1

Xét nghiệm nước tiểu có chẩn đoán được bệnh tiểu đường không?

Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện và theo dõi nồng độ glucose cũng như là nồng độ ceton trong nước tiểu của những người mắc bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm nước tiểu có chẩn đoán được bệnh tiểu đường không? Xét nghiệm nước tiểu có chẩn đoán được bệnh tiểu đường không?

Mục đích của xét nghiệm nước tiểu

Tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ thể không sản xuất đủ insulin/hoàn toàn không sản xuất insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả hoặc cả hai.

Insulin là một loại hormone giúp các tế bào của cơ thể hấp thụ đường trong máu để sản sinh năng lượng. Insulin được tạo ra bởi tuyến tụy, lượng insulin trong cơ thể thường tăng cao sau khi ăn.

Có loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường type 1tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Loại tiểu đường này thường được chẩn đoán khi còn nhỏ và phát triển nhanh chóng.

Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể không còn khả năng sử dụng insulin một cách hiệu quả. Trạng thái này được gọi là kháng insulin. Bệnh tiểu đường type 2 phát triển từ từ khi các tế bào cơ thể không phản ứng tốt với insulin và đường tích tụ trong máu.

Bệnh tiểu đường có thể xảy ra do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và lối sống. Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, lượng glucose (đường) trong máu ở mức cao hơn bình thường. Ở người bị tiểu đường type 1, cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng vì các tế bào không thể lấy glucose từ máu làm năng lượng. Quá trình đốt cháy chất béo tạo ra một loại chất hóa học gọi là ceton.

Lượng ceton tăng cao trong máu khiến cho máu có tính axit. Sự tích tụ ceton có thể gây nhiễm độc cơ thể và dẫn đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Xét nghiệm nước tiểu không thể chẩn đoán bệnh tiểu đường nhưng giúp theo dõi nồng độ ceton và glucose trong nước tiểu của người bệnh. Đôi khi xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để kiểm tra tình trạng bệnh và đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Ai nên xét nghiệm nước tiểu?

Xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện như một phần của quá trình khám sức khỏe định kỳ. bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để tìm sự hiện diện của glucose và ceton.

Nếu trong nước tiểu có một trong hai chất này thì có nghĩa là cơ thể đang không có đủ insulin. Nồng độ glucose cao trong nước tiểu cũng là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang ở mức cao.

Một số loại thuốc điều trị tiểu đường như canagliflozin (Invokana) và empagliflozin (Jardiance) làm tăng lượng đường trong nước tiểu. Những người đang dùng các loại thuốc này không nên xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ glucose nhưng vẫn có thể làm xét nghiệm để kiểm tra mức ceton.

Nồng độ glucose

Trước đây, xét nghiệm glucose niệu hay định lượng glucose trong nước tiểu được thực hiện để chẩn đoán và theo dõi bệnh tiểu đường nhưng hiện nay xét nghiệm này không còn được sử dụng phổ biến nữa.

Xét nghiệm đường huyết là cách chính xác hơn để chẩn đoán bệnh tiểu đường vì sẽ cho biết lượng glucose có trong máu.

Đo đường huyết hoặc đường trong nước tiểu tại nhà có thể giúp người bệnh theo dõi mức glucose trong cơ thể.

Nồng độ ceton

Xét nghiệm ceton trong nước tiểu thường cần thiết nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và có thêm 1 trong các yếu tố sau đây:

  • Có đường huyết trên 240 mg/dL (1)
  • Có vấn đề sức khỏe khác
  • Có các triệu chứng của nhiễm toan ceton - một biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường

Người bệnh có thể kiểm tra và theo dõi mức ceton bằng bộ xét nghiệm nước tiểu tại nhà. Nên sử dụng bộ xét nghiệm nước tiểu tại nhà nếu có các yếu tố nêu trên hoặc có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm toan ceton như:

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đường huyết liên tục ở mức cao, không đáp ứng điều trị
  • Sức khỏe có vấn đề, chẳng hạn như bị cúm hoặc nhiễm trùng
  • Luôn trong trạng thái mệt mỏi, kiệt sức
  • Liên tục cảm thấy khát nước, khô miệng
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Hơi thở có mùi trái cây
  • Đầu óc mơ hồ, không tỉnh táo

Người bệnh cũng nên đo ceton trong nước tiểu nếu có dự định tập thể dục và lượng đường trong máu ở mức cao.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cũng nên kiểm tra mức ceton. Tuy nhiên,những trường hợp này nên xét nghiệm máu thay vì xét nghiệm nước tiểu. Người bệnh sẽ được hướng dẫn chế độ ăn kiêng không làm tăng mức ceton.

Những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 1, nên hỏi bác sĩ về thời điểm đo ceton. Thông thường, nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt thì người bệnh sẽ không cần phải đo ceton thường xuyên.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm toan ceton, đường huyết trên 240 mg/dL hoặc cơ thể không đáp ứng với tiêm insulin thì người bệnh cần phải bắt đầu theo dõi mức ceton.

Chuẩn bị trước khi xét nghiệm nước tiểu

Trước khi làm xét nghiệm, hãy uống nhiều nước để lấy đủ lượng nước tiểu cần thiết. Cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng. Nếu loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang dùng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm thì sẽ phải tạm ngưng sử dụng một thời gian.

Xét nghiệm nước tiểu sẽ cho kết quả không chính xác nếu như mẫu nước tiểu có lẫn vi khuẩn hoặc tế bào. Do đó, cần làm sạch vùng kín bằng nước hoặc giấy lau sát khuẩn trước khi lấy mẫu nước tiểu.

Các bước thực hiện

Xét nghiệm nước tiểu thường được thực hiện tại các cơ sở y tế nhưng cũng có thể thực hiện bằng bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà. Xét nghiệm nước tiểu khá đơn giản, an toàn và hoàn toàn không gây đau đớn.

Xét nghiệm tại cơ sở y tế

Nhân viên y tế sẽ phát dụng cụ lấy mẫu, hướng dẫn cách lấy mẫu và nộp mẫu. Dưới đây là các bước xét nghiệm nước tiểu tại cơ sở y tế:

  1. Bệnh nhân được phát ống nhựa có dán nhãn để ghi tên và các thông tin cần thiết khác, có thể kèm theo giấy lau sát khuẩn.
  2. Bệnh nhân mang ống vào nhà vệ sinh, làm sạch vùng kín và tiến hành lấy mẫu nước tiểu. Lấy nước tiểu giữa dòng để tránh lẫn vi khuẩn hoặc tế bào trên da, có nghĩa là chỉ lấy phần nước tiểu ở giữa dòng tiểu, bỏ qua phần nước tiểu ở đầu và cuối.
  3. Khi đã lấy đủ mẫu nước tiểu, đậy nắp ống và rửa tay.
  4. Nộp mẫu theo hướng dẫn.

Mẫu nước tiểu sẽ được phân tích để tìm sự hiện diện của glucose và ceton. Kết quả sẽ có chỉ sau một thời gian ngắn.

Xét nghiệm tại nhà

Người bệnh có thể mua que thử ceton nước tiểu và tự sử dụng tại nhà. Hãy nhớ đọc kỹ hướng dẫn đi kèm và kiểm tra que thử trước khi sử dụng để đảm bảo que thử không bị lỗi hay hết hạn.

Các bước kiểm tra ceton bằng que thử nước tiểu tại nhà như sau:

  1. Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất.
  2. Làm sạch vùng kín bằng nước hoặc giấy lau sát trùng.
  3. Đi tiểu vào một hộp đựng sạch.
  4. Nhúng que thử vào nước tiểu. Que thử được phủ một loại hóa chất phản ứng với ceton. Vẩy nhẹ que thử để loại bỏ nước tiểu thừa bám trên que.
  5. Chờ cho que thử chuyển màu. Hướng dẫn đi kèm sẽ cho biết cần chờ trong bao lâu. Có thể sử dụng đồng hồ bấm giờ để đảm bảo chính xác.
  6. So sánh màu trên que thử với bảng màu đi kèm để biết mức ceton trong nước tiểu.
  7. Viết ngay kết quả vào sổ theo dõi.

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm đường trong nước tiểu

Đa số người khỏe mạnh đều không có glucose trong nước tiểu. Nếu xét nghiệm cho thấy nước tiểu có glucose thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Xét nghiệm nước tiểu không kiểm tra được lượng đường trong máu mà chỉ cho biết lượng glucose dư thừa trong máu có đi vào nước tiểu hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm nước tiểu có thể phản ánh tình trạng đường huyết trong khoảng thời gian vài giờ trước đó.

Xét nghiệm đường huyết vẫn là phương pháp chính để kiểm tra lượng đường trong máu tại thời điểm lấy mẫu.

Ý nghĩa kết quả kiểm tra ceton trong nước tiểu

Theo dõi nồng độ ceton trong nước tiểu là điều rất quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1. Ceton trong nước tiểu xảy ra phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type 1 hơn là bệnh nhân tiểu đường type 2.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) tại Anh, nồng độ ceton trong nước tiểu bình thường là dưới 0,6 mmol/L. (2)

Nếu nồng độ trên 0,6 mmol/L có nghĩa là đang có ceton trong nước tiểu. Nồng độ ceton trong nước tiểu được phân thành 3 mức là thấp, vừa và cao.

Thấp đến vừa

Nồng độ ceton trong nước tiểu từ 0,6 đến 1,5 mmol/L (10 đến 30 mg/dL) được coi là mức thấp đến vừa. Mức này có nghĩa là ceton mới đang bắt đầu tích tụ trong nước tiểu. Nên đo lại sau vài giờ.

Nên uống nhiều nước trước khi lấy mẫu. Không tập thể dục nếu đường huyết cũng ở mức cao. Đói có thể làm tăng lượng ceton trong nước tiểu nên không được bỏ bữa.

Vừa đến cao

Nồng độ ceton từ 1,6 đến 3,0 mmol/L (30 đến 50 mg/dL) được coi là mức vừa đến cao. Mức này có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh tiểu đường đang không được kiểm soát tốt và người bệnh cần báo cho bác sĩ.

Rất cao

Nồng độ ceton trong nước tiểu trên 3,0 mmol/L (50 mg/dL) là dấu hiệu của nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường và cần được can thiệp điều trị khẩn cấp. Đến trực tiếp phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất hoặc gọi cấp cứu nếu nồng độ ceton ở mức này.

Ngoài nồng độ ceton cao trong nước tiểu, các triệu chứng khác của nhiễm toan ceton còn có:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Thở gấp
  • Khô miệng và khô da
  • Đỏ mặt
  • Cứng hoặc nhức cơ
  • Kiệt sức
  • Đau đầu
  • Không tỉnh táo
  • Hơi thở có mùi trái cây

Nhiễm toan ceton có thể gây phù não, hôn mê và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bước tiếp theo sau xét nghiệm nước tiểu

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có glucose hoặc ceton trong nước tiểu, bệnh nhân sẽ phải làm thêm xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Glucose hay ceton trong nước tiểu có thể là dấu hiệu chỉ ra phác đồ điều trị bệnh tiểu đường hiện tại đang không hiệu quả và cần phải điều chỉnh. Người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng các biện pháp như:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Dùng thuốc
  • Đo đường huyết tại nhà

Người mắc tiểu đường type 1 cần phải thường xuyên kiểm tra mức ceton trong nước tiểu bằng que thử tại nhà. Mức ceton quá cao có thể là dấu hiệu của nhiễm toan ceton.

Nếu kết quả đo cho thấy ceton ở mức thấp hoặc vừa thì hãy thực hiện theo các phương pháp điều trị mà bác sĩ đưa ra. Nếu ceton ở mức cao thì phải đến ngay cơ sở y tế.

Nhiễm toan ceton cần điều trị bằng phương pháp truyền dịch tĩnh mạch và insulin.

Người bệnh sẽ được hướng dẫn các biện pháp để ngăn ngừa nhiễm toan ceton tái phát trong tương lai. Biết được nguyên nhân gây nhiễm toan ceton và theo dõi mức ceton thường xuyên sẽ giúp người bệnh và bác sĩ điều chỉnh kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường cho phù hợp.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù xét nghiệm nước tiểu không giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường nhưng có thể giúp theo dõi mức ceton và glucose trong nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu còn giúp đánh giá khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường.

Nồng độ ceton trong nước tiểu ở mức thấp đến vừa có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt và người bệnh cần báo cho bác sĩ.

Nồng độ ceton trong nước tiểu ở mức cao chỉ ra nhiễm toan ceton. Đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây phù não, hôn mê và tử vong. Nếu kết quả đo cho thấy mức ceton cao thì phải gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nước tiểu
Tin liên quan
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?

Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?

Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.

Bị tiểu đường có được uống nước dừa không?
Bị tiểu đường có được uống nước dừa không?

Nước dừa là chất lỏng trong suốt bên trong quả dừa. Đây là một loại nước uống được nhiều người yêu thích, không chỉ bởi có vị ngọt tự nhiên mà còn chứa nhiều chất điện giải và có tác dụng bù nước rất tốt. Không giống như cùi dừa chứa nhiều chất béo, nước dừa gồm chủ yếu là carb. Vì lý do này nên nhiều người mắc bệnh tiểu đường băn khoăn không biết uống nước dừa có làm tăng lượng đường trong máu hay không.

Bị tiểu đường có được uống nước mía không?
Bị tiểu đường có được uống nước mía không?

Nước mía không chỉ có vị thơm ngọt hấp dẫn và là một loại nước giải khát phổ biến vào mùa hè mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền phương Đông, nước mía có tác dụng điều trị bệnh gan, thận và một số bệnh khác. Tuy nhiên, nước mía có chứa rất nhiều đường, vậy người bị bệnh tiểu đường có thể uống nước mía hay không?

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?

Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây