tolerance test) giúp đánh giá khả năng xử lý glucose hay đường trong máu của cơ thể. Glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể.

Thông thường, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống được thực hiện để chẩn đoán tiền tiểu đường và tiểu đường, đặc biệt là những trường hợp có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống còn được sử dụng để phát hiện các vấn đề khác như:

  • Hạ đường huyết phản ứng
  • Bệnh to đầu chi - một tình trạng rối loạn nội tiết tố, trong đó tuyến yên sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng, khiến xương ở đầu, tay và chân phát triển lớn hơn bình thường
  • Suy giảm chức năng tế bào beta
  • Kháng insulin

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống là một loại xét nghiệm máu.

Các bước thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Trước khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu tiến hành nghiệm pháp thử thách glucose (glucose challenge test). Đây là phiên bản rút gọn của nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Nghiệm pháp thử thách glucose không cần nhịn ăn. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân uống một loại dung dịch có chứa 50 gram glucose. Sau 1 tiếng, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu máu để đo lượng đường trong máu.

Nếu đường huyết trên 140 mg/dL thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ tiếp tục phải thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi tiến hành lấy máu. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân không được ăn uống bất cứ thứ gì ngoại trừ nước lọc.

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống gồm có các bước như sau:

  1. Lấy mẫu máu ở đầu ngón tay, dái tai hoặc tĩnh mạch ở cánh tay. Mẫu máu được đem đi xét nghiệm để đo lượng đường trong máu. Đây chính là xét nghiệm đường huyết lúc đói.
  2. Bệnh nhân uống một loại dung dịch có chứa nồng độ đường cao (thường là chứa 75 gram glucose).
  3. Sau 1 tiếng, bệnh nhân được lấy máu một lần nữa.
  4. Đôi khi, bệnh nhân phải lấy máu nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tiếng
  5. Các mẫu máu được đem đi xét nghiệm để đo lượng đường trong máu

Giữa các lần lấy máu, bệnh nhân phải nằm yên và không uống nhiều nước vì vận động và uống nước sẽ làm sai lệch kết quả.

Có thể thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống ngay từ đầu mà không cần tiến hành nghiệm pháp thử thách glucose trước.

Ưu và nhược điểm của nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống giúp chẩn đoán nhiều loại tiểu đường, bao gồm cả tiền tiểu đường.

Phương pháp này giúp xác nhận chẩn đoán khi xét nghiệm HbA1c cho kết quả bất thường. Xét nghiệm A1C thường là một phần trong xét nghiệm máu thông thường nhưng kém nhạy hơn so với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Do đó, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống có thể giúp bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng.

Một nghiên cứu vào năm 2019 đã cho thấy rằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống là một công cụ sàng lọc hiệu quả hơn so với xét nghiệm A1C. Tương tự, theo một nghiên cứu vào năm 2020, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống giúp phát hiện bệnh tiểu đường ở giai đoạn sớm hơn so với xét nghiệm A1C, nhờ đó bệnh nhân có thể bắt đầu điều trị ngay khi vừa mắc bệnh.

Tuy nhiên, giống như hầu hết các xét nghiệm lâm sàng khác, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống cũng có một số điểm hạn chế. Kết quả xét nghiệm cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như:

  • Stress về thể chất
  • Stress về tinh thần
  • Vận động thể chất
  • Bệnh tật
  • Mới phẫu thuật

Những điều này có thể làm thay đổi kết quả và dẫn đến chẩn đoán sai.

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống mất nhiều thời gian hơn so với các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường khác do phải chờ vài tiếng sau khi uống dung dịch chứa đường và lấy mẫu máu nhiều lần.

Rủi ro của nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống rất an toàn vì chỉ cần lấy mẫu máu nhỏ giống như mọi xét nghiệm máu khác.

Hãy ăn uống đầy đủ vào bữa tối ngày hôm trước để tránh bị mệt do phải nhịn ăn.

Tuy nhiên, ở một số người, việc uống dung dịch có chứa lượng lớn glucose gây ra các vấn đề như buồn nôn, nôn và đổ mồ hôi.

Những người đã từng phẫu thuật giảm cân có thể gặp phải một số vấn đề khác như tiêu chảy và tim đập nhanh.

Và dù được thực hiện nhằm mục đích gì thì việc lấy máu cũng có thể gây ra các vấn đề không mong muốn như:

  • Đau
  • Chảy máu
  • Bầm tím
  • Mẩn đỏ
  • Kích ứng da do băng gạc
  • Chóng mặt

Bước tiếp theo sau xét nghiệm

Các bước tiếp theo phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm và sức khỏe tổng thể.

Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ giải thích ý nghĩa của các chỉ số.

Nếu đường huyết bình thường thì có nghĩa là không bị tiểu đường và không cần phải điều trị, chỉ cần tiếp tục duy trì thói quen sống lành mạnh, ăn uống điều độ, cân bằng và tập thể dục thường xuyên để duy trì sức khỏe.

Nếu kết quả xét nghiệm chỉ ra bệnh tiểu đường thì bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị để kiểm soát đường huyết, giảm các triệu chứng và phòng ngừa nguy cơ biến chứng.

Các phương pháp chính để điều trị bệnh tiểu đường gồm có:

  • Dùng thuốc
  • Tập thể dục
  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Sử dụng máy đo đường huyết để theo dõi lượng đường trong máu

Những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có thể sẽ phải thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống từ 4 đến 12 tuần sau khi sinh nhằm kiểm tra xem đường huyết đã trở về mức bình thường hay chưa và có bị tiểu đường type 2 hay không.

Nếu kết quả xét nghiệm bình thường thì nên lặp lại nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 1 đến 3 năm một lần để theo dõi đường huyết.

Một số câu hỏi thường gặp

Khi nào cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống?

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống được thực hiện trong những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường thai kỳ.

Thông thường, phương pháp này được chỉ định khi xét nghiệm HbA1c hoặc xét nghiệm dung nạp glucose cho kết quả bất thường. Các xét nghiệm này cũng giúp đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể nhưng kém nhạy hơn so với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Do đó, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống giúp chẩn đoán chính xác hơn.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống nếu nghi ngờ bệnh nhân đang có bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa glucose.

Có thể thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường uống tại nhà không?

Cho đến thời điểm hiện tại thì nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống chỉ có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế vì bệnh nhân cần được theo dõi trong quá trình làm xét nghiệm. Đối với một số người, việc uống dung dịch có chứa một lượng lớn đường là không an toàn và cần được thực hiện dưới sự giám sát y tế.

Tôi có cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường uống không?

Bạn có thể cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống nếu chỉ số A1c cao hơn bình thường. Chỉ số A1C cao là dấu hiệu của tiền tiểu đường (5,7 - 6,4%) hoặc tiểu đường (từ 6,5% trở lên).

Những phụ nữ đang mang thai cũng cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để tầm soát tiểu đường thai kỳ tại thời điểm 24 đến 28 tuần. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện nghiệm pháp thử thách glucose (glucose challenge test) trước. Nếu kết quả bất thường, sản phụ sẽ cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Những phụ nữ có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống trước 24 tuần. Các yếu tố nguy cơ gồm có:

  • Thừa cân
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ
  • Có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị tiểu đường type 2
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang
  • Bị tiền tiểu đường

Những ai cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống?

Những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc có kết quả sàng lọc bất thường cần thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Tóm tắt bài viết

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể. Phương pháp này thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bao gồm cả tiểu đường thai kỳ. Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống thường được thực hiện khi thai kỳ được 24 đến 28 tuần.

Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được lấy máu, sau đó uống một loại dung dịch chứa nồng độ glucose cao rồi tiếp tục lấy máu sau 1, 2 và 3 tiếng. Các mẫu máu được đem đi xét nghiệm để đo lượng đường trong máu.

Bệnh nhân phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Phương pháp này tốn nhiều thời gian hơn so với các xét nghiệm khác nhưng đây là một bước quan trọng trong chẩn đoán bệnh tiểu đường

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: Glucose, dung nạp glucose
Tin liên quan
Chế độ ăn uống cho người tiểu đường: Những thực phẩm nên ăn và nên tránh
Chế độ ăn uống cho người tiểu đường: Những thực phẩm nên ăn và nên tránh

Khi mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống là điều đầu tiên cần được thay đổi. Mục tiêu chính là kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng tiểu đường như bệnh tim mạch.

Xét nghiệm nước tiểu có chẩn đoán được bệnh tiểu đường không?
Xét nghiệm nước tiểu có chẩn đoán được bệnh tiểu đường không?

Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện và theo dõi nồng độ glucose cũng như là nồng độ ceton trong nước tiểu của những người mắc bệnh tiểu đường.

11 loại thực phẩm và đồ uống nên tránh khi mắc bệnh tiểu đường
11 loại thực phẩm và đồ uống nên tránh khi mắc bệnh tiểu đường

Biết được những thực phẩm cần tránh là điều rất quan trọng khi mắc bệnh tiểu đường. Nói chung, người bệnh nên tránh xa thực phẩm chứa chất béo xấu, đồ uống nhiều đường, ngũ cốc tinh chế và các loại thực phẩm chứa carb tinh chế khác.

Xét nghiệm đường huyết giúp phát hiện những vấn đề nào?
Xét nghiệm đường huyết giúp phát hiện những vấn đề nào?

Xét nghiệm đường huyết được thực hiện để kiểm tra lượng glucose trong máu. Xét nghiệm giúp phát hiện bệnh tiểu đường hoặc giúp những người mắc bệnh tiểu đường biết được lượng đường trong máu và mức insulin.

Người bị bệnh tiểu đường có được uống rượu vang không?
Người bị bệnh tiểu đường có được uống rượu vang không?

Một số bằng chứng cho thấy rằng uống một lượng rượu vang đỏ vừa phải mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng có ý kiến cho rằng người mắc bệnh tiểu đường không nên uống rượu vang vì rượu vang làm tăng đường trong máu. Vậy uống rượu vang đỏ có lợi hay có hại cho người bệnh tiểu đường?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây