1

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn nho khô không?

Nho khô là một món ăn vặt hấp dẫn đối với những người thích đồ ngọt. Tuy nhiên, nho khô có vị ngọt như vậy thì liệu người bị tiểu đường có ăn được hay không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn nho khô không? Người bị bệnh tiểu đường có được ăn nho khô không?

Tiểu đường là một bệnh lý phổ biến nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về những gì được phép ăn và những gì cần kiêng khi mắc căn bệnh này. Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất là người bị tiểu đường phải kiêng hoàn toàn thực phẩm có chứa đường, bao gồm cả trái cây.

Nhưng trên thực tế, những người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn trái cây tươi và trái cây sấy khô như nho khô.

Trái cây là một nhóm thực phẩm tuyệt vời vì chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Tất cả mọi người, bao gồm cả người mắc bệnh tiểu đường, đều nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng với lượng trái cây hợp lý mỗi ngày. Tuy nhiên, người bị tiểu đường nên hiểu rõ tác động của nho khô đến khả năng kiểm soát đường huyết.

Người bị tiểu đường có được ăn nho khô không?

Người bị tiểu đường vẫn có thể ăn nho khô. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là có thể ăn bao nhiêu tùy thích.

Nho khô là một loại trái cây và giống như các loại trái cây khác, nho cũng chứa đường tự nhiên. Vì vậy, mặc dù người bị tiểu đường vẫn có thể nho khô nhưng chỉ nên ăn vừa phải để tránh bị tăng đường huyết đột ngột.

Cần nhớ rằng mặc dù trái cây tốt cho sức khỏe nhưng lại có chứa carbohydrate (carb). Do đó, cần tính cả lượng carb trong trái cây vào tổng lượng carb của bữa ăn để không vượt quá giới hạn carb.

Hai muỗng canh nho khô chứa khoảng 15 gram carbohydrate.

Lợi ích của nho khô

Tương tự như các loại trái cây khác, nho khô chứa ít calo nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao.

Ví dụ, 1/4 chén nho khô chỉ chứa khoảng 120 calo, cung cấp 2g chất xơ, 25mg canxi và 298mg kali.

Chất xơ giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn và có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa.

Canxi giúp cơ thể duy trì và hình thành cấu trúc xương chắc khỏe. Kali bảo vệ hệ thần kinh, tăng cường sức mạnh của cơ và đồng thời giúp kiểm soát lượng nước trong cơ thể.

Tác động của nho khô đến đường huyết

Ăn nho khô có thể giúp kiểm soát đường huyết sau bữa ăn.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 10 người khỏe mạnh gồm 4 nam và 6 nữ để đánh giá ảnh hưởng của nho khô đến khả năng kiểm soát đường huyết. (1)

Những người tham gia được cho ăn 4 bữa sáng vào 4 ngày khác nhau trong khoảng thời gian từ 2 đến 8 tuần, trong đó có 2 bữa với bánh mì trắng và 2 bữa với nho khô. Sau bữa ăn 2 tiếng, các nhà nghiên cứu tiến hành đo lượng đường trong máu và insulin.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sau khi ăn sáng bằng nho khô, mức tăng đường huyết và insulin thấp hơn đáng kể so với sau khi ăn bánh mì trắng.

Từ đó, nhà nghiên cứu đưa ra kết luận nho khô có tác động tích cực đến phản ứng đường huyết.

Chỉ số đường huyết của nho khô

Điều quan trọng là phải biết chỉ số đường huyết của nho khô.

Chỉ số đường huyết về cơ bản là một chỉ số cho biết tốc độ tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate trong thực phẩm hay nói cách khác là tốc độ mà một loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn.

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình có thể giúp giữ ổn định lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường.

Đa số các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp vì chứa chất xơ và đường fructose. Tuy nhiên, một số loại trái cây, chẳng hạn như nho khô, lại có chỉ số đường huyết trung bình.

Điều này không có nghĩa là người mắc bệnh tiểu đường không được ăn nho khô nhưng chỉ nên ăn vừa phải để tránh làm tăng vọt mức đường huyết.

Một số loại trái cây khác cũng có chỉ số đường huyết trung bình là chà là, dưa hấu, xoài, chuối, đu đủ và dứa.

Người mắc bệnh tiểu đường chỉ nên tiêu thụ 01 khẩu phần carb mỗi lần.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), 01 khẩu phần carb là 15 gram. Vì vậy, mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 2 thìa canh nho khô. (2)

Vì nho khô khó tạo cảm giác no nên tốt nhất chỉ ăn nho khô như một phần của bữa ăn hoặc sử dụng làm đồ ăn nhẹ.

Nho tươi dễ tạo cảm giác no hơn và vì chứa nhiều nước hơn nên cùng một khối lượng nho tươi sẽ chứa lượng đường ít hơn nho khô. Nho tươi cũng có chỉ số đường huyết thấp hơn nho khô.

Chế độ ăn uống lành mạnh cho người bệnh tiểu đường

Tất cả mọi người, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường, đều nên thêm trái cây vào chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày.

Ăn uống lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và duy trì cân nặng hợp lý, ngoài ra còn tăng cường mức năng lượng và giúp chúng ta cảm thấy khỏe khoắn từ trong ra ngoài.

Một chế độ ăn uống lành mạnh cần có các nhóm thực phẩm như:

  • Trái cây
  • Rau củ
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Sữa ít béo hoặc tách béo

Ngoài ra cần kết hợp với các nguồn protein nạc như cá, thịt bò, lợn nạc, gia cầm, trứng và các loại đậu.

Hạn chế natri và đường bổ sung. Khi mua trái cây đóng hộp, nước ép trái cây hay các sản phẩm làm từ trái cây khác, hãy lựa chọn những sản phẩm không thêm đường.

Mặc dù thi thoảng người bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn đồ ngọt nhưng hãy hạn chế ăn kẹo, bánh ngọt và bánh quy vì những món ăn này sẽ làm tăng lượng đường trong máu và gây cản trở việc kiểm soát cân nặng.

Kiểm soát khẩu phần ăn là điều quan trọng để tránh nạp vào quá nhiều calo - nguyên nhân dẫn đến tăng cân.

Một số cách để kiểm soát khẩu phần ăn:

  • Ăn bằng bát, đĩa nhỏ hơn
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn
  • Cân đo lượng thực phẩm của mỗi bữa ăn

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và biết rõ những gì nên ăn, nên tránh là điều quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường.

Nếu đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường mà vẫn khó giữ ổn định đường huyết thì rất có thể chế độ ăn uống đang có vấn đề.

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:

  • Tổn thương thần kinh
  • Bệnh thận
  • Loét chân
  • Bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột quỵ)

Nếu không biết cách xây dựng chế độ ăn uống thì có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

Tóm tắt bài viết

Nhiều người cho rằng một khi mắc bệnh tiểu đường thì sẽ phải kiêng trái cây, đặc biệt là những loại trái cây sấy khô có vị ngọt đậm như nho khô.

Tuy nhiên, trái cây là một nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời và chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết khác. Nhiều loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình mà người bị tiểu đường hoàn toàn có thể và nên đưa vào chế độ ăn uống. Nho khô là một trong số đó.

Mặc dù vậy nhưng không nên ăn quá nhiều nho khô cùng một lúc để tránh làm tăng đường huyết đột ngột. Duy trì lượng đường trong máu ổn định là điều rất quan trọng để tránh các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Nếu như không biết nên ăn gì, kiêng gì hoặc cần trợ giúp trong việc xây dựng chế độ ăn uống thì hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Xem thêm:

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?

Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng ấn tượng với hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa cao cùng một số vitamin và khoáng chất. Nhưng loại gạo này có phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hay không?

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn quả chà là không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn quả chà là không?

Chà là là loại quả có vị ngọt, bùi và thường được bán ở dạng sấy khô. Do có vị ngọt tự nhiên nên tác động của quả chà là đến lượng đường trong máu là mối lo ngại đối với những người mắc bệnh tiểu đường.

Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn đồ ngọt không?
Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn đồ ngọt không?

Thực phẩm có chứa carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, những người có mức đường huyết cao hoặc mắc bệnh tiểu đường cần chú ý lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn để kiểm soát lượng đường trong máu.

Người bị bệnh tiểu đường có được uống rượu vang không?
Người bị bệnh tiểu đường có được uống rượu vang không?

Một số bằng chứng cho thấy rằng uống một lượng rượu vang đỏ vừa phải mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng có ý kiến cho rằng người mắc bệnh tiểu đường không nên uống rượu vang vì rượu vang làm tăng đường trong máu. Vậy uống rượu vang đỏ có lợi hay có hại cho người bệnh tiểu đường?

Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn bột yến mạch không?
Người mắc bệnh tiểu đường có được ăn bột yến mạch không?

Bột yến mạch mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và là một trong những loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, miễn là kiểm soát khẩu phần ăn. Một chén bột yến mạch nấu chín chứa khoảng 30 gram carb - một lượng carb phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh của bệnh nhân tiểu đường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây