Nhịn ăn gián đoạn có an toàn với người bị tiểu đường type 2 không?
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhịn ăn gián đoạn mang lại một số lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường, chẳng hạn như giảm cân. Tuy nhiên, những thay đổi lớn trong thói quen ăn uống có thể dẫn đến sự biến động lượng đường trong máu và điều này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Vậy, nhịn ăn gián đoạn có an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường không?
Hãy cùng tìm hiểu về những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc nhịn ăn gián đoạn đối với bệnh tiểu đường type 2.
Nhịn ăn gián đoạn là gì?
Nhịn ăn có nghĩa là ngừng ăn uống trong một khoảng thời gian. Nhịn ăn được thực hiện vì nhiều lý do, chẳng hạn như:
- Vì lý do tôn giáo
- Chuẩn bị cho một thủ thuật y tế
- Giảm cân
- Cải thiện sức khỏe
Nhịn ăn gián đoạn là một chế độ ăn uống đan xen giữa một khoảng thời gian ăn ít hoặc không ăn và khoảng thời gian ăn uống bình thường. Không giống như nhiều chế độ ăn kiêng khác, phương pháp nhịn ăn gián đoạn giới hạn thời gian ăn uống thay vì giới hạn loại thực phẩm hay hàm lượng chất dinh dưỡng trong bữa ăn.
Nhịn ăn gián đoạn thường được thực hiện nhằm mục đích giảm cân thông qua việc cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Phương pháp này có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho những người mắc bệnh tiểu đường nhưng cũng có những rủi ro đi kèm.
Các kiểu nhịn ăn gián đoạn
Mặc dù có nhiều cách thực hiện nhịn ăn gián đoạn khác nhau nhưng không có cách nào được chứng minh là tốt nhất cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Dưới đây là một số kiểu nhịn ăn gián đoạn phổ biến nhất:
- Nhịn ăn gián đoạn 16:8: Chỉ được phép ăn trong 8 tiếng mỗi ngày và sau đó là 16 tiếng nhịn ăn. Khung giờ nhịn ăn không cố định nhưng cách thực hiện phổ biến nhất là nhịn ăn từ 8 giờ tối hôm trước cho đến 12 giờ trưa ngày hôm sau và ăn uống bình thường từ trưa cho đến 8 giờ tối.
- Nhịn ăn gián đoạn 5:2: Ăn 5 ngày trong tuần và nhịn ăn hoàn toàn trong 2 ngày. Trong 5 ngày đó chỉ được nạp vào tối đa 500 calo/ngày.
- Nhịn ăn cách ngày: Nhịn ăn hoàn toàn hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn trong vòng 24 tiếng, sau đó là 24 tiếng ăn bình thường.
- Khống chế ăn sớm (early time-restricted feeding - eTRF): chỉ được ăn vào buổi sáng và đầu giờ chiều, khoảng thời gian còn lại phải nhịn ăn.
Nhịn ăn gián đoạn có an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường không?
Nhịn ăn gián đoạn có thể gây ra một số rủi ro cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Đối với những người phải điều trị bằng insulin hoặc thuốc đường uống, đột nhiên ăn ít hơn nhiều so với bình thường có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Tình trạng này được gọi là hạ đường huyết.
Hạ đường huyết gây ra các triệu chứng như:
- Run tay
- Không tỉnh táo
- Cáu gắt
- Tim đập nhanh
- Cảm giác hồi hộp, lo âu
- Đổ mồ hôi
- Ớn lạnh
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Thiếu năng lượng, uể oải
- Mờ mắt
- Buồn nôn
Ở những người bị tiểu đường, nhịn ăn gián đoạn cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu tăng cao, tình trạng này được gọi là tăng đường huyết.
Nguyên nhân gây tăng đường huyết thường là do ăn nhiều hơn bình thường và điều này có thể xảy ra sau một thời gian nhịn ăn và bị đói.
Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như:
- Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh)
- Vấn đề về mắt và mù lòa
- Bệnh thận
- Bệnh tim mạch
- Đột quỵ
- Cao huyết áp
Trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ ăn kiêng hoặc phương pháp giảm cân nào, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.
Nhịn ăn gián đoạn có thể gây ra bệnh tiểu đường không?
Một số nghiên cứu ban đầu trên động vật cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy và góp phần dẫn đến kháng insulin nhưng vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận tác động của phương pháp ăn kiêng này đối với bệnh tiểu đường ở người.
Một nghiên cứu vào năm 2020 đã cho chuột nhịn ăn cách ngày trong 12 tuần. Kết quả cho thấy những con chuột này bị tăng mỡ bụng, tổn thương tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy và có dấu hiệu kháng insulin.
Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện trên chuột và chưa chắc điều tương tự cũng xảy ra trên người. Cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng xem liệu nhịn ăn gián đoạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người hay không.
Nhịn ăn gián đoạn có thể đảo ngược bệnh tiểu đường không?
Trong một số trường hợp, việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp làm bệnh tiểu đường thuyên giảm, điều này có thể là nhờ lợi ích giảm cân của phương pháp nhịn ăn gián đoạn.
Một nghiên cứu trường hợp vào năm 2018 đã theo dõi ba người mắc bệnh tiểu đường type 2 sử dụng insulin và nhịn ăn ít nhất ba lần một tuần. Trong vòng một tháng, những người này đã không cần sử dụng insulin nữa. (1)
Những người tham gia còn có sự cải thiện về chỉ số khối cơ thể (BMI), số đo vòng eo và mức HbA1C. Sau vài tháng, mỗi người tham gia giảm khoảng 10% cân nặng.
Mặc dù kết quả đầy hứa hẹn nhưng kích thước mẫu của nghiên cứu này quá nhỏ để đưa ra kết luận về ảnh hưởng của phương pháp nhịn ăn gián đoạn đến phần lớn người mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn hơn vào năm 2018 đã cho thấy rằng gần một nửa số người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể ngừng dùng thuốc điều trị và tình trạng bệnh có sự thuyên giảm sau khi giảm cân. (2)
Vì nhịn ăn gián đoạn là một cách để cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể nên phương pháp này có thể giúp người bệnh tiểu đường giảm cân và cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, nhịn ăn gián đoạn không phải là giải pháp duy nhất. Các phương pháp giảm cân khác cũng có thể mang lại những lợi ích tương tự cho người mắc bệnh tiểu đường.
Cần lưu ý, mỗi người đều khác nhau, những gì có hiệu quả đối với người này chưa chắc cũng sẽ hiệu quả với người khác. Do đó, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về phương pháp giảm cân phù hợp nhất.
Lợi ích của nhịn ăn gián đoạn đối với bệnh tiểu đường
Khi được thực hiện một cách an toàn, nhịn ăn gián đoạn có thể mang lại một số lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường. Nếu giảm cân thành công với phương pháp này, người bệnh có thể giảm liều dùng thuốc điều trị tiểu đường.
Theo nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên ba người được nói đến bên trên, một số người đã có thể ngừng sử dụng insulin sau khi nhịn ăn gián đoạn trong vòng một tháng hoặc lâu hơn.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận xem liệu việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp người mắc bệnh tiểu đường ngừng liệu pháp insulin hay không.
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn có thể mang lại một số lợi ích khác như:
- Cải thiện độ nhạy insulin
- Giảm huyết áp
- Giảm stress oxy hóa
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Thúc đẩy quá trình oxy hóa chất béo
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để kiểm chứng lợi ích về lâu dài của phương pháp nhịn ăn gián đoạn đối với việc kiểm soát đường huyết và các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Cách thực hiện nhịn ăn gián đoạn khi bị tiểu đường
Dưới đây là một số lời khuyên giúp những người bị tiểu đường thực hiện nhịn ăn gián đoạn một cách an toàn:
- Trao đổi với bác sĩ về việc điều chỉnh liều dùng thuốc hoặc insulin: Khi thực hiện một chế độ ăn kiêng có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, người bệnh có thể sẽ cần điều chỉnh phương pháp điều trị bệnh tiểu đường.
- Theo dõi đường trong máu: Việc nhịn ăn trong thời gian dài có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp nên hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn.
- Chú ý đến sức khỏe tinh thần: Nhiều người nhận thấy rằng việc hạn chế ăn uống gây ảnh hưởng đến tâm trạng. Hãy để ý các dấu hiệu như dễ cáu gắt, bồn chồn, lo âu và khó kiểm soát căng thẳng.
- Theo dõi mức năng lượng: Nhịn ăn có thể gây mệt mỏi, thiếu năng lượng. Điều này sẽ gây nguy hiểm trong một số trường hợp như lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Cân bằng lượng carbohydrate: Carbohydrate trong thức ăn được cơ thể phân hủy thành glucose, sau đó đi vào máu và làm tăng lượng đường trong máu. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa carb cùng một lúc sẽ gây tăng đường huyết đột ngột. Khi không nhịn ăn, hãy cố gắng cân bằng lượng carb trong bữa ăn với rau củ và protein để tránh bị tăng đường huyết.
Tóm tắt bài viết
Nhịn ăn gián đoạn là một cách để giảm cân và nhờ đó giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu cho thấy rằng nhịn ăn gián đoạn có thể giúp người mắc bệnh tiểu đường không cần dùng insulin nữa. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về lợi ích này.
Mặc dù nhịn ăn gián đoạn nhìn chung là an toàn nhưng phương pháp này có thể khiến người mắc bệnh tiểu đường bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết do sự dao động lượng đường trong máu trong và sau khoảng thời gian nhịn ăn.
Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp giảm cân nào để được hướng dẫn giảm cân một cách an toàn và bền vững.
Cho dù mục đích là giảm cân hay kiểm soát bệnh tiểu đường thì việc cắt giảm lượng đường vào cơ thể cũng là một điều cần thiết. Thay nước ngọt thông thường bằng nước ngọt dành cho người ăn kiêng là một cách hữu hiệu để giảm bớt lượng đường trong chế độ ăn uống. Đồ uống không calo sẽ là lựa chọn tốt hơn so với các loại có đường và có nhiều loại chất làm ngọt an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường.
Erythritol là một loại rượu đường (sugar alcohol). Mặc dù tên gọi như vậy nhưng erythritol không phải một loại đường và cũng không phải rượu. Rượu đường là nhóm chất làm ngọt ít calo được sử dụng trong nhiều loại đồ ăn, thức uống khác nhau, từ kẹo cao su cho đến nước giải khát đóng chai. Erythritol có vị ngọt gần như đường và không có calo.
Chúng ta đều biết rằng người mắc bệnh tiểu đường phải hạn chế tiêu thụ đường. Do đó, nhiều người đã phải sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo để tạo vị ngọt cho đồ ăn, thức uống thay cho đường. Một trong những loại chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng khá phổ biến là aspartame.
Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.
- 0 trả lời
- 92 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi