1

Bệnh tiểu đường type 1 có chữa khỏi được không?

Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1 nhưng các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và một số trong đó đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.
Bệnh tiểu đường type 1 có chữa khỏi được không? Bệnh tiểu đường type 1 có chữa khỏi được không?

Có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1 không?

Tiểu đường type 1 là một bệnh mãn tính xảy ra do cơ thể không có khả năng tạo ra insulin. Insulin là một loại hormone được tạo ra trong tuyến tụy, giúp vận chuyển glucose (đường) trong máu vào tế bào.

Các tế bào trong cơ thể sử dụng glucose từ thực phẩm làm nguồn năng lượng chính. Tuy nhiên, ở người bị tiểu đường type1, các tế bào beta có chức năng sản xuất insulin của tuyến tụy bị chính hệ miễn dịch phá hủy. Vì thế nên các tế bào này không còn khả năng tạo ra đủ insulin để xử lý lượng glucose trong máu. Lượng glucose trong máu cao sẽ gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách thường xuyên đo đường huyết và tiêm insulin hàng ngày.

Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1 nhưng các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và một số trong đó đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.

Các phương pháp điều trị tiểu đường type 1 đang được nghiên cứu

Theo một nghiên cứu vào năm 2021, các phương pháp điều trị tiểu đường type 1 đang được nghiên cứu hiện nay được chia thành ba loại chính là thay thế insulin, insulin dựa trên tế bào và bảo vệ tế bào beta. (1)

Thay thế insulin

Phương pháp chính để kiểm soát bệnh tiểu đường type 1 là thay thế insulin. Insulin có thể được đưa vào cơ thể qua đường tiêm (bơm kim tiêm, bút tiêm) hoặc máy bơm insulin. Đây được gọi là insulin ngoại sinh hay insulin từ bên ngoài cơ thể.

Nghiên cứu về phương pháp thay thế insulin cho thấy rằng phương pháp này chủ yếu chỉ có tác dụng ổn định lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường type 1 chứ không thể chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, thay thế insulin có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Các loại thay thế insulin được nghiên cứu gồm có sử dụng tuyến tụy nhân tạo, trí thông minh nhân tạo (AI) và các chất tương tự insulin (phiên bản insulin biến đổi gen).

Insulin dựa trên tế bào

Khác với thay thế insulin, insulin dựa trên tế bào nhằm mục đích giúp cơ thể tự sản xuất đủ insulin.

Cấy ghép tế bào đảo tụy là một cách để đạt được điều này. Trong phương pháp này, tế bào tuyến tụy đang hoạt động được lấy từ người hiến tặng và cấy vào cơ thể người bệnh tiểu đường type 1. Một số nghiên cứu hiện tại cho thấy cứ 3 người được cấy ghép tế bào đảo tụy thì có 1 người không cần tiêm insulin trong 2 năm sau thủ thuật. (2)

Các phương pháp điều trị dựa trên tế bào khác gồm có biến các loại tế bào khác trong tuyến tụy thành tế bào sản xuất insulin và khiến cơ thể tái tạo tế bào beta. Trong một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021, một nghiên cứu trong lĩnh vực điều trị bệnh tiểu đường type 1 còn sử dụng liệu pháp tế bào gốc.

Bảo vệ tế bào beta

Nhóm phương pháp điều trị thứ ba nhằm mục đích bảo vệ các tế bào beta hiện có trong cơ thể.

Một nghiên cứu vào năm 2019 được thực hiện trên những người không bị tiểu đường type 1 nhưng có nguy cơ mắc bệnh cao đã cho thấy rằng phương pháp điều trị sử dụng kháng thể đơn dòng đã trì hoãn thành công sự khởi phát bệnh tiểu đường. (3)

Đã từng có ai chữa khỏi được tiểu đường type 1 hay chưa?

Một nghiên cứu trường hợp vào năm 2020 đã báo cáo trường hợp của một bệnh nhân 17 tuổi mắc bệnh tiểu đường type 1.

Trường hợp này còn có các triệu chứng khác ngoài triệu chứng tiểu đường và sau khi đi khám thì được chẩn đoán rối loạn miễn dịch. Tình trạng rối loạn miễn dịch đã được điều trị bằng thuốc. Sau 1 năm dùng thuốc (21 tháng kể từ thời điểm chẩn đoán bệnh tiểu đường), bệnh nhân đã có thể ngừng dùng insulin một cách an toàn.

Những phát hiện như thế này mở ra các hướng nghiên cứu mới về bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cần được tiếp nhận một cách cẩn thận. Ca bệnh trong nghiên cứu trường hợp nói trên là duy nhất nên chưa thể kết luận thuốc điều trị rối loạn miễn dịch cũng có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1 cho những người khác. Hơn nữa, cần có thêm thời gian để biết kết quả về lâu dài.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này đã làm tăng thêm hy vọng chữa khỏi bệnh tiểu đường trong tương lai.

Lầm tưởng về việc chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được quảng cáo là có thể “chữa dứt điểm” bệnh tiểu đường nhưng trên thực tế khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa khỏi căn bệnh mãn tính này.

Thậm chí còn có ý kiến cho rằng có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn kiêng.

Có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1 bằng chế độ ăn kiêng không?

Lượng đường trong máu và sự sản xuất insulin đều có liên quan đến quá trình tiêu hóa. Do mối liên hệ này nên nhiều người nghĩ rằng một số loại thực phẩm hoặc khoáng chất có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, việc chữa khỏi bệnh tiểu đường không đơn giản như vậy.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đã đưa ra lời khuyên về dinh dưỡng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1. Chế độ ăn uống mà mỗi người cần thực hiện không hoàn toàn giống nhau do còn phụ thuộc vào một số yếu tố nhưng nói chung, chế độ ăn uống được khuyến nghị cho người bệnh tiểu đường cũng có một số điểm giống với chế độ ăn uống dành cho người không mắc bệnh:

  • Kiểm soát khẩu phần ăn cho phù hợp với mục tiêu sức khỏe.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
  • Hạn chế tối đa thực phẩm chứa đường bổ sung, natri và chất béo xấu.

Những trở ngại trong việc tìm ra cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1

Đến nay, nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh tiểu đường type 1 vẫn chưa được xác định rõ. Đây chính là thách thức lớn nhất trong quá trình tìm ra cách chữa khỏi bệnh. Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào beta – các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin của tuyến tụy. Các yếu tố di truyền và môi trường có thể góp phần dẫn đến căn bệnh mãn tính này nhưng khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao hệ miễn dịch lại tấn công và phá hủy các tế bào beta.

Nếu tế bào bị tấn công là những tế bào beta khỏe mạnh thì nguyên nhân có thể là do hệ miễn dịch có vấn đề và nhận nhầm các tế bào khỏe mạnh là tác nhân gây hại. Mặt khác, nguyên nhân cũng có thể là do các tế bào beta bị rối loạn chức năng và hệ miễn dịch tiêu diệt các tế bào này để loại trừ mối nguy hại cho cơ thể.

Các nghiên cứu đang tìm hiểu theo cả hai hướng và đã có những phát hiện mới. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng bệnh tiểu đường type 1 có thể được chữa khỏi trong tương lai không xa.

Các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường type 1 hiện tại

Theo thống kê, cứ 11 người trưởng thành lại có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tiểu đường type 1 chiếm từ 5 đến 10% tổng số ca bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu vào năm 2015 ở Scotland đã theo dõi những người trên 20 tuổi và phát hiện ra rằng những người bị tiểu đường type 1 có tuổi thọ trung bình ngắn hơn từ 11 đến 13 năm so với người không bị tiểu đường. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cũng vào năm 2015 cho thấy kiểm soát tốt đường huyết có thể giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Có nhiều cách để kiểm soát bệnh tiểu đường type 1, gồm có theo dõi đường huyết thường xuyên, dùng insulin, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Đo đường huyết thường xuyên

Theo dõi sát sao mức đường huyết là điều quan trọng nhất để kiểm soát bệnh tiểu đường type 1. Người bệnh cần đo đường huyết hàng ngày và tần suất đo trong ngày ở mỗi một ca bệnh là khác nhau. Theo khuyến nghị, người bệnh nên đo đường huyết ít nhất 2 lần/ngày nhưng một số người có thể phải đo trên 10 lần mỗi ngày, tùy vào tình trạng bệnh. Trao đổi với bác sĩ về tần suất đo đường huyết phù hợp.

Insulin

Vì bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin nên người bệnh cần phải bổ sung insulin từ bên ngoài. Hình thức sử dụng insulin phổ biến nhất là tiêm, có thể bằng bơm kim tiêm hoặc bút tiêm nhưng ngoài ra, người bệnh cũng có thể lựa chọn máy bơm insulin.

Chế độ ăn uống

Đồ ăn, thức uống có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nên điều chỉnh chế độ ăn uống là điều rất quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh tiểu đường, bất kể type 1 hay type 2. Người bệnh tiểu đường được khuyến nghị duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng và không được bỏ bữa. Nên lựa chọn các loại thực phẩm toàn phần như thịt nạc, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên cám hay các loại hạt thay vì thực phẩm chế biến sẵn. Người bệnh nên cố gắng ăn vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Các chuyên gia về sức khỏe khuyến nghị người mắc bệnh tiểu đường type 1 nên tính lượng carbohydrate trong bữa ăn để xác định liều insulin phù hợp.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe cho cả những người mắc và không mắc bệnh tiểu đường.

Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu, mặc dù đôi khi vận động thể chất khiến mức đường huyết tăng cao. Có thể kiểm soát điều này bằng cách:

  • Dành thời gian “cooldown” sau mỗi buổi tập (tập những động tác nhẹ nhàng giúp đưa nhịp tim, nhịp thể và thân nhiệt trở về mức bình thường)
  • Uống đủ nước
  • Đo đường huyết trước, trong và sau khi tập

Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Trạng thái tinh thần, cảm xúc cũng có tác động đến lượng đường trong máu. Nếu nguyên nhân gây dao động đường huyết là do những xáo trộn về tinh thần, hãy cố gắng kiểm soát để ổn định đường huyết. Mặt khác, bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ gặp phải một số vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm hay rối loạn ăn uống. Khi nhận thấy triệu chứng của những vấn đề này thì người bệnh nên đi khám để được tư vấn cách điều trị.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù đến nay vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1 nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng căn bệnh này có thể được chữa khỏi trong tương lai không xa. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn đang được tiến hành và đã cho thấy một số tín hiệu tích cực.

Trong thời gian chờ đợi, người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng liệu pháp insulin, kết hợp ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục đều đặn. Chỉ cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị là sẽ có thể kiểm soát tốt mức đường huyết và sống khỏe mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?

Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?

Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?

Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng ấn tượng với hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa cao cùng một số vitamin và khoáng chất. Nhưng loại gạo này có phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hay không?

Bệnh tiểu đường type 1 có di truyền không?
Bệnh tiểu đường type 1 có di truyền không?

Di truyền được cho là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường type 1. Di truyền ở đây bao gồm cả tiền sử gia đình và sự hiện diện của một số gen nhất định.

Tiểu đường type 2 có phải bệnh tự miễn không?
Tiểu đường type 2 có phải bệnh tự miễn không?

Trong suốt nhiều thập kỷ, các bác sĩ và nhà nghiên cứu vẫn tin rằng tiểu đường type 2 là một bệnh rối loạn chuyển hóa. Loại rối loạn này xảy ra khi các quá trình hóa học tự nhiên của cơ thể không diễn ra một cách bình thường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng tiểu đường type 2 có thể là một bệnh tự miễn. Nếu vậy, bệnh lý này có thể được điều trị và phòng ngừa bằng các biện pháp mới.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Máy điện trường có hiệu quả không
  •  3 tháng trước
  •  0 trả lời
  •  85 lượt xem

Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây