1

Các phương pháp điều trị thay thế dành cho người mắc bệnh tiểu đường

Duy trì lượng đường trong máu ổn định là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như tiêm insulin hay dùng thuốc đường uống, người mắc bệnh tiểu đường còn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế. Các phương pháp điều trị này giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị thay thế dành cho người mắc bệnh tiểu đường Các phương pháp điều trị thay thế dành cho người mắc bệnh tiểu đường

Các phương pháp điều trị thay thế dành cho người mắc bệnh tiểu đường gồm có:

  • Dùng thảo dược
  • Thực phẩm chức năng
  • Điều chỉnh chế độ ăn
  • Tập thể dục
  • Các biện pháp thư giãn

Đến nay mới chỉ có rất ít bằng chứng về hiệu quả của các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế. Các loại thảo dược và thực phẩm chức năng mặc dù có nguồn gốc tự nhiên nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc đang dùng. Do đó, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào.

Điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục

Điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục cũng được coi là một trong những phương pháp điều trị thay thế. Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là điều rất quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường. Các loại đồ ăn, thức uống và mức độ hoạt động thể chất đều có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu cũng như là tình trạng sức khỏe tổng thể.

Người mắc bệnh tiểu đường nên tập thể dục đều đặn và tăng cường hoạt động thể chất nói chung. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị tập Strength Training hai lần mỗi tuần đối với những người không mắc các bệnh lý cần hạn chế vận động. (1) Strength Training là hình thức tập luyện giúp tăng cường sức mạnh và sức bền của các cơ, gồm các bài tập như nâng tạ hoặc bài tập sử dụng chính trọng lượng cơ thể như lunge, squat…. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng nên tập cardio cường độ trung bình đến cao ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Tạp chí World Journal of Diabetes đã công bố một bản đánh giá gồm các nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và tập thể dục. Bản đánh giá cho thấy hoạt động thể chất là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp, cải thiện khả năng dung nạp glucose và làm giảm đường huyết khi bị tăng đường huyết.

ADA cũng đưa ra khuyến nghị tương tự cho người mắc bệnh tiểu đường type 1 nhưng những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn khi tập thể dục nên cần phải thận trọng. Người bị loại tiểu đường này cần theo dõi lượng đường trong máu sát sao khi tập thể dục.

Thảo dược và thực phẩm chức năng

Thảo dược và thực phẩm chức năng là phương pháp điều trị thay thế và bổ sung phổ biến cho những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào chứng minh hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường của các loại thực phẩm chức năng.

Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng mới nào. Một số sản phẩm thực phẩm chức năng có thể tương tác với loại thuốc đang dùng.

Dưới đây là một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh tiểu đường.

Nha đam

Trong hai thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người ăn nha đam trong 6 tuần đã giảm mức đường huyết lúc đói. Trong hai thử nghiệm này, nha đam được sử dụng trong thời gian dài nhưng có ý kiến lo ngại về việc thường xuyên ăn nha đam do đặc tính nhuận tràng của loài cây này.

Axit alpha lipoic

Axit alpha lipoic (ALA) là một chất chống oxy hóa có trong các loại thực phẩm như:

  • Cải bó xôi
  • Bông cải xanh
  • Khoai tây

ALA có thể làm giảm tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường (bệnh thần kinh đái tháo đường). Một số nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc bổ sung ALA đối với bệnh thần kinh.

Có một số bằng chứng cho thấy ALA có hiệu quả khi được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch. Theo một số nghiên cứu, việc uống thực phẩm chức năng ALA không tác động nhiều đến hệ thần kinh.

Theo Trung tâm Y học Tổng hợp và Bổ sung Quốc gia Hoa Kỳ (National Center for Complementary and Integrative Health - NCCIH), mới có rất ít bằng chứng chứng minh tác dụng của ALA trong việc ngăn ngừa phù hoàng điểm do tiểu đường hoặc cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin.

Crom

Những người mắc bệnh tiểu đường thường mất nhiều crôm qua nước tiểu hơn so với người khỏe mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến tình trạng kháng insulin. Một nghiên cứu cho thấy những người uống bổ sung crom kết hợp thuốc trị tiểu đường đường uống đã cải thiện được khả năng kiểm soát đường huyết. (2)

Quế

Các nghiên cứu về quế cho kết quả không nhất quán. Một số nghiên cứu cho thấy quế có thể giúp tăng độ nhạy insulin trong khi một số nghiên cứu khác lại không phát hiện thấy bất kỳ tác dụng nào của quế đối với tình trạng kháng insulin. Nói chung, nếu có thì quế cũng chỉ đem lại lợi ích rất nhỏ cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Tỏi

Tỏi không chỉ là một loại gia vị mà còn được sử dụng làm thực phẩm chức năng nhưng mới chỉ có rất ít nghiên cứu về lợi ích của tỏi đối với những người bị bệnh tiểu đường. Các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên những người bị tiểu đường type 2 dùng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất tỏi đã không hề nhận thấy sự thay đổi nào về mức đường huyết hay insulin. Tuy nhiên, một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy tỏi giúp làm giảm mức cholesterol toàn phần và huyết áp.

Nhân sâm

Nhân sâm là một loại thảo dược quý và là thành phần của rất nhiều loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nhân sâm có thể tương tác với một số loại thuốc, đặc biệt là warfarin – một loại thuốc chống đông máu. Theo NCCIH, chưa có nghiên cứu nào cho thấy công dụng của nhân sâm trong điều trị bệnh tiểu đường.

Gymnema sylvestre

Gymnema sylvestre hay dây thìa canh còn có các tên gọi khác như dây muôi hay lõa ti rừng, là một loài cây được tìm thấy ở các khu rừng nhiệt đới tại Ấn Độ, Châu Phi và Úc. Trong tiếng Hindi, loài cây này được gọi là “gurmar”, có nghĩa là “thảo dược hủy diệt đường”. Gymnema sylvestre có tác dụng làm giảm đường huyết nhưng các nghiên cứu lâm sàng vẫn chưa kiểm chứng hiệu quả của loại thảo dược này.

Magiê

Khoáng chất này có trong nhiều loại thực phẩm như:

  • Các loại ngũ cốc
  • Quả hạch
  • Các loại rau xanh

Một phân tích tổng hợp gồm các nghiên cứu về mối liên hệ giữa magiê và bệnh tiểu đường đã cho thấy rằng những người bị thiếu hụt magiê có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. Ăn các loại thực phẩm tự nhiên giàu magiê là cách hiệu quả và an toàn để bổ sung magiê cho cơ thể. Nhưng việc dùng thực phẩm chức năng magiê hiện vẫn chưa được khuyến khích cho đến khi các nghiên cứu lâm sàng chứng minh hiệu quả của khoáng chất này trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường.

Axit béo omega-3

Axit béo omega-3 thuộc nhóm chất béo tốt, có trong các loại thực phẩm như:

  • Cá hồi
  • Quả óc chó
  • Đậu nành

Uống bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mức triglyceride nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm chức năng axit béo omega-3 có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay giúp cải thiện khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường. Ngoài ra, thực phẩm chức năng omega-3 có thể tương tác với các loại thuốc chống đông máu.

Polyphenol

Polyphenol là nhóm chất chống oxy hóa có trong trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Tuy nhiên, các nghiên cứu về lợi ích của chế độ ăn nhiều polyphenol vẫn chưa đưa ra kết quả thuyết phục.

Xương rồng lê gai

Xương rồng lê gai là một loại cây được sử dụng làm thức ăn và ngoài ra còn có tác dụng điều trị bệnh. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy tác dụng của loài cây này trong điều trị bệnh tiểu đường.

Vanadium

Một vài nghiên cứu cho thấy rằng khi sử dụng ở liều cao, vanadium có thể làm tăng độ nhạy insulin nhưng các bằng chứng vẫn chưa đủ để kết luận. Hơn nữa, vanadium có thể gây ra tác dụng phụ khi dùng liều cao và gây ngộ độc nếu dùng liều quá cao.

Thận trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng

Các nhà nghiên cứu rất hiếm khi nghiên cứu thực phẩm chức năng. Do đó, đa số các loại thực phẩm chức năng đều chưa được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả. Hơn nữa, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng không chứa đầy đủ các thành phần ghi trên nhãn hoặc gây ra các tác dụng phụ không được lường trước.

Thực phẩm chức năng có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dùng. Do đó, cần hết sức thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.

Trong hướng dẫn về điều trị bệnh tiểu đường Standards of Medical Care in Diabetes, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đã khẳng định những điều sau:

Chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống bổ sung vitamin hay các loại thực phẩm chức năng khác có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường không bị thiếu hụt vitamin.

Uống bổ sung vitamin C, vitamin E và carotene trong thời gian dài có thể gây hại cho sức khỏe.

Chưa có bằng chứng nào cho thấy những người bị tiểu đường và bệnh mạch máu nên uống bổ sung EPA và DHA. Thay vào đó, ăn các loại thực phẩm tự nhiên chứa hai loại axit béo này có thể gíup điều trị bệnh tim mạch - một trong những bệnh đồng mắc phổ biến ở người bị tiểu đường.

Chưa có đủ bằng chứng về tác dụng của các loại thực phẩm chức năng như vitamin D, crôm, magiê hoặc quế trong điều trị bệnh tiểu đường.

Ăn thực phẩm có lợi cho bệnh tiểu đường

Thay vì dùng thực phẩm chức năng, thực hiện chế độ ăn uống dựa trên thực vật là cách an toàn hơn để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Theo một bài báo trên tạp chí Diabetes Care, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở những người ăn thịt cao hơn gấp đôi so với những người ăn chay và thuần chay. (3)

Mặc dù người mắc bệnh tiểu đường không nhất thiết phải kiêng thịt hoàn toàn nhưng chế độ ăn uống nên gồm chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như:

  • Các loại đậu
  • Rau củ
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Trái cây

Điều này có thể giúp giảm cholesterol, duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh và giữ cân nặng hợp lý. Tất cả những điều này đều có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Can thiệp tâm trí - cơ thể

Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính khác có nguy cơ trầm cảm và lo âu cao hơn. Gia tăng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết và làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị tiểu đường. Trị liệu cơ thể - tâm trí có thể giúp người bị bệnh tiểu đường khắc phục những vấn đề này.

Liệu pháp hương thơm

Liệu pháp hương thơm là một phương pháp điều trị thay thế được sử dụng để giảm căng thẳng. Trong phương pháp này, người bệnh sẽ ngửi các loại tinh dầu để thư giãn tinh thần. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng của liệu pháp hương thơm đối với bệnh tiểu đường nhưng một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Diabetes, Obesity, and Metabolism cho thấy các loại tinh dầu có mùi thơm như cỏ ca ri (fenugreek), quế (cinnamon), thì là (cumin) và kinh giới cay (oregano) giúp giảm huyết áp tâm thu (chỉ số bên trên trong kết quả đo huyết áp). Các loại tinh dầu này còn làm giảm đường huyết khi sử dụng kết hợp cùng nhau.

Các phương pháp thư giãn khác

Mặc dù thiền không giúp đốt cháy calo nhưng lại có tác dụng làm giảm căng thẳng. Người bệnh có thể niệm thần chú khi thiền hoặc kết hợp với kỹ thuật hít thở. Một số ví dụ về các kỹ thuật thiền là Vipassana, Transcendental và Zen.

Các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền

Châm cứu

Châm cứu là một phương pháp điều trị bệnh có nguồn gốc y học cổ truyền phương Đông, trong đó sử dụng những cây kim nhỏ đâm vào các huyệt đạo trên cơ thể. Phương pháp này được cho là có tác dụng chuyển hướng dòng chảy năng lượng và khôi phục sự cân bằng năng lượng trong cơ thể. Châm cứu có thể giúp giảm đau. Điều này sẽ có lợi cho những người mắc bệnh thần kinh đái tháo đường.

Châm cứu nói chung là an toàn nhưng nếu không thực hiện đúng kỹ thuật thì có thể gây ra các vấn đề không mong muốn như nhiễm trùng hoặc tổn thương dây thần kinh. Nên lựa chọn bác sĩ có chuyên môn để tránh gặp phải những vấn đề này.

Bấm huyệt

Bấm huyệt là phương pháp ấn lên các huyệt đạo trên cơ thể. Phương pháp này cũng tạo ra những thay đổi tương tự như châm cứu. Bấm huyệt mang lại những lợi ích như giảm căng cơ, cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và cải thiện khả năng cử động của khớp. Những tác dụng này đều có ích cho người mắc bệnh tiểu đường.

Tóm tắt bài viết

Tất cả các phương pháp kể trên đều không thể chữa khỏi bệnh tiểu đường mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Người bệnh vẫn nên tiếp tục các phương pháp điều trị truyền thống như dùng thuốc đường uống hay insulin trong thời gian thử các phương pháp điều trị thay thế và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị mới nào.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: phương pháp, thay thế
Tin liên quan
Liệu pháp gen - hy vọng mới trong điều trị bệnh tiểu đường type 1
Liệu pháp gen - hy vọng mới trong điều trị bệnh tiểu đường type 1

Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn xảy ra do tuyến tụy bị chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và không có khả năng sản xuất insulin – loại hormone giúp điều hòa lượng đường trong máu. Đây là một căn bệnh mãn tính hiện vẫn chưa có cách nào chữa khỏi. Những người mắc bệnh lý này phải sử dụng liệu pháp insulin suốt đời để kiểm soát đường huyết.

Tiểu đường type 2: Điều gì sẽ xảy ra khi thay đổi liệu pháp insulin?
Tiểu đường type 2: Điều gì sẽ xảy ra khi thay đổi liệu pháp insulin?

Việc kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ hiệu quả hơn khi người bệnh hiểu rõ cơ chế hoạt động của loại insulin mới cũng như cách điều chỉnh liều dùng insulin theo thói quen ăn uống và mức độ hoạt động thể chất.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?

Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.

Vắc xin phòng bệnh lao có lợi cho người bị bệnh tiểu đường
Vắc xin phòng bệnh lao có lợi cho người bị bệnh tiểu đường

Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin BCG giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây