Tiểu đường type 2 có phải bệnh tự miễn không?
Do vẫn chưa có đủ bằng chứng chứng minh điều này nên hiện tại, phương pháp chính để phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường type 2 vẫn là thay đổi lối sống, dùng thuốc và insulin.
Tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2
Cho đến nay, tiểu đường type 2 vẫn coi là một bệnh lý khác hoàn toàn với tiểu đường type 1, mặc dù cả hai đều được gọi là “tiểu đường”.
Bệnh tiểu đường type 1
Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn, thường được chẩn đoán ở trẻ em và thiếu niên, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh của cơ thể và phá hủy các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. Điều này khiến cho tuyến tụy không còn khả năng cung cấp insulin cho cơ thể. Insulin là loại hormone giúp vận chuyển đường từ máu (glucose) đến các tế bào.
Khi không có insulin, đường trong máu sẽ không được vận chuyển vào các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng và các tế bào khắp cơ thể sẽ không được cung cấp năng lượng cần thiết. Lượng đường trong máu sẽ tăng cao, dẫn đến các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, hay cảm thấy khát và cáu kỉnh.
Bệnh tiểu đường type 2
Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi các tế bào trong cơ thể không phản ứng tốt với insulin, khiến cho tuyến tụy phải tăng sản xuất insulin và sau một thời gian không thể sản xuất đủ insulin nữa.
Bệnh tiểu đường type 2 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi có tuổi.
Khi không có insulin, các tế bào của cơ thể sẽ không thể sử dụng glucose và các triệu chứng của bệnh tiểu đường sẽ xuất hiện, gồm có mệt mỏi, tăng cảm giác đói, thường xuyên thấy khát và mờ mắt.
Kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng tiểu đường type 1 và type 2 có nhiều điểm giống nhau hơn những gì vẫn được biết đến trước đây. Vào thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm để kiểm chứng giả thuyết cho rằng tiểu đường type 2 cũng là một bệnh tự miễn giống như tiểu đường type 1.
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy chính các tế bào và mô khỏe mạnh của cơ thể.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những đặc điểm sau đây ở những người mắc bệnh tiểu đường: (1)
- Phản ứng viêm cấp thấp, kéo dài ở mọi giai đoạn, từ những thay đổi đầu tiên trong cơ thể đến khi xảy ra các biến chứng của bệnh tiểu đường
- Thay đổi về số lượng và chức năng của các tế bào miễn dịch
- Hoạt động kháng thể bất thường (xảy ra trong một số trường hợp)
- Thay đổi trong một số tế bào T
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, đây là những đặc điểm của phản ứng viêm và có thể chỉ ra hoạt động tự miễn. (2)
Thay đổi về phương pháp điều trị tiểu đường type 2
Nếu tiểu đường type 2 đúng là một bệnh tự miễn thì phát hiện này sẽ làm thay đổi những gì mà chúng ta vẫn biết về bệnh béo phì bấy lâu nay và còn ảnh hưởng đến cách điều trị bệnh tiểu đường type 2 do béo phì.
Hiện nay, bệnh tiểu đường type 2 vẫn chủ yếu được điều trị bằng hai phương pháp chính.
Thứ nhất là thực hiện lối sống lành mạnh, gồm có chế độ ăn kiêng phù hợp với người bị tiểu đường và tập thể dục thường xuyên.
Thứ hai là sử dụng các loại thuốc đường uống. Các loại thuốc này điều trị bệnh tiểu đường theo các cơ chế khác nhau, gồm có tăng độ nhạy insulin, làm cho cơ thể tạo ra ít glucose hơn và các cơ chế khác.
Trong trường hợp thuốc đường uống không có tác dụng, bệnh nhân có thể sẽ phải sử dụng insulin. Tiêm insulin sẽ giúp tế bào hấp thụ glucose và tạo năng lượng.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường không cần tiêm insulin mà chỉ cần sử dụng thuốc đường uống và thay đổi lối sống lành mạnh là đủ để kiểm soát tình trạng bệnh nhưng cũng có những người phải dùng insuln ngay lập tức sau khi phát hiện bệnh.
Nếu bệnh tiểu đường type 2 là một bệnh tự miễn, điều đó có thể thay đổi phác đồ điều trị. Tương tự như điều trị tiểu đường type 1, bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng liệu pháp insulin ở giai đoạn sớm hơn.
Một số nhà nghiên cứu còn nêu ý kiến, nếu tiểu đường type 2 là một bệnh tự miễn thì có thể sẽ đáp ứng với các loại thuốc ức chế miễn dịch.
Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị tiểu đường type 2
Một trong những loại thuốc ức chế miễn dịch như vậy là rituximab (Rituxan, MabThera). Loại thuốc này thuộc một nhóm thuốc có tên là kháng thể đơn dòng kháng kháng nguyên CD20. Những loại thuốc này có tác dụng nhắm mục tiêu và loại bỏ các tế bào miễn dịch đang tấn công mô khỏe mạnh.
Trong một nghiên cứu vào năm 2011, các kháng thể đơn dòng kháng CD20 đã ngăn chặn thành công bệnh tiểu đường type 2 ở những con chuột thí nghiệm có nguy cơ cao mắc bệnh này. Việc điều trị bằng kháng thể đơn dòng kháng CD20 thậm chí còn giúp khôi phục lượng đường trong máu của chuột về mức bình thường. (3)
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các loại thuốc tác động đến hệ miễn dịch có thể giúp ích cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Các loại thuốc ức chế miễn dịch như kháng thể đơn dòng kháng CD20 có thể ngăn cản các tế bào của hệ miễn dịch, chẳng hạn như tế bào B, tấn công các mô khỏe mạnh.
Hiện nay, kháng thể đơn dòng kháng CD20 được sử dụng để điều trị một số bệnh tự miễn, gồm có viêm khớp dạng thấp và bệnh đa xơ cứng. Sẽ cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi thuốc ức chế miễn dịch được đưa vào điều trị bệnh tiểu đường type 2 nhưng những kết quả ban đầu đều rất hứa hẹn.
Tóm tắt bài viết
Việc một số nghiên cứu cho thấy rằng tiểu đường type 2 là một bệnh tự miễn là một bước tiến lớn trong y học và sự hiểu biết của chúng ta về căn bệnh này.
Hiểu rõ hơn về bản chất và nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 là điều rất quan trọng để xác định phương pháp điều trị tốt nhất.
Các nghiên cứu trong tương lai sẽ đưa ra kết luận liệu rằng tiểu đường type 2 có đúng là một bệnh tự miễn hay không. Nếu đúng thì việc điều trị và phòng ngừa căn bệnh này sẽ chuyển sang các liệu pháp và thuốc mới. Mặc dù nghiên cứu nói trên chưa thể kết luận nhưng đã mở ra một hướng thảo luận mới về nguyên nhân và cách phát triển của bệnh tiểu đường cũng như là những biện pháp để phòng ngừa bệnh.
Cần nghiên cứu thêm trước khi bệnh tiểu đường type 2 chính thức được coi là một bệnh tự miễn.
Còn hiện tại, những người mắc bệnh tiểu đường hãy cứ tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, gồm có đo đường huyết thường xuyên, dùng thuốc và insulin nếu cần thiết, đồng thời kết hợp lối sống lành mạnh để duy trì đường huyết ở mức khuyến nghị và giữ sức khỏe tốt.
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc có nguy cơ bị tiểu đường type 2 được khuyến nghị thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, cắt giảm đường và carbohydrate tinh chế. Nhưng liệu thịt – một loại thực phẩm không chứa carb – có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không?
Theo thời gian, lượng đường trong máu liên tục ở mức cao sẽ gây tổn hại các cơ quan khắp cơ thể và dẫn đến nhiều triệu chứng. Ở một số người, các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường.
Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1 nhưng các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và một số trong đó đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.
Mặc dù một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần phải tiêm insulin hàng ngày để giữ ổn định lượng đường trong máu nhưng trong hầu hết các trường hợp, loại bệnh tiểu đường này có thể được kiểm soát mà không cần đến insulin. Người bệnh có thể kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc đường uống hay kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác.
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải một số biến chứng và các biến chứng này sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ.
- 0 trả lời
- 110 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi