1

10 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số A1C của người bệnh tiểu đường type 2

Xét nghiệm A1C là xét nghiệm máu được sử dụng để theo dõi hiệu quả của phác đồ điều trị bệnh tiểu đường type 2. Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong 2 đến 3 tháng gần nhất.
a1c 10 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số A1C của người bệnh tiểu đường type 2

Kết quả xét nghiệm A1C được biểu thị ở đơn vị phần trăm. Tỷ lệ phần trăm càng lớn chứng tỏ lượng đường trong máu càng cao trong khoảng thời gian đó.

Theo khuyến nghị, mức A1C cần duy trì đối với hầu hết người mắc bệnh tiểu đường là 7% trở xuống. (1) Tuy nhiên, mức A1C cần duy trì ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và các bệnh lý khác đang mắc. Người bệnh nên hỏi bác sĩ về mức A1C lý tưởng.

Đôi khi, dù tuân thủ phác đồ kiểm soát và điều trị bệnh tiểu đường type 2 nhưng vẫn không đạt được mức A1C khuyến nghị. Nguyên nhân của điều này không phải lúc nào cũng là do phác đồ điều trị không hiệu quả.

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm A1C, một số yếu tố trong đó nằm ngoài tầm kiểm soát trong khi một số lại có thể dễ dàng thay đổi.

Dưới đây là 10 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số A1C.

1. Diễn tiến bệnh tiểu đường type 2

Theo thời gian, người bệnh có thể nhận thấy rằng việc giữ ổn định lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn, ngay cả khi vẫn duy trì chế độ ăn kiêng, tập thể dục và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Lý do là bởi vì bệnh tiểu đường type 2 là một bệnh tiến triển, có nghĩa là tình trạng bệnh sẽ nặng dần theo thời gian.

Các tế bào trong cơ thể người bệnh có thể ngừng phản ứng với hormone insulin do tuyến tụy sản xuất. Và cuối cùng, tuyến tụy có thể sẽ sản xuất ít insulin hơn hoặc ngừng sản xuất insulin hoàn toàn.

Khi bệnh tiểu đường type 2 tiến triển, phác đồ điều trị có thể sẽ không còn hiệu quả như trước và cần được điều chỉnh nhằm đạt được mức A1C khuyến nghị.

Các nghiên cứu ước tính rằng mức A1C của người mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng khoảng 1% sau mỗi 2 năm, ngay cả khi vẫn duy trì điều trị. (2)

Người bệnh cần cố gắng kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng cách thay đổi lối sống, đo đường huyết thường xuyên và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

2. Thay đổi nội tiết tố

Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến mức A1C.

Kinh nguyệt và mãn kinh tạo ra những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ và điều này có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Stress về thể chất hoặc tinh thần cũng có thể tác động đến mức A1C. Stress kích hoạt sự giải phóng các hormone có thể làm tăng lượng đường trong máu và điều này cũng có thể làm tăng chỉ số A1C.

Nếu đang trải qua những thay đổi về nội tiết tố, người bệnh nên báo cho bác sĩ để điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần.

Người bệnh cũng có thể trao đổi với bác sĩ về những cách để kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như:

  • Tập thể dục
  • Các biện pháp thư giãn như thiền hoặc yoga
  • Dành thời gian cho sở thích cá nhân
  • Đi chơi cùng người thân trong gia đình hoặc bạn bè

3. Mang thai

Một số nghiên cứu cho thấy xét nghiệm A1C có thể cho kết quả thấp giả ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ. Kết quả thấp giả có nghĩa là chỉ số A1C thấp trong khi lượng đường trong máu thực tế vẫn ở mức cao

Lý do là bởi mang thai làm thay đổi đời sống (tuổi thọ) của hồng cầu và điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm A1C.

Mức đường huyết và A1C mà bệnh nhân tiểu đường cần đạt được và duy trì sẽ thay đổi khi có thai. Phác đồ điều trị cũng có thể cần được điều chỉnh để đạt được mức đường huyết và A1C khỏe mạnh.

4. Các biến chứng của bệnh tiểu đường và bệnh đồng mắc

Một số biến chứng của bệnh tiểu đường có thể khiến cho việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn và điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm A1C. Ví dụ, bệnh nha chu - một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường - có thể làm tăng lượng đường trong máu.

Bệnh thận mạn là một bệnh lý cũng rất phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ số A1C không phản ánh chính xác lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường và bệnh thận mạn. (3)

Suy thận và các biến chứng của bệnh thận mạn, chẳng hạn như thiếu máu, có thể gây ra khiến xét nghiệm A1C cho kết quả cao giả, có nghĩa là chỉ số ở mức cao trong khi lượng đường trong máu thực tế lại ở mức thấp.

Khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phòng ngừa hoặc kiểm soát các biến chứng và vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường. Một số biến chứng khác của bệnh tiểu đường gồm có:

  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh thần kinh
  • Vấn đề về mắt hoặc thị lực
  • Vấn đề về bàn chân

Người bệnh cũng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, chẳng hạn như chuyên khoa tim mạch hoặc chuyên khoa mắt nếu như có các biến chứng của bệnh tiểu đường.

5. Thuốc điều trị các bệnh khác

Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau nhóm opioid và một số loại thuốc điều trị HIV, có thể gây ra kết quả xét nghiệm A1C cao giả.

Cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng trước khi làm xét nghiệm.

6. Mất máu hoặc truyền máu

Đời sống của hồng cầu là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số A1C.

Lý do là vì xét nghiệm A1C đo tỷ lệ phần trăm hồng cầu có huyết sắc tố hay hemoglobin gắn với glucose. Hemoglobin là một loại protein trong hồng cầu.

Những thay đổi trong hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm A1C. Trong những trường hợp gần đây bị mất máu hoặc phải truyền máu, kết quả xét nghiệm A1C có thể sẽ không chính xác.

7. Thiếu máu không được điều trị

Khi nồng độ sắt trong máu ở mức rất thấp, xét nghiệm A1C có thể cho kết quả cao giả, đặc biệt là trong những trường hợp bị thiếu máu do thiếu sắt - loại thiếu máu phổ biến, xảy ra khi số lượng hồng cầu khỏe mạnh quá ít do cơ thể không có đủ chất sắt. Sắt là thành phần cần thiết để cơ thể tạo ra hồng cầu mới thay thế cho hồng cầu cũ.

Nếu chỉ số A1C cao bất thường và nghi ngờ nguyên nhân là do thiếu máu thì hãy nói với bác sĩ để xét nghiệm lại.

8. Phác đồ điều trị không còn hiệu quả

Bệnh tiểu đường type 2 có thể tiến triển hoặc thay đổi theo thời gian và do đó phác đồ điều trị cũng cần được thay đổi theo để duy trì mức A1C lý tưởng.

Nếu khó kiểm soát mức đường huyết và cảm thấy phác đồ điều trị hiện tại không còn hiệu quả, hãy nói với bác sĩ để có hướng điều chỉnh, ví dụ như:

  • Bắt đầu dùng thuốc nếu như hiện tại mới chỉ đang kiểm soát bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục
  • Thay đổi liều dùng thuốc
  • Chuyển sang một loại thuốc khác
  • Chuyển từ thuốc đường uống sang insulin

9. Sự dao động đường huyết tự nhiên

Lượng đường trong máu dao động tự nhiên trong suốt cả ngày. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, chẳng hạn như:

  • Lượng carbohydrate tiêu thụ
  • Mức độ hoạt động thể chất
  • Chất lượng giấc ngủ
  • Căng thẳng

Vì chỉ số A1C cho biết mức đường huyết trung bình trong thời gian một vài tháng nên sự dao động về lượng đường trong máu sẽ ảnh hưởng đến chỉ số A1C.

Đo đường huyết thường xuyên sẽ giúp người bệnh biết được tác động của một số yếu tố nhất định đến lượng đường trong máu và từ đó có cách điều chỉnh để duy trì đường huyết trong phạm vi khuyến nghị.

10. Yếu tố bên ngoài

Đôi khi, kết quả xét nghiệm A1C bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không thể kiểm soát đến từ bên ngoài.

Những yếu tố như nhiệt độ, thiết bị được sử dụng và thậm chí cả cách xử lý mẫu trong phòng xét nghiệm đều có thể khiến cho kết quả xét nghiệm A1C bị sai lệch.

Nếu nghi ngờ kết quả xét nghiệm không đúng, hãy nói với bác sĩ để xét nghiệm lại.

Tóm tắt bài viết

Kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tiểu đường type 2.

Đôi khi, kết quả xét nghiệm A1C cao hơn hoặc thấp hơn bình thường dù vẫn tuân thủ chế độ ăn kiêng, tập thể dục và dùng thuốc.

Điều này chưa hẳn là do các phương pháp điều trị có vấn đề mà có thể là do sự thay đổi bình thường của tình trạng bệnh hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, chẳng hạn như thay đổi nội tiết tố, mang thai, các bệnh lý khác đang mắc hoặc dùng thuốc.

Nếu mức A1C nằm ngoài phạm vi an toàn, hãy trao đổi với bác sĩ để xác định nguyên nhân và những thay đổi cần thực hiện đối với phác đồ điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2
Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.

Tại sao người bệnh tiểu đường type 2 cần kiểm tra ceton trong nước tiểu?
Tại sao người bệnh tiểu đường type 2 cần kiểm tra ceton trong nước tiểu?

Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường sẽ dẫn đến nhiễm toan ceton, đặc biệt là tiểu đường type 1. Mặc dù hiếm gặp nhưng nhiễm toan ceton cũng có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Những thực phẩm tốt cho tim mạch mà người bệnh tiểu đường type 2 nên ăn
Những thực phẩm tốt cho tim mạch mà người bệnh tiểu đường type 2 nên ăn

Đối với những người bị bệnh tiểu đường, chế độ ăn quá nhiều calo hoặc chất béo sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao và theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến các biến chứng lâu dài, trong đó có bệnh tim mạch. Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch giúp làm giảm huyết áp, cholesterol tổng thể, LDL cholesterol (cholesterol xấu), triglyceride và lượng đường trong máu lúc đói, nhờ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Những chế độ ăn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường type 2
Những chế độ ăn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường type 2

Đối với những người đang sống chung với bệnh tiểu đường type 2, chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cân nặng. Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giữ đường huyết ổn định trong phạm vi khuyến nghị sẽ giúp làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng của bệnh tiểu đường như tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Người bệnh tiểu đường type 1 cần lưu ý gì khi tập thể dục?
Người bệnh tiểu đường type 1 cần lưu ý gì khi tập thể dục?

Duy trì hoạt động thể chất có thể giúp làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường type 1, gồm có cao huyết áp, bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh và suy giảm thị lực. Tập thể dục thường xuyên còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể của người bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây