Tiểu đường type 2: Điều gì sẽ xảy ra khi thay đổi liệu pháp insulin?
Một số bệnh nhân tiểu đường type 2 cần phải sử dụng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể phải điều chỉnh liệu pháp insulin vì nhiều lý do nằm ngoài tầm kiểm soát như:
- Thay đổi nội tiết tố
- Những thay đổi về chuyển hóa do lão hóa
- Sự tiến triển của bệnh tiểu đường
Dưới đây là một số điều mà người bệnh có thể sẽ trải qua khi điều chỉnh liệu pháp insulin và những cách để thích nghi với liệu pháp insulin mới nhanh hơn.
Các loại insulin
Không phải ai mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng cần điều trị bằng insulin. Những người phải sử dụng insulin cần trao đổi kỹ với bác sĩ về liệu pháp này và tự tìm hiểu về loại insulin mà mình cần sử dụng, gồm có thời gian khởi phát tác dụng, thời gian đạt hiệu quả tối đa, thời gian duy trì tác dụng và các tác dụng phụ. Việc kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ hiệu quả hơn khi người bệnh hiểu rõ cơ chế hoạt động của loại insulin mới cũng như cách điều chỉnh liều dùng insulin theo thói quen ăn uống và mức độ hoạt động thể chất.
Có nhiều loại insulin khác nhau. Bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều loại insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2:
- Insulin tác dụng nhanh: được sử dụng trước bữa ăn, thường là trong vòng 15 phút trước khi ăn để ngăn sự gia tăng đường huyết. Những người bị tiểu đường type 2 có thể phải dùng insulin tác dụng nhanh cùng với insulin tác dụng kéo dài.
- Insulin thường hay insulin tác dụng ngắn: phát huy tác dụng sau khoảng 30 phút, lâu hơn một chút so với insulin tác dụng nhanh. Loại insulin này cũng được dùng trước bữa ăn.
- Insulin tác dụng trung bình: đáp ứng nhu cầu insulin trong khoảng nửa ngày hoặc qua đêm. Loại insulin này thường được dùng kết hợp với một loại insulin tác dụng ngắn hơn.
- Insulin trộn/hỗn hợp: là sự kết hợp của insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng trung bình. Một số người sử dụng loại insulin này để đáp ứng nhu cầu insulin nền và insulin bữa ăn.
Insulin tác dụng kéo dài
Insulin tác dụng kéo dài được sử dụng để đáp ứng nhu cầu insulin trong cả ngày. Bình thường, tuyến tụy tiết ra một lượng nhỏ insulin ổn định trong suốt cả ngày để kiểm soát lượng đường trong máu nhưng ở nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy tạo ra rất ít hoặc hoàn toàn không tạo insulin. Những người này sử dụng một liều insulin tác dụng kéo dài hàng ngày để đáp ứng nhu cầu insulin trong suốt cả ngày lẫn đêm. Bệnh nhân có thể phải chia nhỏ liều dùng loại insulin này hoặc kết hợp với một loại insulin có tác dụng ngắn để cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết.
Bất kể sử dụng loại insulin nào thì người bệnh cũng phải do đường huyết thường xuyên.
Liều dùng insulin
Phác đồ điều trị của mỗi một ca bệnh sẽ được tùy chỉnh để kiểm soát bệnh tiểu đường một cách hiệu quả nhất. Liều insulin mà mỗi người cần sử dụng là khác nhau.
Liều dùng insulin sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:
- Cân nặng
- Tuổi tác
- Yêu cầu về trao đổi chất
- Tình trạng sức khỏe
- Phác đồ điều trị hiện tại
Cho dù đã từng sử dụng insulin trước đây, người bệnh vẫn phải trao đổi kỹ với bác sĩ khi bắt đầu chuyển sang một loại insulin mới hoặc thay đổi liều dùng hay lịch tiêm insulin. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh điều chỉnh liều dùng dựa trên phản ứng đường huyết theo thời gian.
Người bệnh cần đo đường huyết thường xuyên và ghi lại kết quả để bác sĩ có thể đánh giá vào mỗi buổi tái khám và dựa trên đó điều chỉnh liều dùng insulin nếu cần thiết. Những thông tin mà người bệnh cung cấp có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị và kiểm soát bệnh tiểu đường.
Cẩn thận với những thay đổi về triệu chứng
Người bệnh có thể sẽ gặp phải một số triệu chứng trong thời gian đầu sử dụng loại insulin mới. Hãy báo cho bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào để tìm ra vấn đề và điều chỉnh lại phác đồ điều trị. Cụ thể, người bệnh nên đi khám trong những trường hợp sau đây:
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn, hồi hộp, mơ hồ, đổ nhiều mồ hôi hoặc uể oải, thiếu năng lượng. Đây có thể là những triệu chứng hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).
- Cảm thấy mệt mỏi, khát nước liên tục và đi tiểu nhiều. Đây có thể là những triệu chứng tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao).
- Mức đường huyết dao động vượt ra khỏi phạm vi bình thường trong ngày.
- Thay đổi liều dùng insulin hoặc loại insulin và đồng thời bắt đầu chế độ tập luyện mới.
- Thường xuyên bị căng thẳng và tình trạng này có ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc thói quen ăn uống. Căng thẳng quá mức sẽ ảnh hưởng đến viêc kiểm soát lượng đường trong máu.
Kiểm soát tăng cân khi dùng insulin
Tăng cân là một vấn đề có thể xảy ra khi bắt đầu sử dụng insulin hoặc thay đổi liều dùng insulin. Lý do tăng cân là vì trước đây khi không dùng insulin, cơ thể không thể sử dụng lượng đường (glucose) được chuyển hóa từ thức ăn để tạo năng lượng mà thay vào đó, đường tích tụ trong máu và gây ra tình trạng lượng đường trong máu cao. Khi sử dụng insulin, đường trong máu sẽ có thể đi vào các tế bào, tại đây đường được sử dụng hoặc dự trữ dưới dạng năng lượng. Ngoài ra còn một lý do nữa dẫn đến tăng cân khi mới sử dụng insulin. Trước đây, tình trạng tăng đường huyết gây mất nước còn khi sử dụng insulin, cơ thể có thể hơi tích nước và điều này gây tăng cân.
Các cách để kiểm soát cân nặng khi mới sử dụng insulin:
- Giảm khẩu phần ăn để giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Calo nạp vào ít hơn calo tiêu hao (thâm hụt calo) là cách tốt nhất để giảm cân.
- Tăng cường hoạt động thể chất để đốt cháy nhiều calo hơn. Đây cũng là một cách để đạt được sự thâm hụt calo. Tập thể dục thường xuyên còn giúp làm giảm căng thẳng. Hãy nhớ đo đường huyết trước, trong và sau khi tập.
- Nói chuyện với bác sĩ về vấn đề tăng cân khi sử dụng insulin để được tư vấn các cách khắc phục. Không được tự ý thay đổi insulin hay các loại thuốc khác vì điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kế hoạch điều trị.
Kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 có thể là việc không đơn giản nhưng không phải là không thể. Dùng insulin kết hợp với lối sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và kiểm soát căng thẳng là những phần quan trọng của phác đồ điều trị bệnh tiểu đường. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về liệu pháp insulin hay các phương pháp điều trị khác, hãy hỏi trực tiếp bác sĩ để được giải đáp.
Khi mắc bệnh tiểu đường type 2, điều trị đúng cách là điều rất quan trọng. Nếu không được kiểm soát, bệnh tiểu đường type 2 có thể gây tăng đường huyết mãn tính, làm tổn hại các cơ quan và mạch máu.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với những người cần điều trị bằng insulin, bắt đầu ngay từ sớm hơn sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về liệu pháp insulin và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều insulin cần sử dụng.
Duy trì lượng đường trong máu ổn định là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như tiêm insulin hay dùng thuốc đường uống, người mắc bệnh tiểu đường còn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế. Các phương pháp điều trị này giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bệnh.
Thời gian để insulin bắt đầu phát huy tác dụng sau tiêm phụ thuộc vào loại insulin, nhãn hiệu, vị trí tiêm và nhiều yếu tố khác.