1

Tiểu Đường Thai Kỳ

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Khi mang thai, một số phụ nữ có lượng đường trong máu tăng cao. Tình trạng này được gọi là tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường phát triển vào khoảng từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ.

Việc mắc tiểu đường trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 trong tương lai. Hơn nữa, nếu không được kiểm soát, tiểu đường thai kỳ sẽ dễ dẫn đến các biến chứng cho cả mẹ và bé trong khi mang thai và sinh nở, đồng thời làm tăng nguy cơ con bạn mắc bệnh tiểu đường về sau này.

Các triệu chứng

Bệnh tiểu đường thai kỳ rất hiếm khi bộc lộ triệu chứng nhưng nếu có thì thường là:

  • Mệt mỏi
  • Mờ mắt
  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu nhiều
  • Ngủ ngáy

Nhưng các triệu chứng này đa phần chỉ rất nhẹ.

Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ

Nguyên nhân chính xác gây bệnh tiểu đường thai kỳ hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng có khả năng là do hormone. Khi mang thai, cơ thể sản sinh ra một lượng lớn hai loại hormone là hormone hPL và hormone làm tăng khả năng kháng insulin.

Những hormone này tác động đến nhau thai và giúp duy trì thai kỳ ổn định. Theo thời gian, lượng những hormone này trong cơ thể sẽ tăng lên và bắt đầu làm cho cơ thể kháng insulin – một loại hormone điều chỉnh nồng độ đường (glucose) trong máu.

Insulin giúp di chuyển glucose từ máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng. Khi mang thai, cơ thể sẽ tự nhiên trở nên kháng insulin nhẹ, do đó mà trong máu có nhiều glucose hơn để truyền cho thai nhi. Nếu tình trạng kháng insulin trở nên mạnh hơn thì lượng glucose trong máu có thể tăng cao bất thường và gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.

Ai có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ?

Nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ thường tăng cao ở những phụ nữ:

  • trên 25 tuổi
  • bị cao huyết áp
  • có tiền sử gia đình bị bệnh tiểu đường
  • thừa cân trước khi mang thai
  • tăng cân nhiều hơn bình thường trong thời gian có bầu
  • mang đa thai
  • trước đây từng sinh con nặng hơn 4kg
  • từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
  • từng bị sảy thai hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân
  • đang dùng glucocorticoid
  • bị hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS), bệnh gai đen (acanthosis nigricans) hoặc các vấn đề khác có liên quan đến tình trạng kháng insulin.

Tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán như thế nào?

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị sản phụ nên đi khám sàng lọc thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu bạn không có tiền sử bị tiểu đường và chỉ số đường huyết ở mức bình thường khi bắt đầu mang thai thì có thể đi khám từ tuần 24 đến tuần 28.

Xét nghiệm thử Glucose

Phương pháp này có thể được thực hiện bất cứ lúc nào và không yêu cầu phải nhịn ăn.

Đầu tiên, bạn sẽ được cho uống một loại dung dịch có chứa glucose. Sau một tiếng, bạn sẽ được lấy máu để xét nghiệm. Nếu kết quả cho thấy lượng đường trong máu cao thì bác sĩ sẽ tiến hành tiếp phương pháp xét nghiệm dung nạp glucose đường uống. Đây là quy trình xét nghiệm hai giai đoạn.

Nhiều bác sĩ thường bỏ qua bước xét nghiệm thử glucose và chỉ làm xét nghiệm dung nạp glucose. Nếu vậy thì quy trình xét nghiệm chỉ gồm có một giai đoạn.

Quy trình xét nghiệm một giai đoạn

  1. Kiểm tra lượng đường trong máu lúc đói.
  2. Bác sĩ yêu cầu uống một loại dung dịch có chứa 75g carbohydrate.
  3. Kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 1 tiếng và sau 2 tiếng.

Bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nếu kết quả xét nghiệm cho thấy một trong các giá trị đường huyết dưới đây:

  • Chỉ số đường huyết lúc đói lớn hơn hoặc bằng 92mg/dL
  • Chỉ số đường huyết sau 1 tiếng lớn hơn hoặc bằng 180mg/dL
  • Chỉ số đường huyết sau 2 tiếng lớn hơn hoặc bằng 153mg/dL

Quy trình xét nghiệm hai giai đoạn

Với quy trình xét nghiệm này, bạn không cần phải nhịn ăn.

Đầu tiên, bác sĩ yêu cầu uống một loại dung dịch có chứa 50g đường và sau đó tiến hành kiểm tra lượng đường trong máu sau một tiếng.

Nếu chỉ số đường huyết lớn hơn hoặc bằng 130mg/dL hoặc 140mg/dL thì sẽ làm tiếp xét nghiệm lần hai vào một ngày khác.

Ở lần xét nghiệm thứ hai, bác sĩ sẽ kiểm tra chỉ số đường huyết ngay lúc đói. Sau đó, lại yêu cầu bạn uống dung dịch có chứa 100g glucose và tiếp đến sẽ tiến hành đo lượng đường trong máu sau 1, 2 và 3 tiếng.

Bạn sẽ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ nếu kết quả xét nghiệm có ít nhất hai trong số các giá trị sau:

  • Chỉ số đường huyết lúc đói lớn hơn hoặc bằng 95mg/dL hoặc 105mg/dL
  • Chỉ số đường huyết sau 1 tiếng lớn hơn hoặc bằng 180mg/dL hoặc 190mg/dL
  • Chỉ số đường huyết sau 2 tiếng lớn hơn hoặc bằng 155mg/dL hoặc 165mg/dL
  • Chỉ số đường huyết sau 3 tiếng lớn hơn hoặc bằng 140mg/dL hoặc 145mg/dL

Tiểu đường tuýp 2

Phụ nữ cũng được khuyến nghị nên đi khám sàng lọc tiểu đường tuýp 2 khi bắt đầu mang thai. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thì bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm kiểm tra ngay trong lần khám thai đầu tiên.

Những yếu tố nguy cơ này gồm có:

  • thừa cân
  • ít vận động
  • cao huyết áp
  • có nồng độ cholesterol tốt (HDL cholesterol) trong máu thấp
  • chỉ số triglyceride trong máu cao
  • có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • từng bị tiểu đường thai kỳ, tiền tiểu đường hoặc có dấu hiệu kháng insulin
  • trước đây từng sinh con nặng trên 4kg

Có những loại tiểu đường thai kỳ nào?

Bệnh tiểu đường thai kỳ được chia thành hai nhóm là A1 và A2.

Nhóm A1 là tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống nhưng những người bị tiểu đường thai kỳ nhóm A2 cần điều trị bằng cách tiêm insulin hoặc uống thuốc.

Phương pháp điều trị

Nếu bạn được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ thì kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào lượng đường trong máu trong suốt cả ngày.

Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau bữa ăn bằng một thiết bị theo dõi glucose đặc biệt, đồng thời kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên.

Cũng có trường hợp cần tiêm insulin để kiểm soát mức đường huyết nhưng tỉ lệ này rất thấp, chỉ chiếm từ 10 đến 20% tổng số ca tiểu đường thai kỳ. Nếu bạn được chỉ định tiêm insulin thì cần hỏi kĩ bác sĩ về thời điểm tiêm (cách bữa ăn và lúc tập luyện bao lâu) để tránh tụt đường huyết.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ được hướng dẫn cách xử lý khi lượng đường trong máu tụt xuống quá thấp hoặc tăng quá cao.

Chế độ ăn khi bị tiểu đường thai kỳ

Một chế độ ăn uống cân bằng là điều rất quan trọng để kiểm soát tình trạng tiểu đường thai kỳ. Đặc biệt, phụ nữ bị loại tiểu đường này cần đặc biệt chú ý đến lượng carbohydrate, protein và chất béo trong thực phẩm.

Nên ăn nhiều bữa nhỏ, cách 2 tiếng một lần để giữ nồng độ glucose trong máu ở mức ổn định.

Carbohydrate

Hạn chế các loại thực phẩm giàu carbohydrate để tránh lượng đường trong máu tăng cao đột biến.

Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chính xác hàm lượng carbohydrate có thể tiêu thụ mỗi ngày.

Nên chọn các loại thực phẩm chứa carbohydrate lành mạnh như:

  • Ngũ cốc nguyên cám
  • Gạo lứt
  • Các loại đậu
  • Các loại rau củ có tinh bột
  • Trái cây ít đường

Protein

Phụ nữ mang thai nên ăn 2 đến 3 phần thực phẩm chứa protein mỗi ngày. Các nguồn protein tốt gồm có thịt nạc, thịt gia cầm, cá và đậu phụ.

Chất béo

Nên chọn các loại thực phẩm chứa chất béo tốt như các loại quả hạch, hạt, dầu ô liu và quả bơ.

Đọc thêm về những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị tiểu đường thai kỳ

Các biến chứng

Nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát, nồng độ đường trong máu sẽ luôn ở mức cao trong suốt thai kỳ, điều này dẫn đến các biến chứng và gây ra các vấn đề về sức khỏe cho cả thai nhi, ví dụ như:

  • Cân nặng khi sinh lớn hơn bình thường
  • Khó thở
  • Lượng đường trong máu thấp
  • Sinh khó do kẹt vai

Em bé sinh ra cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn trong tương lai. Đó là lý do tại sao cần kiểm soát tiểu đường trong thai kỳ bằng cách thực hiện theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ chỉ định.

Tiên lượng khi bị tiểu đường thai kỳ

Thường thì mức đường huyết sẽ trở lại bình thường sau khi sinh con nhưng việc bị tiểu đường trong khi mang bầu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 về sau này.

Có thể ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ không?

Không có cách nào ngăn ngừa được hoàn toàn bệnh tiểu đường thai kỳ nhưng việc áp dụng các thói quen sống lành mạnh sẽ giảm thiểu nguy cơ phát triển vấn đề này.

Nếu bạn đang mang bầu và có một trong những yếu tố nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ thì nên cố gắng theo một chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên. Thậm chí chỉ cần vận động nhẹ, chẳng hạn như đi bộ cũng rất có lợi cho sức khỏe.

Nếu bạn đang dự định mang thai trong tương lai gần và bị thừa cân thì nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn các phương pháp giảm cân an toàn. Chỉ cần giảm một phần cân nặng nhỏ thôi cũng đủ để giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Tiểu Đường Thai Kỳ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây