1

10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường

Người bị bệnh thận và tiểu đường tốt nhất nên hạn chế một số chất dinh dưỡng, gồm có carb, natri, kali và phốt pho.
10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường 10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường

Thận là cơ quan đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Thận giúp lọc máu, loại bỏ các chất thải, sản xuất một số hormone, giữ cho xương chắc khỏe, kiểm soát sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể và điều hòa huyết áp.

Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng thận có thể bị hỏng và hoạt động kém hiệu quả hơn theo thời gian. Tình trạng này được gọi chung là bệnh thận và ảnh hưởng đến khoảng 10% người trưởng thành trên toàn cầu.

Nhiều yếu tố và tình trạng sức khỏe, bao gồm cả bệnh tiểu đường, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.

Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài có thể làm hỏng các mạch máu, bao gồm cả những mạch máu trong thận. Do đó, những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn. Theo thống kê, cứ 3 người lớn mắc bệnh tiểu đường lại có 1 người bị bệnh thận.

Các hướng dẫn về chế độ ăn uống cho người mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh thận. Mục đích là để ngăn chặn sự tích tụ các chất hóa học, chất dinh dưỡng và chất thải khác nhau trong máu để duy trì chức năng thận.

Những người bị bệnh thận và tiểu đường cần theo dõi lượng đường và các khoáng chất natri, kali và phốt pho trong chế độ ăn.

Nói chung, những người mắc bệnh thận không nên ăn quá 2.300 mg natri mỗi lần, ngoài ra cần theo dõi lượng kali và phốt pho theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Hướng dẫn KDIGO mới nhất của Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) không đặt ra mức giới hạn cụ thể về lượng kali hoặc phốt pho. (1)

Những người bị bệnh thận cũng cần theo dõi hàm lượng protein (chất đạm) vì thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất thải từ quá trình chuyển hóa protein. Mặt khác, những người bị bệnh thận giai đoạn cuối lại cần nhiều protein hơn.

Nhu cầu dinh dưỡng của người mắc bệnh thận thay đổi theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn cho bệnh nhân về nhu cầu protein và các chất dinh dưỡng khác.

Dưới đây là 11 loại thực phẩm mà những người mắc bệnh thận và tiểu đường nên tránh.

1. Thịt chế biến sẵn

Các loại thịt chế biến sẵn được làm bằng cách sấy khô, ướp muối, thêm các loại gia vị, hóa chất hoặc hun khói để tăng hương vị, kết cấu và hạn sử dụng. Thịt muối xông khói, thịt nguội, xúc xích và thịt sấy khô là một số loại thịt chế biến sẵn phổ biến.

Vì thịt chế biến sẵn thường được ướp muối nên có hàm lượng natri cao. Ví dụ, một khẩu phần thịt muối xông khói (bacon) tiêu chuẩn (85 gram) chứa 1.430 mg natri, tương đương gần 62% lượng natri cho phép hàng ngày đối với người mắc bệnh thận. (2)

Thực phẩm có hàm lượng natri cao không tốt cho những người bị bệnh thận và tiểu đường vì quá nhiều natri khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn. Điều này làm tăng huyết áp và gây tích tụ chất lỏng ở những khu vực như mắt cá chân, xung quanh tim và phổi.

Thay vì các loại thịt đã qua chế biến sẵn, người bệnh nên ăn thịt tươi, tốt nhất là chọn những phần thịt nạc, không da như phi lê ức gà vì những loại thịt này chứa ít natri hơn. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các loại thực phẩm giàu protein khác, chỉ nên ăn thịt một cách điều độ, tùy vào giai đoạn bệnh thận.

Tóm tắt: Thịt chế biến sẵn có hàm lượng natri cao nên sẽ khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn. Người mắc bệnh thận và tiểu đường nên chọn những phần thịt nạc, không da và ăn một cách vừa phải.

2. Nước ngọt có ga sẫm màu

Nước ngọt có ga, đặc biệt là các loại có màu sẫm, không tốt cho những người bị bệnh thận và bệnh tiểu đường.

Nước ngọt có ga sẫm màu có chứa phốt pho – thành phần được sử dụng để ngăn sự đổi màu, kéo dài hạn sử dụng và tăng thêm hương vị. Hầu hết các loại nước ngọt có ga sẫm màu đều chứa 90 – 180 mg phốt pho trong mỗi khẩu phần 355 ml.

Mặc dù lượng phốt pho này có vẻ không nhiều so với mức giới hạn hàng ngày nhưng loại phốt pho trong nước ngọt có ga lại không giống với phốt pho tự nhiên có trong các loại thực phẩm như sữa hay các loại đậu. Loại phốt pho này không liên kết với protein mà thay vào đó lại tồn tại ở dạng muối, có nghĩa là phốt pho trong nước ngọt có ga được hấp thụ vào máu dễ dàng hơn.

Thận khỏe mạnh có thể dễ dàng loại bỏ lượng phốt pho thừa ra khỏi máu nhưng ở những người mắc bệnh thận thì điều này lại rất khó khăn.

Nồng độ phốt pho trong máu cao trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, làm yếu xương và tăng nguy cơ tử vong sớm.

Nước ngọt có ga và nhiều loại đồ uống đóng chai khác đều chứa hàm lượng đường lớn. Những loại đồ uống này không tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường vì cơ thể của người bệnh không thể kiểm soát lượng đường trong máu một cách bình thường.

Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài có thể làm hỏng dây thần kinh, gây tổn thương thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Thay vì nước ngọt có ga thì nên chọn các loại đồ uống ít đường và phốt pho, chẳng hạn như nước lọc, trà không đường hoặc nước khoáng có ga.

Tóm tắt: Nước ngọt có ga sẫm màu chứa nhiều đường và phốt pho nên có thể gây ra nhiều vấn đề vè sức khỏe cho những người mắc bệnh thận và tiểu đường.

3. Trái cây chứa nhiều kali

Nói chung, trái cây có lợi cho sức khỏe nhờ chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, những người bị bệnh thận và tiểu đường cần hạn chế ăn một số loại trái cây, chủ yếu là những loại chứa nhiều đường và kali.

Ở những người mắc bệnh thận, cơ thể không thể đào thải kali một cách hiệu quả, điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng nồng độ kali trong máu (tăng kali máu). Nếu không được điều trị, tăng kali máu có thể gây mệt mỏi, yếu cơ, các vấn đề về tim mạch và thậm chí tử vong.

Một số loại trái cây giàu kali là chuối, bơ, mơ, kiwi và cam.

Ví dụ, một quả bơ nặng 200 gram chứa 975 mg kali, cao hơn gấp đôi hàm lượng kali của một quả chuối 118 gram và chiếm gần một nửa lượng kali khuyến nghị hàng ngày đối với những người bị bệnh thận.

Người mắc bệnh thận nên giảm khẩu phần ăn xuống 1/4 quả bơ, 1/4 quả chuối,… nếu bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng cho phép. Nhu cầu và giới hạn kali của mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể.

Có rất nhiều loại trái cây có hàm lượng kali thấp mà người bệnh có thể thêm vào chế độ ăn uống như nho, các loại quả mọng, dứa, xoài và táo… nhưng cũng chỉ nên ăn vừa phải và chú ý theo dõi lượng carb nạp vào cơ thể.

Tóm tắt: Các loại trái cây có hàm lượng kali cao như chuối và bơ không tốt cho những người bị bệnh thận và tiểu đường. Thay vào đó, hãy chọn các loại trái cây chứa ít kali như nho, quả mọng hay dứa và ăn một cách vừa phải.

4. Trái cây sấy khô

Trái cây sấy khô được làm bằng cách loại bỏ nước từ trái cây tươi qua các quá trình khác nhau. Điều này cho ra thành phẩm là trái cây nhỏ, nhẹ hơn nhưng lại giàu dinh dưỡng và năng lượng hơn nhiều so với trái cây tươi.

Tuy nhiên, trái cây sấy khô không phải loại thực phẩm có lợi cho những người bị bệnh thận và tiểu đường vì trái cây sấy khô chứa nhiều đường và các loại khoáng chất như kali.

Trên thực tế, nửa chén (khoảng 65 gram) mơ khô chứa khoảng 755 mg kali.

Ngoài ra, trái cây sấy khô còn chứa nhiều đường tiêu hóa nhanh và điều này không hề tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.

Tóm tắt: Trái cây sấy khô chứa một lượng lớn kali và đường nên đây là nhóm thực phẩm cần tránh đối với những người mắc bệnh thận và tiểu đường.

5. Hầu hết các loại đậu và đậu lăng

Đối với những người khỏe mạnh, đậu và đậu lăng là nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, đối với những người bị bệnh thận và tiểu đường, đậu và đậu lăng (cả loại tươi và loại đóng hộp) đều không nằm trong danh sách những thực phẩm cần hạn chế do các loại đậu chứa hàm lượng phốt pho tương đối cao. Đậu đóng hộp còn chứa nhiều natri.

Ví dụ, 1 chén (185 gram) đậu lăng đóng hộp chứa 633 mg kali và 309 mg phốt pho.

Người mắc bệnh thận và tiểu đường vẫn có thể ăn đậu và đậu lăng nhưng chỉ nên ăn một lượng nhỏ và không nên để nhóm thực phẩm này là nguồn carb chính trong chế độ ăn.

Nếu ăn đậu và đậu lăng đóng hộp, hãy chọn những sản phẩm có hàm lượng natri thấp hoặc không có muối. Ngoài ra, một nghiên cứu đã cho thấy rằng để bỏ nước và rửa sạch thực phẩm đóng hộp trước khi ăn có thể làm giảm từ 33 – 80% hàm lượng natri. (3)

Một yếu tố khác cần quan tâm là khả năng hấp thụ kali của cơ thể từ các loại thực phẩm khác nhau. Chỉ khoảng 40 – 50% phốt pho trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật được cơ thể hấp thụ trong khi đó tỷ lệ hấp thụ lại lên đến 70% khi ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Cũng có bằng chứng cho thấy rằng chế độ ăn dựa trên thực vật với nguồn cung cấp protein chính là các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch và hạt có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mạn.

Tóm tắt: Hầu hết các loại đậu và đậu lăng đều chứa nhiều phốt pho và kali, có nghĩa là không tốt cho những người mắc bệnh thận và tiểu đường. Người mắc các bệnh này nên hạn chế ăn đậu và chọn những loại có hàm lượng natri thấp.

6. Thực phẩm đóng gói, thực phẩm ăn liền và đồ ăn nhanh

Thực phẩm đóng gói, thực phẩm ăn liền và đồ ăn nhanh thường chứa nhiều natri. Đó là một lý do tại sao những người bị bệnh thận và tiểu đường không nên ăn nhiều những loại thực phẩm này.

Một số ví dụ là mì ăn liền, pizza cấp đông, đồ ăn đóng hộp đông lạnh và các loại thực phẩm tiện lợi nấu bằng lò vi sóng khác.

Ví dụ, một lát (102 gram) bánh pizza pepperoni đông lạnh chứa 568 mg natri, tương đương một phần tư lượng natri khuyến nghị hàng ngày đối với người mắc bệnh thận nhưng món ăn này lại không chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi.

Những loại thực phẩm này còn qua chế biến nhiều và thường chứa hàm lượng lớn carb tinh chế. Điều này có hại cho sức khỏe của những người bị tiểu đường vì carb tinh chế được tiêu hóa nhanh chóng và dễ làm tăng lượng đường trong máu.

Tóm tắt: Thực phẩm đóng gói, thực phẩm ăn liền và đồ ăn nhanh chứa nhiều natri và carb tinh chế nhưng lại ít chất dinh dưỡng có lợi. Do đó nên hạn chế ăn những thực phẩm này nếu bị bệnh thận và tiểu đường.

7. Nước ép trái cây đóng chai

Những người mắc bệnh thận và tiểu đường nên tránh nước ép trái cây đóng chai và các loại đồ uống có đường khác.

Những loại đồ uống này thường được thêm một lượng đường bổ sung lớn nên sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng sau khi uống. Đây là điều đáng lo ngại vì bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ đường của cơ thể và mức đường huyết tăng cao kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe.

Thêm nữa, một số loại nước ép trái cây còn chứa nhiều khoáng chất như kali. Ví dụ, một cốc (240 ml) nước cam chứa khoảng 443 mg kali.

Tóm tắt: Các loại nước ép trái cây đóng chai như nước cam ép chứa nhiều kali và đường bổ sung nên không tốt cho những người bị bệnh thận và tiểu đường.

8. Một số loại rau xanh

Các loại rau xanh, chẳng hạn như cải bó xôi, cải bẹ, cải củ, rau muống chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali.

Chỉ cần 1 chén rau sống (30 – 38 gram) đã chứa 136 – 290 mg kali.

Cần lưu ý rằng khi nấu chín những loại rau lá này, chúng sẽ teo lại đáng kể nhưng hàm lượng kali thì không đổi.

Vì vậy, những người bị bệnh thận nên ăn sống các loại rau này vì ăn như vậy sẽ ăn ít hơn. Tất nhiên là vẫn có thể ăn rau đã nấu chín nhưng phải kiểm soát khẩu phần ăn.

Nhiều loại rau xanh còn chứa nhiều axit oxalic - một hợp chất hữu cơ có thể tạo thành oxalat khi liên kết với các khoáng chất như canxi.

Oxalat có thể hình thành sỏi thận ở những người có nguy cơ cao. Ngoài gây đau đớn, sỏi thận còn gây tổn thương thận và làm suy giảm chức năng thận.

Tóm tắt: Các loại rau xanh, chẳng hạn như cải bó xôi, cải bẹ, cải củ, rau muống có nhiều kali và axit oxalic. Axit oxalic có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

9. Đồ ăn vặt

Các món ăn vặt như bim bim hay bánh quy giòn thường chứa nhiều muối và carb tinh chế. Do đó, đây là những loại thực phẩm không phù hợp cho người bị bệnh thận và tiểu đường. Những loại thực phẩm này còn có giá trị dinh dưỡng không cao.

Một số loại đồ ăn vặt, chẳng hạn như snack khoai tây chiên, còn chứa hàm lượng lớn các khoáng chất khác, chẳng hạn như kali hoặc phốt pho, những thành phần này có thể là tự nhiên hoặc đến từ các chất phụ gia.

Ví dụ, một gói bim bim khoai tây chiên cỡ vừa (57 gram) chứa 682 mg kali, 300 mg natri và 87 mg phốt pho.

Nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh hoàn toàn các loại đồ ăn vặt, đặc biệt là khi có các vấn đề về sức khỏe như bệnh thận và tiểu đường. Thay vào đó nên chọn các món ăn vặt giàu dinh dưỡng và an toàn cho người bị tiểu đường.

Tóm tắt: Các loại đồ ăn vặt như bim bim hay bánh quy giòn chứa nhiều natri và đường tinh luyện trong khi lại rất ít chất dinh dưỡng có lợi. Do đó nên hạn chế ăn những thực phẩm này.

10. Khoai tây và khoai lang

Khoai tây và khoai lang có nhiều kali nên những thực phẩm này là mối lo ngại đối với những người mắc bệnh thận, đặc biệt là những người bị bệnh thận giai đoạn cuối.

Một củ khoai tây nặng 156 gram chứa 610 mg kali và một củ khoai lang 114 gram chứa 541 mg khoáng chất này.

Tuy nhiên, ngâm và rửa sạch khoai tây và khoai lang trước khi chế biến có thể làm giảm đáng kể hàm lượng kali.

Trong một nghiên cứu, việc luộc khoai tây sau khi gọt vỏ và xắt miếng trong ít nhất 10 phút giúp làm giảm khoảng 50% lượng kali.

Trong một nghiên cứu khác, ngâm khoai tây trong nước sau khi nấu chín có thể làm giảm tới 70% hàm lượng kali, giúp cho món ăn có lượng kali phù hợp hơn cho những người bị bệnh thận.

Mặc dù các phương pháp này có thể làm giảm hàm lượng kali nhưng khoai tây và khoai lang vẫn chứa nhiều carb nên người mắc bệnh tiểu đường chỉ được ăn vừa phải.

Tóm tắt: Những người bị bệnh thận và tiểu đường nên hạn chế ăn khoai tây và khoai lang vì các loại thực phẩm này chứa nhiều kali và carb. Tuy nhiên, luộc có thể làm giảm đáng kể hàm lượng kali.

Tóm tắt bài viết

Người bị bệnh thận và tiểu đường tốt nhất nên hạn chế một số chất dinh dưỡng, gồm có carb, natri, kali và phốt pho.

Việc điều chỉnh chế độ ăn khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường phụ thuộc vào giai đoạn bệnh thận nhưng điều quan trọng là phải cắt giảm những chất dinh dưỡng này để kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn và giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng theo thời gian.

Trao đổi trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống cụ thể dựa trên giai đoạn bệnh thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những thực phẩm tốt cho tim mạch mà người bệnh tiểu đường type 2 nên ăn
Những thực phẩm tốt cho tim mạch mà người bệnh tiểu đường type 2 nên ăn

Đối với những người bị bệnh tiểu đường, chế độ ăn quá nhiều calo hoặc chất béo sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao và theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến các biến chứng lâu dài, trong đó có bệnh tim mạch. Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch giúp làm giảm huyết áp, cholesterol tổng thể, LDL cholesterol (cholesterol xấu), triglyceride và lượng đường trong máu lúc đói, nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Chế độ ăn uống cho người tiểu đường: Những thực phẩm nên ăn và nên tránh
Chế độ ăn uống cho người tiểu đường: Những thực phẩm nên ăn và nên tránh

Khi mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống là điều đầu tiên cần được thay đổi. Mục tiêu chính là kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng tiểu đường như bệnh tim mạch.

Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường
Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau nhưng đa số có chung mục đích là giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Bệnh tiểu đường: Miệng có vị kim loại là do đâu?
Bệnh tiểu đường: Miệng có vị kim loại là do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây ra những bất thường về vị giác, gồm có tác dụng phụ của thuốc và vệ sinh răng miệng kém. Đôi khi, miệng có vị kim loại là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường.

Có những loại bệnh tiểu đường nào?
Có những loại bệnh tiểu đường nào?

Có 3 loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ. Điểm khác nhau giữa các loại bệnh tiểu đường này là gì?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây