1

Có những loại bệnh tiểu đường nào?

Có 3 loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ. Điểm khác nhau giữa các loại bệnh tiểu đường này là gì?
Có những loại bệnh tiểu đường nào? Có những loại bệnh tiểu đường nào?

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là một nhóm các tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ/hoàn toàn không sản xuất insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc cả hai.

Khi không có đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả (kháng insulin), cơ thể sẽ không thể đưa đường từ máu vào tế bào. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.

Xem thêm: Vai trò của insulin với bệnh tiểu đường

Glucose - dạng đường có trong máu - là một trong những nguồn năng lượng chính của cơ thể. Thiếu insulin hoặc kháng insulin khiến đường tích tụ trong máu và dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

Có 3 loại bệnh tiểu đường chính là:

  • Tiểu đường type 1
  • Tiểu đường type 2
  • Tiểu đường thai kỳ

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường type 1

Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy tế bào beta – các tế bào có chức năng sản xuất insulin trong tuyến tụy. Các tế bào một khi bị phá hủy sẽ bị hỏng vĩnh viễn.

Chưa rõ nguyên nhân khiến hệ miễn dịch tấn công các tế bào tuyến tụy nhưng có thể do cả yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh tiểu đường type 1 không liên quan đến yếu tố lối sống.

Bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 bắt đầu từ tình trạng kháng insulin, có nghĩa là cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, khiến cho tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn. Sau một thời gian làm việc quá mức, các tế bào beta sẽ không còn thực hiện được chức năng một cách bình thường. Lúc này, sự sản xuất insulin sẽ giảm, không đáp ứng kịp nhu cầu insulin của cơ thể và dẫn đến lượng đường trong máu cao.

Nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng kháng insulin và dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 vẫn chưa được xác định rõ nhưng có thể là do các yếu tố sau đây góp phần gây ra:

  • Di truyền
  • Lối sống ít vận động
  • Thừa cân hoặc béo phì

Ngoài ra cũng có thể có sự tham gia của yếu tố môi trường và các yếu tố sức khỏe khác.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là do các hormone ngăn chặn sự sản xuất insulin trong thai kỳ.

Loại tiểu đường này chỉ xảy ra trong thời gian mang thai. Những phụ nữ bị tiền tiểu đường hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ. Mặc dù tiểu đường thai kỳ thường tự khỏi sau khi sinh nhưng sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 trong tương lai. Khoảng 50% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ mắc bệnh tiểu đường type 2. (1)

Triệu chứng của bệnh tiểu đường

Các triệu chứng chung của bệnh tiểu đường không được kiểm soát gồm có:

  • Thường xuyên khát nước hoặc đói
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Buồn ngủ, mệt mỏi
  • Da ngứa, khô
  • Mờ mắt
  • Vết thương chậm lành

Bệnh tiểu đường type 2 còn có thể gây ra các mảng thâm sạm, bề mặt mịn như nhưng ở các vị trí có nếp gấp da như nách và cổ. Vì bệnh tiểu đường type 2 phát triển từ từ và thường được chẩn đoán muộn hơn nên người bệnh có thể sẽ gặp phải nhiều triệu chứng hơn tại thời điểm chẩn đoán, như đau hoặc tê bì ở bàn chân.

Bệnh tiểu đường type 1 thường phát triển nhanh hơn và có thể gây ra các triệu chứng như sụt cân hoặc nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton là tình trạng xảy ra khi lượng đường trong máu tăng quá cao và cơ thể có quá ít hoặc không có insulin.

Cả tiểu đường type 1 và type 2 đều có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra từ khi còn nhỏ.

Tiểu đường type 2 chủ yếu xảy ra ở những người trên 45 tuổi nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc loại bệnh tiểu đường này do lối sống ít vận động và thừa cân.

Mức độ phổ biến của bệnh tiểu đường

Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (International Diabetes Federation – IDF) vào năm 2021, trên thế giới có khoảng 537 triệu người trưởng thành (từ 20 - 79 tuổi) đang sống chung với bệnh tiểu đường. Con số này đang tăng lên từng ngày, dự kiến sẽ tăng lên 643 triệu người vào năm 2030 và 783 triệu người vào năm 2045. Số người mắc tiền tiểu đường thậm chí còn cao hơn.

Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ cao để được chẩn đoán là bệnh tiểu đường.

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng cao nếu có tiền sử gia đình bị bệnh này.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 còn có:

  • Lối sống ít vận động
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc tiền tiểu đường

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Các biến chứng của bệnh tiểu đường thường phát triển từ từ theo thời gian. Đường huyết được kiểm soát kém sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.

Một số biến chứng của bệnh tiểu đường gồm có:

  • Vấn đề về mạch máu, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
  • Vấn đề về mắt (bệnh võng mạc đái tháo đường)
  • Nhiễm trùng da hoặc các vấn đề về da khác
  • Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh đái tháo đường)
  • Bệnh thận
  • Phải cắt cụt chi do bệnh thần kinh hoặc bệnh lý mạch máu

Tiểu đường type 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, đặc biệt là khi lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt.

Các biến chứng trong thai kỳ

Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian mang thai có thể làm tăng nguy cơ:

  • Cao huyết áp
  • Tiền sản giật
  • Sảy thai hoặc thai chết lưu
  • Dị tật bẩm sinh

Điều trị bệnh tiểu đường

Bất kể mắc loại bệnh tiểu đường nào thì cũng phải tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra để kiểm soát tình trạng bệnh.

Mục đích chính của các phương pháp điều trị tiểu đường là duy trì đường huyết trong phạm vi khuyến nghị. Phạm vi đường huyết cần duy trì ở mỗi người là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại bệnh tiểu đường, tuổi tác và các biến chứng. Khi đi khám, bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị cụ thể.

Trong những trường hợp bị tiểu đường thai kỳ, mức đường huyết cần duy trì sẽ thấp hơn so với các loại tiểu đường khác.

Tích cực hoạt động thể chất là một điều quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về thời gian tập thể dục mỗi tuần. Ngoài ra, điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là bước không thể thiếu trong điều trị bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, người bệnh cần theo dõi huyết áp và mức cholesterol.

Điều trị tiểu đường type 1

Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường type 1 đều phải dùng insulin suốt đời vì tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin. Có nhiều loại insulin, mỗi loại có thời gian phát huy tác dụng, thời gian hiệu quả đạt tối đa và thời gian duy trì tác dụng khác nhau.

Insulin được tiêm ngay dưới da. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tiêm một cách hiệu quả và thay đổi vị trí tiêm (nên thay đổi vị trí tiêm thường xuyên để tránh bị loạn dưỡng mỡ). Người bệnh cũng có thể sử dụng máy bơm insulin - một thiết bị đeo bên ngoài cơ thể, gồm có một ống thông được đặt dưới da và có chức năng giải phóng insulin vào cơ thể trong suốt cả ngày.

Hiện nay có máy đo đường huyết liên tục giúp theo dõi lượng đường trong máu suốt 24 giờ mỗi ngày.

Người bệnh cần đo đường huyết thường xuyên trong ngày. Nếu bị cholesterol cao, cao huyết áp hay các biến chứng khác, người bệnh sẽ phải dùng thêm thuốc để điều trị.

Điều trị tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 có thể được kiểm soát và thậm chí đôi khi có thể đảo ngược bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục. Người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu.

Loại thuốc thường được sử dụng đầu tiên là metformin (Glumetza, Glucophage, Fortamet, Riomet). Thuốc này có tác dụng làm giảm sự sản xuất glucose trong gan. Nếu metformin không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác.

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng cần liên tục theo dõi đường huyết và dùng thuốc để kiểm soát huyết áp và cholesterol nếu cần.

Phòng ngừa bệnh tiểu đường

Không thể phòng ngừa bệnh tiểu đường type 1 nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 bằng cách:

  • Duy trì cân nặng hợp lý và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Không hút thuốc
  • Kiểm soát mức triglycerie
  • Cố gắng tăng HDL cholesterol

Đối với người bị tiểu đường thai kỳ hoặc tiền tiểu đường, những cách này có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn bệnh tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không?

Giống như các bệnh tự miễn khác, hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1. Những người mắc bệnh lý này cần phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, chỉ cần theo dõi chặt chẽ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị là sẽ tránh được các biến chứng nghiêm trọng.

Duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát hiệu quả và thậm chí đảo ngược bệnh tiểu đường type 2.

Tiểu đường thai kỳ đa phần tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, những phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2 sau này.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tinh dầu CBD có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường?
Tinh dầu CBD có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường?

CBD đang cho thấy nhiều hứa hẹn trong lĩnh vực điều trị các triệu chứng của bệnh tiểu đường cũng như là các vấn đề sức khỏe khác như động kinh, lo âu….

Tập thể dục có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường type 2?
Tập thể dục có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường type 2?

Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể không còn sử dụng hiệu quả lượng insulin được tạo ra và thậm chí còn ngừng sản xuất insulin. Đây là một bệnh lý phổ biến nhưng không phải là không thể tránh khỏi. Có thể ngăn ngừa và thậm chí đảo ngược được bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống, trong đó hai bước quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện. Kết hợp cả hai sẽ giúp duy trì sức khỏe tốt về lâu dài.

Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường
Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau nhưng đa số có chung mục đích là giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường
Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường

Chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường ngay từ sớm sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng dễ dàng hơn, ngăn ngừa các biến chứng về lâu dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Người bệnh tiểu đường cần chú ý những gì khi tập thể dục?
Người bệnh tiểu đường cần chú ý những gì khi tập thể dục?

Thói quen tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường nhưng có một số điều mà người bệnh cần lưu ý để đảm bảo an toàn khi tập luyện.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây