1

Độ tuổi khởi phát tiểu đường type 2 và những yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 có thể là do sự kết hợp của cả yếu tố về sức khỏe lẫn yếu tố về lối sống. Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng do một số yếu tố không thể tránh khỏi nhưng đa phần là do các yếu tố về lối sống.
Độ tuổi khởi phát tiểu đường type 2 và những yếu tố nguy cơ Độ tuổi khởi phát tiểu đường type 2 và những yếu tố nguy cơ

Trước đây, bệnh tiểu đường type 2 chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi. Hiện nay, căn bệnh này đang ngày càng phổ biến ở thanh thiếu niên và trẻ em do các yếu tố về chế độ ăn uống, tỷ lệ béo phì và mức độ hoạt động thể chất thấp.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 34 triệu người Mỹ đang sống chung với bệnh tiểu đường và có đến 95% trong số này bị tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường type 2 khởi phát vào độ tuổi nào, có những yếu tố nguy cơ nào và làm sao để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh?

Độ tuổi chẩn đoán tiểu đường

Theo Báo cáo Thống kê Bệnh tiểu đường Quốc gia của CDC Mỹ vào năm 2020, quốc gia này có khoảng 1,5 triệu trường hợp mắc mới bệnh tiểu đường vào năm 2018.

Tại thời điểm này, hầu hết người được chẩn đoán tiểu đường type 2 là những người từ 45 đến 64 tuổi.

Số ca mắc mới cả tiểu đường type 1 và type 2 ở những người từ 18 tuổi trở lên như sau:

Nhóm tuổi Số ca mắc mới vào năm 2018
18 – 44 tuổi 452.000
45 – 64 tuổi 706.000
65 tuổi trở lên 326.000

Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em và thanh niên

Vào năm 2018, báo cáo của CDC ghi nhận có 210.000 người dưới 20 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Trong số này có 187.000 trường hợp mắc tiểu đường type 1.

Từ năm 2011 đến 2015, số trường hợp được chẩn đoán mắc tiểu đường type 1 và type 2 đã tăng đáng kể ở những người từ 10 đến 19 tuổi.

Trước đây, bệnh tiểu đường type 2 chủ yếu xảy ra ở người lớn trong khi tiểu đường type 1 lại phổ biến hơn ở trẻ em và thanh niên. Hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do phản ứng tự miễn của cơ thể trong khi bệnh tiểu đường type 2 đa phần là do các yếu tố về lối sống.

Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu lý do tại sao số trường hợp bị bệnh tiểu đường lại gia tăng ở những người dưới 20 tuổi. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng tỷ lệ mắc bệnh có thể tăng lên đến 49% vào năm 2050. Nếu tỷ lệ mắc bệnh tiếp tục tăng, số ca tiểu đường type 2 ở người trẻ tuổi có thể tăng gấp 4 lần.

Tỷ lệ mắc bệnh theo chủng tộc

Theo thống kê của CDC, một số nhóm chủng tộc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 cao hơn. Nguyên nhân của điều này vẫn chưa được xác định rõ nhưng một phần có thể là do sự chênh lệch về điều kiện kinh tế và xã hội.

Vào năm 2017 – 2018, nguy cơ được chẩn đoán bệnh tiểu đường sau 18 tuổi ở các nhóm chủng tộc như sau:

  • 14,7% ở người Mỹ và người Alaska bản địa
  • 12,5% ở người gốc Tây Ban Nha
  • 11,7% ở người Mỹ da đen
  • 9,2% ở người châu Á
  • 7,5% ở người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha

Từ năm 2002 đến 2010, trẻ em và thanh niên gốc Tây Ban Nha là nhóm có sự gia tăng lớn nhất về số trường hợp được chẩn đoán tiểu đường type 1. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến 2015, số trường hợp mắc tiểu đường type 1 lại tăng cao nhất ở trẻ em, thanh niên tại đảo Thái Bình Dương và châu Á.

Từ năm 2002 đến 2010 cũng có sự gia tăng tương tự về số trường hợp được chẩn đoán tiểu đường type 2 ở trẻ em và thanh niên thuộc tất cả các nhóm chủng tộc. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến 2015, người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha là nhóm chủng tộc duy nhất duy trì tỷ lệ mắc mới ổn định.

Tỷ lệ mắc bệnh ở tất cả các nhóm chủng tộc khác đều tăng đáng kể, đặc biệt là người Mỹ da đen.

Một vấn đề được đặt ra hiện nay là phải giải quyết sự khác biệt về chủng tộc trong việc chẩn đoán và điều trị một số bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường.

Các yếu tố nguy cơ ở người lớn

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 có thể là do sự kết hợp của cả yếu tố về sức khỏe lẫn yếu tố về lối sống.

Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng do một số yếu tố không thể tránh khỏi nhưng đa phần là do các yếu tố về lối sống.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

Có một số yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát. Thứ nhất là tuổi tác, nguy cơ mắc tiểu đường type 2 tăng cao sau 45 tuổi. Thứ hai là di truyền. Những người có người thân trong gia đình bị tiểu đường cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Vấn đề sức khỏe

Bệnh tiểu đường thường đi kèm với các vấn đề sức khỏe khác. Những người đã mắc một trong những vấn đề dưới đây sẽ có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn.

  • Bệnh mạch máu
  • Béo phì
  • Cao huyết áp
  • Nồng độ lipoprotein mật độ cao (HDL) hay cholesterol tốt thấp
  • Mức triglycerie cao
  • Tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 4kg
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoặc các bệnh lý khác có tình trạng kháng insulin
  • Trầm cảm
  • Bị bệnh gai đen – tình trạng xuất hiện các mảng da sẫm màu, bề mặt mịn như nhung do lượng glucose trong máu cao
  • Tiền tiểu đường

Những người bị tiền tiểu đường có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn.

Tiền tiểu đường là tình trạng mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để được chẩn đoán tiểu đường type 2.

Tuy nhiên, không phải ai bị tiền tiểu đường cũng bị tiểu đường type 2. Thực hiện các biện pháp giảm đường huyết ở giai đoạn này có thể làm chậm hoặc ngăn chặn tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường.

Những người được chẩn đoán mắc tiền tiểu đường cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống.

Các yếu tố về lối sống

Lối sống ít vận động và không tập thể dục là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường bổ sung hoặc cung cấp nhiều calo hơn mức cơ thể cần cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Khi kết hợp với nhau, các yếu tố về lối sống này có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề sức khỏe liên quan. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

CDC ước tính có 89% người Mỹ trưởng thành mắc bệnh tiểu đường bị thừa cân hoặc béo phì. Đối với những người thừa cân, giảm cân có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn sự khởi phát bệnh tiểu đường type 2.

Các yếu tố nguy cơ ở trẻ em

Những người dưới 18 tuổi nên tầm soát bệnh tiểu đường nếu có các yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên bách phân vị thứ 85 (hiểu một cách đơn giản là nằm trong 15% dân số có chỉ số BMI cao nhất thế giới)
  • Có các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2, chẳng hạn như bệnh gai đen
  • Có các vấn đề sức khỏe liên quan như cao huyết áp
  • Có một thành viên ruột thịt trong gia đình mắc tiểu đường type 2
  • Trẻ có mẹ bị tiểu đường thai kỳ
  • Thuộc nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như người Mỹ da đen hoặc người dân đảo Thái Bình Dương

Sự chênh lệch nguy cơ tiểu đường giữa các nhóm chủng tộc

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), người da đen có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao gấp đôi so với người da trắng. NIH cho biết thêm rằng sự chênh lệch đã tăng lên trong 30 năm qua.

Điều này có vẻ như có liên quan đến các yếu tố sinh học, trong đó có bệnh béo phì.

Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác cũng góp phần dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh cũng như cơ hội được chẩn đoán, điều trị và tiên lượng của những người da đen mắc bệnh tiểu đường, chẳng hạn như:

  • Thiếu không gian an toàn để tập thể dục
  • Không có khả năng chi trả hoặc tiếp cận thực phẩm tươi
  • Trầm cảm, điều này có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường
  • Chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên người da đen mắc bệnh tiểu đường
  • Khó tiếp cận đến các phương pháp điều trị hoặc khó duy trì việc điều trị (ví dụ như do chi phí cao)

Phòng ngừa bệnh tiểu đường

Có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2, ngay cả khi đã được chẩn đoán tiền tiểu đường.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, thường xuyên tập thể dục và giảm khoảng 7% khối lượng cơ thể (đối với những người thừa cân) có thể làm giảm 58% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Ngoài ra cũng có thể trì hoãn sự khởi phát của bệnh tiểu đường bằng cách dùng thuốc điều trị tiểu đường.

Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn rõ hơn về các biện pháp phòng ngừa.

Không có cách nào có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, thực hiện các biện pháp can thiệp sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng do tiểu đường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Một số câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2?

Cả yếu tố di truyền và môi trường đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Yếu tố nguy cơ phổ biến nhất là thừa cân hoặc béo phì.

Những người có tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc các dạng hội chứng chuyển hóa như cao huyết áp và bệnh tim mạch cũng có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn.

Đâu là yếu tố nguy cơ chính?

Thống kê chỉ ra rằng 89% người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị béo phì. Điều này cho thấy béo phì là yếu tố nguy cơ lớn nhất.

Làm thế nào để ngăn tiền tiểu đường trở thành bệnh tiểu đường?

Những người bị tiền tiểu đường có lượng đường trong máu cao hơn mức khuyến nghị. Điều này làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2.

Tuy nhiên, có thể làm giảm nguy cơ tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường type 2 bằng cách tập thể dục thường xuyên, giảm 5 - 7% khối lượng cơ thể (nếu thừa cân, béo phì) và thay đổi chế độ ăn uống.

Tóm tắt bài viết

Trước đây, bệnh tiểu đường type 1 chủ yếu được chẩn đoán ở trẻ em và thanh thiếu niên trong khi bệnh tiểu đường type 2 xảy ra phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Hiện nay, tỷ lệ mắc tiểu đường type 1 vẫn cao nhất ở nhóm người dưới 20 tuổi nhưng tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 ở người trẻ tuổi đang ngày một tăng. Theo các chuyên gia, điều này là do các yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục.

Người trên 45 tuổi vẫn có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn so với người trẻ tuổi nhưng những người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh nếu không chú ý đến lối sống.

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn bình thường, bất kể lứa tuổi, chẳng hạn như người bị béo phì, có mức cholesterol cao và mắc hội chứng chuyển hóa. Các yếu tố về kinh tế - xã hội cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường, ví dụ như khó tiếp cận dịch vụ y tế, thiếu không gian tập thể dục và giới hạn về chế độ ăn uống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: yếu tố, khởi phát
Tin liên quan
Mẹ mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể làm tăng nguy cơ con bị tự kỷ
Mẹ mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể làm tăng nguy cơ con bị tự kỷ

Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ sinh con bị bệnh tự kỷ cao hơn. Mặc dù chưa rõ chính xác nguyên nhân tại sao nhưng nồng độ glucose trong máu cao có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến mối liên hệ này.

Nghiên cứu cho biết statin có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2
Nghiên cứu cho biết statin có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Bạn có biết rất có thể một loại thuốc mà bạn đang dùng để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ thực ra lại đang gây nguy hiểm theo một cách khác?

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.

Tập thể dục có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường type 2?
Tập thể dục có những lợi ích gì đối với bệnh tiểu đường type 2?

Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể không còn sử dụng hiệu quả lượng insulin được tạo ra và thậm chí còn ngừng sản xuất insulin. Đây là một bệnh lý phổ biến nhưng không phải là không thể tránh khỏi. Có thể ngăn ngừa và thậm chí đảo ngược được bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống, trong đó hai bước quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện. Kết hợp cả hai sẽ giúp duy trì sức khỏe tốt về lâu dài.

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn?
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn?

Bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các dạng suy giảm nhận thức khác nhau, gồm có bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch và suy giảm nhận thức nhẹ - tình trạng xảy ra trước sa sút trí tuệ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây