1

Những chế độ ăn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường type 2

Đối với những người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 2, chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cân nặng. Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giữ đường huyết ổn định trong phạm vi khuyến nghị sẽ giúp làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng của bệnh tiểu đường như tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch và đột quỵ.
Những chế độ ăn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường type 2 Những chế độ ăn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường type 2

Cùng tìm hiểu xem thói quen ăn uống có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 cùng những chế độ ăn uống có lợi cho người mắc bệnh lý này.

Những thực phẩm nên ăn khi bị tiểu đường type 2

Cả người mắc bệnh tiểu đường type 2 và người khỏe mạnh đều nên ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng để cung cấp đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Nên chọn những nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe tim mạch, gồm có chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa. Theo một nghiên cứu vào năm 2017, những loại chất béo này có thể làm giảm mức cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Chế độ ăn uống cần có nhiều thực phẩm giàu chất xơ vì chất xơ giúp tăng cường khả năng kiểm soát đường huyết và duy trì cảm giác no lâu hơn sau bữa ăn, nhờ đó giúp giảm ăn vặt.

Điều quan trọng là chế độ ăn uống phải bền vững, có nghĩa là có thể thực hiện được về lâu dài. Những chế độ ăn kiêng quá khắt khe hoặc không phù hợp với lối sống thường khó thực hiện được lâu dài.

Dưới đây là một số loại thực phẩm bổ dưỡng nên có trong chế độ ăn uống:

  • Trái cây tươi như táo, cam, đào, lê, quả mọng,…
  • Rau củ như rau xanh, bông cải, dưa chuột, bí, dưa leo, cà chua, bí ngòi,…
  • Ngũ cốc nguyên hạt như quinoa, yến mạch, gạo lứt,…
  • Các loại đậu như đậu lăng, đậu đen, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu gà,…
  • Các loại quả hạch như hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười, hạt macca, hạt điều…
  • Các loại hạt như hạt chia, hạt bí, hạt lanh, hạt gai dầu…
  • Thực phẩm giàu protein như thịt gia cầm bỏ da, hải sản, thịt nạc, đậu phụ,…
  • Các nguồn chất béo tốt cho tim mạch như dầu ô liu, quả bơ, dầu hạt cải, dầu mè…
  • Các loại đồ uống lành mạnh như nước lọc, cà phê đen, trà không đường, nước ép rau củ…

Những thực phẩm nên tránh khi bị tiểu đường type 2

Chỉ có rất ít loại thực phẩm mà người bệnh tiểu đường type 2 cần phải kiêng hoàn toàn.

Người bệnh có thể ăn hầu hết tất cả các nhóm thực phẩm nhưng nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo, đường và cholesterol.

Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường bổ sung có thể giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường. (1)

Dưới đây là một số loại thực phẩm nên hạn chế khi mắc bệnh tiểu đường type 2:

  • Thịt chứa nhiều chất béo (thịt mỡ, da gia cầm, phần sẫm màu của thịt gà,…
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa nguyên kem như bơ, phô mai, kem chua…
  • Đồ ngọt như kẹo, bánh quy, bánh ngọt, kem, đồ ăn vặt…
  • Đồ uống có đường như nước trái cây, nước ngọt có ga, trà sữa, đồ uống thể thao, nước tăng lực, nước giải khát đóng chai…
  • Chất làm ngọt như đường kính trắng, đường nâu, mật ong, siro, rỉ mật…
  • Thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, bắp rang bơ, thịt nguội,…
  • Chất béo chuyển hóa như shortening thực vật, thực phẩm chiên, kem béo pha thực vật, dầu hydro hóa một phần…

Tính carb

Tính carbohydrate là một cách để kiểm soát lượng carb tiêu thụ và nhờ đó kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu lựa chọn phương pháp này, bạn sẽ phải biết được hàm lượng carb trong mỗi loại thực phẩm mình ăn và cộng lại để ra tổng lượng carb của bữa ăn và tổng lượng carb tiêu thụ trong ngày.

Bằng cách theo dõi cẩn thận, bạn sẽ biết được mình cần ăn bao nhiêu gram carbohydrate để duy trì mức đường huyết an toàn khi sử dụng insulin. Thời gian đầu có thể hỏi bác sĩ về lượng carb nên ăn mỗi ngày.

Carbohydrate có trong nhiều loại thực phẩm như:

  • Gạo, bột mì, các loại ngũ cốc và thực phẩm làm từ ngũ cốc khác
  • Các loại đậu
  • Khoai tây và các loại rau củ chứa tinh bột khác
  • Trái cây và nước ép trái cây
  • Sữa và sữa chua
  • Bánh, kẹo, đồ uống có đường và các loại đồ ngọt khác

Hiện nay có rất nhiều ứng dụng điện thoại giúp tính toán lượng carbohydrate trong thực phẩm. Khi mua thực phẩm chế biến sẵn, bạn có thể đọc bảng thông tin dinh dưỡng để biết hàm lượng carb trong sản phẩm.

Chế độ ăn Keto

Chế độ ăn Keto (ketogenic) là một chế độ ăn rất ít carb, gồm chủ yếu các loại thực phẩm giàu protein và chất béo, chẳng hạn như thịt bò, lợn, gia cầm, hải sản, trứng, phô mai, bơ, các loại hạt và quả hạch. Ngoài ra cũng có thể ăn các loại rau không chứa tinh bột, chẳng hạn như bông cải, bắp cải, rau xanh, ớt chuông, nấm, dưa chuột, giá đỗ, măng tây, măng…

Những người theo chế độ ăn Keto phải hạn chế các loại thực phẩm giàu carbohydrate, gồm có ngũ cốc, các loại đậu khô, rau củ chứa tinh bột, trái cây và đồ ngọt. Thông thường, chế độ ăn Keto chỉ cho phép ăn từ 20 đến 50 gram carbohydrate mỗi ngày.

Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 gồm 9 nghiên cứu, chế độ ăn ít carb có thể giúp tăng cường khả năng kiểm soát đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, đồng thời cải thiện mức triglyceride và HDL cholesterol (cholesterol tốt). (2)

Một nghiên cứu khác vào năm 2018 cũng có phát hiện tương tự, cho thấy rằng chế độ ăn Keto có thể cải thiện lượng đường trong máu và giảm tình trạng kháng insulin.

Tuy nhiên, cần cẩn thận trong việc lựa chọn thực phẩm khi thực hiện chế độ ăn Keto và các chế độ ăn ít carb khác vì nhiều loại thực phẩm giàu protein có chứa một lượng lớn chất béo bão hòa – một loại chất béo có hại cho sức khỏe. Có thể giảm lượng chất béo bão hòa bằng cách hạn chế ăn thịt đỏ, thịt mỡ và phô mai.

Do phải hạn chế các loại đậu khô, rau củ chứa tinh bột, ngũ cốc và trái cây nên chế độ ăn Keto dễ gây thiếu chất xơ. Vì thế nên cần chú ý ăn nhiều thực phẩm ít carb giàu chất xơ, chẳng hạn như các loại hạt, quả hạch và rau không chứa tinh bột.

Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác minh những lợi ích và tác hại về lâu dài của chế độ ăn Keto cũng như các chế độ ăn ít carb khác.

Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải

Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải là một chế độ ăn uống gồm chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, gồm có trái cây, rau củ, các loại đậu khô, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, hạt và dầu ô liu, ngoài ra cũng có cả một số loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá, thịt gia cầm, trứng và các sản phẩm từ sữa. Chế độ ăn này hạn chế thịt đỏ.

Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất béo tốt, trong khi ít cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường bổ sung.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2014 đã cho thấy rằng những người mắc bệnh tiểu đường type 2 theo chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có mức đường huyết thấp hơn so với những người theo chế độ ăn thông thường. (3) Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải còn mang lại các lợi ích khác như hỗ trợ giảm cân, giảm mức cholesterol và huyết áp.

Ngoài ra, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 đã chỉ ra rằng duy trì chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải lâu dài có thể làm giảm 20 – 23% nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và giảm 28 - 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Chế độ ăn DASH

DASH là viết tắt của Dietary Approach to Stop Hypertension, có nghĩa là chế độ ăn để chống tăng huyết áp. Chế độ ăn này vốn được thiết kế để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng cao huyết áp.

Giống như chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, chế độ ăn DASH gồm chủ yếu các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như trái cây, rau củ, các loại đậu khô, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch và hạt.

Chế độ ăn này còn gồm có cá, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa ít béo, trong khi hạn chế thịt đỏ, đồ ngọt và thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, natri và đường bổ sung.

Theo một tổng quan nghiên cứu được công bố vào năm 2017, chế độ ăn DASH là một chế độ ăn uống phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường type 2 với những lợi ích như:

  • Kiểm soát huyết áp
  • Giảm mức cholesterol
  • Cải thiện tình trạng kháng insulin
  • Giảm cân

Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 80 người bị tiểu đường type 2, những người thực hiện chế độ ăn DASH trong 12 tuần đã giảm đáng kể mức cholesterol và triglyceride, điều này giúp giảm nguy cơ các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường về lâu dài.

Chế độ ăn chay và thuần chay

Chế độ ăn chay không có các loại thịt và thủy hải sản.

Chế độ ăn thuần chay là chế độ ăn loại bỏ tất cả các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, bao gồm cả thịt, thủy hải sản, trứng và sản phẩm từ sữa.

Hai chế độ ăn này gồm chủ yếu các nguồn protein thực vật, chẳng hạn như:

  • Các loại đậu
  • Các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, tempeh, váng đậu
  • Quả hạch
  • Hạt
  • Ngũ cốc

Trái cây và rau củ cũng là những nhóm thực phẩm chính trong chế độ ăn chay và thuần chay. Người ăn chay có thể ăn trứng và sữa nhưng người ăn thuần chay thì không.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2014 gồm 6 nghiên cứu đã cho thấy rằng chế độ ăn chay có thể làm giảm đường huyết lúc đói và kiểm soát đường huyết về lâu dài.

Theo một tổng quan nghiên cứu khác vào năm 2018, ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và hạn chế thực phẩm có nguồn gốc từ động vật có thể làm giảm nguy cơ kháng insulin, tiền tiểu đường và tiểu đường.

Tuy nhiên, do phải loại bỏ nhiều nhóm thực phẩm nên người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay có nguy cơ bị thiếu hụt protein cùng một số vitamin và khoáng chất. Hơn nữa, không phải tất cả các loại thực phẩm thân thiện với chế độ ăn chay hoặc thuần chay đều chứa các chất dinh dưỡng có lợi.

Để đảm bảo sức khỏe, hãy ăn nhiều loại thực phẩm và đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Người ăn chay và thuần chay có thể phải dùng thực phẩm chức năng để bổ sung những chất dinh dưỡng bị thiếu trong chế độ ăn nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.

Tóm tắt bài viết

Dù chọn theo chế độ ăn nào thì cũng phải ăn đầy đủ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và chú ý kiểm soát khẩu phần ăn.

Cố gắng hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, thực phẩm nhiều cholesterol và đường bổ sung.

Điều quan trọng nhất là chế độ ăn phải bền vững, phù hợp với nhu cầu sức khỏe và lối sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tập thể dục có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường type 2?
Tập thể dục có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường type 2?

Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể không còn sử dụng hiệu quả lượng insulin được tạo ra và thậm chí còn ngừng sản xuất insulin. Đây là một bệnh lý phổ biến nhưng không phải là không thể tránh khỏi. Có thể ngăn ngừa và thậm chí đảo ngược được bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống, trong đó hai bước quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện. Kết hợp cả hai sẽ giúp duy trì sức khỏe tốt về lâu dài.

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn?
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn?

Bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các dạng suy giảm nhận thức khác nhau, gồm có bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch và suy giảm nhận thức nhẹ - tình trạng xảy ra trước sa sút trí tuệ.

Người bệnh tiểu đường cần chú ý những gì khi tập thể dục?
Người bệnh tiểu đường cần chú ý những gì khi tập thể dục?

Thói quen tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường nhưng có một số điều mà người bệnh cần lưu ý để đảm bảo an toàn khi tập luyện.

Những điều có thể bạn chưa biết về bệnh tiểu đường type 1
Những điều có thể bạn chưa biết về bệnh tiểu đường type 1

Nếu là một người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 1, chắc hẳn bạn đã nắm được những điều cơ bản về đường huyết và insulin nhưng có thể còn một số điều mà bạn chưa biết đến.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2
Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây