Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có nhiều triệu chứng phổ biến và việc nhận biết các triệu chứng này là rất quan trọng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường.
Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2 Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2

Các triệu chứng phổ biến nhất gồm có:

  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
  • Thường xuyên đói cồn cào
  • Mệt mỏi
  • Mờ mắt
  • Vết loét hoặc vết cắt trên da chậm lành

Nếu thường xuyên gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì hãy đi khám. Bệnh tiểu đường type 2 có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu. Nên bắt đầu tầm soát bệnh tiểu đường định kỳ ở tuổi 45.

Tuy nhiên, có thể tầm soát sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ như:

  • Thừa cân
  • Ít vận động
  • Hiện tại bị cao huyết áp hoặc từng bị cao huyết áp khi mang thai
  • Có tiền sử gia đình bị tiểu đường type 2
  • Thuộc một số chủng tộc
  • Bị cao huyết áp, nồng độ hdl cholesterol thấp hoặc triglyceride cao
  • Bị bệnh tim mạch
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang

Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường type 2

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra do mức đường huyết tăng cao.

Đi tiểu nhiều lần

Mức đường huyết tăng cao khiến cho chất lỏng được giải phóng từ các tế bào. Điều này làm tăng lượng chất lỏng đến thận và dẫn đến đi tiểu nhiều hơn. Cuối cùng tình trạng này sẽ gây mất nước.

Khát nước liên tục

Khi các mô trong cơ thể bị mất nước, người bệnh sẽ cảm thấy khát. Thường xuyên khát nước là một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường. Càng đi tiểu nhiều thì sẽ càng phải uống nhiều nước và ngược lại.

Mệt mỏi

Cảm giác mệt mỏi, uể oải cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường. Glucose là một trong những nguồn năng lượng chính của cơ thể. Do đó mà khi các tế bào không thể hấp thụ đường, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.

Mắt mờ

Lượng glucose trong máu cao có thể tạm thời làm phình thủy tinh thể trong mắt. Điều này dẫn đến tình trạng mờ mắt. Kiểm soát lượng đường trong máu có thể giúp ngăn ngừa và khắc phục các vấn đề về thị lực. Nếu lượng đường trong máu duy trì ở mức cao trong một thời gian dài thì sẽ xảy ra các vấn đề về mắt khác.

Nhiễm trùng và loét

Mức đường huyết tăng cao sẽ khiến cho cơ thể khó chữa lành vết thương hơn. Do đó, các vết thương hở như vết cắt hay vết loét sẽ lâu khỏi hơn và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nhiều người không biết rằng mức đường huyết của mình ở mức cao vì không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các vấn đề về lâu dài, chẳng hạn như:

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
  • Vấn đề về chân
  • Tổn thương thần kinh
  • Các bệnh về mắt
  • Bệnh thận

Những người mắc bệnh tiểu đường còn có nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang nghiêm trọng. Ở những người không bị tiểu đường, nhiễm trùng bàng quang thường gây đau đớn nhưng ở những người bị tiểu đường, do các dây thần kinh bị tổn thương nên có thể sẽ không cảm thấy đau buốt khi đi tiểu. Do đó mà nhiều khi, tình trạng nhiễm trùng không được phát hiện cho đến khi lan đến thận.

Các triệu chứng khẩn cấp của bệnh tiểu đường type 2

Lượng đường trong máu cao gây ra những tổn hại về lâu dài cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) cũng là một vấn đề cần can thiệp khẩn cấp. Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu tụt xuống mức thấp nguy hiểm. Chỉ những người mắc bệnh tiểu đường type 2 đang sử dụng thuốc làm tăng insulin mới có nguy cơ bị hạ đường huyết.

Các dấu hiệu của hạ đường huyết gồm có:

  • Run chân tay
  • Chóng mặt
  • Đói
  • Đau đầu
  • Đổ mồ hôi
  • Đầu óc mơ hồ, không minh mẫn
  • Cáu kỉnh
  • Chán nản, ủ rũ
  • Rối loạn nhịp tim

Những người đang sử dụng các loại thuốc làm tăng insulin cần biết cách xử lý khi bị hạ đường huyết.

Các triệu chứng tiểu đường type 2 ở trẻ em

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (National Library of Medicine), nhiều trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 2 không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Bố mẹ hoặc người chăm sóc cần đưa trẻ đi khám nếu trẻ có yếu tố nguy cơ bệnh tiểu đường, ngay cả khi không có các triệu chứng điển hình.

Các yếu tố nguy cơ gồm có:

  • Thừa cân (chỉ số BMI nằm trong khoảng bách phân vị 85 đến 95)
  • Ít vận động
  • Có người thân ruột thịt mắc bệnh tiểu đường type 2
  • Thuộc một số nhóm chủng tộc như người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa, người gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương

Nhiều triệu chứng tiểu đường type 2 ở trẻ em cũng giống các triệu chứng ở người lớn:

  • Mệt mỏi
  • Dễ cáu gắt
  • Thường xuyên khát nước
  • Đi tiểu nhiều
  • Hay cảm thấy đói
  • Sụt cân (ăn nhiều hơn bình thường nhưng vẫn sụt cân)
  • Vùng da sẫm màu quanh cổ, nách và bẹn
  • Vết loét chậm lành
  • Mờ mắt

Điều chỉnh lối sống để kiểm soát bệnh tiểu đường

Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể cần uống thuốc và dùng insulin để điều trị bệnh. Kiểm soát mức đường huyết bằng cách theo dõi chặt chẽ, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục cũng là những phần quan trọng trong quá trình điều trị. Mặc dù một số người có thể kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục mà không cần dùng thuốc nhưng tốt nhất vẫn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Theo dõi đường huyết

Theo dõi lượng đường trong máu là điều vô cùng quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Người bệnh phải đo và ghi lại kết quả đo nhiều lần mỗi ngày hoặc theo tần suất mà bác sĩ chỉ định và duy trì mức đường huyết trong phạm vi khuyến nghị.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

Không có quy định cụ thể nào về chế độ ăn uống cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Tuy nhiên, điều quan trọng là chế độ ăn uống phải có nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Đây là những thực phẩm ít chất béo và nhiều chất xơ. Ngoài ra, người bệnh cần cắt giảm đồ ngọt, carb tinh chế và các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI thấp) là nhóm thực phẩm được khuyến nghị đối với người bị tiểu đường type 2.

Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về cách theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm kiểm soát mức đường huyết ổn định.

Tăng cường hoạt động thể chất

Tập thể dục thường xuyên là điều rất cần thiết đối với những người bị tiểu đường type 2. Nên cố gắng duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày. Có thể chọn bất cứ hình thức tập luyện nào, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, tập gym, bơi lội hoặc chơi một môn thể thao. Nên kết hợp các hình thức tập luyện khác nhau để có hiệu quả cao hơn.

Điều quan trọng là phải kiểm tra mức đường huyết trước khi tập thể dục. Tập thể dục có thể làm giảm đường huyết. Để tránh bị hạ đường huyết thì nên ăn nhẹ trước khi tập.

Điều trị bằng thuốc và insulin

Việc có cần dùng thuốc và insulin để duy trì lượng đường trong máu hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như những bệnh lý khác đang mắc và chỉ số đường huyết.

Một số loại thuốc được dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 là:

Metformin

Đây thường là loại thuốc đầu tiên được kê để điều trị tiểu đường type 2. Metformin giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi là buồn nôn và tiêu chảy nhưng những tác dụng phụ này thường biến mất khi cơ thể thích nghi với thuốc.

Sulfonylurea

Thuốc này có tác dụng giúp cơ thể tiết ra nhiều insulin hơn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra là hạ đường huyết và tăng cân.

Meglitinide

Nhóm thuốc này có tác dụng giống như sulfonylurea nhưng phát huy tác dụng nhanh hơn và hiệu quả duy trì trong thời gian ngắn hơn. Meglitinide cũng có thể gây hạ đường huyết nhưng nguy cơ thấp hơn so với sulfonylurea.

Thiazolidinedione

Những loại thuốc này cũng tương tự như metformin nhưng thường không phải là lựa chọn đầu tiên do nguy cơ gây suy tim và gãy xương.

Dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4)

Nhóm thuốc này giúp làm giảm lượng đường trong máu. Mặc dù hiệu quả không được cao nhưng DPP-4 không gây tăng cân. Tuy nhiên, DPP-4 có thể gây viêm tụy cấp và đau khớp.

Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1

Những loại thuốc này có tác đụng làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp giảm lượng đường trong máu và giảm cân. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (the American Diabetes Association - ADA) khuyến nghị sử dụng thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 trong các trường hợp mắc đồng thời bệnh tiểu đường type 2 và bệnh thận mạn, suy tim hoặc xơ vữa động mạch.

Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 có thể gây buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Nhóm thuốc này còn có thể làm tăng nguy cơ u tuyến giáp hoặc ung thư tuyến giáp thể tuỷ nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.

Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (thuốc ức chế SGLT2)

Những loại thuốc này ngăn cản thận tái hấp thu đường vào máu. Thay vào đó, đường được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu. Thuốc ức chế SGLT2 là một trong những loại thuốc điều trị tiểu đường mới trên thị trường.

Giống như thuốc chủ vận thụ thể GLP-1, các thuốc ức chế SGLT2 cũng được ADA khuyên dùng trong các trường hợp mắc đồng thời tiểu đường type 2 và bệnh thận mạn, suy tim hoặc xơ vữa động mạch.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra là nhiễm trùng nấm men, nhiễm trùng đường tiết niệu và tiểu tiện nhiều. Một tác dụng phụ nghiêm trọng hơn là hoại tử và phải cắt cụt chi.

Liệu pháp insulin

Insulin phải được đưa vào cơ thể qua đường tiêm vì khi được dùng qua đường uống, insulin sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình tiêu hóa. Liều lượng và số lần tiêm insulin mỗi ngày ở mỗi người là khác nhau. Có nhiều loại insulin với cơ chế tác dụng hơi khác nhau:

  • insulin glulisine (Apidra)
  • insulin lispro (Humalog)
  • insulin aspart (Novolog)
  • insulin glargine (Lantus)
  • insulin detemir (Levemir)
  • insulin isophane (Humulin N, Novolin N)

Kết luận

Hãy đi khám nếu thấy có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh tiểu đường type 2. Nếu không được điều trị, tiểu đường type 2 có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và gây ra nhiều tổn hại về lâu dài cho cơ thể. Có nhiều cách để ổn định lượng đường trong máu khi mắc bệnh tiểu đường, gồm có dùng thuốc, liệu pháp insulin, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em
Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em

Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.

Tiểu đường type 2: Triệu chứng và biện pháp chẩn đoán
Tiểu đường type 2: Triệu chứng và biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2, bác sĩ thường sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu khác nhau. Thông thường, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm ít nhất hai lần để xác nhận chẩn đoán. Hầu hết mọi người đều đi khám bệnh tiểu đường khi tuổi tác cao hoặc có các yếu tố nguy cơ khác.

Các triệu chứng tiểu đường type 2 ở trẻ em
Các triệu chứng tiểu đường type 2 ở trẻ em

Từ trước đến nay, tiểu đường type 2 vẫn được coi là một căn bệnh chỉ xảy ra ở người lớn và trên thực tế, bệnh lý này còn từng được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên hiện nay, tiểu đường type 2 đang ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ em.

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới
Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây