1

Béo Phì

Béo phì là gì?

Béo phì là một bệnh mà lượng mỡ thừa trong cơ thể ở mức quá cao. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng hay thẩm mỹ mà còn là một vấn đề sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp và một số bệnh ung thư.

Béo phì được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. BMI là một chỉ số được tính dựa trên cân nặng và chiều cao. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây béo phì. Thông thường, béo phì là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền, môi trường và chế độ ăn uống cùng với thói quen lối sống. Hiện nay, béo phì đang là một vấn đề ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, chỉ cần giảm cân là sẽ cải thiện hoặc ngăn ngừa được các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì.

Nguyên nhân gây béo phì

Khi lượng calo nạp vào trong chế độ ăn lớn hơn lượng calo được đốt cháy trong các hoạt động hàng ngày và tập thể dục thì sẽ gây tăng cân. Dần dần, theo thời gian, lượng calo thừa sẽ tích tụ lại và dẫn đến béo phì.

Một số nguyên nhân gây béo phì phổ biến gồm có:

  • Chế độ ăn có quá nhiều thực phẩm giàu chất béo và hàm lượng calo cao
  • Lối sống ít vận động
  • Ngủ không đủ giấc, điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi nội tiết tố, tạo cảm thấy đói và thèm ăn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao
  • Di truyền. Một số gen di truyền có ảnh hưởng đến cách mà cơ thể chuyển thức ăn thành năng lượng và sự tích trữ mỡ
  • Tuổi cao. Khi có tuổi thì khối cơ sẽ giảm và tốc độ trao đổi chất chậm lại, dẫn đến dễ tăng cân và tích mỡ hơn
  • Mang thai. Tăng cân khi mang thai thường rất khó giảm và cuối cùng dẫn đến béo phì

Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể dẫn đến tăng cân, ví dụ như:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): một bệnh lý gây mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ
  • Hội chứng Prader-Willi: một bệnh hiếm gặp khiến người mắc luôn cảm thấy đói
  • Hội chứng Cushing: tình trạng mà cơ thể có quá nhiều hormone cortisol
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém): tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ các hormone quan trọng
  • Thoái hóa khớp và các vấn đề khác gây đau nhức xương khớp, khiến người bệnh không thể vận động

Ai có nguy cơ béo phì?

Béo phì thường là do sự kết hợp giữa nhiều nguyên nhân và các yếu tố khác nhau:

Gen di truyền và ảnh hưởng của gia đình

Các gen mà bạn được di truyền từ bố mẹ có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ cơ thể tích tụ và nơi mà mỡ phân bố. Di truyền cũng là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của quá trình cơ thể chuyển thức ăn thành năng lượng, điều chỉnh cảm giác thèm ăn và mức độ đốt cháy calo trong khi vận động.

Béo phì thường di truyền trong gia đình. Nguyên nhân không chỉ là do các gen mà còn do các thành viên trong một gia đình thường có cùng thói quen ăn uống và sinh hoạt giống nhau.

Thói quen lối sống

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Một chế độ ăn nhiều calo, ít trái cây và rau xanh, quá nhiều thức ăn nhanh và các loại đồ uống có hàm lượng carb cao sẽ góp phần gây tăng cân.
  • Lượng calo lỏng: Hàng ngày, chúng ta có thể nạp vào rất nhiều calo từ các loại đồ uống mà không cảm thấy no, đặc biệt là các loại đồ uống có cồn. Các loại đồ uống có hàm lượng calo cao khác, chẳng hạn như nước ngọt, cũng là thủ phạm lớn gây tăng cân.
  • Lười vận động: Nếu bạn có lối sống ít vận động thì lượng calo được nạp vào cơ thể mỗi ngày sẽ lớn hơn là lượng calo được đốt cháy. Đây là lý do mà những người làm công việc văn phòng là đối tượng dễ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì.

Một số bệnh và thuốc

Ở một số người, béo phì bắt nguồn từ các bệnh lý, chẳng hạn như hội chứng Prader-Willi, hội chứng Cushing và một số bệnh khác. Các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như viêm khớp sẽ gây khó khăn cho việc vận động và dẫn đến tăng cân.

Một số loại thuốc cũng có thể gây tăng cân nếu như không chú ý đến chế độ ăn uống hoặc hoạt động trong thời gian dùng thuốc. Những loại thuốc này gồm có thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống loạn thần, steroid và thuốc chẹn beta.

Các yếu tố xung quanh

Các yếu tố môi trường sống và xã hội cũng có thể góp phần gây béo phì. Ví dụ, nếu như bạn sống ở những khu dân cư chật hẹp và ít không gian đi lại thì sẽ dễ bị tăng cân. Tương tự, công việc bận rộn sẽ khiến bạn không còn thời gian nấu những bữa ăn lành mạnh và dần dẫn đến tích mỡ trong cơ thể. Ngoài ra, những người xung quanh cũng có ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Nghiên cứu đã cho thấy những người có bạn bè hay người thân béo phì cũng sẽ có nguy cơ béo phì cao hơn bình thường.

Tuổi tác

Béo phì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Nhưng khi có tuổi thì sự thay đổi nội tiết tố và lối sống ít vận động sẽ làm cho nguy cơ béo phì càng tăng cao. Ngoài ra, khối cơ trong cơ thể sẽ giảm theo tuổi tác. Khối cơ càng thấp thì mức độ trao đổi chất càng giảm. Những thay đổi này sẽ làm giảm lượng calo được đốt cháy và khiến người lớn tuổi khó giảm cân hơn. Nếu như không kiểm soát những gì nạp vào hàng ngày và vận động thể chất nhiều hơn khi có tuổi thì sẽ rất dễ béo phì.

Các yếu tố khác

  • Thai kỳ: Tăng cân là điều phổ biến trong khi mang thai và sau khi sinh thì thường rất khó giảm cân. Điều này khiến cho phụ nữ có nguy cơ béo phì cao. Cho con bú là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để giảm cân sau khi sinh con.
  • Bỏ thuốc lá: Nhiều người nhận thấy cân nặng tăng đáng kể sau khi cai thuốc và thậm chí còn đến mức béo phì. Điều này thường xảy ra do việc ăn nhiều để quên đi cảm giác thèm thuốc và cũng có không ít người cảm thấy ăn ngon miệng hơn khi bỏ thuốc. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá vẫn là một điều cần thiết và đem lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe. Chỉ cần chú ý hơn đến chế độ ăn và tập luyện là có thể ngăn ngừa tăng cân.
  • Thiếu ngủ hoặc ngủ nhiều: Không ngủ đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều đều có thể gây ra những thay đổi về nồng độ hormone tạo cảm giác thèm ăn.
  • Căng thẳng: Căng thẳng cũng có thể góp phần gây béo phì. Một phần nguyên nhân là do khi căng thẳng, phiền muộn thì nhiều người thường chọn cách ăn uống để cải thiện tâm trạng.
  • Hệ vi sinh vật đường ruột: Hệ vi khuẩn đường ruột bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta ăn và có thể góp phần gây tăng cân hoặc khó giảm cân.

Những phương pháp giảm cân trước đây: Một số phương pháp giảm cân sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể và gây tăng cân nhanh hơn sau khi ngừng. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng yo-yo.

Ngay cả khi bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ kể trên thì cũng không có nghĩa là bạn sẽ bị béo phì. Bạn có thể ngăn ngừa bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động thể chất, tập thể dục và thay đổi thói quen sống hàng ngày.

Chẩn đoán béo phì bằng cách nào?

Để chẩn đoán béo phì, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp kiểm tra dưới đây:

  • Lấy bệnh sử và đánh giá thói quen sống: Bác sĩ sẽ xem lịch sử cân nặng, mức độ vận động và thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống, những vấn đề sức khỏe, bệnh lý đang mắc phải, các loại thuốc đang dùng, mức độ căng thẳng và các vấn đề về sức khỏe khác. Ngoài ra, bác sĩ sẽ còn hỏi về tiền sử gia đình để đánh giá nguy cơ.
  • Thăm khám lâm sàng: gồm có đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, ví dụ như nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ cơ thể,nghe tim và phổi cũng như là kiểm tra bụng.
  • Tính chỉ số BMI: Bác sĩ sẽ tính chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số BMI từ 30 trở lên sẽ được coi là béo phì. BMI trên 30 còn làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Nên kiểm tra chỉ số BMI ít nhất mỗi năm một lần để đánh giá các nguy cơ về sức khỏe và có biện pháp can thiệp phù hợp.
  • Đo vòng eo: Lượng mỡ lớn tích trữ quanh eo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Phụ nữ có số đo vòng eo (chu vi) trên 89cm và nam giới có vòng eo trên 102cm sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khỏe. Giống như chỉ số BMI, vòng eo cũng nên được kiểm tra ít nhất một lần mỗi năm.
  • Kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác: Nếu bạn đã biết các vấn đề sức khỏe mà mình đang mắc phải thì bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng. Bác sĩ sẽ còn kiểm tra các vấn đề khác, chẳng hạn như cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Ngoài ra có thể sẽ còn phải làm các phương pháp kiểm tra tim, chẳng hạn như đo điện tâm đồ.
  • Xét nghiệm máu: Những xét nghiệm cần làm sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, các yếu tố nguy cơ và triệu chứng đang gặp phải. Một số xét nghiệm máu được sử dụng phổ biến gồm có xét nghiệm mức cholesterol, xét nghiệm chức năng gan, đường huyết lúc đói, xét nghiệm tuyến giáp và các xét nghiệm khác.

Tất cả những thông tin này sẽ giúp bác sĩ xác định được bạn có bị béo phì hay không, nếu có thì ở mức độ nào và cần giảm bao nhiêu cân cũng như là những vấn đề sức khỏe hoặc nguy cơ đang gặp phải để từ đó đề ra giải pháp khắc phục.

Biến chứng của béo phì

Những người béo phì sẽ có nguy cơ cao gặp phải một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:

  • Bệnh tim và đột quỵ: Người béo phì dễ bị tăng huyết áp và có mức cholesterol cao, đây là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và đột quỵ.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2: Béo phì sẽ ảnh hưởng đến cách mà cơ thể sử dụng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này làm tăng nguy cơ kháng insulin và tiểu đường.
  • Một số bệnh ung thư: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư túi mật, ung thư tuyến tụy, ung thư thận và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Vấn đề về tiêu hóa: Béo phì làm tăng khả năng bị ợ nóng, bệnh túi mật và các vấn đề về gan.
  • Các vấn đề phụ khoa và sinh sản: Béo phì có thể dẫn đến vô sinh và kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Vấn đề này cũng có thể gây rối loạn cương dương ở nam giới.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Những người mắc bệnh béo phì sẽ có nguy cơ cao bị chứng ngưng thở khi ngủ - một vấn đề nghiêm trọng mà trong đó sự hô hấp liên tục gián đoạn trong khi ngủ.
  • Thoái hóa khớp: Béo phì làm tăng áp lực lên các khớp xương, ngoài ra còn thúc đẩy phản ứng viêm trong cơ thể. Những yếu tố này đều sẽ dẫn đến các biến chứng như thoái hóa khớp.

Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Béo phì sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống. Bạn sẽ không thể làm được những việc mà bạn vẫn thường làm, chẳng hạn như những việc cần vận động nhiều. Bạn cũng sẽ không còn muốn đến những nơi đông người do cảm thấy tự ti về thân hình của mình. Nhiều người béo phì thường có tâm lý tự ti, thậm chí còn lo âu, trầm cảm và tự tách mình khỏi những người xung quanh.

Điều trị béo phì bằng cách nào?

Mục tiêu của các phương pháp điều trị béo phì là đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Điều này giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan đến béo phì. Mục tiêu ban đầu thường là giảm một số cân nặng nhỏ, từ 5% đến 10% tổng trọng lượng. Ví dụ, nếu nặng 90 kg thì sẽ chỉ cần giảm khoảng 4,5 đến 9kg là đủ để sức khỏe bắt đầu có cải thiện. Tuy nhiên, càng giảm nhiều thì lợi ích có được sẽ càng lớn.

Tất cả các biện pháp giảm cân đều đòi hỏi phải thay đổi thói quen ăn uống và tăng cường vận động thể chất. Có nhiều phương pháp giảm cân khác nhau tùy vào mức độ béo phì, tình trạng sức khỏe tổng thể và ý chí quyết tâm của người bệnh.

Thay đổi chế độ ăn uống

Giảm lượng calo và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là điều rất quan trọng để khắc phục béo phì. Mặc dù có nhiều chế độ ăn kiêng giúp giảm cân một cách nhanh chóng nhưng hiệu quả thường chỉ được trong thời gian ngắn ban đầu. Giảm cân đều đặn, ổn định trong thời gian dài mới là cách an toàn và hiệu quả nhất. Điều này cũng giúp giữ được kết quả sau giảm một cách bền lâu.

Không nên ăn kiêng quá khắc nghiệt hay nhịn ăn vì sẽ không thể giảm cân về lâu dài.

Thay vào đó, nên lập kế hoạch giảm cân dần dần trong ít nhất 6 tháng và thực hiện giai đoạn duy trì kéo dài ít nhất một năm để tăng khả năng giảm cân thành công.

Không có chế độ ăn kiêng nào là hiệu quả nhất và phù hợp cho tất cả mọi người. Nên thử và áp dụng chế độ mà bạn cảm thấy an toàn và thích hợp nhất với mình. Một số thay đổi về chế độ ăn để điều trị béo phì gồm có:

  • Cắt giảm lượng calo: Chìa khóa rất quan trọng để giảm cân là giảm lượng calo nạp vào. Bước đầu tiên là đánh giá thói quen ăn uống hàng ngày để xem mình thường tiêu thụ bao nhiêu calo và có thể cắt giảm ở mức nào. Bác sĩ sẽ giúp xác định lượng calo nên nạp vào mỗi ngày để giảm cân, nhưng thường là từ 1.200 đến 1.500 calo đối với phụ nữ và 1.500 đến 1.800 calo đối với nam giới.
  • Chọn thực phẩm ít calo: Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như đồ ngọt, kẹo, bánh hay thực phẩm chế biến sẵn có chứa một lượng calo lớn chỉ trong một phần nhỏ. Ngược lại, trái cây và rau củ có chứa rất ít calo. Bằng cách chọn những loại thực phẩm như vậy, bạn sẽ có thể ăn một lượng lớn hơn và tạo cảm giác no bụng mà vẫn nạp vào ít calo.
  • Chọn thực phẩm lành mạnh: Nên bổ sung nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra nên chọn các nguồn protein nạc (lean protein), ví dụ như các loại đậu và thịt nạc. Cố gắng ăn cá hai lần một tuần. Hạn chế lượng muối và đường. Chỉ nên ăn một lượng nhỏ chất béo và chọn những nguồn chất béo tốt cho sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích), dầu ô-liu, dầu canola và các loại dầu ép từ hạt.
  • Hạn chế một số loại thực phẩm: Cần hạn chế một số nhóm thực phẩm cụ thể, chẳng hạn như thực phẩm giàu carbohydrate hoặc sữa nguyên kem. Cố gắng tránh xa các loại đồ uống có đường.

Đừng nên tin vào những loại đồ ăn được quảng cáo là giúp giảm cân có bán trên thị trường. Giảm lượng calo nạp vào, ăn những loại thực phẩm lành mạnh và tránh xa những thực phẩm dễ gây tăng cân vẫn là cách hiệu quả nhất để giảm cân về lâu dài.

Tương tự, đừng nên giảm ăn quá đột ngột và ăn kiêng quá khắc nghiệt. Có thể bạn sẽ giảm được một số cân nặng lớn chỉ trong thời gian ngắn nhưng một khi ngừng lại thì sẽ còn tăng cân nhanh hơn trước. Để giảm cân và giữ kết quả bền lâu thì cách duy nhất là thực hiện theo một thói quen ăn uống lành mạnh mà bạn có thể duy trì trong thời gian dài.

Tập thể dục và tăng cường vận động

Tăng cường vận động thể chất và tập thể dục là một phần bắt buộc của chế độ giảm cân điều trị béo phì. Khảo sát đã cho thấy, hầu hết những người duy trì được kết quả giảm cân trong thời gian hơn một năm đều có thói quen tập thể dục đều đặn, thậm chí chỉ cần đi bộ.

Bạn nên tăng cường vận động bằng những cách sau:

  • Tập thể dục thường xuyên: Những người béo phì phải dành ra ít nhất 150 phút vận động thể chất với cường độ vừa phải mỗi tuần để ngăn chặn tăng cân thêm hoặc duy trì hiệu quả giảm cân ổn định. Để đạt được kết quả giảm cân cao, bạn sẽ cần cố gắng tập thể dục 300 phút trở lên mỗi tuần. Khi sức bền và thể lực được cải thiện thì có thể tăng dần thời lượng và cường độ tập luyện
  • Vận động liên tục: Mặc dù tập thể dục vẫn là cách hiệu quả nhất để đốt cháy calo và giảm số cân nặng dư thừa nhưng bất cứ sự vận động nào trong ngày cũng đều giúp đốt cháy một lượng calo nhất định. Bạn có thể thực hiện một số thay đổi đơn giản trong lối sống như đi bộ khi cần đi mua đồ thay vì đi xe, làm các công việc nhà, leo thang bộ thay vì đi thang máy, thi thoảng đứng dậy khi làm việc và đi bộ nhẹ nhàng xung quanh hay dùng ứng dụng đếm bước chân trên điện thoại để theo dõi khoảng cách mà mình đã di chuyển trong một ngày. Nên đặt mục tiêu đi được 10.000 bước mỗi ngày. Ban đầu có thể sẽ chưa thực hiện được nhưng cứ tăng dần cho đến khi đạt đến mục tiêu này.

Thuốc giảm cân kê đơn

Hành trình giảm béo đòi hỏi một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn. Nhưng trong một số trường hợp béo phì nghiêm trọng và quá khó giảm thì sẽ cần dùng thuốc giảm cân kê đơn.

Kể cả khi được bác sĩ kê thuốc thì cũng vẫn phải kết hợp cùng với chế độ ăn uống và tập thể dục chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc. Tác dụng chính của các loại thuốc giảm cân là giúp ngăn chặn các tín hiệu thần kinh gây cảm giác đói và từ đó giúp người dùng ăn ít hơn.

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc giảm cân nếu các phương pháp ăn kiêng, tập thể dục không hiệu quả và có một trong những điều kiện sau:

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên
  • Chỉ số BMI trên 27 và còn có các biến chứng do béo phì, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp hoặc ngưng thở khi ngủ

Trước khi chọn ra một loại thuốc, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử cũng như là các tác dụng phụ có thể xảy ra. Một số loại thuốc giảm cân được chống chỉ định cho phụ nữ đang mang thai, những người đang dùng một số loại thuốc nhất định hoặc đang mắc một vấn đề sức khỏe mãn tính.

Các loại thuốc điều trị béo phì được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt gồm có:

  • Orlistat (Alli, Xenical)
  • Phentermine và topiramate (Qsymia)
  • Bupropion và naltrexone (Contrave)
  • Liraglutide (Saxenda, Victoza)

Bạn sẽ cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong quá trình dùng thuốc. Ngoài ra, hiệu quả mà một loại thuốc giảm cân đem lại cho mỗi người là khác nhau và tác dụng có thể sẽ giảm dần sau một thời gian sử dụng. Khi ngừng dùng thuốc thì có thể sẽ tăng cân nhiều hơn.

Cuối cùng, không nên dùng những loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc có bán trên thị trường. Không có gì đảm bảo những loại thuốc này sẽ có hiệu quả và hơn nữa, chúng còn có thể gây ra những vấn đề không mong muốn, gây hại cho sức khỏe người dùng.

Các thủ thuật giảm cân nội soi

Các thủ thuật này không cần cắt rạch trên da. Sau khi bạn được gây mê, ống nội soi và dụng cụ sẽ được đưa vào qua miệng, xuống cổ họng và vào dạ dày.

Có một số thủ thuật nội soi khác nhau được sử dụng để giảm cân. Một trong số đó là khâu để giảm bớt kích thước dạ dày và từ đó làm giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Một thủ thuật khác là đưa quả bóng nhỏ có chứa nước vào trong dạ dày (đặt bóng dạ dày). Quả bóng này sẽ lấp đầy không gian trong dạ dày và tạo cảm giác no nhanh hơn khi ăn.

Các thủ thuật này thường được sử dụng cho những người có chỉ số BMI từ 30 trở lên khi các phương pháp ăn kiêng và tập thể dục không hiệu quả. Hiệu quả giảm cân có được sau mỗi thủ thuật là ​​khác nhau, dao động từ 5% đến 20% tổng trọng lượng cơ thể..

Phẫu thuật giảm cân

Ở một số người, phẫu thuật giảm cân là giải pháp cần thiết để điều trị béo phì. Các phương pháp này nhằm mục đích giới hạn lượng thức ăn tiêu thụ hoặc làm giảm sự hấp thụ thức ăn và calo hoặc cả hai. Mặc dù phẫu thuật có thể cho hiệu quả giảm cân cao nhất nhưng lại có đi kèm với những rủi ro nhất định.

Đây là những giải pháp có thể cân nhắc khi đã thử các phương pháp khác để giảm cân mà không hiệu quả và:

  • bị béo phì nghiêm trọng (chỉ số BMI từ 40 trở lên)
  • chỉ số BMI trong khoảng từ 35 đến 39.9 và còn có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến béo phì, chẳng hạn như tiểu đường hoặc cao huyết áp
  • có thể thực hiện các thay đổi lối sống cần thiết để duy trì kết quả sau phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật có thể giúp giảm từ 35% trọng lượng cơ thể trở lên nhưng sẽ không đảm bảo là sẽ giảm được toàn bộ số cân nặng thừa và cũng không phải giải pháp cho kết quả vĩnh viễn. Việc có thể giảm cân thành công sau phẫu thuật hay không còn phụ thuộc vào khả năng thay đổi thói quen ăn uống và tập luyện.

Một số phương pháp phẫu thuật giảm cân phổ biến:

  • Phẫu thuật nối tắt dạ dày (gastric bypass): Trong quy trình phẫu thuật nối tắt dạ dày (phương pháp Roux-en-Y), bác sĩ sẽ tạo một túi nhỏ ở đỉnh dạ dày. Sau đó, cắt ruột non và nối thẳng với túi dạ dày mới. Thức ăn và chất lỏng sẽ chảy trực tiếp từ túi dạ dày nhỏ xuống ruột non và bỏ qua phần dạ dày còn lại.
  • Thắt đai dạ dày (gastric banding): Trong quy trình này, một đai có thể bơm phồng được buộc quanh phần trên của dạ dày, tách dạ dày thành hai phần, một phần nhỏ bên trên và một phần lớn bên dưới. Bác sĩ sẽ thắt chặt đai để chỉ chừa lại một đường thông nhỏ giữa hai phần dạ dày. Dải đai thường được giữ cố định vĩnh viễn.
  • Phẫu thuật bắc cầu dạ dày hay chuyển dòng mật tụy (biliopancreatic diversion): Đây là thủ thuật mà bác sĩ cắt bỏ một phần lớn của dạ dày, để lại van môn vị (van cho phép thức ăn xuống ruột non) và phần đầu của ruột non (tá tràng). Sau đó, bác sĩ cắt một đường qua đoạn ruột non nằm ngay dưới tá tràng và một đường thứ hai ở gần đoạn cuối của ruột non. Tiếp theo, phần ruột non bên dưới đường cắt thứ hai được đưa lên và nối với tá tràng. Phần ruột nằm giữa hai đường cắt không bị loại bỏ khỏi cơ thể mà được nối lại vào đoạn cuối của ruột non để dịch mật và dịch tiêu hóa chảy vào phần ruột này.
  • Cắt vạt dạ dày (gastric sleeve): Trong quy trình này, một phần của dạ dày được cắt bỏ theo chiều dọc, phần còn lại được khâu để tạo ra một túi dạ dày hẹp hơn. Phương pháp này ít phức tạp hơn so với phẫu thuật nối tắt dạ dày và bắc cầu dạ dày.

Các phương pháp điều trị khác

Chặn dây thần kinh phế vị là một phương pháp khác để điều trị béo phì. Đây là thủ thuật cấy một thiết bị vào dưới da bụng, thiết bị này sẽ gửi các xung điện ngắt quãng đến dây thần kinh phế vị bụng – dây thần kinh có nhiệm vụ báo cho não bộ biết khi nào dạ dày trống và đầy. Công nghệ mới này đã được FDA phê chuẩn vào năm 2014, được sử dụng cho người trưởng thành không thể giảm cân bằng các phương pháp khác và có chỉ số BMI từ 35 đến 45 với ít nhất một vấn đề có liên quan đến béo phì, ví dụ như bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tránh tăng cân lại sau điều trị béo phì

Tăng cân trở lại sau khi giảm cân thành công là một vấn đề rất phổ biến. Nếu như dùng thuốc giảm cân thì có thể sẽ trở về cân nặng như trước sau khi ngừng dùng thuốc. Kể cả khi đã phẫu thuật giảm cân mà không chú ý đến chế độ ăn uống, vẫn tiếp tục ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao thì cũng có thể sẽ tăng cân.

Một trong những cách tốt nhất để tránh tăng cân lại là tập thể dục đều đặn. Cố gắng đạt được mục tiêu tập từ 45 đến 60 phút mỗi ngày.

Có thể dùng ứng dụng theo dõi các hoạt động thể chất mỗi ngày. Điều này có thể giúp bạn có động lực lớn hơn để duy trì kết quả.

Khi đã giảm được cân thì phải luôn chú ý đến cân nặng của mình. Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và vận động nhiều hơn là cách tốt nhất để giữ cân nặng ổn định trong thời gian dài.

Ngăn ngừa béo phì

Dù bạn mới chỉ thuộc nhóm có nguy cơ béo phì, hiện đã thừa cân, béo phì hoặc có cân nặng khỏe mạnh thì vẫn nên thực hiện các bước để ngăn ngừa tăng cân không kiểm soát và các vấn đề sức khỏe có liên quan. Thực ra, các biện pháp để ngăn ngừa tăng cân cũng giống như các phương pháp giảm cân, gồm có tập thể dục hàng ngày và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.

  • Tập luyện đều đặn: Nên cố gắng dành ra từ 150 đến 300 phút tập luyện với cường độ vừa phải (ví dụ như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội,…) mỗi tuần để tránh lên cân.
  • Thực hiện theo một kế hoạch ăn uống lành mạnh: Tập trung vào các loại thực phẩm ít calo, giàu chất dinh dưỡng, như trái cây, rau củ và ngũ cốc. Tránh chất béo bão hòa, hạn chế đồ ngọt và đồ uống có cồn. Hạn chế ăn vặt. Nếu quá thèm thì thi thoảng vẫn có thể ăn các loại thực phẩm giàu chất béo hay hàm lượng calo cao nhưng không được ăn thường xuyên.
  • Chú ý đến những yếu tố kích thích thèm ăn. Cần xác định những tình huống thường gây cảm giác thèm ăn và ăn nhiều, từ đó có biện pháp khắc phục.
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên: Có thể mua một chiếc cân sức khỏe đặt trong nhà và tự cân ít nhất một lần mỗi tuần để theo dõi cân nặng. Việc này sẽ giúp bạn biết được những phương pháp mình đang thực hiện có hiệu quả hay không và giúp phát hiện những thay đổi về cân nặng để kịp thời điều chỉnh trước khi tăng cân quá mức.
  • Hãy kiên trì: Càng thực hiện kế hoạch giảm cân một cách nghiêm ngặt và trong thời gian dài thì hiệu quả có được càng cao.
Tìm hiểu thêm về:

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây