1

Người mắc tiểu đường type 2 cần lưu ý gì về chế độ ăn uống?

Lựa chọn đúng loại thực phẩm là điều cần thiết để kiểm soát bệnh tiểu đường. Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế carbohydrate, nhất là carbohydrate tinh chế cũng như là chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và natri có thể giúp ngăn sự tăng đường huyết và bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Người mắc tiểu đường type 2 cần lưu ý gì về chế độ ăn uống? Người mắc tiểu đường type 2 cần lưu ý gì về chế độ ăn uống?

Tại sao cần chú ý chế độ ăn uống khi bị tiểu đường type 2?

Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Mặc dù không có chế độ ăn uống nào phù hợp cho tất cả mọi người nhưng có một số quy tắc cơ bản mà người mắc bệnh tiểu đường nên tuân thủ. Bệnh tiểu đường có đặc trưng là lượng đường trong máu cao hơn bình thường và tình trạng này kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể. Do đó, mục đích của các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường là giữ ổn định đường huyết trong phạm vi an toàn. Quy tắc số một về chế độ ăn uống khi mắc bệnh tiểu đường là tránh những loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), người mắc bệnh tiểu đường nên duy trì đường huyết trong khoảng từ 80 ­đến 130 mg/dL trước bữa ăn và dưới 180 mg/dL trong vòng 2 tiếng sau ăn. (1) Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra mức đường huyết cần đạt được và duy trì.

Cùng tìm hiểu chế độ ăn uống có tác động như thế nào đến lượng đường trong máu cùng những loại thực phẩm mà người bị tiểu đường type 2 nên ăn và nên tránh.

Hạn chế thực phẩm chứa carb tiêu hóa nhanh

Khi bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp), một thìa đường hoặc mật ong có thể giúp đưa đường huyết về mức bình thường. Tuy nhiên, đường là một “kẻ thù” lớn của những người mắc bệnh tiểu đường vì đường khiến cho lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng, đặc biệt là khi ăn thực phẩm có hàm lượng đường lớn hoặc chỉ ăn đường mà không kèm theo các thực phẩm khác.

Những người bị tiểu đường nên hạn chế các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (glycemic index - GI) cao. GI cho biết tốc độ mà một loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Chỉ số GI càng cao thì lượng đường trong máu sau khi ăn sẽ tăng càng nhanh. Đường tinh luyện và các loại thực phẩm chứa carbohydrate đơn giản khác như gạo trắng, bánh mì trắng hay kẹo, bánh ngọt là những ví dụ về thực phẩm có GI cao. Carb trong những thực phẩm này được cơ thể hấp thụ nhanh chóng và dẫn đến tăng đường huyết gần như ngay lập tức sau khi ăn.

Nên chọn các nguồn carb phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm nhiều chất xơ. Nếu muốn ăn một miếng bánh ngọt thì hãy ăn ngay sau bữa ăn gồm có nhiều protein nạc, chất béo tốt, rau củ và các nguồn carb giàu chất xơ như các loại đậu.

Ăn thực phẩm chứa carb tiêu hóa nhanh cùng với các loại thực phẩm khác sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa carb và tránh tăng đường huyết đột biến. Nếu tính toán lượng carb thì đừng quên cộng lượng carb trong miếng bánh vào tổng lượng carb của bữa ăn.

Chọn các nguồn carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt

Hạn chế carb tiêu hóa nhanh không có nghĩa là phải loại bỏ toàn bộ carb ra khỏi chế độ ăn. Ngũ cốc nguyên hạt, chưa qua tinh chế là một nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời. Ngũ cốc nguyên hạt còn giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Carb trong ngũ cốc nguyên hạt là loại tốt cho sức khỏe nhất vì có giá trị dinh dưỡng cao và được hấp thụ từ từ vào máu.

Một số loại thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt gồm có:

  • Bánh mỳ nguyên cám
  • Các loại đậu
  • Mì nguyên cám
  • Gạo lứt
  • Bún, mì gạo lứt
  • Yến mạch nguyên cám
  • Các loại ngũ cốc khác như hạt quinoa, hạt kê

Chọn nguồn protein động vật ít béo và chứa chất béo tốt

Thực phẩm chứa nhiều natri, chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải kiêng hoàn toàn chất béo.

Theo Trường Đại học Y tế công cộng Harvard, thực phẩm giàu chất béo tốt có thể giúp làm giảm mức cholesterol. (2) Chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa đều là những chất béo tốt.

Hãy thử thay thế thịt đỏ bằng các loại cá nước lạnh giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu và cá trích.

Một số loại thực phẩm chứa chất béo tốt khác:

  • Dầu ô liu
  • Quả bơ
  • Các loại hạt và quả hạch

Thực phẩm nên hạn chế:

  • Thịt đỏ
  • Thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt muối
  • Các sản phẩm từ sữa giàu chất béo như pho mát

Tăng lượng trái cây và rau củ

Cân bằng carbohydrate là điều rất cần thiết trong chế độ ăn uống của người mắc bệnh tiểu đường. Nên hạn chế carb tinh chế và thay bằng ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm giàu chất xơ khác. Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ và các vitamin, khoáng chất có lợi. Chất xơ hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa và giúp no lâu hơn sau bữa ăn.

Trái cây cũng là nhóm thực phẩm chứa nhiều chất xơ, ngoài ra còn dồi dào vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Tốt nhất nên ăn trái cây nguyên trái thay vì uống nước ép để bổ sung chất xơ có lợi. Trái cây càng có nhiều vỏ thì càng chứa nhiều chất xơ.

Một số loại trái cây giàu chất xơ gồm có:

  • Việt quất
  • Mâm xôi
  • Mâm xôi đen
  • Nam việt quất
  • Dưa vàng
  • Bưởi
  • Quả anh đào

Các loại trái cây nên hạn chế:

  • Dưa hấu
  • Dứa
  • Nho khô
  • Nho
  • Cam

Rau củ cũng là một nhóm thực phẩm cần có trong bữa ăn của người bị tiểu đường. Các loại rau củ đa phần đều chứa ít calo và hàm lượng nước cao nên có thể giúp no lâu và giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Hãy chọn những loại rau củ quả có màu sắc rực rỡ và ăn nhiều loại rau khác nhau. Một số lựa chọn tốt nhất cho người bị tiểu đường là:

  • Bông cải xanh
  • Rau cải bó xôi
  • Ớt chuông
  • Cà rốt
  • Đậu Hà Lan
  • Cà chua
  • Cần tây
  • Cải bắp

Ăn nhiều bữa

Những người bị tiểu đường nên ăn nhiều bữa trong ngày và chia đều lượng carbohydrate vào các bữa để tránh lượng đường trong máu tăng đột biến. Một điều quan trọng là phải chú ý đến khẩu phần ăn.

Đo đường huyết và ghi lại nhiều lần trong ngày, nhất là trước và sau bữa ăn. Nếu có thay đổi bất thường thì hãy báo cho bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Tóm tắt bài viết

Lựa chọn đúng loại thực phẩm là điều cần thiết để kiểm soát bệnh tiểu đường. Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế carbohydrate, nhất là carbohydrate tinh chế cũng như là chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và natri có thể giúp ngăn sự tăng đường huyết và bảo vệ sức khỏe tổng thể.

Theo dõi lượng đường trong máu khi ăn, khi hoạt động thể chất và khi dùng thuốc điều trị cũng rất quan trọng. Dần dần, bạn sẽ biết được phản ứng của cơ thể với mỗi loại thực phẩm và phản ứng khi ăn vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

Tập thể dục thường xuyên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm đường huyết, mức cholesterol và cải thiện huyết áp.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
10 lời khuyên giúp người bị tiểu đường type 2 ngủ ngon hơn
10 lời khuyên giúp người bị tiểu đường type 2 ngủ ngon hơn

Ai cũng biết rằng ngủ đủ giấc mỗi ngày là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt nhưng không phải lúc nào điều này cũng đơn giản, đặc biệt là khi mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2.

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn?
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn?

Bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các dạng suy giảm nhận thức khác nhau, gồm có bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch và suy giảm nhận thức nhẹ - tình trạng xảy ra trước sa sút trí tuệ.

Làm gì khi lỡ quên uống thuốc tiểu đường type 2?
Làm gì khi lỡ quên uống thuốc tiểu đường type 2?

Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị bệnh tiểu đường type 2, điều quan trọng là phải uống thuốc đều đặn. Đôi khi, người bệnh cần dùng thuốc nhiều hơn một lần mỗi ngày.

Nhịn ăn gián đoạn có an toàn với người bị tiểu đường type 2 không?
Nhịn ăn gián đoạn có an toàn với người bị tiểu đường type 2 không?

Nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp ăn kiêng trong đó người thực hiện chỉ được ăn uống trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó là một khoảng thời gian ăn ít hoặc không ăn gì. Thời gian nhịn ăn có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2
Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây