1

Bệnh Tim Mạch

Ai có thể mắc bệnh tim mạch

Hiện nay, bệnh tim mạch là nguyên nhân số một gây tử vong trên toàn thế giới và có thể xảy đến với bất kỳ ai.

Mặc dù là một loại bệnh nguy hiểm và có thể gây tử vong nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh tim mạch.

Có những loại bệnh tim mạch nào?

Bệnh tim mạch là từ dùng chung cho các vấn đề về tim mạch khác nhau như:

  • Rối loạn nhịp tim: là tình trạng tim đập bất thường.
  • Xơ vữa động mạch: là tình trạng động mạch trở nên xơ cứng.
  • Bệnh cơ tim: là bệnh lý mà cơ tim bị cứng lại hoặc suy yếu.
  • Dị tật tim bẩm sinh: là những bất thường về cấu tạo của tim từ khi sinh ra.
  • Bệnh động mạch vành (CAD): do sự tích tụ mảng bám trong động mạch tim gây ra, đôi khi được gọi là bệnh tim mạch do thiếu máu cục bộ.
  • Nhiễm trùng tim: nguyên nhân có thể là do vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh tim mạch

Mỗi một loại bệnh tim mạch lại đi kèm với những triệu chứng khác nhau.

Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là tình trạng mà tim đập bất thường. Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim mà một người mắc phải, cụ thể là nhịp tim quá nhanh hay quá chậm. Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim thường là:

  • Chóng mặt
  • Cuồng nhĩ hay tim đập nhanh
  • Tim đập chậm
  • Ngất xỉu
  • Choáng váng
  • Đau ngực

Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là bệnh lý làm giảm sự lưu thông máu đến tứ chi. Ngoài đau ngựckhó thở, các triệu chứng phổ biến của xơ vữa động mạch còn có:

  • Cảm giác ớn lạnh, đặc biệt là ở tay chân
  • , đặc biệt là ở tay chân
  • Đau bất thường, không rõ nguyên nhân
  • Yếu cơ ở chân và tay

Dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh là những vấn đề về cấu tạo của tim hình thành ngay từ khi thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ. Dị tật tim bẩm sinh có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Da chuyển màu xanh
  • Sưng phù ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Mệt mỏi và cảm thấy cơ thể không có sức
  • Nhịp tim không đều

Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng xảy ra do tích tụ mảng bám trong các động mạch vận chuyển máu giàu oxy qua tim và phổi. Các triệu chứng của bệnh động mạch vành gồm có:

  • Đau ngực hoặc khó chịu ở ngực
  • Cảm giác tức hoặc bị chèn ép bên trong ngực
  • Thở gấp
  • Buồn nôn
  • Cảm giác khó tiêu, trướng bụng

Bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim là bệnh lý mà các cơ tim phát triển to hơn bình thường và trở nên cứng, dày hoặc suy yếu. Các triệu chứng của bệnh cơ tim gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Trướng bụng, đầy hơi
  • Chân sưng phù, đặc biệt là ở vùng mắt cá chân và bàn chân
  • Khó thở
  • Tim đập nhanh hoặc mạch nhanh

Nhiễm trùng tim

Thuật ngữ “nhiễm trùng tim” có thể được sử dụng cho các vấn đề như viêm nội tâm mạc (endocarditis) hoặc viêm cơ tim (myocarditis). Các triệu chứng của nhiễm trùng tim gồm có:

  • Đau ngực
  • Tức ngực hoặc ho
  • Sốt
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Phát ban trên da

Đọc thêm: Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim mạch

Các triệu chứng bệnh tim mạch ở phụ nữ

Phụ nữ thường gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim khác với nam giới, đặc biệt là khi mắc bệnh động mạch vành và các bệnh liên quan đến mạch máu khác.

Một nghiên cứu năm 2003 đã xem xét các triệu chứng thường gặp ở những phụ nữ từng bị nhồi máu cơ tim và nhận thấy rằng các triệu chứng phổ biến nhất lại không phải là các triệu chứng nhồi máu cơ tim thường thấy ở nam giới như đau ngực và cảm giác châm chích mà lại là những triệu chứng như cảm giác lo âu, rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi mà không rõ nguyên nhân.

Hơn nữa, 80% phụ nữ trong nghiên cứu đều cho biết họ bắt đầu gặp phải các triệu chứng này trong ít nhất một tháng trước khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra.

Các triệu chứng bệnh tim ở phụ nữ thường bị nhầm lẫn với các vấn đề khác, chẳng hạn như trầm cảm, mãn kinh và lo lắng.

Nhìn chung thì các triệu chứng bệnh tim thường gặp ở phụ nữ gồm có:

  • Chóng mặt
  • Da xanh xao
  • Thở gấp hoặc thở nông
  • Choáng váng, xây xẩm
  • Ngất xỉu
  • Hồi hộp, lo lắng
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau hàm
  • Đau cổ
  • Đau lưng
  • Khó tiêu hoặc thấy đau ở ngực và bụng do đầy hơi
  • Đổ mồ hôi lạnh

Đọc thêm: Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh tim ở phụ nữ.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là thuật ngữ dùng cho nhiều loại bệnh lý và vấn đề khác nhau về tim mạch. Mỗi một loại bệnh lại do một nguyên nhân khác nhau gây nên. Ví dụ, xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành là kết quả của sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác dưới đây.

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Nguyên nhân dẫn đến nhịp tim bất thường gồm có:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh mạch vành
  • Dị tật tim, gồm có cả dị tật bẩm sinh
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược
  • Cao huyết áp (tăng huyết áp)
  • Tiêu thụ quá nhiều rượu bia hoặc caffeine
  • Lạm dụng chất gây nghiện
  • Căng thẳng và lo âu
  • Do những tổn hại hoặc bệnh tim mạch đang mắc phải

Nguyên nhân dị tật tim bẩm sinh

Vấn đề này xảy ra khi thai nhi vẫn đang phát triển trong bụng mẹ. Bên cạnh một số dị tật tim nghiêm trọng có thể được chẩn đoán và điều trị từ sớm thì cũng có một số phải mất nhiều năm mới được phát hiện.

Cấu trúc của tim cũng có thể thay đổi theo thời gian và tạo ra những khiếm khuyết về cấu tạo tim rồi dẫn đến các vấn đề không mong muốn.

Bệnh cơ tim

Có nhiều loại bệnh cơ tim và mỗi loại lại là do nguyên nhân khác nhau gây nên.

  • Bệnh cơ tim giãn: hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra loại bệnh cơ tim phổ biến nhất này. Có thể là do những tổn hại lên tim trước đây, chẳng hạn như tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng hay nhồi máu cơ tim hoặc cũng có thể là do di truyền hoặc hậu quả của tăng huyết áp không được kiểm soát.
  • Bệnh cơ tim phì đại: đây là tình trạng mà cơ tim trở nên dày hơn và nguyên nhân thường là do di truyền.
  • Bệnh cơ tim hạn chế: đây là tình trạng mà cơ tim bị cứng lại và cũng chưa rõ nguyên nhân cụ thể, có thể là do sự hình thành mô sẹo và một hiện tượng tích tụ protein bất thường được gọi là thoái hóa tinh bột (amyloidosis) gây nên.

Nhiễm trùng tim

Vi khuẩn, ký sinh trùng và virus là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng tim. Nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách thì tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể cũng có thể gây hại cho tim.

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Một số trong đó có thể kiểm soát được trong khi một số khác thì lại không.

Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát

  • Cao huyết áp
  • Nồng độ cholesterol caonồng độ HDL cholesterol (cholesterol tốt) thấp
  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Ít vận động

Ví dụ, hút thuốc là một yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi so với những người không hút.

Những người mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn vì chỉ số glucose trong máu cao làm tăng nguy cơ:

Nếu bạn bị tiểu đường thì cần kiểm soát chỉ số glucose trong máu để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho biết rằng những người bị cả tăng huyết áp và tiểu đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi người khỏe mạnh.

Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát

Bên cạnh các yếu tố có thể kiểm soát nói trên thì còn có các yếu tố không thể thay đổi được như:

  • Tiền sử gia đình
  • Chủng tộc
  • Giới tính
  • Tuổi tác

Về yếu tố tiền sử gia đình, nguy cơ mắc bệnh động mạch vành của bạn sẽ đặc biệt cao nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh là:

  • nam giới dưới 55 tuổi, chẳng hạn như bố hoặc anh trai
  • nữ giới dưới 65 tuổi, chẳng hạn như mẹ hoặc chị gái

Về yếu tố giới tính, nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn phụ nữ. Còn về yếu tố tuổi tác thì tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng càng tăng. Từ 20 đến 59 tuổi, nam và nữ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành tương đương nhau. Tuy nhiên, sau tuổi 60 thì tỷ lệ nam giới bị mắc bệnh tăng lên 19,9% - 32,2% trong khi chỉ có 9,7 - 18,8% phụ nữ ở độ tuổi này bị mắc bệnh.

Tìm hiểu thêm về các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành

Bệnh tim mạch được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ cần làm một số phương pháp xét nghiệm và kiểm tra để chẩn đoán bệnh tim mạch. Một số phương pháp có thể được thực hiện từ trước khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh và một số lại được sử dụng để tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng gặp phải.

Thăm khám lâm sàng và xét nghiệm máu

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và xem xét các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Sau đó sẽ tìm hiểu đến tiền sử gia đình và bệnh sử cá nhân. Yếu tố di truyền đóng một vai trò khá lớn đối với một số loại bệnh tim mạch. Nếu gia đình bạn có một thành viên bị bệnh tim thì cần nói rõ cho bác sĩ.

Xét nghiệm máu là phương pháp cần thiết trong gần như mọi trường hợp vì qua đó, bác sĩ sẽ biết được nồng độ cholesterol và phát hiện các dấu hiệu viêm.

Các phương pháp chẩn đoán không xâm lấn

Có nhiều phương pháp chẩn đoán không xâm lấn được sử dụng để phát hiện bệnh tim mạch như:

  • Điện tâm đồ (ECG hay EKG): phương pháp điện tâm đồ cho phép theo dõi hoạt động điện tim và giúp bác sĩ phát hiện ra những điểm bất thường.
  • Siêu âm tim: phương pháp siêu âm tim cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc của tim.
  • Điện tim gắng sức: đây là phương pháp được thực hiện trong khi bệnh nhân thực hiện một số hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ, chạy hoặc đạp xe tại chỗ. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ theo dõi được những thay đổi về hoạt động điện tim khi cơ thể vận động.
  • Siêu âm động mạch cảnh: để có hình ảnh chi tiết của các động mạch cảnh.
  • Holter huyết áp: đây là phương pháp mà bệnh nhân cần đeo một thiết bị đo huyết áp đặc biệt trong 24 đến 48 tiếng để bác sĩ có thể đánh giá về hoạt động của tim.
  • Nghiệm pháp bàn nghiêng (tilt table test). Nếu gần đây bạn bị ngất xỉu hoặc thấy chóng mặt khi đứng lên hoặc ngồi xuống thì bác sĩ có thể sẽ tiến hành phương pháp này. Trong quá trình thực hiện, bạn sẽ nằm ngừa và được cố định chắc chắn vào bàn rồi bàn được nghiêng từ từ trong khi bác sĩ theo dõi nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy.
  • Chụp CT: Phương pháp xét nghiệm hình ảnh này cho thấy hình ảnh X-quang chi tiết của tim.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Giống như chụp CT, phương pháp chụp cộng hưởng từ tim cũng cung cấp hình ảnh chi tiết của tim và mạch máu.

Các phương pháp chẩn đoán xâm lấn

Nếu sau khi thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu và thực hiện các phương pháp chẩn đoán không xâm lấn mà chưa thể đưa ra kết luận thì bác sĩ sẽ cần thực hiện tiếp các phương pháp chẩn đoán xâm lấn để có thể quan sát bên trong cơ thể và xác định nguyên nhân gây nên các triệu chứng bất thường. Các phương pháp chẩn đoán xâm lấn gồm có:

  • Đặt ống thông tim và chụp mạch vành: bác sĩ đặt ống thông từ bẹn hoặc cánh tay vào động mạch rồi đưa vào tim. Khi ống thông nằm trong tim, bác sĩ sẽ tiến hành chụp mạch vành bằng cách tiêm thuốc nhuộm chuyên dụng vào các động mạch và mao mạch bao quanh tim. Thuốc nhuộm sẽ cho ra hình ảnh X-quang vô cùng chi tiết.
  • Thăm dò điện sinh lý tim: Trong phương pháp chẩn đoán này, bác sĩ sẽ gắn các điện cực vào tim qua một ống thông rồi đưa các xung điện nhỏ vào và ghi lại phản ứng của tim.

Tìm hiểu thêm về: Các phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch

Phương pháp điều trị bệnh tim mạch

Việc điều trị bệnh tim mạch sẽ phụ thuộc vào loại cũng như là mức độ tiến triển của bệnh. Ví dụ, nếu bị nhiễm trùng tim thì sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu bị tích tụ mảng bám trong động mạch thì có thể điều trị theo hai hướng: một là dùng thuốc có tác dụng giảm tích tụ mảng bám và hai là áp dụng một số thay đổi về thói quen sinh hoạt.

Các phương pháp điều trị bệnh tim mạch được chia thành 3 nhóm chính:

Thay đổi thói quen

Việc áp dụng một số thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, bên cạnh đó còn cải thiện và ngăn tình trạng bệnh chuyển xấu. Chế độ ăn uống là một trong những thói quen đầu tiên mà bạn cần thay đổi.

Một chế độ ăn ít natri (muối), ít chất béo, nhiều trái cây và rau củ sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ biến chứng của bệnh tim mạch. Một ví dụ điển hình là chế độ ăn kiêng dành cho người tăng huyết áp (DASH).

Tương tự, tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia và bỏ thuốc lá cũng có tác dụng ngăn ngừa và điều trị bệnh tim.

Dùng thuốc

Dùng thuốc là phương pháp cần thiết để điều trị một số loại bệnh tim mạch. Các loại thuốc được kê thường có tác dụng điều trị và kiểm soát tình trạng bệnh, ngoài ra còn giúp làm chậm hoặc ngăn chặn nguy cơ xảy ra biến chứng. Có rất nhiều loại thuốc khác nhau và sẽ được kê dựa trên loại bệnh và tình trạng cụ thể.

Đọc thêm về các loại thuốc được dùng để điều trị bệnh tim mạch

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ cần được can thiệp phẫu thuật để điều trị bệnh tim mạch và ngăn ngừa các triệu chứng tiến triển xấu.

Ví dụ, nếu động mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn do sự tích tụ mảng bám thì sẽ cần đặt stent trong động mạch hoặc bắc cầu động mạch vành để khôi phục sự lưu thông máu bình thường.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh tim mạch

Một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim là không thể kiểm soát được, ví dụ như tiền sử gia đình nhưng vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách điều chỉnh các yếu tố có thể kiểm soát.

Duy trì chỉ số huyết áp và cholesterol khỏe mạnh

Giữ cho chỉ số huyết áp và cholesterol trong máu ở mức khỏe mạnh là bước đầu tiên cần thực hiện để duy trì sức khỏe tim mạch. Huyết áp được đo bằng mmHg (milimet thủy ngân). Huyết áp khỏe mạnh là khi chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120mmHg còn tâm trương dưới 80mmHg, có nghĩa là kết quả đo hiển thị 120/80 mmHg. Huyết áp tâm thu biểu thị áp lực trong mạch máu khi tim đang co bóp còn huyết áp tâm trương là áp lực trong mạch khi tim nghỉ giữa các lần bơm. Nếu kết quả đo cao hơn mức này thì có nghĩa là tim đang phải làm việc quá sức để bơm máu.

Nồng độ cholesterol lý tưởng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ và bệnh sử của mỗi người. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh tim, bị bệnh tiểu đường hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim thì cần duy trì nồng độ cholesterol ở mức thấp hơn so với những người bình thường.

Hạn chế căng thẳng

Việc kiểm soát căng thẳng cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuyệt đối không nên coi thường những tác hại của tình trạng căng thẳng mãn tính đối với sức khỏe tim mạch. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thường xuyên bị stress, lo lắng hay bồn chồn.

Xây dựng một lối sống lành mạnh

Ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và tập luyện thường xuyên cũng là những điều rất quan trọng đối với hệ tim mạch. Tránh xa các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa (saturated fat) và muối. Bên cạnh đó, cố gắng dành ra 30 đến 60 phút tập luyện mỗi ngày hoặc tổng 2 tiếng rưỡi mỗi tuần. Trước tiên nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về mức tập luyện phù hợp, đặc biệt là khi bạn vốn đang mắc bệnh tim mạch.

Nếu như bạn hút thuốc thì nên cố gắng cai ngay lập tức. Chất nicotine trong thuốc lá làm cho các mạch máu bị thu hẹp, khiến máu khó lưu thông hơn và dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.

Đọc thêm: Những cách giảm nguy cơ và ngăn ngừa bệnh tim

Mối liên hệ giữa bệnh tim mạch và cao huyết áp

Cao huyết áp mãn tính cũng là một nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Huyết áp trong mạch máu cao đòi hỏi tim phải bơm mạnh hơn để đưa máu đi khắp cơ thể. Điều này sẽ dẫn đến một số vấn đề về tim, gồm có cơ tim dày, giãn rộng và các động mạch bị thu hẹp.

Việc tim phải dùng nhiều lực hơn để bơm máu sẽ làm cho cơ tim cứng và dày hơn, dần dần làm giảm hiệu quả bơm máu của tim. Bệnh tăng huyết áp còn làm cho các động mạch kém đàn hồi và trở nên cứng hơn. Điều này sẽ làm chậm sự lưu thông máu và khiến cho các cơ quan trọng cơ thể không được cung cấp đủ lượng máu giàu oxy cần thiết.

Do đó, bạn nên bắt đầu điều trị cao huyết áp càng sớm càng tốt để ngăn chặn các biến chứng và tránh làm cho các tổn hại trở nên nghiêm trọng hơn.

Tìm hiểu thêm về bệnh tim do tăng huyết áp.

Có thể chữa khỏi bệnh tim mạch không?

Cho đến nay vẫn chưa có cách nào chữa khỏi hoặc đảo ngược được những thiệt hại do bệnh tim mạch gây ra. Đây là loại bệnh đòi hỏi điều trị và theo dõi cẩn thận suốt đời nhưng nhiều triệu chứng của bệnh tim mạch có thể thuyên giảm nhờ dùng thuốc, phẫu thuật và thay đổi thói quen sống.

Nếu bạn nghi ngờ mình đang gặp phải các triệu chứng của bệnh tim mạch hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thì nên đi khám bác sĩ để được sàng lọc và lên kế hoạch giữ gìn sức khỏe.

Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Bệnh Tim Mạch

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây