Các phương pháp điều trị tiểu đường type 2
Có 3 phương pháp chính được sử dụng để điều trị tiểu đường type 2:
- Thay đổi lối sống
- Dùng thuốc
- Liệu pháp insulin
Đối với một số người, chỉ cần thay đổi lối sống là đủ để kiểm soát bệnh tiểu đường nhưng nếu không hiệu quả và bệnh trở nặng thì bệnh nhân sẽ phải dùng các loại thuốc để giữ ổn định đường huyết. Bệnh nhân có thể cần dùng insulin nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin.
Cùng tìm hiểu sâu hơn về các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường trong bài viết dưới đây.
Thay đổi lối sống
Các thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 chủ yếu gồm có thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, hạn chế căng thẳng và không hút thuốc.
Dưới đây là một số thay đổi về lối sống được khuyến nghị để điều trị tiểu đường type 2:
- Giảm lượng carbohydrate tinh chế: Thay carb tinh chế hay carb xấu bằng carb toàn phần hay carb tốt có thể giúp giữ lượng đường trong máu ổn định. Ví dụ, nên thay bánh mì trắng bằng bánh mì nguyên cám hoặc thay gạo trắng bằng gạo lứt.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng hoặc lo âu có thể làm tăng lượng đường trong máu và khiến cho bệnh tiểu đường khó kiểm soát hơn.
- Không hút thuốc: Hút thuốc có thể đẩy nhanh quá trình tổn thương mạch máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với những người không hút.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Trong một nghiên cứu vào năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 86% những người bị tiểu đường type 2 đã cải thiện đáng kể tình trạng bệnh sau khi giảm trung bình 15kg.
- Tập thể dục thường xuyên: Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị những người bị tiểu đường nên tích cực hoạt động thể chất để giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Dùng thuốc
Mục đích chính của các loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 là ngăn ngừa các biến chứng như bệnh về mắt, thần kinh và tim mạch. Nếu đã thay đổi thói quen lối sống mà vẫn không thể kiểm soát được tình trạng bệnh thì người bệnh sẽ phải sử dụng thuốc.
Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị tiểu đường type 2 gồm có:
Loại thuốc | Tên thương mại | Tác dụng |
Biguanide | Glucophage, Fortamet | Gồm có metformin - loại thuốc thường được kê đầu tiên cho người bị tiểu đường. Loại thuốc này có tác dụng giảm lượng glucose được gan giải phóng vào máu và tăng độ nhạy của các mô với insulin. |
Thuốc ức chế men alpha- glucosidase | Precose, Glyset | Làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate trong ruột và làm giảm lượng đường trong máu. |
Thuốc chủ vận dopamine | Cycloset | Điều chỉnh lượng chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong vùng dưới đồi của não bộ. |
Dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) | Janumet XR, Onglyza | Ức chế các enzyme phân hủy incretin – loại hormone báo hiệu tuyến tụy tạo ra insulin; làm chậm quá trình tiêu hóa và giải phóng đường từ thức ăn vào máu. |
Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 | Trulicity, Bydureon | Giúp tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn khi lượng đường trong máu cao và làm chậm quá trình tiêu hóa. |
Meglitinide | Prandin, Starlix | Kích hoạt giải phóng insulin từ tuyến tụy sau khi ăn. |
Thuốc kênh đồng vận chuyển natri – glucose 2 (SGLT2) | Invokana, Farxiga | Giúp cơ thể đào thải bớt lượng đường trong máu qua nước tiểu. |
Sulfonylureas | DiaBeta, Glynase | Giúp tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. |
Thiazolidinedione | Actos | Tăng độ nhạy của các mô với insulin. |
Liệu pháp insulin
Tiểu đường type 2 là một bệnh tiến triển. Ở giai đoạn đầu, tuyến tụy tăng sản xuất insulin để bù lại tình trạng giảm độ nhạy insulin. Sau một thời gian, các tế bào tuyến tụy suy yếu, khiến cho cơ thể không có đủ insulin và bệnh nhân phải bổ sung insulin từ bên ngoài.
Dưới đây là các loại insulin được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Loại insulin | Thời gian phát huy tác dụng | Thời gian duy trì tác dụng |
Tác dụng nhanh | Khoảng 15 phút, đạt hiệu quả tối đa trong vòng 1 giờ | 2 – 4 giờ |
Tác dụng ngắn | Khoảng 30 phút, đạt hiệu quả tối đa trong vòng 2 - 3 giờ | 3 – 6 giờ |
Tác dụng trung bình | Khoảng 2 đến 4 giờ, đạt hiệu quả tối đa trong vòng 2 – 4 giờ | 12 – 18 giờ |
Tác dụng kéo dài | Khoảng vài giờ sau khi tiêm, không có thời gian đạt hiệu quả tối đa | 24 giờ trở lên |
Theo dõi đường huyết
Theo dõi mức đường huyết giúp người bệnh biết được tác động của một số bài tập hoặc thực phẩm nhất định đến lượng đường trong máu. Từ đó, người bệnh và bác sĩ có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị cho phù hợp. Bác sĩ sẽ tư vấn tần suất đo đường huyết nhưng thường là ít nhất một lần mỗi ngày.
Cách phổ biến nhất để theo dõi mức đường huyết là dùng máy đo đường huyết truyền thống. Thiết bị sẽ đo lượng đường trong mẫu máu chích từ đầu ngón tay. Hiện nay có cả loại máy đo đường huyết không cần chích máu. Máy đo đường huyết truyền thống được sử dụng mỗi khi cần biết mức đường huyết. Cách thứ hai là dùng máy đo đường huyết liên tục. Thiết bị này được gắn vào cánh tay hoặc bụng của người bệnh và sẽ theo dõi lượng đường trong máu trong suốt cả ngày lẫn đêm.
Tóm tắt bài viết
Ba phương pháp chính để điều trị bệnh tiểu đường type 2 là thay đổi lối sống, dùng thuốc và insulin.
Một số người có thể kiểm soát đường huyết bằng cách thay đổi lối sống nhưng nếu bệnh nặng thì thường sẽ phải dùng thuốc hoặc insulin để duy trì đường huyết trong phạm vi an toàn.
Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn xảy ra do tuyến tụy bị chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và không có khả năng sản xuất insulin – loại hormone giúp điều hòa lượng đường trong máu. Đây là một căn bệnh mãn tính hiện vẫn chưa có cách nào chữa khỏi. Những người mắc bệnh lý này phải sử dụng liệu pháp insulin suốt đời để kiểm soát đường huyết.
Việc kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ hiệu quả hơn khi người bệnh hiểu rõ cơ chế hoạt động của loại insulin mới cũng như cách điều chỉnh liều dùng insulin theo thói quen ăn uống và mức độ hoạt động thể chất.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.
Để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2, bác sĩ thường sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu khác nhau. Thông thường, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm ít nhất hai lần để xác nhận chẩn đoán. Hầu hết mọi người đều đi khám bệnh tiểu đường khi tuổi tác cao hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.