1

Bệnh cơ tim là gì?

Bệnh cơ tim là gì? Bệnh cơ tim là gì?

Bệnh cơ tim là gì?

Bệnh cơ tim là nhóm những bệnh ảnh hưởng đến cơ tim. Trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh cơ tim, cơ tim suy yếu và không thể bơm máu đến khắp cơ thể. Có nhiều loại bệnh cơ tim khác nhau và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, từ bệnh động mạch vành cho đến tác dụng phụ của một số loại thuốc. Những nguyên nhân này đều có thể dẫn đến nhịp tim không đều, suy tim, vấn đề về van tim hoặc các biến chứng khác.

Điều trị và theo dõi, chăm sóc sau điều trị là điều rất quan trọng trong các trường hợp mắc bệnh cơ tim để ngăn ngừa suy tim hoặc các biến chứng khác.

Có những loại bệnh cơ tim nào?

Có 4 loại bệnh cơ tim:

Bệnh cơ tim giãn

Bệnh cơ tim giãn (dilated cardiomyopathy - DCM) là dạng phổ biến nhất, xảy ra khi cơ tim quá yếu và không thể bơm máu hiệu quả. Các cơ giãn ra và trở nên mỏng đi, khiến cho các buồng tim mở rộng.

Bệnh cơ tim giãn có thể là do di truyền hoặc cũng có thể là do bệnh động mạch vành.

Bệnh cơ tim phì đại

Nguyên nhân gây bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic cardiomyopathy) được cho là do di truyền. Căn bệnh này xảy ra khi thành tim dày lên và ngăn máu chảy qua tim. Đây là một dạng bệnh cơ tim khá phổ biến. Nguyên nhân cũng có thể là do cao huyết áp, lão hóa, bệnh tiểu đường hoặc bệnh tuyến giáp.

Bệnh cơ tim loạn sản thất phải gây loạn nhịp

Bệnh cơ tim loạn sản thất phải gây loạn nhịp (ARVD) là một dạng bệnh cơ tim rất hiếm gặp, nhưng đây lại là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở nhiều vận động viên trẻ. Ở loại bệnh cơ tim di truyền này, cơ của tâm thất phải bị thay thế bởi chất béo và mô xơ thừa, khiến cho tim đập bất thường.

Bệnh cơ tim hạn chế

Bệnh cơ tim hạn chế là dạng ít gặp nhất, xảy ra khi tâm thất cứng lại và không thể giãn đủ để chứa máu. Một trong những nguyên nhân của dạng bệnh này này sự hình thành sẹo sau khi ghép tim hoặc cũng có thể xảy ra do bệnh tim.

Các loại bệnh cơ tim khác

Hầu hết các loại bệnh cơ tim sau đây đều thuộc 1 trong 4 nhóm nêu trên nhưng mỗi loại lại có nguyên nhân hoặc biến chứng đi kèm riêng.

  • Bệnh cơ tim chu sản (Peripartum cardiomyopathy): xảy ra trong hoặc sau khi mang thai. Loại bệnh hiếm gặp này xảy ra khi tim yếu đi trong vòng 5 tháng sau khi sinh hoặc vào tháng cuối cùng của thai kỳ. Trong trường hợp xảy ra sau khi sinh thì bệnh này còn được gọi là bệnh cơ tim sau sinh. Đây là một dạng bệnh cơ tim giãn và cũng đe dọa đến tính mạng. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh này.
  • Bệnh cơ tim do rượu bia (Alcoholic cardiomyopathy): Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn trong một thời gian dài cũng làm suy yếu tim, khiến tim không còn có thể bơm máu hiệu quả được và trở nên to ra. Đây cũng là một dạng bệnh cơ tim giãn.
  • Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (Ischemic cardiomyopathy): là tình trạng xảy ra khi tim không thể bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể do bệnh động mạch vành. Mạch máu đến cơ tim bị thu hẹp và tắc nghẽn, khiến cơ tim không được cung cấp oxy. Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ là nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy tim. Ngược lại, bệnh cơ tim không do thiếu máu (nonischemic cardiomyopathy) là bất kỳ dạng bệnh cơ tim nào không liên quan đến bệnh động mạch vành.
  • Bệnh cơ tim không co bóp (Noncompaction cardiomyopathy), hay còn được gọi là bệnh cơ tim thể xốp (spongiform cardiomyopathy), là một bệnh bẩm sinh hiếm gặp. Đây là kết quả do sự phát triển bất thường của cơ tim ngay từ trong bụng mẹ. Bệnh có thể được chẩn đoán ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời.
  • Bệnh cơ tim ở trẻ nhỏ
  • Bệnh cơ tim vô căn: là bệnh cơ tim không rõ nguyên nhân.

Ai có nguy cơ mắc bệnh cơ tim?

Bệnh cơ tim có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ độ tuổi nào. Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ gồm có:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh cơ tim, ngừng tim đột ngột hoặc suy tim
  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì nặng
  • Bệnh sarcoid
  • Bệnh tan máu
  • Bệnh amyloidosis
  • Nhồi máu cơ tim
  • Cao huyết áp
  • Nghiện rượu

Theo nghiên cứu, HIV cũng như các phương pháp điều trị HIVvà các yếu tố về chế độ ăn uống, lối sống cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim. Cụ thể, HIV sẽ làm tăng nguy cơ bị suy tim và bệnh cơ tim giãn. Do đó mà bệnh nhân HIV cần đi xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra tình trạng của tim.

Triệu chứng của bệnh cơ tim

Hầu hết triệu chứng của tất cả các loại bệnh cơ tim đều tương tự nhau. Khi mắc bệnh cơ tim, tim không thể bơm đủ máu đến các mô và cơ quan trong cơ thể, điều này dẫn đến các triệu chứng như:

  • Cảm thấy mệt mỏi, suy nhược
  • Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức hoặc tập thể dục
  • Chóng mặt, xây xẩm
  • Đau ngực
  • Tim đập nhanh
  • Ngất xỉu
  • Tăng huyết áp
  • Sưng phù ở bàn chân, mắt cá chân và chân

Điều trị bệnh cơ tim như thế nào?

Tùy vào mức độ tổn thương của tim và các triệu chứng mà sẽ có các cách điều trị bệnh cơ tim khác nhau.

Một số người có thể không cần điều trị do chưa có triệu chứng. Trong những trường hợp bắt đầu gặp hiện tượng khó thở hoặc đau ngực thì có thể chỉ cần điều chỉnh một số thói quen sống hoặc dùng thuốc.

Đến nay vẫn chưa có cách nào có thể khắc phục được những tổn hại mà bệnh cơ tim đã gây ra hoặc chữa khỏi được bệnh cơ tim nhưng vẫn có thể kiểm soát được bằng các cách sau:

  • Thay đổi lối sống lành mạnh
  • Dùng các loại thuốc, gồm có các loại thuốc điều trị cao huyết áp, ngăn giữ nước, giữ cho nhịp tim bình thường, ngăn ngừa hình thành cục máu đông và giảm viêm.
  • Dùng các thiết bị cấy ghép, ví dụ như máy tạo nhịp tim hay máy khử rung tim
  • Phẫu thuật
  • Ghép tim - đây là phương án cuối cùng

Mục đích của các phương pháp điều trị là giúp trái tim hoạt động hiệu quả nhất có thể, ngăn ngừa tổn thương và rối loạn chức năng.

Triển vọng lâu dài

Bệnh cơ tim có thể đe dọa đến tính mạng và rút ngắn tuổi thọ nếu tim bị tổn hại nghiêm trọng. Bệnh cơ tim là một dạng bệnh tiến triển, có nghĩa là nó sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Các phương pháp điều trị có thể kéo dài tuổi thọ bằng cách làm chậm sự tiến triển của bệnh hoặc bằng cách hỗ trợ cho trái tim thực hiện các nhiệm vụ một cách bình thường.

Những người mắc bệnh cơ tim nên thực hiện một số điều chỉnh về lối sống sau để cải thiện sức khỏe của tim:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Hạn chế lượng caffeine
  • Ngủ đủ giấc
  • Hạn chế căng thẳng
  • Không hút thuốc
  • Hạn chế rượu bia

Một trong những khó khăn lớn nhất là của người mắc bệnh cơ tim là duy trì thói quen tập thể dục. Việc tập thể dục có thể sẽ rất mệt đối với những người mà tim bị tổn thương nhưng đây lại là điều vô cùng quan trọng để duy trì cân nặng khỏe mạnh và cải thiện chức năng tim. Một điều quan trọng nữa là phải đi khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi tình trạng tim mạch và kịp thời xử lý các vấn đề bất thường.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây