1

Tiểu đường thai kỳ: những điều bạn nên biết

Tiểu đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các biến chứng cho cả mẹ và bé trong khi mang thai và khi sinh nở.
Tiểu đường thai kỳ: những điều bạn nên biết Tiểu đường thai kỳ: những điều bạn nên biết

Nội dung chính bài viết:

  • Tiểu đường thai kỳ xuất hiện lần đầu tiên khi người phụ nữ mang thai (trước đó không bị tiểu đường), khiến cho đường máu tăng cao. Bệnh thường phát triển vào khoảng tuần 24 – tuần 28 của thai kỳ.
  • Bất kỳ bà bầu nào cũng có nguy cơ bị tiểu đường, tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên khi bà bầu bị thừa cân béo phì hoặc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hoặc nhiều yếu tố khác.
  • Nhận biết tiểu đường thai kỳ thường thông qua các xét nghiệm, kiểm tra.
  • Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng trực tiếp tới thai phụ và thai nhi, có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con như tiền sản giật, tăng huyết áp, sinh non.
  • Lập kế hoạch ăn uống, tập luyện luôn là biện pháp ưu tiên trong kiểm soát tiểu đường thai kỳ. Khoảng 15% bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cần dùng thuốc để hạ đường huyết.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường xuất hiện lần đầu trong thai kỳ. Giống như bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, tiểu đường thai kỳ khiến cho lượng đường trong máu quá cao.

Khi bạn ăn, hệ thống tiêu hóa phân giải hầu hết thức ăn này thành đường glucose. Glucose được chuyển vào máu của bạn, sau đó được chuyển vào trong các tế bào để sử dụng làm nhiên liệu. Với sự trợ giúp của insulin (một hormone do tuyến tụy sản sinh), tế bào cơ, tế bào mỡ và các tế bào khác sẽ hấp thụ glucose từ máu của bạn.

Nhưng nếu cơ thể bạn không sản sinh ra đủ insulin, hoặc nếu các tế bào có vấn đề khi đáp ứng với insulin, thì lượng glucose trong máu của bạn quá nhiều thay vì chuyển vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng.

Khi mang thai, cơ thể bạn tự nhiên sẽ trở nên kháng insulin nhiều hơn để có nhiều glucose trong máu giúp nuôi dưỡng em bé. Đối với hầu hết các bà mẹ tương lai, đây không phải là vấn đề: Khi cơ thể bạn cần insulin bổ sung để xử lý lượng glucose tăng lên trong máu, tuyến tụy sẽ tiết ra nhiều hơn.

Nhưng nếu tuyến tụy không thể theo kịp nhu cầu tăng insulin trong thai kỳ, lượng đường trong máu sẽ tăng quá cao bởi vì các tế bào không sử dụng được glucose. Điều này dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ. Bệnh tiểu đường thai kỳ cần được nhận biết và điều trị kịp thời vì nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe đối với bà bầu và thai nhi.

Không giống như các loại bệnh tiểu đường khác, tiểu đường thai kỳ không phải là bệnh mạn tính. Một khi em bé chào đời, lượng đường trong máu hầu như sẽ trở lại bình thường một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, bị bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến dễ phát triển bệnh tiểu đường trong tương lai hơn.

Bà bầu nào có nguy cơ phát triển tiểu đường thai kỳ?

Bất cứ ai cũng có thể bị tiểu đường thai kỳ và không phải tất cả phụ nữ mắc chứng bệnh này đều nhận biết được các yếu tố nguy cơ. Khoảng 5 đến 10% số lượng bà bầu bị tiểu đường thai kỳ. Bạn có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn nếu bạn:

  • Từ 25 tuổi trở lên
  • Có một người họ hàng gần bị bệnh tiểu đường
  • Thừa cân, đặc biệt nếu chỉ số khối cơ thể của bạn (BMI) từ 30 trở lên
  • Có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Có một vấn đề sức khoẻ khiến có nguy cơ dễ mắc bệnh tiểu đường hơn, chẳng hạn như không dung nạp glucose
  • Uống một số loại thuốc như glucocorticoid (để trị bệnh hen suyễn hoặc bệnh tự miễn dịch), thuốc chẹn beta (trị huyết áp cao hoặc nhịp tim nhanh) hoặc thuốc chống loạn thần (trị các vấn đề về sức khoẻ tâm thần)
  • Đã bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
  • Đã từng sinh em bé quá to (macrosomia) trước đó

Tiếc là, không có cách nào để đảm bảo rằng bạn sẽ không bị bệnh tiểu đường thai kỳ. Nhưng có nhiều cách có thể giảm nguy cơ của bạn: duy trì lối sống lành mạnh – ăn chế độ cân bằng và tập luyện đều đặn có thể giúp giảm nguy cơ phát triển chứng bệnh này.

Triệu chứng tiểu đường thai kỳ

Hầu hết phụ nữ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Đó là lý do tại sao bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện một xét nghiệm để kiểm tra bệnh này khi bạn mang thai từ tuần thứ 24 đến 28.

Nếu có bất cứ yếu tố nguy cơ nào, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thử nghiệm này sớm hơn. Hầu hết những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ đều phát hiện ra họ mắc bệnh này sau khi thực hiện thử nghiệm trên.

Xét nghiệm kiểm tra phổ biến nhất là xét nghiệm sàng lọc glucose đường uống. Thử nghiệm này đo mức độ hiệu quả của cơ thể khi sản sinh ra insulin. Vào ngày thử nghiệm, bác sĩ sẽ cho bạn uống một loại chất lỏng ngọt. Một giờ sau, bạn sẽ được kiểm tra máu để kiểm tra mức đường huyết.

Nếu xét nghiệm cho thấy rằng lượng đường trong máu của bạn quá cao, bạn sẽ phải thực hiện một kiểm tra dài hơn gọi là xét nghiệm dung nạp glucose đường uống. Đối với thử nghiệm này, bạn sẽ cần phải nhịn ăn trước khi được cho uống một chất lỏng ngọt. Bạn sẽ được xét nghiệm máu lúc nhịn ăn, sau đó xét nghiệm lại sau một, hai và ba giờ. Nếu kết quả của hai bài kiểm tra cho thấy lượng đường trong máu quá cao, bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Cả hai xét nghiệm này đều an toàn cho bạn và thai nhi và không có bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Nhưng uống nước đường glucose có thể gây khó chịu và làm cho bạn cảm thấy buồn nôn sau đó.

Điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ

Nhiều phụ nữ có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ bằng cách làm theo kế hoạch tập luyện và ăn uống cân bằng, với chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên ngũ cốc nguyên cám, protein nạc, rau củ và các thực phẩm khác giải phóng đường chậm. Tuy nhiên, khoảng 15% phụ nữ bị bệnh cần dùng thuốc để giảm lượng đường trong máu (thuốc chống tăng đường huyết).

Tiêm insulin là cách điều trị phổ biến nhất cho bệnh đái tháo đường thai kỳ. Nếu cần insulin, bạn sẽ phải tiêm ba lần mỗi ngày, và bác sĩ sẽ dạy bạn tự tiêm tại nhà.

Theo dõi lượng đường trong máu là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị của bạn. Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách tự kiểm tra bằng máy đo chỉ số đường huyết. Cụ thể bạn sẽ chích máu từ ngón tay bằng một cây kim nhỏ vào mối buổi sáng và sau đó lặp lại một hoặc hai giờ sau khi đã ăn. Nhiều phụ nữ thấy thủ tục khó chịu này là một trong những điều tồi tệ nhất trong điều trị đái tháo đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng như nào đến quá trình mang thai

Hầu hết phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ đều có thể duy trì chỉ số đường huyết trong kiểm soát để có được thai kỳ thành công và thai nhi khỏe mạnh. Nhưng bị bệnh này làm cho bạn và thai nhi dễ bị một số biến chứng nhất định.

Nếu bị đái tháo đường thai kỳ, bà bầu có nhiều khả năng chuyển dạ sớm hơn (sinh non). Trẻ sinh ra sớm thường có vấn đề về sức khoẻ và cũng cần được chăm sóc thêm sau khi sinh. Bà bầu cũng có thể có nguy cơ cao về tăng huyết áp hoặc tiền sản giật. Những vấn đề này dễ dẫn đến sinh non hơn và có thể gây ra những vấn đề về sức khoẻ cho bà bầu và em bé.

Trẻ sinh ra từ những bà bầu bị bệnh có nhiều khả năng sẽ có cân nặng lớn hơn trung bình (chứng quá khổ khi sinh). Trẻ to có thể bị mắc kẹt khi đẻ (đẻ khó do kẹt vai), có thể làm hư hại dây thần kinh ở cổ và vai (chấn thương dây thần kinh cánh tay). Trẻ to có nhiều khả năng được chỉ định đẻ mổ. Con bạn cũng có nguy cơ có lượng đường máu thấp (hạ đường huyết) sau sinh và khó thở (suy hô hấp).

Cách mang thai khỏe mạnh khi bị tiểu đường thai kỳ

Điều quan trọng nhất bạn có thể làm để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh là làm theo kế hoạch điều trị của bác sĩ, bao gồm tuân thủ kế hoạch ăn uống, theo dõi lượng đường trong máu, tập thể dục đều đặn và thăm khám đầy đủ.

Mặc dù chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ có thể khiến bạn cảm thấy buồn và lo lắng, nhưng nếu được điều trị đúng cách và cẩn thận, bạn vẫn có thể có một thai kỳ không biến chứng và thai nhi khỏe mạnh.

Việc mới đầu bạn sẽ cảm thấy khó đối mặt với thông tin bị chẩn đoán mắc bệnh là điều hết sức tự nhiên. Bạn có thể cảm thấy như bị tước quyền thưởng thức các món ăn yêu thích, cũng như khó có thể có động lực để tập luyện khi cảm thấy mệt mỏi và chậm chạp.

Tuy nhiên, không phải bạn là thai phụ duy nhất phải đối mặt với những thay đổi này. Bằng cách thay đổi lối sống và thực phẩm ăn vào, bạn đang mang lại cho con mình cơ hội tốt nhất để có một khởi đầu khỏe mạnh trong cuộc sống.

Ngay cả khi gặp khó khăn trong việc tuân thủ kế hoạch điều trị của mình, điều quan trọng phải là cố gắng hết sức. Bác sĩ có thể cho bạn lời khuyên và hỗ trợ thêm nếu bạn đang cảm thấy khó khăn.

Khi nào nên gọi bác sĩ nếu bà bầu bị tiểu đường thai kỳ?

Nếu bị đái tháo đường thai kỳ, có thể bạn sẽ phải gặp bác sĩ thường xuyên hơn. Nhưng nếu bạn không cảm thấy không khỏe hoặc thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy liên hệ với bác sĩ ngay.

Những triệu chứng này có thể chỉ ra rằng lượng đường trong máu của bạn đang quá cao:

  • Cảm thấy rất khát
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Cảm thấy buồn nôn
  • Mờ mắt

Bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra bổ sung để đảm bảo rằng bạn và con hoàn toàn ổn. Nếu gặp khó khăn trong việc duy trì chỉ số đường huyết ở mức khỏe mạnh, bác sĩ có thể giới thiệu bạn tới một chuyên gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ
Thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ

Tiêm insulin nhằm giảm lượng đường trong máu của bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ bằng mức nồng độ đường máu của người phụ nữ bình thường. 1

Sử dụng cần sa trong thai kỳ - Những điều cần biết!
Sử dụng cần sa trong thai kỳ - Những điều cần biết!

Chúng ta không biết nhiều về những tác động có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong khi nghiên cứu về điều này hiện vẫn đang được tiến hành thì hầu hết các chuyên gia, bao gồm cả Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đều khuyên thai phụ không nên sử dụng cần sa. Tại sao?

Những điều cần biết khi xỏ khuyên, xăm hình lúc mang thai
Những điều cần biết khi xỏ khuyên, xăm hình lúc mang thai

Xỏ khuyên trong quá trình mang thai có an toàn không? Mang thai có nên tháo bỏ khuyên rốn? Xăm hình trong quá trình mang thai thì thế nào? Cách chăm sóc hình xăm khi mang thai sẽ như thế nào? Đó là những câu hỏi xung quanh nghệ thuật hình thể được các bà mẹ vô cùng quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây!

Những Điều Cần Biết Về Kỳ Kinh Đầu Tiên Sau Khi Sảy Thai
Những Điều Cần Biết Về Kỳ Kinh Đầu Tiên Sau Khi Sảy Thai

Sảy thai sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cả tâm lý và thể chất của người phụ nữ. Sau khi sảy thai, thường phải mất khoảng một tháng thì cơ thể mới hồi phục trở lại trạng thái bình thường. Trong thời gian này, kinh nguyệt sẽ trở nên bất thường nhưng đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến em bé như thế nào?
Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến em bé như thế nào?

Chỉ số đường huyết cao trong suốt thai kỳ và quá trình chuyển dạ làm tăng nguy cơ em bé bị hạ đường huyết sau khi sinh và trẻ sinh ra quá to.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Làm xét nghiệm tiểu đường thai kì có cần nhịn ăn?
  •  3 năm trước
  •  1 trả lời
  •  1551 lượt xem

Vào tuần thứ 29, em đi khám thai thì bác sĩ bảo em bị tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ hẹn 2 tuần sau tái khám sẽ làm xét nghiệm máu để xem định lượng HbA1c và định lượng Glucose sau ăn 2 giờ là thế nào? Vậy, trước khi làm hai xét nghiệm này em có cần nhịn đói không hay vẫn ăn bình thường

Cần lưu ý gì khi bị tiểu đường thai kì?
  •  2 năm trước
  •  1 trả lời
  •  543 lượt xem

Đi tầm soát tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 27 bằng test dung nạp 75g đường, em thấy có kết quả: Glucose lúc đói: 94,61 mg/dl; sau 1 giờ: 162, 64mg/dl; sau 2 giờ: 143,43 mg/dl. Có đúng là em bị tiểu đường thai kỳ không? Vậy, em phải lưu ý những gì?

Tiểu đường thai kì cần chế độ ăn thế nào?
  •  2 năm trước
  •  1 trả lời
  •  576 lượt xem

Mang thai 28 tuần, bs bảo em bị tiểu đường. Em đi xét nghiệm thì có kết quả: Đường huyết lúc đói: 5,4mmol/L. Sau uống 1 giờ: 11,5mmol/L. Sau uống 2 giờ: 9,6mmol/L. Em phải có chế độ ăn tiết chế thế nào để kiểm soát được đường huyết ạ?

Tiểu đường thai kỳ có lặp lại khi mẹ mang bầu lần tiếp theo?
  •  2 năm trước
  •  1 trả lời
  •  550 lượt xem

Em đang có một bé gái 6 tuổi, hiện đã qua 2 lần sinh mổ. Bé thứ 2 được 25 tuần thì em bị tiểu đường, phải chích insulin sáng chiều và đến tuần 36 thì bé mất. Em có tiền sử bị tiểu đường như vậy, lần này nếu mang thai liệu có bị tiểu đường và sinh mổ lần nữa có sao không?

Lần đầu bị tiểu đường thai kỳ, lần sau có sao không?
  •  2 năm trước
  •  1 trả lời
  •  969 lượt xem

Lúc mang thai bé đầu lòng (nay đã 5 tuổi), em bị tiểu đường thai kỳ. Sau khi sanh 1-2 năm, em đi kiểm tra lại đường huyết thì bình thường. Giờ, em vừa đi khám tiền sản, đường lúc đói là 5.8 và HbA1c là 5.0. Với mức đường như trên, em có thể mang thai được không?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây