Chế độ ăn uống cho người bị tiểu đường type 1
Không có quy định chung nào về chế độ ăn kiêng dành cho người bị tiểu đường. Mỗi người cần tự xây dựng chế độ ăn uống cho riêng mình dựa trên một số quy tắc cơ bản cũng như là phản ứng của cơ thể với các loại thực phẩm.
Tại sao phải thay đổi chế độ ăn uống khi mắc tiểu đường type 1?
Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần kiểm soát lượng đường trong máu. Để duy trì đường huyết luôn ở mức ổn định thì phải điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và kết hợp với liệu pháp insulin. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:
- Vấn đề về thị lực
- Cao huyết áp, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tuần hoàn máu kém
- Bệnh thận
- Tổn thương thần kinh
- Loét và nhiễm trùng da, gây đau và có thể dẫn đến hoại tử
Thực hiện theo các hướng dẫn về chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp giảm thiểu những triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng. Điều này còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Chuẩn bị
Không có chế độ ăn kiêng tiêu chuẩn cho những người mắc bệnh tiểu đường. Người bệnh có thể đén gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn những thực phẩm nên ăn, nên tránh và cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý về lâu dài.
Do công việc bận rộn mà hiện nay, nhiều người thường xuyên mua đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, những thực phẩm này đa phần đều có giá trị dinh dưỡng thấp trong khi lại chứa nhiều chất béo, đường và muối. Thay vì mua thực phẩm chế biến sẵn, hãy lên kế hoạch cho các bữa ăn từ trước và mua sẵn thực phẩm tươi cho vài ngày đến một tuần. Điều này giúp tiết kiệm thời gian mà vẫn có thể ăn uống lành mạnh.
Việc ăn thực phẩm tươi sẽ giúp cắt giảm lượng đường, carbohydrate, natri và chất béo trong chế độ ăn – đây là những chất làm tăng lượng đường trong máu.
Ngoài ra, để duy trì lượng đường trong máu ổn định, bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý thêm những điều này sau đây:
- Không được bỏ bữa
- Cố gắng ăn vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Chú ý đọc kỹ thông tin trên nhãn thực phẩm khi mua đồ
Tầm quan trọng của insulin
Một điều quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1 là phải trao đổi với bác sĩ về cách xác định liều dùng insulin dựa trên lượng carbohydrate trong chế độ ăn.
Có 2 loại insulin là:
- Insulin bolus: liều dùng được chỉ định theo tỷ lệ với lượng carbohydrate tiêu thụ
- Insulin nền: được sử dụng để thay thế insulin tự nhiên của cơ thể vào ban đêm – thời điểm không ăn uống hoặc vào khoảng thời gian giữa các bữa ăn trong ngày
Việc xác định tỷ lệ insulin và carbohydrate cân bằng là điều rất quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, người bệnh cần phải theo dõi mức độ hoạt động và tác động của các hoạt động thể chất đến mức đường huyết và thuốc.
Tầm quan trọng của tập thể dục
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), hoạt động thể chất thường xuyên là điều rất cần thiết để tăng cường sức khỏe, bất kể mắc loại bệnh tiểu đường nào. (1)
Để biết tác động của các bài tập khác nhau đến đường huyết, người bệnh cần đo đường huyết trước, trong và sau khi tập thể dục.
Mức đường huyết khuyến nghị
Theo Mayo Clinic, mức đường huyết cần duy trì vào ban ngày là từ 80 đến 130 mg/dL và không được quá 180 mg/dL sau bữa ăn hai tiếng. (2)
Những nhóm thực phẩm cần có trong chế độ ăn
Người bệnh cần ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chọn những nguồn cung cấp chất béo tốt, protein và carbohydrate giàu dinh dưỡng.
Nếu khó giữ đường huyết ổn định, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh liều dùng thuốc và chế độ ăn uống. Người bệnh cũng nên trao đổi về giới hạn carb trong mỗi bữa ăn dựa trên tình trạng sức khỏe và nhu cầu cá nhân.
Người bệnh cũng cần phải tính đến việc tập thể dục và xác định nhu cầu carb cho phù hợp với mức độ vận động.
Dưới đây là một số khuyến nghị cơ bản về chế độ ăn uống dành cho người bị tiểu đường type 1.
Carbohydrate
Có ba loại carbohydrate là tinh bột, đường và chất xơ.
Carb có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như rau củ chứa tinh bột, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, đồ ăn chứa đường... Carbohydrate được chuyển hóa thành đường trong đường tiêu hóa và sau đó được hấp thụ vào máu. Điều này làm tăng đường huyết.
Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần phải kiểm soát lượng carbohydrate trong chế độ ăn uống. Một số thực phẩm chứa carbohydrate có tác động đến lượng đường trong máu nhanh hơn so với những thực phẩm khác. Khi bị hạ đường huyết thì hãy chọn những loại carb có tác dụng nhanh, dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ vào máu để nhanh chóng đưa lượng đường trong máu về mức bình thường.
Thông thường, ban đầu nên bổ sung khoảng 15 gram carb, sau đó đo lại đường huyết và nếu vẫn ở mức thấp thì bổ sung thêm 15 gram.
Một số loại thực phẩm chứa carb tác dụng nhanh (khẩu phần cung cấp 15 gram carb):
- 1/2 cốc nước ép trái cây
- 1 miếng trái cây tươi (khoảng 100 gram)
- 4 đến 6 chiếc bánh quy
- 2 thìa canh nho khô
- 1 thìa canh mật ong
Trái cây
Trái cây chứa đường tự nhiên nên cũng là một nguồn cung cấp carb. Do đó, phải tính cả lượng carbohydrate trong trái cây vào tổng lượng carb của bữa ăn.
Người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn trái cây tươi, trái cây đông lạnh hoặc trái cây sấy khô, miễn là biết rõ loại trái cây mình ăn chứa bao nhiêu carb. Điều này sẽ giúp kiểm soát mức đường huyết và insulin.
Một số ví dụ về khẩu phần trái cây chứa 15 gram carbohydrate:
- ½ chén trái cây đóng hộp
- ¼ chén trái cây sấy khô
- 1 miếng trái cây tươi nhỏ (khoảng 100 gram)
- 85 gram nho
- 1 chén dưa cắt miếng nhỏ hoặc quả mọng
- 1/2 cốc nước ép trái cây
Không nhất thiết phải giới hạn lượng carb trong mỗi bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ ở mức 15 gram nhưng phải biết những món mình ăn chứa bao nhiêu carb và kiểm soát lượng carb tiêu thụ dựa trên nhu cầu insulin và mức đường huyết cần duy trì.
Rau củ
Tinh bột là một dạng carb có tự nhiên trong nhiều loại rau củ như khoai tây, khoai lang, ngô, đậu Hà Lan… Các loại rau củ chứa tinh bột có hàm lượng carb cao hơn so với các loại rau củ không chứa tinh bột, do đó người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải và phải tính lượng carb trong những loại rau củ này vào tổng lượng carb của bữa ăn.
Các loại rau củ không chứa tinh bột ít làm tăng lượng đường trong máu hơn mà lại giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và phytochemical. Người bệnh tiểu đường có thể ăn đến 3 chén các loại rau này mỗi bữa mà không lo tăng đường huyết.
Các loại rau củ có dưới 15 gram carb trong 3 chén được coi là không chứa tinh bột. Một số ví dụ gồm có:
- Các loại rau xanh
- Măng tây
- Củ cải
- Cà rốt
- Rau cần tây
- Dưa chuột
- Hành tây
- Ớt chuông
- Giá đỗ và các loại rau mầm
- Cà chua
Khi chế biến rau củ, hạn chế thêm muối và các loại sốt chứa đường.
Một số loại rau củ chứa tinh bột (khẩu phần chứa 15 gram carb):
- 85 gram khoai tây nướng
- 1/2 chén ngô
- 1/2 chén khoai lang hoặc khoai tây nấu chín
- 1/2 chén đậu Hà Lan
- 1 chén bí ngô
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mì nguyên cám hay lúa mạch nguyên cám là những nguồn cung cấp carb giàu dinh dưỡng và chất xơ. Các chuyên gia khuyến nghị ngũ cốc nguyên hạt phải chiếm ít nhất 50% lượng ngũ cốc trong chế độ ăn.
Đọc bảng giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm để biết lượng carb trong mỗi khẩu phần và vì ngũ cốc nguyên hạt chứa carb nên không ăn quá nhiều cùng một lúc để tránh tăng đường huyết.
Protein và chất béo
Protein là một chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với việc duy trì khối lượng cơ và chữa lành vết thương trong khi chất béo tốt cần thiết cho chức năng não bộ và tim mạch.
Protein có trong rất nhiều loại thực phẩm như đậu, trứng, thịt, cá, sữa… Một số thực phẩm chứa chất béo tốt là quả bơ, các loại quả hạch và hạt, các loại cá béo như cá hồi, dầu ô liu…
Mặc dù protein và chất béo không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu nhưng nên hạn chế ăn các loại thịt đã qua chế biến sẵn và thịt mỡ do có chứa hàm lượng chất béo bão hòa và natri cao.
Mặc dù chất béo bão hòa và natri không ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết nhưng thường xuyên ăn quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nên ăn vào thời điểm nào trong ngày?
Thời điểm ăn uống trong ngày cũng quan trọng không kém việc lựa chọn thực phẩm.
Ăn nhiều bữa nhỏ hơn cách đều nhau trong ngày thay vì ba bữa lớn sẽ giúp theo dõi đường huyết dễ dàng hơn và tránh tình trạng đường huyết tăng vọt sau bữa ăn.
Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh xác định liều insulin cho phù hợp với lượng carb tiêu thụ để tránh bị tăng hoặc hạ đường huyết.
Nên chuẩn bị một ít trái cây, quả hạch hoặc các loại thực phẩm lành mạnh khác và mang theo để ăn khi cảm thấy đói. Bữa sáng lành mạnh có thể giúp lượng đường trong máu tăng trở lại sau một dêm không ăn uống.
Tập thể dục và hoạt động thể chất có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu. Nếu định tập thể dục cường độ cao thì người bệnh nên đo đường huyết trước và sau khi tập. Điều này sẽ giúp người bệnh biết được cần phải ăn bao nhiêu để duy trì mức đường huyết khỏe mạnh.
Tóm tắt bài viết
Khi sống chung với bệnh tiểu đường, người bệnh sẽ phải quan tâm hơn đến chế độ ăn uống và ảnh hưởng của mỗi loại thực phẩm đến lượng đường trong máu cũng như là sức khỏe tổng thể. Nếu gặp khó khăn, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.
Ai cũng biết rằng ngủ đủ giấc mỗi ngày là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt nhưng không phải lúc nào điều này cũng đơn giản, đặc biệt là khi mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2.
Bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các dạng suy giảm nhận thức khác nhau, gồm có bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch và suy giảm nhận thức nhẹ - tình trạng xảy ra trước sa sút trí tuệ.
Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị bệnh tiểu đường type 2, điều quan trọng là phải uống thuốc đều đặn. Đôi khi, người bệnh cần dùng thuốc nhiều hơn một lần mỗi ngày.
Nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp ăn kiêng trong đó người thực hiện chỉ được ăn uống trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó là một khoảng thời gian ăn ít hoặc không ăn gì. Thời gian nhịn ăn có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.