Người bệnh tiểu đường cần chú ý những gì khi tập thể dục?
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến việc tập thể dục như thế nào?
Thói quen tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường.
Đối với những người bị tiểu đường type 2, tập thể dục giúp duy trì cân nặng hợp lý và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tập thể dục còn giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết và tăng cường lưu thông máu.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường type 1, tập thể dục cũng là điều cần thiết để duy trì sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, người mắc loại bệnh tiểu đường này cần theo dõi chặt chẽ mức đường huyết vì tập thể dục có thể dẫn đến hạ đường huyết. Ở những người bị tiểu đường type 2 nhưng không dùng thuốc làm giảm lượng đường trong máu, nguy cơ hạ đường huyết thường chỉ ở mức thấp.
Dù trong trường hợp nào, tập thể dục đều có lợi, miễn là có biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp.
Vì thế nên đừng vì lo lắng về nguy cơ hạ đường huyết mà không tập thể dục. Có thể trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện thích hợp và phạm vi đường huyết cần duy trì để đảm bảo an toàn khi tập thể dục.
Những lưu ý khi tập thể dục
Những người vốn ít vận động nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện cường độ cao. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người đang mắc các bệnh lý mãn tính hoặc đã bị tiểu đường trên 10 năm.
Đối với những người trên 40 tuổi, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện nghiệm pháp gắng sức (stress test) trước khi bắt đầu tập thể dục để kiểm tra xem sức khỏe tim mạch có đủ điều kiện hoạt động thể chất hay không.
Người mắc bệnh tiểu đường cần chuẩn bị một số vật dụng trước khi bắt đầu tập thể dục. Thứ nhất là nên đeo vòng tay y tế và mang theo giấy tờ tùy thân để mọi người biết về tình trạng bệnh và can thiệp kịp thời khi xảy ra sự cố, đặc biệt là khi đang sử dụng các loại thuốc có thể gây hạ đường huyết. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên mang theo một số loại đồ ăn để tăng đường huyết, chẳng hạn như các nguồn carb tác dụng nhanh (trái cây, kẹo), viên nén glucose hay đồ uống thể thao có chứa đường.
Uống nhiều nước là điều rất cần thiết khi vận động thể chất và đối với những người bị bệnh tiểu đường thì điều này lại càng quan trọng. Mất nước trong quá trình tập thể dục có thể ảnh hưởng xấu đến mức đường huyết. Nhớ uống ít nhất 200ml nước trước, trong và sau khi tập luyện để cơ thể được bổ sung đủ nước.
Tập thể dục khi mắc bệnh tiểu đường có những rủi ro nào?
Khi tập thể dục, cơ thể bắt đầu sử dụng lượng đường trong máu làm nguồn năng lượng. Các tế bào trong cơ thể cũng phản ứng nhạy hơn với hormone insulin. Về tổng thể thì đây là điều có lợi.
Tuy nhiên, hai điều này có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp nếu như đang dùng một số loại thuốc như insulin hoặc sulfonylureas. Do đó, người bệnh phải theo dõi lượng đường trong máu cả trước và sau khi tập thể dục nếu đang dùng những loại thuốc này. Hỏi bác sĩ về mức đường huyết lý tưởng trước và sau khi tập thể dục.
Một số người mắc bệnh tiểu đường cần tránh tập luyện cường độ cao, ví dụ như người bị bệnh võng mạc đái tháo đường, các vấn đề về mắt khác, cao huyết áp hoặc có vấn đề ở chân. Tập thể dục cường độ cao còn có thể dẫn đến hạ đường huyết kéo dài nhiều giờ sau tập.
Những người đang dùng các loại thuốc có thể gây hạ đường huyết cần theo dõi đường huyết lâu hơn sau khi tập luyện cường độ cao.
Tập thể dục ngoài trời cũng có thể ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể. Ví dụ, sự dao động nhiệt độ quá lớn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Cần làm gì nếu đường huyết quá thấp hoặc quá cao trước khi tập thể dục? Đối với người bị tiểu đường type 1, nếu đường huyết tăng cao thì nên kiểm tra mức ceton trong nước tiểu bằng que thử. Nếu trong nước tiểu có ceton thì không nên tập thể dục. Nếu đường huyết ở mức thấp thì hãy nên ăn một chút gì đó trước khi bắt đầu tập luyện.
Kiểm tra đường huyết trước khi tập thể dục
Nên đo đường huyết trước khi tập khoảng 30 phút để đảm bảo đường huyết ở trong ngưỡng an toàn. Mặc dù nên thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ nhưng dưới đây là hướng dẫn chung.
Đường huyết dưới 100 mg/dL (5,6 mmol/L)
Nếu đường huyết ở mức dưới 100 mg/dL (5,6 mmol/L) và đang dùng thuốc làm tăng insulin thì nên ăn một ít đồ ăn chứa nhiều carb trước khi tập, chẳng hạn như trái cây, bánh quy hoặc kẹo. Sau khi ăn nên chờ một lúc và đo lại đường huyết. Khi đường huyết trở về mức bình thường thì mới bắt đầu tập thể dục.
Từ 100 đến 250 mg/dL (5,6 đến 13,9 mmol/L)
Có thể bắt đầu tập thể dục nếu đường huyết trong khoảng này.
250 đến 300 mg/dL (13,9 đến 16,7 mmol/L)
Mức đường huyết này có thể là dấu hiệu của nhiễm toan ceton nên cần phải kiểm tra mức ceton trong nước tiểu. Nếu nước tiểu có ceton thì không được tập thể dục cho đến khi đường huyết giảm xuống. Vấn đề này chủ yếu chỉ xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.
300 mg/dL (16,7 mmol/L) trở lên
Mức độ tăng đường huyết này có thể nhanh chóng tiến triển thành nhiễm toan ceton ở bệnh nhân tiểu đường type 1 - những người không có hormone insulin. Tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu tập thể dục.
Những người mắc tiểu đường type 2 hiếm khi bị thiếu insulin trầm trọng đến mức này nên thường không cần phải hoãn tập thể dục do tăng đường huyết, miễn là cảm thấy khỏe và nhớ uống đủ nước.
Dấu hiệu của hạ đường huyết khi tập thể dục
Việc nhận biết hạ đường huyết khi tập thể dục có thể sẽ hơi khó vì tập thể dục gây căng thẳng cho cơ thể và cũng gây ra một số hiện tượng giống như triệu chứng hạ đường huyết. Tuy nhiên, có một số triệu chứng chỉ xảy ra khi bị hạ đường huyết, chẳng hạn như thay đổi thị giác bất thường.
Dưới đây là các triệu chứng hạ đường huyết do tập thể dục ở những người mắc bệnh tiểu đường:
- Thay đổi tâm trạng bất thường, dễ cáu gắt
- Đột ngột cảm thấy mệt, kiệt sức
- Đổ mồ hôi quá nhiều
- Châm chích ở tay hoặc lưỡi
- Run tay
Khi gặp các triệu chứng này, hãy đo đường huyết và ngồi nghỉ. Ăn hoặc uống một chút đồ chứa carbohydrate tác dụng nhanh sẽ giúp đưa đường huyết trở lại mức bình thường.
Các bài tập phù hợp cho người bị tiểu đường
Nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chế độ tập luyện phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể. Để an toàn thì nên bắt đầu với các bài tập cardio nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ hay thể dục nhịp điệu. Mặc dù cường độ nhẹ nhưng những bài tập này cũng đủ tăng cường hoạt động của tim và phổi.
Tuy nhiên, nếu bị thương ở bàn chân do bệnh thần kinh đái tháo đường thì người bệnh nên chọn các bài tập không gây áp lực lên bàn chân để tránh bị thương nặng hơn. Một số bài tập phù hợp là đạp xe, chèo thuyền hoặc bơi lội. Luôn mang giày thoải mái, vừa chân cùng với tất làm bằng chất liệu tự nhiên, thoáng khí để tránh bị kích ứng da.
Cuối cùng, không nhất thiết phải tập cường độ quá cao hay tập quá lâu để có được những lợi ích nêu trên. Có thể bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng từ 5 đến 10 phút mỗi ngày. Sau đó tăng dần cường độ và thời lượng buổi tập lên khoảng 30 phút và cố gắng tập đều đặn hầu hết các ngày trong tuần.
Tỏi có nhiều lợi ích như giảm mỡ máu và huyết áp. Thường xuyên ăn tỏi còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch – một bệnh lý rất phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.
Các chuyên gia cho biết có một số điều mà người bị tiểu đường nên thực hiện trước những xét nghiệm này, gồm có điều chỉnh thuốc và ăn nhẹ.
Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin BCG giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.