Tăng huyết áp gây ra những bệnh tim mạch nào?
Bệnh tim mạch do tăng huyết áp là gì?
Bệnh tim mạch do tăng huyết áp là những vấn đề về tim mạch do tình trạng tăng huyết áp hay cao huyết áp gây nên.
Khi huyết áp trong mạch máu tăng, tim sẽ phải làm việc dưới áp lực cao hơn và gây ra một số rối loạn. Các bệnh tim mạch do tăng huyết áp gồm có suy tim, dày cơ tim, bệnh động mạch vành và các vấn đề khác.
Bệnh tim do tăng huyết áp có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và là nguyên nhân hàng đầu của các ca tử vong do huyết áp cao.
Các loại bệnh tim mạch do tăng huyết áp
Nhìn chung, các vấn đề về tim mạch do cao huyết áp đều liên quan đến các động mạch và cơ tim. Cụ thể, các loại bệnh này gồm có:
Hẹp động mạch vành
Động mạch vành là mạch máu có nhiệm vụ vận chuyển máu đến cơ tim. Khi cao huyết áp làm cho các mạch máu này bị thu hẹp, sự lưu thông máu đến tim sẽ bị chậm lại hoặc ngừng hẳn. Tình trạng này được gọi là bệnh tim mạch vành (CHD), hay bệnh động mạch vành (CAD).
Bệnh tim mạch vành cản trở tim thực hiện chức năng cung cấp máu cho các cơ quan còn lại trong cơ thể và còn làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim do cục máu đông bị mắc kẹt ở một trong những động mạch bị thu hẹp và cắt đứt lưu lượng máu đến tim.
Cơ tim dày và to lên
Huyết áp cao khiến cho tim khó bơm máu hơn. Giống như các cơ bắp khác trong cơ thể, việc thường xuyên phải hoạt động nặng cũng khiến cơ tim dày lên và phát triển hơn bình thường. Điều này sẽ thay đổi hoạt động của tim. Những thay đổi này thường xảy ra trong tâm thất trái - buồng bơm máu chính của tim và được gọi là bệnh phì đại thất trái (left ventricular hypertrophy).
Bệnh tim mạch vành có thể gây phì đại thất trái và ngược lại. Khi bạn bị bệnh mạch vành, trái tim phải làm việc nhiều hơn và khi bị phì đại thất trái khiến tim to ra, các động mạch vành sẽ bị chèn ép và thu hẹp lại.
Ai có nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp?
Bệnh tim mạch là nguyên nhân số 1 gây tử vong cho cả nam và nữ trên toàn thế giới.
Yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh tim mạch do tăng huyết áp chính là huyết áp cao nên nguy cơ sẽ tăng lên nếu bạn:
- thừa cân
- không tập thể dục
- hút thuốc
- thường xuyên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo và cholesterol
Bạn cũng sẽ dễ mắc bệnh tim mạch hơn nếu có tiền sử gia đình mắc loại bệnh này. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ chưa mãn kinh nhưng sau thời kỳ mãn kinh thì nguy cơ này ở cả nam và nữ là tương đương nhau. Và bất kể giới tính nào thì nguy cơ cùng đều sẽ tăng lên khi chúng ta già đi.
Các triệu chứng của bệnh tim do tăng huyết áp
Bệnh tim do tăng huyết áp có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và giai đoạn tiến triển của bệnh. Có thể bạn sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào hoặc cũng có thể nhận thấy các triệu chứng như:
- Đau ngực
- Tức ngực hoặc cảm giác chèn ép trong ngực
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Đau ở cổ, lưng, cánh tay hoặc vai
- Ho dai dẳng
- Ăn không ngon miệng
- Sưng phù cẳng chân hoặc mắt cá chân
Nếu như tim đột nhiên đập nhanh hoặc không đều và đau dữ dội ở ngực thì cần đến bệnh viện ngay.
Các biến chứng
Cả bệnh mạch vành và phì đại thất trái đều có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Suy tim: tim không thể bơm đủ máu đến khắp cơ thể.
- Rối loạn nhịp tim: tim đập bất thường.
- Bệnh tim do thiếu máu cục bộ: tim không nhận được đủ oxy.
- Nhồi máu cơ tim: sự lưu thông máu đến tim bị gián đoạn và tế bào cơ tim chết đi do thiếu oxy.
- Ngừng tim đột ngột: tim đột nhiên ngừng hoạt động, dẫn đến ngừng thở và mất ý thức.
- Đột quỵ và đột tử.
Phương pháp chẩn đoán
Khi đi khám, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, tiến hành thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để kiểm tra thận, nồng độ natri, kali và công thức máu.
Dưới đây là những phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng phổ biến để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng bất thường. Bác sĩ có thể tiến hành một hoặc kết hợp các phương pháp này với nhau:
- Điện tâm đồ: để theo dõi và ghi lại hoạt động điện tim. Bác sĩ sẽ gắn các miếng điện cực vào ngực, chân và cánh tay của bệnh nhân. Kết quả sẽ hiển thị trên màn hình và bác sĩ sẽ tiến hành phân tích.
- Siêu âm tim: cung cấp hình ảnh chi tiết của tim bằng sóng siêu âm.
- Chụp mạch vành: kiểm tra lưu lượng máu qua các động mạch vành. Một ống thông mảnh được đưa qua động mạch ở bẹn hoặc cánh tay lên tim.
- Điện tim gắng sức: kiểm tra xem việc vận động cơ thể (đạp xe tại chỗ hoặc chạy trên máy chạy) ảnh hưởng như thế nào đến tim.
- Xét nghiệm tim bằng y học hạt nhân: cho phép kiểm tra lưu lượng máu đến tim. Phương pháp này thường được tiến hành cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi và vận động.
Điều trị bệnh tim mạch do tăng huyết áp
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác và bệnh sử mà bệnh tim do tăng huyết áp có thể được điều trị bằng những cách sau:
Dùng thuốc
Các loại thuốc thường có tác dụng chính là ngăn chặn sự hình thành cục máu đông, cải thiện sự lưu thông máu và giảm nồng độ cholesterol.
Một số loại thuốc thường được dùng phổ biến để trị bệnh tim mạch:
- Thuốc lợi tiểu để hạ huyết áp
- Các loại thuốc Nitrat để điều trị đau ngực
- Các loại thuốc Statin để điều trị cholesterol cao
- Thuốc chẹn kênh canxi và thuốc ức chế men chuyển để hạ huyết áp
- Aspirin để ngăn ngừa hình thành cục máu đông
Điều quan trọng là phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Phẫu thuật và dùng các thiết bị hỗ trợ
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật để tăng lưu lượng máu đến tim. Nếu cần điều chỉnh nhịp tim thì trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cấy một thiết bị đặc biệt hoạt động bằng pin gọi là máy tạo nhịp tim vào bên trong ngực bệnh nhân. Thiết bị này tạo ra kích thích điện làm cho cơ tim co bóp. Đây là phương pháp phù hợp cho những trường hợp mà hoạt động điện của cơ tim quá chậm hoặc không có.
Ngoài ra còn có một thiết bị nữa cũng thường được dùng trong các ca bệnh tim mạch đó là máy khử rung tim. Đây cũng là một thiết bị được cấy vào bên trong cơ thể để điều trị cho các trường hợp rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là phương pháp nhằm khắc phục tình trạng động mạch vành bị tắc nghẽn. Phương pháp này thường chỉ được thực hiện trong các trường hợp bị bệnh mạch vành mức độ nặng. Ngoài ra còn có phương pháp ghép tim hoặc các thiết bị hỗ trợ tim khác nhưng thường chỉ cần thiết nếu tình trạng đặc biệt nghiêm trọng.
Triển vọng lâu dài
Khả năng hồi phục khi mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp phụ thuộc nhiều vào vấn đề cụ thể và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh chỉ cần sinh hoạt lành mạnh là đủ để giữ cho tình trạng không tiến triển nặng thêm nhưng cũng có những trường hợp nghiêm trọng đến mức dù cho có dùng thuốc và phẫu thuật nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình hình.
Ngăn ngừa bệnh tim mạch do tăng huyết áp
Theo dõi và tránh để huyết áp tăng quá cao là một trong những cách quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh tim do tăng huyết áp. Hạ huyết áp và giảm nồng độ cholesterol bằng cách xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, giữ cơ thể cân đối, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên đồng thời kiểm soát căng thẳng cũng là những cách hiệu quả để tránh xảy ra các vấn đề về tim mạch.
Một điều quan trọng nữa là cần đi khám định kỳ để kiểm tra huyết áp và có biện pháp can thiệp kịp thời nếu bị cao huyết áp hoặc xuất hiện các triệu chứng bệnh tim mạch.
Một dấu hiệu nhỏ như nếp gấp ở dái tai thì có liên quan gì đến bệnh tim mạch?
Bệnh Buerger hay viêm thuyên tắc mạch máu là một bệnh hiếm gặp xảy ra ở động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Ở những người mắc bệnh lý này, các mạch máu bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối). Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến da, làm hỏng mô da và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại thư. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Buerger thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân rồi cuối cùng lan rộng ra trên cánh tay và cẳng chân.
Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng viêm xảy ra ở tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở chân do cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn mạch máu. Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở tĩnh mạch gần bề mặt da (viêm tĩnh mạch huyết khối nông) hoặc tĩnh mạch sâu trong cơ (huyết khối tĩnh mạch sâu).