1

Bệnh tiểu đường: Miệng có vị kim loại là do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây ra những bất thường về vị giác, gồm có tác dụng phụ của thuốc và vệ sinh răng miệng kém. Đôi khi, miệng có vị kim loại là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường: Miệng có vị kim loại là do đâu? Bệnh tiểu đường: Miệng có vị kim loại là do đâu?

Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính xảy ra khi cơ thể không tạo đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin là một loại hormone giúp vận chuyển đường từ máu vào các tế bào của cơ thể, nơi đường được sử dụng để tạo năng lượng.

Khi cơ thể không tạo đủ hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, đường sẽ tích tụ trong máu và dẫn đến đường huyết cao.

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát hoặc lượng đường trong máu tăng cao kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng như tổn thương thần kinh và tổn thương thận. Tuy nhiên, đó không phải là biến chứng duy nhất của bệnh tiểu đường. Một số người mắc bệnh tiểu đường còn gặp phải tình trạng miệng có vị kim loại.

Có nhiều nguyên nhân gây ra những bất thường về vị giác, gồm có tác dụng phụ của thuốc và vệ sinh răng miệng kém. Đôi khi, miệng có vị kim loại là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường.

Các nguyên nhân phổ biến gây vị kim loại trong miệng

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra hiện tượng miệng có vị kim loại ở người mắc bệnh tiểu đường.

Sử dụng metformin

Metformin là một loại thuốc đường uống được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm lượng glucose (đường) do gan tạo ra. Điều này giúp làm giảm lượng đường trong máu về mức an toàn.

Mặc dù metformin giúp ổn định đường huyết và nhờ đó làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường nhưng thuốc này có thể gây tác dụng phụ là miệng có vị kim loại.

Chưa rõ nguyên nhân nào gây ra tác dụng phụ này nhưng có thể là do thuốc đi vào nước bọt. Tình trạng khoang miệng có vị lạ khi dùng metformin thường chỉ là tạm thời. Vị giác sẽ trở lại bình thường sau 1 đến 2 tuần.

Rối loạn vị giác

Miệng có vị kim loại có thể là biểu hiện của chứng rối loạn vị giác – một vấn đề có thể xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường. Nhưng tại sao bệnh tiểu đường lại gây rối loạn vị giác?

Hiểu một cách đơn giản, hệ thần kinh trung ương kiểm soát khả năng cảm nhận mùi vị của não và bệnh tiểu đường không được điều trị có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Đường huyết cao kéo dài sẽ từ từ gây tổn hại các dây thần kinh trong cơ thể, bao gồm dây thần kinh ở các vị trí như mắt, bàn chân, cẳng chân, cánh tay và miệng.

Tổn thương thần kinh trung ương làm thay đổi vị giác và khứu giác, dẫn đến tình trạng cảm nhận thấy mùi vị lạ. Rối loạn vị giác, chẳng hạn như miệng có vị kim loại, xảy ra khi các dây thần kinh vị giác bị hỏng.

Vấn đề về răng miệng

Các vấn đề về răng miệng cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến miệng có vị kim loại.

Nhiều người cho rằng bệnh tiểu đường chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhưng trên thực tế, đường trong máu quá cao còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Bệnh nha chu

Lượng đường trong máu cao sẽ làm tăng lượng đường trong nước bọt và lượng đường trong nước bọt cao sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu. Một trong các triệu chứng của viêm nướu và viêm nha chu là miệng có vị kim loại.

Nấm miệng

Nấm miệng hay tưa lưỡi là một vấn đề về răng miệng khác cũng có thể gây ra vị kim loại trong khoang miệng. Nguyên nhân gây nấm miệng có thể là do sự kết hợp của lượng đường cao trong nước bọt và tình trạng khô miệng.

Nấm miệng xảy ra khi một loại nấm vốn tồn tại tự nhiên trong khoang miệng đột nhiên phát triển quá mức. Các triệu chứng nấm miệng có thể ảnh hưởng đến nướu, lưỡi và vòm miệng.

Vị giác có trở lại bình thường không?

Tình trạng miệng có vị kim loại do bệnh tiểu đường thường sẽ tự hết nhưng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ.

Nếu là do tác dụng phụ của thuốc metformin thì vị kim loại trong miệng sẽ giảm dần trong vòng vài tuần khi cơ thể thích nghi với thuốc. Nếu tình trạng rối loạn vị giác không đỡ thì nên đến gặp bác sĩ. Có thể sẽ phải điều chỉnh liều dùng thuốc hoặc chuyển sang loại thuốc khác.

Nếu vị kim loại trong miệng là do lượng đường cao trong nước bọt thì trước hết cần phải kiểm soát bệnh tiểu đường. Nếu bị nhiễm trùng do vệ sinh răng miệng kém thì cần phải điều trị nhiễm trùng để khôi phục vị giác.

Trong trường hợp rối loạn vị giác xảy ra do tổn thương dây thần kinh, khả năng vị giác trở lại bình thường sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương.

Cách khắc phục

Cho dù điều chỉnh thuốc, thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng hay thực hiện các biện pháp kiểm soát đường huyết thì vị kim loại trong miệng cũng sẽ không biến mất ngay lập tức.

Trong thời gian chờ vị giác khôi phục về bình thường, bạn có thể thử các cách dưới đây để ăn ngon miệng hơn:

  • Sử dụng các loại gia vị để tăng thêm hương vị cho món ăn.
  • Uống nhiều nước hoặc nhai kẹo cao su không đường. Những cách này có thể làm giảm khô miệng và giảm bớt vị kim loại trong khoang miệng.
  • Không dùng dụng cụ ăn uống bằng kim loại
  • Điều trị cảm lạnh, viêm xoang và dị ứng. Những vấn đề này có thể khiến cho tình trạng rối loạn vị giác trở nên nặng hơn.
  • Ăn thức ăn nguội.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ nếu tình trạng miệng có vị kim loại kéo dài nhiều tuần không đỡ. Không nên coi nhẹ những thay đổi về vị giác vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Ở những người dã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, vị kim loại trong miệng có thể là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang được kiểm soát kém.

Tóm tắt bài viết

Miệng có vị kim loại làm thay đổi mùi vị của đồ ăn, thức uống và có thể dẫn đến ăn kém. Rối loạn vị giác có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó có một số nguyên nhân có liên quan đến bệnh tiểu đường. Cần đi khám bác sĩ nếu tình trạng kéo dài không đỡ. Miệng có vị kim loại có thể là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc đường huyết cao hơn bình thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: kim loại
Tin liên quan
Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường
Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau nhưng đa số có chung mục đích là giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

11 loại thực phẩm và đồ uống nên tránh khi mắc bệnh tiểu đường
11 loại thực phẩm và đồ uống nên tránh khi mắc bệnh tiểu đường

Biết được những thực phẩm cần tránh là điều rất quan trọng khi mắc bệnh tiểu đường. Nói chung, người bệnh nên tránh xa thực phẩm chứa chất béo xấu, đồ uống nhiều đường, ngũ cốc tinh chế và các loại thực phẩm chứa carb tinh chế khác.

Có những loại bệnh tiểu đường nào?
Có những loại bệnh tiểu đường nào?

Có 3 loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ. Điểm khác nhau giữa các loại bệnh tiểu đường này là gì?

11 loại trái cây ít đường phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường
11 loại trái cây ít đường phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường

11 loại trái cây có hàm lượng đường thấp thân thiện với người bị bệnh đái tháo đường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây