Uống giấm táo có thực sự giúp điều trị bệnh tiểu đường?
Kết quả nghiên cứu
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu của giấm táo nhưng hầu hết nghiên cứu đều chỉ có quy mô nhỏ và hơn nữa lại cho ra các kết quả khác nhau.
Ví dụ, một nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên chuột cho thấy giấm táo giúp giảm mức LDL cholesterol (cholesterol xấu) và HbA1c – chỉ số cho biết mức đường huyết trung bình trong thời gian vài tháng. Nhưng nghiên cứu này được thực hiện trên chuột chứ không phải trên người.
Một nghiên cứu vào năm 2004 cho thấy uống 20 gram (khoảng 20ml) giấm táo pha loãng với 40ml nước cùng 1 thìa cà phê đường có thể làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. (1)
Một nghiên cứu khác vào năm 2007 chỉ ra rằng uống giấm táo trước khi đi ngủ giúp giữ ổn định mức đường huyết khi thức dậy.
Tuy nhiên, cả hai nghiên cứu nói trên đều có quy mô nhỏ với số người tham gia lần lượt là 29 và 11 người.
Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của giấm táo đối với bệnh tiểu đường type 1 nhưng một nghiên cứu nhỏ vào năm 2010 đã kết luận rằng giấm táo có thể giúp giảm lượng đường trong máu.
Một phân tích tổng hợp gồm 6 nghiên cứu với sự tham gia của tổng cộng 317 bệnh nhân tiểu đường type 2 đã kết luận rằng giấm táo giúp cải thiện mức đường huyết lúc đói và HbA1c. (2)
Mặc dù các nghiên cứu đến nay đều cho kết quả khả quan nhưng cần có thêm các nghiên cứu lớn hơn để xác nhận lợi ích của việc uống giấm táo trong điều trị bệnh tiểu đường.
Cách sử dụng giấm táo
Tốt nhất nên chọn giấm táo thô hữu cơ, không lọc và có giấm cái. Loại giấm táo này có màu đục hơn và chứa nhiều vi khuẩn có lợi hơn.
Giấm cái là một lớp màng sinh học mỏng được tạo nên từ một dạng cellulose, men và vi khuẩn. Giấm cái được thêm vào rượu táo hoặc các loại nước hoa quả khác để bắt đầu quá trình lên men. Một số loại giấm không trải qua quá trình lọc và giữ nguyên giấm cái khi đóng chai.
Giấm táo nói chung là an toàn cho những người bị tiểu đường.
Tuy nhiên, nên pha loãng giấm táo với nước trước khi uống để tránh đau dạ dày và làm hỏng men răng. Tỷ lệ pha là 1 thìa giấm với một cốc nước. Không được uống giấm táo không pha loãng.
Tác hại của giấm táo
Những người có vấn đề về thận hoặc viêm loét dạ dày không nên uống giấm táo.
Uống quá nhiều giấm táo có thể làm giảm nồng độ kali trong máu, gây ra các vấn đề về tiêu hóa như trào ngược axit dạ dày, đau bụng và mòn men răng.
Khi dùng insulin hoặc các loại thuốc lợi tiểu như furosemide, uống giấm táo có thể khiến cho nồng độ kali trong máu giảm xuống mức thấp nguy hiểm.
Không được sử dụng giấm táo thay cho các phương pháp điều trị tiểu đường khác.
Thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh tiểu đường
Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường vẫn là duy trì chế độ ăn uống cân bằng gồm có các nguồn carbohydrate lành mạnh, đủ protein và chất béo tốt.
Điều quan trọng là phải hiểu rõ tác động của từng loại thực phẩm chứa carbohydrate đến lượng đường trong máu, hạn chế tiêu thụ carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như cơm trắng, bánh mì trắng, bánh ngọt, kẹo và nước ngọt.
Thay vào đó, hãy lựa chọn các nguồn carbohydrate giàu chất xơ và chất dinh dưỡng, chẳng hạn như rau củ, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám. Trước đây, người mắc bệnh thận được khuyến cáo không nên ăn ngũ cốc nguyên cám do hàm lượng phốt pho trong nhóm thực phẩm này nhưng nghiên cứu ngày nay đã chứng minh điều này là không đúng. Người mắc bệnh thận vẫn có thể ăn ngũ cốc nguyên cám vì phốt pho được hấp thụ kém.
Tăng cường hoạt động thể chất cũng là điều cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.
Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.
Khi mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống là điều đầu tiên cần được thay đổi. Mục tiêu chính là kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng tiểu đường như bệnh tim mạch.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với những người cần điều trị bằng insulin, bắt đầu ngay từ sớm hơn sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về liệu pháp insulin và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều insulin cần sử dụng.
Duy trì lượng đường trong máu ổn định là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như tiêm insulin hay dùng thuốc đường uống, người mắc bệnh tiểu đường còn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế. Các phương pháp điều trị này giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bệnh.