Nhiều người cao tuổi vẫn dùng aspirin hàng ngày để phòng bệnh tim mạch dù tiềm ẩn những rủi ro
Thay đổi trong khuyến nghị về aspirin
Việc sử dụng aspirin để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ từng được xem là giải pháp hiển nhiên. Trước đây, aspirin được khuyến nghị cho cả dự phòng ban đầu (primary prevention) và dự phòng thứ phát (secondary prevention) bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, sau kết quả của ba nghiên cứu lớn vào năm 2018, hướng dẫn sử dụng aspirin đã thay đổi. Hiện nay, aspirin nói chung không còn được khuyến nghị cho những người chưa từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tuy vậy, aspirin vẫn được khuyến nghị cho các bệnh nhân đã từng trải qua biến cố tim mạch nhằm ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Aspirin không còn được khuyến nghị rộng rãi do tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ chảy máu và thiếu máu.
Trong những năm gần đây, cả Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) đều đã thay đổi hướng dẫn sử dụng aspirin, khẳng định rằng thuốc này không phù hợp cho tất cả bệnh nhân và có thể gây hại. Mặc dù vậy nhưng nguồn dữ liệu mới cho thấy rằng vẫn có nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao nhất, đang sử dụng aspirin hàng ngày.
Một nghiên cứu đăng trên Annals of Internal Medicine cho thấy khoảng 18,5 triệu (tương đương ⅓) người Mỹ từ 60 tuổi trở lên vẫn sử dụng aspirin để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch. Trong số đó, khoảng 3,3 triệu người dùng aspirin mà chưa từng tham vấn y tế.
Theo Tiến sĩ Mohak Gupta, tác giả nghiên cứu và chuyên gia tim mạch tại Houston Methodist Hospital, trước năm 2018, thói quen sử dụng aspirin đã từng được ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, sau khi có dữ liệu mới, cả bác sĩ và bệnh nhân cần thời gian để thay đổi nhận thức cũng như phương pháp điều trị.
Nghiên cứu của Gupta dựa trên dữ liệu sức khỏe tự báo cáo từ 2012 đến 2021, bao gồm 186.425 người trưởng thành, đại diện cho khoảng 150 triệu dân Mỹ. Hơn một nửa số người tham gia là phụ nữ và khoảng một phần ba không phải người da trắng.
So với 10 năm trước, tỷ lệ người sử dụng aspirin để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch đã giảm (từ 20,6% xuống 14,4% vào năm 2021). Tuy nhiên, ở nhóm người từ 70 tuổi trở lên, tỷ lệ sử dụng vẫn cao, khoảng 38%. Con số này rất đáng chú ý vì nguy cơ bị chảy nhiều máu sẽ cao hơn đối với người cao tuổi.
Bác sĩ Parul M. Goyal, Phó Giáo sư Y khoa và Giám đốc Y tế dành cho người cao tuổi tại Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt (không tham gia vào nghiên cứu), đã chia sẻ với Healthline rằng, người lớn tuổi là nhóm người dễ bị tổn thương nhất vì họ có nguy cơ bị chảy máu cao hơn. Họ thường sử dụng nhiều loại thuốc hơn, điều này có thể dẫn đến tương tác thuốc với aspirin và làm tăng nguy cơ chảy máu.
Các tác giả nghiên cứu cho biết phát hiện của họ mang ý nghĩa thực tiễn rất rõ ràng: mặc dù các quy định về việc dùng thuốc aspirin đã thay đổi nhưng nhiều bệnh nhân vẫn thiếu hiểu biết về những điều chỉnh này, đặc biệt là nhóm người cao tuổi. Các bác sĩ cần trao đổi kỹ lưỡng với bệnh nhân về rủi ro và lợi ích của việc sử dụng aspirin hàng ngày.
Gupta chia sẻ: “Các bác sĩ nên trao đổi với bệnh nhân để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi dùng aspirin trong việc dự phòng ban đầu bệnh tim mạch, đặc biệt đối với những người từ 60 tuổi trở lên, và ngừng sử dụng aspirin khi cần thiết, chẳng hạn như ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người có nguy cơ chảy máu cao”.
Tại sao khuyến nghị về việc sử dụng aspirin hàng ngày lại thay đổi
Ba nghiên cứu được công bố vào năm 2018 đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong nhận thức về việc sử dụng aspirin để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch (CVD). Các nghiên cứu này, bao gồm thử nghiệm ASCEND, ASPREE, và ARRIVE, đã đánh giá rủi ro và lợi ích của aspirin đối với các nhóm bệnh nhân khác nhau, bao gồm người mắc bệnh tiểu đường và người cao tuổi. Kết quả của các thử nghiệm này đã chỉ ra nguy cơ đáng kể từ các biến cố chảy máu, đặc biệt ở những người vốn khỏe mạnh, và góp phần điều chỉnh lại các khuyến nghị về việc sử dụng aspirin.
Vào năm 2019, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã công bố các khuyến nghị cập nhật về việc sử dụng aspirin, cho thấy rằng mặc dù aspirin vẫn được “công nhận rộng rãi” trong việc dự phòng thứ phát bệnh tim mạch (CVD), nhưng việc sử dụng aspirin để phòng ngừa ban đầu vẫn còn “gây tranh cãi.”
Ba năm sau, vào năm 2022, Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) cũng đã cập nhật các khuyến nghị của mình từ năm 2016.
Theo tuyên bố, USPSTF khuyến cáo không bắt đầu sử dụng aspirin liều thấp để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch ở người trưởng thành từ 60 tuổi trở lên.
Tiến sĩ Donald Lloyd-Jones, cựu Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Giáo sư Y học Dự phòng tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, chia sẻ với Healthline rằng: Đối với việc sử dụng aspirin để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch, vẫn còn cần cân nhắc về rủi ro và lợi ích. Liệu có thể ngăn ngừa xảy ra cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ không, hay thực sự lại gây ra một biến cố chảy máu nghiêm trọng khi sử dụng aspirin?
Ngoài ra, trong phòng ngừa thứ phát bệnh tim mạch thì dùng aspirin chắc chắn là điều nên làm.
Aspirin và nguy cơ chảy máu
Aspirin là một loại thuốc làm loãng máu, có nghĩa là nó có đặc tính ngăn ngừa đông máu hoặc kháng tiểu cầu, khiến cho máu khó đông lại. Những đặc tính này có ích trong việc ngăn ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ, nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là tăng nguy cơ chảy máu.
Tiến sĩ Eleanor Levin, Giáo sư Y học Tim mạch tại Stanford Medicine, cho biết rằng loại chảy máu được đề cập đến trong các hướng dẫn được thay đổi bao gồm tất cả các loại chảy máu. Vì vậy, đó có thể là chảy máu do té ngã và bị chấn thương đầu, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp chảy máu tự phát trong dạ dày.
Đối với người cao tuổi, té ngã có thể là một tai nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Nếu bị ngã cộng với nguy cơ chảy máu cao do sử dụng aspirin, trường hợp nguy hiểm này có thể dẫn đến tử vong.
Bạn cần phải xem xét lại nếu có ý định cho người cao tuổi uống aspirin thường xuyên vì họ thường có nguy cơ cao bị té ngã gây chấn thương đầu, và nguy cơ chảy máu trong não. Nếu trước đây họ chưa từng bị đột quỵ thì việc sử dụng aspirin sẽ khiến họ có nguy cơ bị chảy máu.
Một nghiên cứu năm 2023 dựa trên thử nghiệm ASPREE cũng phát hiện rằng việc sử dụng aspirin liều thấp hàng ngày làm tăng nguy cơ thiếu máu ở bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên thêm 20%.
Thiếu máu là một tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển lượng oxy cần thiết, dẫn đến khó thở, chóng mặt và nhức đầu.
Các chuyên gia liên hệ với Healthline cho biết bệnh nhân và bác sĩ nên cùng trao đổi thông tin thật đầy đủ về những rủi ro và lợi ích của việc sử dụng aspirin trong dự phòng ban đầu bệnh tim mạch.
Tiến sĩ Lloyd-Jones cũng cảnh báo rằng nếu bạn đã sử dụng aspirin, ngay cả khi chưa tham vấn bác sĩ từ trước, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng uống. Việc dừng sử dụng thuốc có thể làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch.
Ông nói rằng bài báo này không nhằm mục đích khiến ai đó ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà là để khuyên mọi người hãy trao đổi với bác sĩ về lý do mình dùng aspirin.
Kết luận
Mặc dù các hướng dẫn về aspirin đã thay đổi trong 5 năm qua nhưng nhiều người cao tuổi tại Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng aspirin liều thấp hàng ngày để dự phòng ban đầu bệnh tim mạch lần đầu, bất chấp nguy cơ chảy máu tăng cao.
Các chuyên gia khuyến nghị rằng bệnh nhân nên trao đổi chi tiết với bác sĩ để hiểu rõ lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng aspirin, từ đó xác định xem mình có phù hợp để dùng thuốc hay không.
Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?
Một dấu hiệu nhỏ như nếp gấp ở dái tai thì có liên quan gì đến bệnh tim mạch?
Bệnh Buerger hay viêm thuyên tắc mạch máu là một bệnh hiếm gặp xảy ra ở động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Ở những người mắc bệnh lý này, các mạch máu bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối). Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến da, làm hỏng mô da và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại thư. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Buerger thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân rồi cuối cùng lan rộng ra trên cánh tay và cẳng chân.