Xét nghiệm đường huyết giúp phát hiện những vấn đề nào?
Xét nghiệm đường huyết là gì?
Xét nghiệm đường huyết hay xét nghiệm đường máu là xét nghiệm đo nồng độ đường (glucose) trong máu. Xét nghiệm này thường được thực hiện để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 cũng cần làm xét nghiệm này định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.
Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra khi các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy bị hệ miễn dịch tấn công. Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi các tế bào cơ thể trở nên kháng insulin và không còn sử dụng insulin một cách hiệu quả. Cả hai loại bệnh tiểu đường đều có đặc trưng là lượng đường trong máu cao nếu không được kiểm soát tốt.
Xét nghiệm đường huyết cho kết quả nhanh chóng và kết quả xét nghiệm cho biết:
- lượng đường trong máu ở mức bình thường, cao hoặc thấp
- chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục hiện tại có hiệu quả không và có cần điều chỉnh gì hay không
- hiệu quả của các loại thuốc điều trị tiểu đường đang dùng
- mục tiêu kiểm soát bệnh tiểu đường đã đề ra có khả thi hay không
Đối với những người chưa được chẩn đoán bệnh tiểu đường, bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm đường huyết trong quá trình khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra xem có mắc bệnh tiểu đường hay tiền tiểu đường hay không. Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ cao để được chẩn đoán tiểu đường.
Xét nghiệm đường huyết cũng được thực hiện khi một người có các triệu chứng của bệnh tiểu đường hoặc có các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 1:
- Là trẻ nhỏ hoặc thiếu niên
- Có người thân trong gia đình bị tiểu đường type 1
- Mang một số gen nhất định có liên quan đến tiểu đường type 1
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2:
- 35 tuổi trở lên
- Thừa cân hoặc béo phì
- Lối sống ít vận động
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
- Có tiền sử kháng insulin hoặc tiền tiểu đường
- Có tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng trên 4kg
- Bị cao huyết áp, có mức triglyceride hoặc cholesterol cao
- Có tiền sử đột quỵ hoặc cao huyết áp
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số chủng tộc có tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 cao hơn, gồm có người Mỹ bản địa, người gốc Phi, người gốc Latinh và Tây Ban Nha, người gốc Á, người Alaska hoặc người dân đảo Thái Bình Dương.
Xét nghiệm đường huyết có thể được thực hiện tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế.
Xét nghiệm đường huyết để làm gì?
Xét nghiệm đường huyết thường được thực hiện để kiểm tra xem một người có bị tiểu đường hay tiền tiểu đường hay không. Xét nghiệm sẽ cho biết nồng độ glucose trong máu.
Sau khi vào cơ thể, carbohydrate trong các loại thực phẩm như ngũ cốc và trái cây được chuyển hóa thành glucose và đi vào máu. Glucose là một loại đường và là một trong những nguồn năng lượng chính của cơ thể.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đo đường huyết tại nhà thường xuyên là điều cần thiết để theo dõi lượng đường trong máu. Biết được mức đường huyết sẽ giúp người bệnh có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc các loại thuốc đang dùng cho phù hợp.
Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) có thể gây co giật hoặc hôn mê nếu không được điều trị.
Lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) có thể dẫn đến nhiễm toan ceton - một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không can thiệp kịp thời. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ nhiễm toan ceton cao hơn so với người mắc tiểu đường type 2. Tăng đường huyết trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh (tổn thương thần kinh), bệnh tim mạch, thận và mắt.
Nhiễm toan ceton và ketosis
Nhiễm toan ceton xảy ra khi lượng đường trong máu ở mức rất cao và lượng ceton đạt đến mức nguy hiểm trong cơ thể.
Cần phân biệt nhiễm toan ceton với ketosis. Ketosis là trạng thái diễn ra khi cơ thể sử dụng chất béo để làm năng lượng thay cho glucose. Trạng thái này diễn ra khi chế độ ăn có quá ít carbohydrate hoặc do nhịn ăn.
Rủi ro của xét nghiệm đường huyết
Xét nghiệm đường huyết rất an toàn, không có bất cứ rủi ro nào đáng kể.
Việc lấy máu từ tĩnh mạch có thể gây đau, sưng tấy và bầm tím tại vị trí đâm kim nhưng những hiện tượng này sẽ biến mất trong vòng 1 đến 2 ngày.
Các loại xét nghiệm đường huyết
Xét nghiệm đường huyết có thể được thực hiện tại cơ sở y tế hoặc thực hiện tại nhà.
Người mắc bệnh tiểu đường có thể sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra lượng đường trong máu hàng ngày. Người bệnh sẽ dùng kim tự lấy một mẫu máu nhỏ (thường là từ đầu ngón tay), chấm máu lên que thử và đưa vào trong máy.
Xét nghiệm đường huyết cũng có thể được thực hiện tại các bệnh viện hay phòng khám. Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu của người bệnh và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Có nhiều loại xét nghiệm đường huyết được sử dụng để sàng lọc bệnh tiểu đường. Phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là xét nghiệm đường huyết lúc đói hay xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói. Xét nghiệm này đo lượng đường trong máu sau một thời gian nhịn ăn.
Ngoài ra, bác sĩ cũng thường chỉ định xét nghiệm HbA1C hay A1C. Kết quả xét nghiệm này cho biết lượng đường trong máu trung bình trong 90 ngày trước đó và giúp phát hiện tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Ở những người đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, xét nghiệm A1C giúp theo dõi mức độ kiểm soát tình trạng bệnh.
Xét nghiệm đường huyết được thực hiện khi nào?
Thời điểm và tần suất xét nghiệm đường huyết tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường mắc phải và phương pháp điều trị.
Tiểu đường type 1
Theo nghiên cứu, những người đang điều trị tiểu đường type 1 bằng insulin đa liều hoặc máy bơm insulin nên đo đường huyết:
- trước khi ăn bữa chính hoặc bữa phụ
- sau khi ăn 2 – 3 tiếng
- trước khi đi ngủ
- khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết
Tăng đường huyết
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), người mắc bệnh tiểu đường nên đo đường huyết khi thường xuyên cảm thấy khát và/hoặc đi tiểu nhiều lần trong ngày. Đây là các triệu chứng của tăng đường huyết và có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh cần phải điều chỉnh kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường.
Nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt nhưng vẫn có các triệu chứng tăng đường huyết thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh đang bị căng thẳng hoặc mắc một bệnh lý khác.
Tập thể dục và kiểm soát lượng carbohydrate trong chế độ ăn có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Nếu những thay đổi này không hiệu quả thì nên trao đổi với bác sĩ về các biện pháp đưa đường trong máu trở về phạm vi an toàn.
Hạ đường huyết
Theo ADA, nên đo đường huyết khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Chóng mặt, lâng lâng
- Đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh
- Cáu gắt
- Mơ hồ, không tỉnh táo
- Run tay
- Đói và buồn nôn
- Buồn ngủ, thiếu năng lượng
- Châm chích hoặc tê ở môi hoặc lưỡi
- Mệt mỏi
- Buồn bã, chán nản
Các triệu chứng nặng như mê sảng, co giật hoặc bất tỉnh có thể là dấu hiệu của hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc sốc insulin. Những người phải tiêm insulin hàng ngày nên hỏi bác sĩ về glucagon - một loại thuốc thường được sử dụng khi bị hạ đường huyết nghiêm trọng.
Hạ đường huyết có thể xảy ra mà không biểu hiện triệu chứng. Tình trạng này được gọi là hạ đường huyết vô thức. Những người có tiền sử hạ đường huyết vô thức nên đo đường huyết thường xuyên hơn.
Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian mang thai. Nguyên nhân là do các hormone trong thai kỳ cản trở khả năng sử dụng insulin của cơ thể. Điều này khiến cho glucose không được vận chuyển vào tế bào để tạo năng lượng mà tích tụ trong máu.
Những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ được khuyến nghị xét nghiệm đường huyết thường xuyên. Biết được lượng đường trong máu sẽ giúp người bệnh thực hiện các bước cần thiết để duy trì đường huyết trong phạm vi khỏe mạnh, nhờ đó tránh được các biến chứng xảy ra với mẹ và thai nhi.
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường khỏi sau khi sinh nhưng sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 trong tương lai.
Những trường hợp không cần đo đường huyết tại nhà thường xuyên
Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 và điều trị chủ yếu bằng chế độ ăn kiêng kết hợp tập thể dục có thể không cần phải đo đường huyết tại nhà thường xuyên. Việc đo đường huyết tại nhà cũng thường không cần thiết nếu các loại thuốc đang dùng không gây hạ đường huyết.
Xét nghiệm đường huyết được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm tại cơ sở y tế
Xét nghiệm đường huyết tại cơ sở y tế được thực hiện trên mẫu máu lấy từ tĩnh mạch. Người bệnh thường sẽ phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói. Nên hỏi trước nhân viên y tế để được hướng dẫn thời gian nhịn ăn. Xét nghiệm A1C không cần phải nhịn ăn.
Đo đường huyết tại nhà
Người bệnh có thể kiểm tra lượng đường trong máu tại nhà bằng máy đo đường huyết. Các bước thực hiện chi tiết sẽ tùy thuộc vào từng loại máy. Người dùng nên đọc kỹ và làm đúng theo các bước ghi trong hướng dẫn sử dụng.
Thông thường, quy trình đo đường huyết tại nhà gồm có các bước như sau:
- Lấy một cây kim sạch đâm vào đầu ngón tay để lấy máu.
- Chấm máu lên que thử.
- Đưa que thử vào máy đo đường huyết.
Kết quả thường sẽ hiển thị trên màn hình sau 10 đến 20 giây.
Máy đo đường huyết liên tục
Ngoài máy đo đường huyết thông thường, người bệnh cũng có thể lựa chọn máy đo đường huyết liên tục (continuous glucose monitoring - CGM). Thiết bị này gồm có một cảm biến glucose được đặt dưới da và liên tục theo dõi lượng đường trong mô cơ thể. Máy sẽ phát cảnh báo khi lượng đường trong máu quá thấp hoặc quá cao.
Mỗi cảm biến thường được giữ nguyên trong vài ngày đến một tuần và sau đó cần thay mới. Người bệnh vẫn nên kiểm tra bằng máy đo đường huyết thông thường để hiệu chỉnh máy đo đường huyết liên tục sau mỗi vài ngày đến 2 tuần.
Máy đo đường huyết liên tục thường không được chính xác trong việc phát hiện các vấn đề cấp tính như hạ đường huyết. Để có kết quả chính xác nhất thì nên sử dụng máy đo đường huyết thông thường hoặc xét nghiệm máu tại cơ sở y tế.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm đường huyết
Tùy thuộc vào tình trạng và thời gian tiến hành xét nghiệm, lượng đường trong máu được coi là bình thường khi nằm trong các phạm vi dưới đây: (1)
Thời gian xét nghiệm | Người không bị tiểu đường | Người bị tiểu đường |
Trước bữa sáng | dưới 70 – 99 mg/dL | 80 – 130 mg/dL |
Trước bữa trưa, bữa tối và bữa phụ | dưới 70 – 99 mg/dL | 80 – 130 mg/dL |
2 tiếng sau khi ăn | dưới 140 mg/dL | dưới 180 mg/dL |
Tuy nhiên, phạm vi đường huyết được coi là bình thường ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như:
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
- Thời gian mắc bệnh tiểu đường
- Các biến chứng của bệnh tiểu đường
- Tuổi tác
- Mang thai
- Tuổi tác, giới tính
Theo dõi lượng đường trong máu sẽ giúp kiểm soát tốt bệnh tiểu đường. Nên ghi lại kết quả mỗi lần đo đường huyết vào sổ hoặc ứng dụng điện thoại.
Nếu đường huyết liên tục ở mức quá cao hoặc quá thấp thì cần báo cho bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị.
Kết quả chẩn đoán
Bệnh tiểu đường | Không bị tiểu đường | Tiền tiểu đường | |
Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói | Từ 99 mg/dL trở xuống | 100 – 125 mg/dL | 126 mg/dL trở lên |
Xét nghiệm A1C | dưới 5,7% | 5,7 – 6,4% | 6,5% trở lên |
Dưới đây là ý nghĩa kết quả xét nghiệm đường huyết trong chẩn đoán bệnh tiểu đường: (2)
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp để kiểm soát đường huyết. Việc kiểm soát tốt sẽ giúp ngăn tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường type 2.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể. Phương pháp này thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bao gồm cả tiểu đường thai kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 có thể là do sự kết hợp của cả yếu tố về sức khỏe lẫn yếu tố về lối sống. Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng do một số yếu tố không thể tránh khỏi nhưng đa phần là do các yếu tố về lối sống.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một phần quan trọng trong quá trình khám thai định kỳ. Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ để xác định khi nào nên làm xét nghiệm và tần suất xét nghiệm.
Chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường ngay từ sớm sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng dễ dàng hơn, ngăn ngừa các biến chứng về lâu dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Ngoài dùng thuốc, điều chỉnh thói quen sinh hoạt cũng là một cách để kiểm soát bệnh tiểu đường và cholesterol cao.