1

Quy tắc 15-15 để điều trị hạ đường huyết cho người bị tiểu đường

Quy tắc 15-15 là một cách để làm tăng lượng đường trong máu khi xảy ra hạ đường huyết – một vấn đề phổ biến ở những người bị tiểu đường phải điều trị bằng insulin.
Quy tắc 15-15 để điều trị hạ đường huyết cho người bị tiểu đường Quy tắc 15-15 để điều trị hạ đường huyết cho người bị tiểu đường

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống thấp hơn mức bình thường. Trong những trường hợp nhẹ, hạ đường huyết thường gây ra các triệu chứng như run tay, không tỉnh táo và choáng váng.

Bất kỳ ai cũng có thể bị hạ đường huyết nhưng tình trạng này đặc biệt phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường phải điều trị bằng insulin.

Các chuyên gia y tế khuyến nghị điều trị hạ đường huyết nhẹ bằng cách thực hiện quy tắc 15-15, theo đó bệnh nhân cần tiêu thụ 15 gram carbohydrate khi đường huyết giảm xuống dưới 70 mg/dL và đo lại đường huyết sau 15 phút. Nếu đường huyết vẫn ở mức thấp thì tiếp tục nạp thêm15 gram carbohydrate.

Cùng tìm hiểu về các dấu hiệu hạ đường huyết và cách thực hiện quy tắc 15-15.

Hạ đường huyết là gì?

Sau khi ăn uống, hệ tiêu hóa sẽ phân hủy carbohydrate trong thực phẩm thành glucose. Glucose đi từ hệ tiêu hóa vào trong máu, sau đó theo máu đi khắp cơ thể và cung cấp năng lượng cho các mô và cơ quan.

Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường. Đường huyết 70 mg/dL được coi là thấp và dưới 55 mg/d L được coi là thấp nghiêm trọng.

Glucose là nguồn năng lượng chính của não bộ. Vì thế nên hạ đường huyết thường gây ra các triệu chứng như giảm khả năng phán đoán và khó tập trung. Nếu không được điều trị, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống mức thấp nguy hiểm và có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

Khoảng 40% người mắc bệnh tiểu đường type 1 và một số người mắc tiểu đường type 2 bị hạ đường huyết vô thức (hypoglycemia unawareness). (1) Hạ đường huyết vô thức là tình trạng hạ đường huyết không có biểu hiện rõ ràng hoặc bệnh nhân không nhận biết được các triệu chứng, điều này làm tăng nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng.

Quy tắc 15-15 là gì?

Nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị thực hiện quy tắc 15-15 khi lượng đường trong máu nằm trong khoảng 55 đến 69 mg/dL.

Cách thực hiện quy tắc 15-15 như sau:

  1. Ăn hoặc uống 15 gram carbohydrate tác dụng nhanh (có thể ăn kẹo ngọt, viên nén glucose hoặc uống nước trái cây)
  2. Chờ 15 phút và đo lại đường huyết.
  3. Nếu đường huyết vẫn không tăng thì tiếp tục bổ sung thêm 15 gram carbohydrate.
  4. Lặp lại cho đến khi đường huyết trên 70 mg/dL

Sau khi nạp carb, nên đợi 15 phút mới đo lại đường huyết vì 15 phút là khoảng thời gian cần thiết để đường đi từ hệ tiêu hóa vào máu.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị hạ đường huyết thường không cần đến 15 gram carbohydrate. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, lượng carb cần sử dụng để điều trị hạ đường huyết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sau:

  • Trẻ sơ sinh: 6 gram
  • Trẻ 1 – 3 tuổi: 8 gram
  • Trẻ nhỏ trên 3 tuổi: 10 gram carb

Tốt nhất bố mẹ nên hỏi bác sĩ về lượng carb cần sử dụng cho trẻ.

Không nên thực hiện quy tắc 15-15 khi đường huyết dưới 55 mg/dL.

Các nguồn carbohydrate tác dụng nhanh

Để làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng thì tốt nhất nên ăn những loại thực phẩm gồm chủ yếu là đường đơn. Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ, protein hoặc chất béo sẽ mất nhiều thời gian tiêu hóa hơn và đường sẽ lâu đi vào máu hơn.

Dưới đây là một số nguồn cung cấp 15 gram carbohydrate đơn giản giúp tăng lượng đường trong máu khi bị hạ đường huyết:

  • 4 viên nén glucose
  • 1/2 lon nước ngọt có ga
  • 3 viên kẹo cứng
  • 1/2 cốc nước ép trái cây
  • 1 thìa đường, siro hoặc mật ong

Cần làm gì khi bị hạ đường huyết nghiêm trọng?

Hạ đường huyết nghiêm trọng là khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 54 mg/dL. Lúc này, quy tắc 15-15 sẽ không hiệu quả. Bệnh nhân có thể sẽ không còn đủ tỉnh táo để tự đo đường huyết hoặc thực hiện các bước can thiệp điều trị.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tiêm glucagon là cách tốt nhất để điều trị hạ đường huyết nghiêm trọng. (2) Glucagon là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tụy, giúp kích thích sự giải phóng glucose từ gan vào máu.

Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ tiêm glucagon nếu cần thiết.

Dấu hiệu của hạ đường huyết

Điều quan trọng là phải can thiệp ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của hạ đường huyết để tránh lượng đường trong máu giảm xuống mức quá thấp.

Các dấu hiệu thường gặp của hạ đường huyết nhẹ gồm có:

  • Run chân tay
  • Bồn chồn
  • Tim đập nhanh
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Chóng mặt, lâng lâng
  • Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Cảm giác đói cồn cào
  • Cáu gắt
  • Nói năng không rõ

Nếu hạ đường huyết xảy ra trong khi đang ngủ, bệnh nhân có thể sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Thức giấc giữa chừng, mơ thấy ác mộng
  • Cảm giác mệt mỏi, mơ hồ hoặc cáu gắt sau khi thức dậy
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây ra:
  • Co giật
  • Mất ý thức
  • Hôn mê
  • Tử vong

Nguyên nhân gây hạ đường huyết

Những người dùng insulin để điều trị bệnh tiểu đường dễ bị hạ đường huyết. Các yếu tố có thể góp phần dẫn đến hạ đường huyết gồm có:

  • Không tiêu thụ carbohydrate trong thời gian dài
  • Nhịn ăn quá lâu
  • Dùng insulin quá liều
  • Không ăn đủ carbohydrate để cân bằng mức insulin
  • Dùng insulin sai thời điểm
  • Uống quá nhiều rượu bia
  • Tăng hoạt động thể chất và tập thể dục
  • Ở nơi có độ cao lớn
  • Thời tiết nóng ẩm
  • Dùng một số loại thuốc như thuốc điều trị viêm gan C

Có thể giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết bằng cách:

  • Theo dõi đường huyết thường xuyên
  • Luôn mang theo đồ ăn nhẹ có đường, chẳng hạn như kẹo hoặc nước trái cây
  • Không bỏ bữa
  • Ăn nhẹ trước khi tập thể dục
  • Hỏi bác sĩ xem có cần giảm liều insulin trước khi tập thể dục cường độ cao hay không
  • Không uống quá nhiều rượu bia cùng một lúc
  • Đo đường huyết thường xuyên hơn, đặc biệt là những khi có những yếu tố làm tăng nguy cơ hạ đường huyết

Tóm tắt bài viết

Quy tắc 15-15 là một cách để làm tăng lượng đường trong máu khi xảy ra hạ đường huyết – một vấn đề phổ biến ở những người bị tiểu đường phải điều trị bằng insulin.

Quy tắc 15-15 có nghĩa là tiêu thụ 15 gram carbohydrate đơn giản, sau đó đợi 15 phút và đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn ở mức thấp thì tiếp tục bổ sung carbohydrate và lặp lại các bước cho đến khi đường huyết trở về bình thường.

Không nên áp dụng quy tắc 15-15 khi bị hạ đường huyết nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, giải pháp tốt nhất là tiêm glucagon.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: hạ đường huyết
Tin liên quan
Chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường: Hiểu về chỉ số đường huyết
Chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường: Hiểu về chỉ số đường huyết

Biết được chỉ số đường huyết của thực phẩm và lựa chọn những thực phẩm có GI thấp sẽ giúp kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu sau bữa ăn. Việc biết chỉ số đường huyết còn giúp kết hợp các loại thực phẩm trong bữa ăn cho phù hợp.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2
Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị

Hạ đường huyết xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe khác (hầu hết đều hiếm gặp) cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.

Cách phòng tránh hạ đường huyết ban đêm ở người bị tiểu đường type 1
Cách phòng tránh hạ đường huyết ban đêm ở người bị tiểu đường type 1

Hạ đường huyết ban đêm là tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp trong khi ngủ vào ban đêm. Các yếu tố nguy cơ của hạ đường huyết ban đêm gồm có chỉ số A1c thấp, tập thể dục, đường huyết thấp trước khi đi ngủ và hạ đường huyết vào ban ngày. Trao đổi với bác sĩ nếu người bệnh nghi ngờ mình bị hạ đường huyết ban đêm để có biện pháp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây