1

Rối Loạn Nhịp Tim

Rối loạn nhịp tim là gì?

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập bất thường, xảy ra khi các xung điện - vốn có vai trò điều khiển trực tiếp và điều hòa nhịp tim - hoạt động không bình thường. Điều này khiến cho:

  • Tim đập quá nhanh (nhịp tim nhanh)
  • Tim đập quá chậm (nhịp tim chậm)
  • Tim co bóp quá sớm (ngoại tâm thu)
  • Tim đập thất thường (rung nhĩ, rung thất)

Gần như tất cả mọi người đều sẽ trải qua hiện tượng nhịp tim đập bất thường ít nhất một lần. Rối loạn nhịp tim là hiện tượng rất phổ biến và thường vô hại, nhưng cũng có đôi khi là vấn đề bất thường. Khi rối loạn nhịp tim gây cản trở sự lưu thông máu đến các bộ phận trong cơ thể thì não, phổi và các cơ quan quan trọng khác có thể bị tổn thương. Thậm chí, nếu không được điều trị, rối loạn nhịp tim còn có thể đe dọa đến tính mạng.

Tim hoạt động như thế nào?

Tim được chia thành 4 buồng, 2 buồng trên (tâm nhĩ) và 2 buồng dưới (tâm thất). Khi tim đập bình thường, các xung điện đi qua một đường dẫn truyền chính xác đến hai nửa của tim. Những tín hiệu điện này phối hợp hoạt động của cơ tim để bơm máu vào và ra khỏi tim. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong các xung điện hoặc trong đường dẫn truyền đều có thể khiến tim đập bất thường.

Những gì diễn ra trong mỗi nhịp tim?

Máu đi vào tim và đến tâm nhĩ trước tiên. Sau đó, mỗi nhịp tim là một quy trình gồm có các bước sau:

  • Nút xoang (một nhóm các tế bào ở tâm nhĩ phải) gửi một xung điện đến tâm nhĩ phải và trái để chỉ đạo hai tâm nhĩ co bóp.
  • Sự co bóp này đẩy máu xuống tâm thất.
  • Khi máu được đưa xuống tâm thất, xung điện truyền đến nút nhĩ thất (một nhóm các tế bào giữa tâm nhĩ và tâm thất).
  • Xung điện truyền ra khỏi nút nhĩ thất rồi đến tâm thất đang chứa máu để chỉ đạo tâm thất co bóp.
  • Sự co bóp này đẩy máu ra khỏi tim để lưu thông đến các bộ phận trong cơ thể.

Đó là những gì diễn ra trong một nhịp tim và quy trình này cứ thế lặp đi lặp lại. Ở một trái tim khỏe mạnh bình thường, hai nửa trái phải của tim đập lần lượt. Điều này giữ cho dòng máu lưu thông theo một hướng trong suốt quá trình bơm liên tục.

Tim người bình thường sẽ lặp lại quá trình này khoảng 100.000 lần mỗi ngày, có nghĩa là 60 đến 100 nhịp mỗi phút ở trạng thái nghỉ ngơi.

Các loại rối loạn nhịp tim

Dựa trên ba đặc điểm:

  • Tốc độ (quá nhanh hay quá chậm)
  • Nguồn gốc (tâm thất hay tâm nhĩ)
  • Mức độ đều đặn

mà chứng rối loạn nhịp tim được phân chia thành các loại như sau:

Nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm (Bradycardia) là tình trạng tim đập dưới 60 nhịp mỗi phút ở trạng thái không vận động. Không phải lúc nào nhịp tim chậm cũng là một vấn đề. Vận động viên và những người có thể lực tốt thường có nhịp tim chậm vì tim của những người này hoạt động hiệu quả hơn và vẫn có thể bơm đủ máu với số lần đập ít hơn. Tuy nhiên, có những trường hợp nhịp tim chậm bất thường dẫn đến không đảm bảo đủ lưu lượng máu đi khắp cơ thể.

Các loại nhịp tim chậm gồm có:

Suy nút xoang: Nút xoang chịu trách nhiệm thiết lập tốc độ đập của tim. Nếu nút xoang không truyền xung điện chính xác, tim có thể bơm máu quá chậm hoặc không đều. Sẹo gần nút xoang do bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim cũng có thể làm chậm hoặc chặn các xung điện khi chúng truyền qua tim.

Block dẫn truyền: Nếu đường dẫn truyền xung điện của tim bạn bị chặn (block), các buồng tim sẽ co bóp chậm hoặc hoàn toàn không co bóp. Vấn đề này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào dọc theo đường dẫn truyền xung điện của tim, có thể là ở giữa nút xoang và nút nhĩ thất (AV) hoặc giữa nút nhĩ thất và tâm thất. Tình trạng block dẫn truyền này có thể không bộc lộ triệu chúng nào khác ngoài hiện tượng tim lỡ nhịp hoặc nhịp tim chậm.

Nhịp tim nhanh

Nhịp tim nhanh (Tachycardia) là tình trạng tim đập nhiều hơn 100 nhịp mỗi phút ở trạng thái không vận động. Hai dạng nhịp tim nhanh phổ biến nhất là nhịp nhanh trên thất (supraventricular tachycardia) và nhịp nhanh thất (ventricular tachycardia).

Nhịp nhanh trên thất: Nhịp nhanh trên thất là tình trạng rối loạn nhịp tim bắt đầu ở trên tâm thất. Những lần tim đập nhanh này có thể kéo dài vài giây hoặc vài giờ và có thể khiến tim đập hơn 160 nhịp mỗi phút. Hai dạng nhịp nhanh trên thất phổ biến nhất là rung nhĩ (atrial fibrillation) và cuồng nhĩ (atrial flutter).

  • Rung nhĩ: Khi bị rung nhĩ, tâm nhĩ đập rất nhanh (có thể lên mức 240 đến 350 nhịp mỗi phút). Tâm nhĩ đập nhanh đến mức không thể co bóp hoàn toàn mà chỉ rung. Điều này sẽ gây khó chịu nhưng chưa làm tim đập nhanh. Tuy nhiên, đôi khi hiện tượng rung nhĩ có thể truyền sang tâm thất và gây nhịp tim nhanh.
    Rung nhĩ là hiện tượng chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi. Nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim thường tăng cao từ tuổi 60. Nguy cơ bị rung nhĩ cũng cao hơn bình thường nếu bạn đang hoặc đã từng bị tăng huyết áp hoặc mắc các vấn đề về tim khác. Nếu không được điều trị, rung nhĩ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đột quỵ.
  • Cuồng nhĩ: Khi bị cuồng nhĩ, nhịp tim thường vẫn đều và ổn định hơn khi bị rung nhĩ. Tuy nhiên, cuồng nhĩ có thể đe dọa đế tính mạng. Tình trạng rối loạn nhịp tim này xảy ra phổ biến nhất ở những người bị bệnh tim và cũng thường xuất hiện trong vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật tim.

Nhịp nhanh thất: Nhịp nhanh thất là một tình trạng rối loạn nhịp tim bắt đầu ở chính tâm thất. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những người mắc bệnh tim hoặc các vấn đề liên quan đến tim, ví dụ như bệnh động mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân gây ra vấn đề này thường là do một xung điện truyền xung quanh phần có sẹo của cơ tim. Nó có thể khiến tâm thất co bóp hơn 200 lần mỗi phút. Nếu không được điều trị, nhịp nhanh thất sẽ tiến triển thành các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rung thất (ventricular fibrillation).

Rung thất thường có các dấu hiệu như nhịp đập đột ngột, nhanh, không đều và hỗn loạn trong tâm thất. Những xung điện thất thường, đôi khi là do cơn nhồi máu cơ tim gây ra, có thể là nguyên nhân khiến tâm thất bị rung. Khi bạn bị loại rối loạn nhịp tim này, tâm thất không thể bơm máu đi khắp cơ thể bình thường và nhịp tim sẽ giảm nhanh chóng. Điều này dẫn đến tụt huyết áp và làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho các cơ quan. Rung thất là nguyên nhân số một gây ngừng tim đột ngột.

Ngoại tâm thu

Ngoại tâm thu là hiện tượng tim co bóp quá sớm do bất thường trong xung động điện của tim, tạo cảm giác như tim đập lỡ một nhịp. Trên thực tế, nhịp tim bình thường bị gián đoạn bởi một nhịp quá sớm, hay nói cách khác là có thêm một nhịp ở giữa hai nhịp tim bình thường.

Triển vọng của người bị rối loạn nhịp tim

Có nhiều loại rối loạn nhịp tim khác nhau, hầu hết đều vô hại và gần như tất cả mọi người đều đã từng trải qua mà không hề hay biết. Hiện tượng nhịp tim tăng lên khi tập thể dục cũng là một điều bình thường do tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu giàu oxy cho các mô nhằm giữ cho cơ thể không kiệt sức quá nhanh. Vận động viên và những người có thể lực tốt thường có nhịp tim chậm vì tim họ hoạt động rất hiệu quả và không cần đập nhiều như những người ít vận động.

Tuy nhiên, một số loại rối loạn nhịp tim lại có hại. Triển vọng cho những người bị các vấn đề này còn phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim. Nếu bạn nghĩ ngờ mình bị rối loạn nhịp tim thì cần đi khám bác sĩ. Hiện nay, ngay cả những trường hợp rối loạn nhịp tim nghiêm trọng nhất cũng có thể được điều trị thành công và hầu hết những người bị vấn đề này đều vẫn sống một cách bình thường.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây