1

10 thực phẩm chức năng giúp giảm đường trong máu

Các nhà khoa học đang thử nghiệm nhiều loại thực phẩm chức năng khác nhau để tìm ra những loại có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Những loại thực phẩm chức năng như vậy sẽ có lợi cho những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2.
10 thực phẩm chức năng giúp giảm đường trong máu 10 thực phẩm chức năng giúp giảm đường trong máu

Theo thời gian, việc dùng kết hợp thực phẩm chức năng cùng với thuốc có thể giúp làm giảm liều dùng thuốc, mặc dù thực phẩm chức năng không thể thay thế hoàn toàn thuốc điều trị tiểu đường.

Dưới đây là 10 loại thực phẩm chức năng có thể giúp làm giảm đường huyết.

1. Quế

Thực phẩm chức năng quế được làm từ bột quế nguyên chất hoặc chiết xuất quế. Nhiều nghiên cứu cho thấy quế giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu đã cho những người bị tiền tiểu đường (đường huyết lúc đói trong khoảng 100 – 125 mg/dl) uống 250 mg chiết xuất quế trước bữa sáng và bữa tối trong 3 tháng và những người này đã giảm được 8,4% đường huyết lúc đói so với những người dùng giả dược.

Trong một nghiên cứu khác cũng kéo dài 3 tháng, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 uống 120 hoặc 360 mg chiết xuất quế trước bữa ăn sáng đã giảm được 11% hoặc 14% đường huyết lúc đói so với những người dùng giả dược.

Ngoài ra, hemoglobin A1C - mức đường huyết trung bình trong 3 tháng - giảm lần lượt 0,67% hoặc 0,92%. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều dùng cùng một loại thuốc tiểu đường trong suốt quá trình diễn ra nghiên cứu.

Cơ chế tác dụng: Quế có thể giúp các tế bào của cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin. Điều này giúp glucose trong máu được vận chuyển vào tế bào và nhờ đó làm giảm lượng đường trong máu.

Liều dùng: Liều dùng chiết xuất quế được khuyến nghị của là 250 mg x 2 lần/ngày, uống trước bữa ăn. Đối với thực phẩm chức năng quế thông thường (không phải chiết xuất quế) thì liều dùng lý tưởng là 500 mg x 2 lần mỗi ngày.

Lưu ý: Quế cassia hay còn gọi là quế đơn chứa chứa nhiều coumarin hơn so với quế ceylon. Coumarin là một hợp chất có thể gây hại cho gan khi dùng liều cao.

Kết luận: Quế có thể giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách làm cho các tế bào phản ứng nhạy hơn với insulin.

2. Nhân sâm Hoa Kỳ

Nhân sâm Hoa Kỳ, một loại sâm được trồng chủ yếu ở Bắc Mỹ, đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn khoảng 20% ở cả những người khỏe mạnh và người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Ngoài ra, khi những người mắc bệnh tiểu đường type 2 uống 1 gram nhân sâm Hoa Kỳ 40 phút trước bữa sáng, bữa trưa và bữa tối trong 2 tháng đồng thời vẫn duy trì các phương pháp điều trị thông thường, mức đường huyết lúc đói đã giảm 10% so với những người dùng giả dược.

Cơ chế tác dụng: Nhân sâm Hoa Kỳ có thể cải thiện phản ứng của tế bào với insulin và làm tăng tiết insulin.

Liều dùng: Uống 1 gram trước mỗi bữa ăn chính 2 tiếng, uống sớm hơn có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Dù dùng liều hàng ngày trên 3 gram thì hiệu quả cũng không cao hơn so vớiliều khuyến nghị.

Lưu ý: Nhân sâm có thể làm giảm hiệu quả của warfarin - một loại thuốc chống đông máu, vì vậy nếu đang dùng warfarin thì không nên dùng nhân sâm. Nhân sâm còn có thể kích thích hệ miễn dịch và điều này sẽ gây cản trở hoạt động của các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Kết luận: Uống 3 gram nhân sâm Hoa Kỳ mỗi ngày có thể giúp giảm đường huyết lúc đói và đường huyết sau bữa ăn. Cần lưu ý nhân sâm có thể tương tác với warfarin và các loại thuốc khác.

3. Men vi sinh

Tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, chẳng hạn như do dùng thuốc kháng sinh, có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm cả bệnh tiểu đường. (1)

Men vi sinh (probiotic) – các chế phẩm có chứa vi khuẩn có lợi hoặc các vi sinh vật khác - mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và có thể giúp cải thiện khả năng xử lý carbohydrate của cơ thể.

Trong một tổng quan nghiên cứu gồm 7 nghiên cứu được thực hiện trên những người mắc bệnh tiểu đường type 2, những người dùng men vi sinh trong ít nhất 2 tháng đã giảm 16 mg/dl đường huyết lúc đói và giảm 0,53% chỉ số A1C so với những người dùng giả dược.

Những người dùng loại men vi sinh có chứa nhiều hơn một chủng lợi khuẩn thậm chí còn giảm 35 mg/dl đường huyết lúc đói.

Cơ chế tác dụng: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy men vi sinh có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách giảm viêm và ngăn chặn sự phá hủy các tế bào tạo insulin của tuyến tụy. Ngoài ra, men vi sinh còn giúp làm giảm đường huyết thông qua một số cơ chế khác.

Lựa chọn men vi sinh: Nên chọn những loại men vi sinh có chứa nhiều hơn một chủng lợi khuẩn, chẳng hạn như những sản phẩm có chứa cả L. acidophilus, B. bifidum và L. rhamnosus. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm ra các chủng vi khuẩn có lợi nhất cho bệnh tiểu đường.

Lưu ý: Men vi sinh rất an toàn và không gây tác dụng phụ nhưng đôi khi, những sản phẩm này có thể dẫn đến nhiễm trùng ở những người có hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng.

Kết luận: Men vi sinh, đặc biệt là những loại men vi sinh có chứa nhiều hơn một chủng lợi khuẩn có thể giúp giảm đường huyết lúc đói và chỉ số A1C.

4. Nha đam

Nha đam hay lô hội có thể giúp ích cho những người đang cần giảm lượng đường trong máu.

Thực phẩm chức năng chứa chiết xuất nha đam hoặc nước ép nha đam có thể giúp giảm đường huyết lúc đói và chỉ số A1C ở những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2.

Trong một tổng quan nghiên cứu gồm 9 nghiên cứu được thực hiện trên những người mắc bệnh tiểu đường type 2, những người uống thực phẩm chức năng nha đam trong 4 - 14 tuần đã giảm 46,6 mg/dl đường huyết lúc đói và 1,05% chỉ số A1C.

Những người có đường huyết lúc đói trên 200 mg/dl trước khi dùng thực phẩm chức năng thậm chí còn có sự thay đổi rõ rệt hơn.

Cơ chế tác dụng: Các nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng nha đam có thể kích thích sản xuất insulin trong các tế bào tuyến tụy nhưng điều này vẫn chưa được xác nhận. Nha đam có thể giúp giảm đường huyết thông qua một số cơ chế khác.

Liều dùng: Hiện chưa có đủ nghiên cứu để kết luận nên dùng nha đam với liều lượng bao nhiêu và ở dạng nào là tốt nhất. Liều lượng thường được sử dụng trong các nghiên cứu là 1.000 mg mỗi ngày dưới dạng viên nang hoặc 2 muỗng canh (30ml) nước ép nha đam, chia ra uống làm nhiều lần trong ngày.

Lưu ý: Nha đam có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Không được dùng nha đam với thuốc điều trị bệnh tim mạch digoxin.

Kết luận: Viên nang hoặc nước ép từ lá nha đam có thể giúp giảm đường huyết lúc đói và chỉ số A1C ở những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2. Tuy nhiên, nha đam có thể tương tác với một số loại thuốc, đặc biệt là digoxin.

5. Berberine

Berberine không phải là một loại thảo dược mà là một hợp chất có vị đắng có nguồn gốc từ rễ và thân của một số loại cây, gồm có mao lương hoa vàng (goldenseal) và cây trầu bà (phellodendron).

Một tổng quan nghiên cứu gồm 27 nghiên cứu được thực hiện trên những người mắc bệnh tiểu đường type 2 đã quan sát thấy rằng những người dùng berberine kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống đã giảm 15,5 mg/dl đường huyết lúc đói và 0,71% chỉ số A1C so với những người chỉ thay đổi chế độ ăn uống và lối sống hoặc dùng giả dược. (2)

Tổng quan nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc kết hợp thực phẩm chức năng berberine với thuốc điều trị tiểu đường giúp giảm lượng đường trong máu hiệu quả hơn so với chỉ dùng thuốc.

Cơ chế tác dụng: Berberine có thể cải thiện độ nhạy insulin và tăng cường sự hấp thụ đường từ máu vào cơ, nhờ đó làm giảm đường huyết.

Liều dùng: Liều thông thường là 300 – 500 mg, uống 2 - 3 lần mỗi ngày sau các bữa ăn chính.

Lưu ý: Berberine có thể gây ra các chứng rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy hoặc đầy hơi nhưng có thể tránh các vấn đề này bằng cách dùng liều thấp (300 mg). Berberine có thể tương tác với một số loại thuốc nên phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng những thực phẩm chức năng chứa hợp chất này.

Kết luận: Berberine – một hợp chất chiết xuất từ rễ và thân của một số loài cây - có thể giúp giảm đường huyết lúc đói và A1C. Các tác dụng phụ gồm có rối loạn tiêu hóa nhưng có thể ngăn ngừa bằng cách dùng liều thấp.

6. Vitamin D

Thiếu vitamin D là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2.

Trong một nghiên cứu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, 72% người tham gia bị thiếu vitamin D.

Sau 2 tháng bổ sung 4.500 IU vitamin D mỗi ngày, cả đường huyết lúc đói và chỉ số A1C đều được cải thiện. Sau khi kết thúc nghiên cứu, 48% người tham gia có chỉ số A1C ở mức tốt trong khi tỷ lệ này ở đầu nghiên cứu chỉ là 32%.

Cơ chế tác dụng: Vitamin D có thể cải thiện chức năng của các tế bào tạo ra insulin của tuyến tụy và tăng khả năng đáp ứng của cơ thể với hormone insulin.

Liều dùng: Trước tiên nên làm xét nghiệm máu đo mức vitamin D để biết trạng thái vitamin D và từ đó xác định liều dùng thích hợp. Dạng hoạt động của vitamin D là vitamin D3 hay cholecalciferol nên hãy chọn những loại thực phẩm chức năng chứa dạng vitamin này.

Lưu ý: Vitamin D có thể gây ra phản ứng nhẹ đến vừa với một số loại thuốc. Vì vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng để được hướng dẫn cụ thể.

Kết luận: Thiếu vitamin D là vấn đề phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Bổ sung vitamin D có thể cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết tổng thể, điều này được thể hiện qua sự thay đổi về chỉ số A1C. Tuy nhiên, vitamin D có thể tương tác với một số loại thuốc.

7. Dây thìa canh

Dây thìa canh (Gymnema sylvestre) là một loại thảo dược được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường trong nền y học cổ truyền Ayurvedic của Ấn Độ. Tên của loài cây này trong tiếng Hindu là “gurmar”, có nghĩa là "loài cây hủy diệt đường".

Trong một nghiên cứu, những người bị tiểu đường type 2 dùng 400 mg chiết xuất lá dây thìa canh mỗi ngày trong 18 – 20 tháng đã giảm được 29% đường huyết lúc đói. Chỉ số A1C giảm từ 11,9% ở đầu nghiên cứu xuống còn 8,48% khi kết thúc nghiên cứu.

Nghiên cứu sâu hơn cho thấy loại thảo dược này có thể giúp giảm đường huyết lúc đói và chỉ số A1C ở cả những người mắc bệnh tiểu đường type 1 (bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin) và còn giúp giảm cảm giác thèm đồ ngọt bằng cách ngăn chặn thụ cảm vị ngọt trong miệng.

Cơ chế tác dụng: Dây thìa canh có thể làm giảm sự hấp thụ đường trong ruột và thúc đẩy quá trình di chuyển đường từ máu vào các tế bào. Loại thảo dược này còn có lợi cho người mắc tiểu đường type 1 nhờ tác dụng hỗ trợ các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Liều dùng: Liều khuyến nghị là 200 mg chiết xuất lá dây thìa canh x 2 lần mỗi ngày, dùng sau ăn.

Lưu ý: Dây thìa canh có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của insulin. Vì vậy nên những người đang phải điều trị bằng insulin chỉ nên sử dụng dây thìa canh khi có sự đồng ý của bác sĩ. Loại thảo dược này còn có thể làm thay đổi nồng độ một số loại thuốc trong máu và có thể gây tổn thương gan.

Kết luận: Dây thìa canh có thể làm giảm đường huyết lúc đói và chỉ số A1C ở cả người mắc tiểu đường type 1 và type 2, mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm. Những người phải dùng insulin nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử dùng loại thảo dược này.

8. Magiê

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng 25 – 38% người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nồng độ magiê (magnesium) trong máu thấp. Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở những người không kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Trong một tổng quan nghiên cứu, 8 trong số 12 nghiên cứu chỉ ra rằng việc uống bổ sung magiê trong 6 – 24 tuần giúp giảm đường huyết lúc đói ở cả những người khỏe mạnh và người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc tiền tiểu đường.

Hơn nữa, mỗi lần tăng liều dùng thêm 50 mg, mức đường huyết lúc đói ở những người bị thiếu magiê lại giảm 3%.

Cơ chế tác dụng: Magiê tham gia vào quá trình tiết insulin bình thường và hoạt động của insulin trong các mô của cơ thể.

Liều dùng: Liều được sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường thường là 250 – 350 mg mỗi ngày. Nên uống magiê trong hoặc sau bữa ăn để tăng cường sự hấp thụ.

Lưu ý: Không nên dùng oxit magiê (magnesium oxide) để tránh bị tiêu chảy. Thực phẩm chức năng bổ sung magiê có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và thuốc kháng sinh, vì vậy cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Kết luận: Thiếu hụt magiê là vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung magiê có thể giúp giảm đường huyết lúc đói.

9. Axit alpha-lipoic

Axit alpha-lipoic hay ALA là một hợp chất giống vitamin và chất chống oxy hóa mạnh được tạo ra trong gan và có trong một số loại thực phẩm như rau bina, bông cải xanh và thịt đỏ.

Khi những người mắc bệnh tiểu đường type 2 dùng 300, 600, 900 hoặc 1.200 mg ALA kết hợp với các phương pháp điều trị tiểu đường thông thường trong 6 tháng, mức đường huyết lúc đói và A1C đã giảm. Liều dùng ALA càng cao thì các chỉ số này giảm càng nhiều. (3)

Cơ chế tác dụng: ALA giúp cải thiện độ nhạy insulin và sự hấp thụ đường từ máu vào các tế bào, mặc dù có thể phải sau vài tháng mới có thay đổi rõ rệt. ALA còn bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi những tổn thương oxy hóa do lượng đường trong máu cao gây ra.

Liều dùng: Liều dùng ALA thông thường là 600 – 1.200 mg mỗi ngày, chia ra uống nhiều lần vào trước các bữa ăn.

Lưu ý: ALA có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các phương pháp điều trị bệnh cường giáp và suy giáp. Không dùng ALA liều quá cao nếu bị thiếu vitamin B1 (thiamine) hoặc bị chứng nghiện rượu.

Kết luận: ALA có thể làm giảm đường huyết lúc đói và chỉ số A1C, hiệu quả cao nhất khi dùng liều hàng ngày 1.200 mg. ALA còn có tác dụng chống oxy hóa, nhờ đó giúp làm giảm tổn hại do lượng đường trong máu cao. Tuy nhiên, ALA có thể gây cản trở các phương pháp điều trị bệnh tuyến giáp.

10. Crôm

Thiếu crôm (chromium) khiến cơ thể bị suy giảm khả năng chuyển hóa carb trong thức ăn thành glucose, dẫn đến thiếu hụt năng lượng và làm tăng nhu cầu insulin.

Trong một tổng quan nghiên cứu gồm 25 nghiên cứu, việc uống bổ sung crôm giúp làm giảm chỉ số A1C khoảng 0,6% ở những người bị tiểu đường type 2 và giảm đường huyết lúc đói trung bình khoảng 21 mg/dl so với giả dược.

Một số ít bằng chứng cho thấy crôm còn giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.

Cơ chế tác dụng: Crôm giúp tăng cường tác dụng của insulin hoặc hỗ trợ hoạt động của các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Liều dùng: Liều thông thường là 200 mcg mỗi ngày nhưng liều dùng lên đến 1.000 mcg mỗi ngày đã được chứng minh là có hiệu quả hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường. Dạng crôm picolinat được cơ thể hấp thụ tốt nhất.

Lưu ý: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng axit và một số loại thuốc điều trị chứng ợ nóng khác có thể làm giảm sự hấp thụ crôm.

Kết luận: Crôm có thể cải thiện hoạt động của insulin trong cơ thể và giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, có thể là cả người mắc tiểu đường type 1.

Tóm tắt bài viết

Nhiều loại thực phẩm chức năng như quế, nhân sâm, các loại thảo dược khác, vitamin D, magiê, men vi sinh và các hợp chất thực vật như berberine có thể giúp giảm lượng đường trong máu.

Một điều cần lưu ý khi dùng thực phẩm chức năng là kết quả thực tế có thể sẽ khác so với những gì diễn ra trong nghiên cứu do có sự tác động của nhiều yếu tố như thời gian duy trì tác dụng, chất lượng sản phẩm và tình trạng bệnh tiểu đường.

Nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thực phẩm chức năng, đặc biệt là khi đang dùng thuốc hoặc insulin để điều trị bệnh tiểu đường vì một số loại thực phẩm chức năng nêu trên có thể tương tác với thuốc và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Đôi khi sẽ cần giảm liều thuốc điều trị tiểu đường.

Mỗi lần chỉ nên thử một loại thực phẩm chức năng mới và đo đường huyết thường xuyên để theo dõi những thay đổi. Điều này sẽ giúp biết được tác động của thực phẩm chức năng đến lượng đường trong máu.

Xem thêm:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Uống giấm táo có thực sự giúp điều trị bệnh tiểu đường?
Uống giấm táo có thực sự giúp điều trị bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính, xảy ra do khả năng kiểm soát đường (glucose) trong máu của cơ thể bị suy giảm. Các phương pháp tiêu chuẩn để điều trị tiểu đường type 2 là dùng thuốc kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục. Ngoài ra còn có rất nhiều phương pháp có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và một trong số đó là giấm táo – một nguyên liệu nấu ăn quen thuộc. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng giấm táo có thể giúp ích cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.

10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường
10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường

Người bị bệnh thận và tiểu đường tốt nhất nên hạn chế một số chất dinh dưỡng, gồm có carb, natri, kali và phốt pho.

Chế độ ăn uống cho người tiểu đường: Những thực phẩm nên ăn và nên tránh
Chế độ ăn uống cho người tiểu đường: Những thực phẩm nên ăn và nên tránh

Khi mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống là điều đầu tiên cần được thay đổi. Mục tiêu chính là kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng tiểu đường như bệnh tim mạch.

11 loại thực phẩm và đồ uống nên tránh khi mắc bệnh tiểu đường
11 loại thực phẩm và đồ uống nên tránh khi mắc bệnh tiểu đường

Biết được những thực phẩm cần tránh là điều rất quan trọng khi mắc bệnh tiểu đường. Nói chung, người bệnh nên tránh xa thực phẩm chứa chất béo xấu, đồ uống nhiều đường, ngũ cốc tinh chế và các loại thực phẩm chứa carb tinh chế khác.

14 cách giảm đường trong máu một cách tự nhiên
14 cách giảm đường trong máu một cách tự nhiên

Có nhiều cách để kiểm soát lượng đường trong máu một cách tự nhiên, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ hay uống đủ nước, trong đó chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây