1

Điều trị tiểu đường type 2: Mất bao lâu để insulin phát huy tác dụng?

Thời gian để insulin bắt đầu phát huy tác dụng sau tiêm phụ thuộc vào loại insulin, nhãn hiệu, vị trí tiêm và nhiều yếu tố khác.
Điều trị tiểu đường type 2: Mất bao lâu để insulin phát huy tác dụng? Điều trị tiểu đường type 2: Mất bao lâu để insulin phát huy tác dụng?

Phản ứng của cơ thể mỗi người với insulin là khác nhau nên thời gian mà insulin bắt đầu phát huy tác dụng sẽ không giống nhau. Ngoài ra, tốc độ phát huy tác dụng và thời gian insulin tồn tại trong cơ thể còn tùy thuộc vào loại insulin và nhiều yếu tố khác.

Vai trò của insulin trong cơ thể

Insulin là một loại hormone được sản xuất tự nhiên trong cơ thể bởi tuyến tụy. Tuyến tụy chứa hàng triệu tế bào beta - những tế bào này có nhiệm vụ tạo ra insulin.

Khi chúng ta ăn các loại thực phẩm có chứa carbohydrate, carbohydrate sẽ được chuyển hóa thành đường (glucose) trong ruột non và sau đó, lượng đường này sẽ đi vào máu. Lúc này, các tế bào beta của tuyến tụy sẽ giải phóng insulin để giúp các tế bào khác trong cơ thể lấy đường (glucose) từ máu để tạo năng lượng. Điều này giúp giữ cho lượng đường trong máu luôn ở mức cân bằng. Có thể ví insulin như một chiếc chìa khóa để đưa glucose trong máu vào các tế bào.

Hoạt động của insulin ở người không mắc bệnh tiểu đường

Ở những người không bị bệnh tiểu đường, tuyến tụy sản xuất insulin sau khi ăn uống, đặc biệt là khi ăn những thực phẩm chứa carbohydrate.

Insulin giúp các tế bào hấp thụ glucose trong máu và sử dụng glucose làm năng lượng. Khả năng đáp ứng với insulin của các tế bào được gọi là độ nhạy insulin.

Hoạt động của insulin ở người bị tiểu đường

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể hoàn toàn không sản xuất insulin, sản xuất không đủ insulin hoặc các tế bào đáp ứng kém với insulin. Tất cả những điều này đều khiến cho glucose trong máu không thể đi vào các tế bào một cách hiệu quả và dẫn đến kết quả là lượng đường trong máu cao.

Lượng đường trong máu có thể tăng lên sau bữa ăn và cũng có thể tăng trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn vì gan tạo ra glucose khi chúng ta không ăn uống và khi ngủ.

Những người mắc bệnh tiểu đường thường phải sử dụng insulin từ bên ngoài để kiểm soát lượng đường trong máu.

Đặc điểm của insulin

Insulin được sản xuất ở dạng hỗn dịch và có các mức hàm lượng khác nhau. Hàm lượng tiêu chuẩn được sử dụng ở một số nơi trên thế giơi là U-100, có nghĩa là chứa 100 đơn vị insulin trên mỗi ml chất lỏng.

Mặc dù insulin có nhiều mức hàm lượng khác nhau nhưng các loại insulin được phân biệt dựa trên ba đặc điểm là thời gian phát huy tác dụng, thời gian đạt hiệu quả tối đa và thời gian duy trì tác dụng.

  • Thời gian phát huy tác dụng: là khoảng thời gian để insulin đi vào máu và bắt đầu làm giảm lượng đường trong máu.
  • Thời gian đạt hiệu quả tối đa: là thời điểm insulin tác động mạnh nhất đến lượng đường trong máu.
  • Thời gian duy trì tác dụng: insulin giữ ổn định lượng đường trong máu được bao lâu.

Các loại insulin

Insulin là một loại protein. Insulin cần được tiêm dưới lớp mỡ dưới da để được hấp thụ vào máu một cách hiệu quả. Insulin không có ở dạng viên uống vì khi vào đường ruột, insulin sẽ bị các enzyme tiêu hóa phân hủy và không có tác dụng.

Có nhiều loại insulin được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Những người phải điều trị bằng insulin cần sử dụng đúng liều mà bác sĩ chỉ định.

Dưới đây là các loại insulin chính.

Insulin tác dụng nhanh

Insulin tác dụng nhanh bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi tiêm và thường được sử dụng ngay trước bữa ăn. Thời gian chính xác mà loại insulin này phát huy tác dụng còn tùy thuộc vào từng nhãn hiệu.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), insulin tác dụng nhanh có các đặc điểm sau đây:

  • Thời gian phát huy tác dụng: 15 phút
  • Thời gian đạt hiệu quả tối đa: 1 giờ
  • Thời gian duy trì tác dụng: 2 – 4 giờ

Một số loại insulin tác dụng nhanh:

  • lispro (Humalog)
  • aspart (Novolog)
  • glulisine (Apidra)

Theo một nghiên cứu vào năm 2020, khi sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường type 1, insulin lispro (Humalog) thường phát huy tác dụng sau 31 phút và thời gian duy trì tác dụng là từ 5,7 đến 6,6 giờ. (1)

Khi sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường type 2, loại insulin này thường phát huy tác dụng sau 45 phút và thời gian duy trì tác dụng là khoảng 6,7 giờ. Thời gian đạt hiệu quả cao nhất của lispro (Humalog) là khoảng 30 đến 90 phút.

Insulin tác dụng ngắn

Còn được gọi là insulin thường, loại insulin này thường được dùng trước bữa ăn từ 30 đến 60 phút. Các đặc điểm của insulin tác dụng ngắn:

  • Thời gian phát huy tác dụng: 30 phút
  • Thời gian đạt hiệu quả tối đa: 2–3 giờ
  • Thời gian duy trì tác dụng: 3–6 giờ

Một số loại insulin tác dụng ngắn:

  • Regular human insulin
  • Novolin R
  • Humulin R

Insulin tác dụng trung bình

Loại insulin này được dùng để kiểm soát mức đường huyết qua đêm hoặc nửa ngày. Insulin tác dụng trung bình có thể được sử dụng kết hợp với insulin tác dụng nhanh hoặc tác dụng ngắn. Các đặc điểm của insulin tác dụng trung bình:

  • Thời gian phát huy tác dụng: 2 – 4 giờ
  • Thời gian đạt hiệu quả tối đa: 4 – 12 giờ
  • Thời gian duy trì tác dụng: 12 – 18 giờ
  • Thời gian đạt nồng độ cao nhất trong huyết tương: 6 – 10 giờ

Các loại insulin tác dụng trung bình gồm có Novolin N và Humulin N.

Insulin tác dụng kéo dài

Loại insulin này có thể kiểm soát lượng đường trong máu cả ngày. Insulin tác dụng kéo dài không đạt hiệu quả tối đa mà thay vào đó, hiệu quả duy trì ổn định trong suốt cả ngày.

Các đặc điểm của insulin tác dụng kéo dài:

  • Thời gian phát huy tác dụng: 2 giờ
  • Thời gian đạt hiệu quả tối đa: Không có
  • Thời gian duy trì tác dụng: Lên đến 24 giờ

Một số loại insulin tác dụng kéo dài gồm có glargine (Lantus) và detemir (Levemir).

Insulin tác dụng rất dài

Loại insulin này kiểm soát đường huyết trong thời gian dài hơn so với insulin tác dụng kéo dài và cũng không đạt hiệu quả tối đa mà sẽ duy trì ổn định trong suốt khoảng thời gian insulin tồn tại trong cơ thể.

Các đặc điểm của insulin tác dụng rất dài:

  • Thời gian phát huy tác dụng: 6 giờ
  • Thời gian đạt hiệu quả tối đa: Không có
  • Thời gian duy trì tác dụng: 36 giờ hoặc lâu hơn

Một số loại insulin tác dụng rất dài gồm có glargine U300 (IGlar 300) và insulin degludec (IDeg 100 và IDeg 200).

Insulin dạng hít

Insulin dạng hít được ra mắt vào năm 2015. Dạng insulin này có tác dụng nhanh và thường được dùng ngay trước bữa ăn.

Các đặc điểm của insulin dạng hít:

  • Thời gian phát huy tác dụng: 15 phút
  • Thời gian đạt hiệu quả tối đa: 30 phút
  • Thời gian duy trì tác dụng: 3 giờ

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp thụ insulin

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động của insulin sau khi sử dụng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Điều này có nghĩa là đôi khi insulin sẽ phát huy tác dụng sớm hơn hoặc muộn hơn so với tiêu chuẩn.

Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ insulin.

Vị trí tiêm

Người bệnh tiểu đường thường tiêm insulin ở ba khu vực trên cơ thể là bắp tay, cẳng chân và bụng.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), trong số ba khu vực này thì bụng là nơi hấp thụ insulin nhanh và hiệu quả nhất trong khi chân lại là vị trí có kết quả chậm nhất. (2)

Nồng độ insulin

Nồng độ insulin càng cao thì tốc độ khuếch tán và hấp thụ càng nhanh. Công thức insulin phổ biến nhất là U-100 nhưng ngoài ra còn có các mức nồng độ khác là:

  • U-500
  • Humalog U-200
  • Glargine U-300 (Toujeo)
  • Detemir U-200 (Tresiba)
  • Insulin lispro aabc U-200 (Lyumjev)
  • U-40 (hiện nay không còn được sản xuất nữa)

Tần suất tiêm ở cùng một vị trí

Insulin được tiêm vào lớp mô mỡ ngay dưới da. Người bệnh nên thay đổi vị trí tiêm vào mỗi lần tiêm. Việc tiêm nhiều lần ở vùng một vị trí sẽ gây tình trạng vón cục mô mỡ và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ insulin.

Đối với những người phải tiêm insulin liều cao nhiều lần hàng ngày, điều này sẽ gây ra vấn đề lớn.

Các điểm tiêm có thể nằm trong trên một khu vực nhưng phải cách nhau ít nhất 1cm.

Các yếu tố vật lý

Các yếu tố vật lý làm tăng lưu thông máu có thể tăng tốc độ hấp thụ insulin, chẳng hạn như:

  • Tập thể dục
  • Xông hơi
  • Tắm nước nóng
  • Xoa bóp vị trí tiêm
  • Tiếp xúc với nhiệt

Hút thuốc lá sẽ làm giảm sự hấp thụ insulin.

Hoạt động của insulin ở mỗi người sẽ không hoàn toàn giống nhau. Do đó, điều quan trọng là phải biết rõ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của insulin trong cơ thể và cơ chế kiểm soát đường trong máu của insulin để sử dụng cho đúng. Điều này sẽ giúp insulin phát huy hiệu quả tối ưu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tiểu đường type 2: Điều gì sẽ xảy ra khi thay đổi liệu pháp insulin?
Tiểu đường type 2: Điều gì sẽ xảy ra khi thay đổi liệu pháp insulin?

Việc kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ hiệu quả hơn khi người bệnh hiểu rõ cơ chế hoạt động của loại insulin mới cũng như cách điều chỉnh liều dùng insulin theo thói quen ăn uống và mức độ hoạt động thể chất.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.

Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng
Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng

Tiêm insulin có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Insulin từ bên ngoài có tác dụng thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên của cơ thể.

Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?
Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?

Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây