1

Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn bột yến mạch không?

Bột yến mạch mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và là một trong những loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, miễn là kiểm soát khẩu phần ăn. Một chén bột yến mạch nấu chín chứa khoảng 30 gram carb - một lượng carb phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh của bệnh nhân tiểu đường.
Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn bột yến mạch không? Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn bột yến mạch không?

Người bị tiểu đường có được ăn bột yến mạch không?

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa xảy ra do cơ thể không sản xuất đủ hormone insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Insulin là loại hormone cần thiết để đường (glucose) trong máu đi vào các tế bào và được chuyển hóa thành năng lượng, nhờ đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, sự thiếu hụt insulin hoặc sử dụng insulin kém hiệu quả sẽ gây khó khăn cho việc duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh mà đây lại là điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của những người mắc bệnh tiểu đường.

Một trong những điều quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu là phải kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ trong mỗi bữa ăn vì carbohydrate trong thực phẩm được cơ thể chuyển hóa thành glucose và do đó, carbohydrate ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu.

Điều quan trọng nữa là chọn những nguồn carb giàu chất dinh dưỡng và chất xơ thay vì carb tinh chế và thực phẩm chứa đường bổ sung. Giới hạn carb mỗi bữa ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, mức độ vận động…

Cho dù giới hạn carb là bao nhiêu thì việc lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng. Ăn thực phẩm giàu chất xơ và chất dinh dưỡng nhưng ít chất béo xấu và đường có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh và đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể.

Bột yến mạch mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và là một trong những loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, miễn là kiểm soát khẩu phần ăn. Một chén bột yến mạch nấu chín chứa khoảng 30 gram carb - một lượng carb phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh của bệnh nhân tiểu đường.

Bột yến mạch

Bột yến mạch từ lâu đã là một món ăn sáng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới. Bột yến mạch được làm từ yến mạch nguyên mạch đã loại bỏ vỏ trấu.

Có nhiều loại yến mạch, một số loại chính là yến mạch cắt nhỏ (steel-cut), yến mạch cán dẹt (rolled) và yến mạch ăn liền. Yến mạch càng qua xử lý, chế biến nhiều (chẳng hạn như yến mạch ăn liền) thì sẽ càng dễ tiêu hóa và lượng đường trong máu sẽ tăng càng nhanh sau khi ăn.

Bột yến mạch thường được nấu với nước hoặc các loại chất lỏng khác và ăn khi còn ấm, có thể cho thêm một số nguyên liệu khác như hạt, chất làm ngọt hay trái cây. Bạn có thể nấu trước từ buổi tối và sáng hôm sau chỉ cần làm nóng lại là có một bữa sáng nhanh chóng, ngon miệng và giàu dinh dưỡng.

Vì bột yến mạch có chỉ số đường huyết (glycemic index - GI) thấp nên đây là một lựa chọn lành mạnh cho bữa ăn sáng và người bệnh tiểu đường có thể sử dụng cho các món ăn sáng chứa nhiều carbohydrate như bánh mì, bánh ngọt hay mì…

Người mắc bệnh tiểu đường nên đo đường huyết sau khi ăn các loại thực phẩm khác nhau để biết được mức tăng lượng đường trong máu, từ đó điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.

Bột yến mạch còn có lợi cho sức khỏe tim mạch. Điều này rất quan trọng vì những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bình thường.

Lợi ích của bột yến mạch đối với người bệnh tiểu đường

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc ăn bột yến mạch mang lại một số lợi ích sau đây:

  • Giúp điều hòa lượng đường trong máu nhờ chứa hàm lượng chất xơ từ vừa đến cao và chỉ số đường huyết thấp.
  • Tốt cho tim mạch do chứa chất xơ hòa tan và yến mạch có thể giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.
  • Nếu được ăn thay cho các món ăn sáng chứa nhiều carb, bột yến mạch có thể giúp làm giảm nhu cầu tiêm insulin bữa ăn (insulin tác dụng nhanh).
  • Là một lựa chọn tiện lợi cho bữa ăn sáng.
  • Có hàm lượng chất xơ từ vừa đến cao, nhờ đó giúp duy trì cảm giác no lâu hơn sau khi ăn và giúp kiểm soát cân nặng.
  • Là một nguồn cung cấp năng lượng lâu dài.
  • Giúp điều hòa tiêu hóa.

Nhược điểm của bột yến mạch đối với người bệnh tiểu đường

Bột yến mạch là một loại thực phẩm lành mạnh đối với người mắc bệnh tiểu đường và hầu như không có nhược điểm. Tuy nhiên, lượng đường trong máu sẽ tăng lên nếu như ăn bột yến mạch ăn liền, thêm đường vào bột yến mạch hoặc ăn quá nhiều cùng một lúc.

Bột yến mạch có thể tác động tiêu cực đến những người bị liệt dạ dày – tình trạng các cơ co bóp của dạ dày hoạt động không bình thường, khiến cho quá trình thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột bị chậm lại. Ở những người mắc bệnh tiểu đường và chứng liệt dạ dày, lượng chất xơ trong bột yến mạch có thể khiến tình trạng này thêm nghiêm trọng hơn.

Lưu ý khi ăn bột yến mạch đối với người bệnh tiểu đường

Bột yến mạch có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi được sử dụng thay cho các món ăn sáng chứa carb hoặc đường.

Tuy nhiên, khi thêm bột yến mạch vào chế độ ăn uống, người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý một số điều sau đây.

Những điều nên làm khi ăn bột yến mạch

Dưới đây là một số điều nên làm để gia tăng lợi ích của bột yến mạch đối với sức khỏe.

  • Ăn bột yến mạch cùng với thực phẩm giàu protein hoặc chất béo tốt như trứng, hạt, bơ hạt hoặc sữa chua Hy Lạp. Thêm 1 - 2 muỗng canh hạt hồ đào, óc chó hoặc hạnh nhân xắt nhỏ vào bột yến mạch sẽ giúp bổ sung protein và chất béo tốt, nhờ đó giúp ổn định lượng đường trong máu. Sữa chua Hy Lạp cung cấp protein, canxi và vitamin D.
  • Chọn yến mạch cắt nhỏ hoặc yến mạch cán dẹt. Những loại yến mạch này chứa lượng chất xơ hòa tan cao hơn nên giúp điều hòa lượng đường trong máu tốt hơn và không qua xử lý nhiều nên sẽ được tiêu hóa chậm hơn.
  • Thêm quế: Quế chứa nhiều chất chống oxy hóa, có đặc tính chống viêm và có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Quế còn giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.
  • Thêm quả mọng: Các loại quả mọng như việt quất, mâm xôi cũng chứa chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng có lợi, ngoài ra còn giúp tạo vị ngọt cho món bột yến mạch.
  • Sử dụng sữa ít chất béo, sữa đậu nành không đường hoặc nước để nấu bột yến mạch. Sử dụng sữa ít béo hoặc sữa đậu nành giúp tăng hàm lượng chất dinh dưỡng mà không tăng quá nhiều chất béo trong bữa ăn. Những ngươi đang phải cắt giảm lượng calo và chất béo nên sử dụng nước để nấu bột yến mạch thay cho kem tươi hay các loại sữa có hàm lượng chất béo cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng sữa thì phải cộng lượng carb trong sữa vào tổng lượng carb của bữa ăn. 240ml sữa thông thường chứa khoảng 12 gram carb.

Những điều nên tránh khi ăn bột yến mạch

Dưới đây là những điều mà người bệnh tiểu đường nên tránh khi ăn bột yến mạch:

  • Không sử dụng bột yến mạch đóng gói sẵn hoặc bột yến mạch ăn liền có chứa chất làm ngọt. Các sản phẩm bột yến mạch ăn liền có hương vị thường được cho thêm đường và muối. Những sản phẩm này còn có lượng chất xơ hòa tan thấp hơn so với yến mạch cắt nhỏ và yến mạch cán dẹt.
  • Không thêm nhiều trái cây khô vào bột yến mạch vì trái cây sấy khô có chứa một lượng lớn carbohydrate.
  • Không thêm quá nhiều chất làm ngọt như đường cát, mật ong hay siro vào bột yến mạch. Những thành phần này sẽ làm tăng đáng kể lượng đường trong máu sau khi ăn. Nếu muốn tạo vị ngọt cho món ăn thì nên sử dụng các loại chất làm ngọt không chứa calo hoặc chứa ít calo như đường cỏ ngọt.
  • Hạn chế hoặc tránh dùng kem tươi. Thay vào đó nên sử dụng nước, sữa đậu nành hoặc sữa ít béo để nấu bột yến mạch.

Các lợi ích khác của bột yến mạch đối với sức khỏe

Ngoài lợi ích giảm lượng đường trong máu và cải thiện sức khỏe tim mạch, bột yến mạch còn giúp:

  • giảm cholesterol trong máu
  • kiểm soát cân nặng
  • làm đẹp da
  • giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng

Bột yến mạch không qua xử lý và không có đường được tiêu hóa chậm, có nghĩa là sẽ giúp no lâu hơn sau ăn. Điều này giúp giảm lượng thức ăn tiêu thụ và nhờ đó giúp giảm cân hay kiểm soát cân nặng. Bột yến mạch còn giúp điều hòa độ pH của da, nhờ đó làm giảm viêm và ngứa.

Tóm tắt bài viết

Bột yến mạch là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe đối với cả người mắc và không mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh tiểu đường, ăn bột yến mạch vào bữa sáng thay cho các món ăn chứa nhiều carb hay đường sẽ giúp cải thiện lượng đường trong máu. Tuy nhiên, do bột yến mạch vẫn chứa carbohydrate nên cần phải chú ý đến khẩu phần ăn.

Bột yến mạch là một lựa chọn lý tưởng cho bữa ăn sáng. Không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, bột yến mạch còn là nguồn cung cấp năng lượng lâu dài và giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, không nên thêm các loại thực phẩm làm tăng đường trong máu vào bột yến mạch và để tăng cường lợi ích thì nên ăn bột yến mạch cùng với các loại thực phẩm giàu protein và chất béo tốt như hạt hoặc sữa chua. Điều quan trọng là phải chọn yến mạch càn dẹt hoặc yến mạch cắt nhỏ thay vì yến mạch ăn liền.

Khi mới ăn bột yến mạch, hãy theo dõi mức đường huyết để biết phản ứng của cơ thể với loại thực phẩm này. Cơ thể của mỗi người là khác nhau. Người bệnh tiểu đường cần trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong chế độ ăn uống.

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?

Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng ấn tượng với hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa cao cùng một số vitamin và khoáng chất. Nhưng loại gạo này có phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hay không?

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn quả chà là không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn quả chà là không?

Chà là là loại quả có vị ngọt, bùi và thường được bán ở dạng sấy khô. Do có vị ngọt tự nhiên nên tác động của quả chà là đến lượng đường trong máu là mối lo ngại đối với những người mắc bệnh tiểu đường.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn nho khô không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn nho khô không?

Nho khô là một món ăn vặt hấp dẫn đối với những người thích đồ ngọt. Tuy nhiên, nho khô có vị ngọt như vậy thì liệu người bị tiểu đường có ăn được hay không?

Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn đồ ngọt không?
Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn đồ ngọt không?

Thực phẩm có chứa carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, những người có mức đường huyết cao hoặc mắc bệnh tiểu đường cần chú ý lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn để kiểm soát lượng đường trong máu.

Người bị bệnh tiểu đường có được uống rượu vang không?
Người bị bệnh tiểu đường có được uống rượu vang không?

Một số bằng chứng cho thấy rằng uống một lượng rượu vang đỏ vừa phải mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng có ý kiến cho rằng người mắc bệnh tiểu đường không nên uống rượu vang vì rượu vang làm tăng đường trong máu. Vậy uống rượu vang đỏ có lợi hay có hại cho người bệnh tiểu đường?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây