Hạ cholesterol giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch
Làm thế nào để hạ cholesterol?
Cơ thể bạn cần cholesterol để xây dựng các tế bào mới, bọc dây thần kinh, và tạo ra nội tiết tố. Tuy nhiên nếu có quá nhiều, nó sẽ là một nguy cơ lớn gây bệnh tim mạch. Dưới đây là cụ thể những gì sẽ xảy ra. Thông thường gan sẽ tạo ra tất cả lượng cholesterol mà cơ thể cần, nhưng bạn cũng nhận cholesterol từ các nguồn khác, như từ việc ăn đường đơn cũng như một số loại chất béo - cụ thể là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Bạn có thể tìm thấy chúng trong nhiều thực phẩm chế biến sẵn như bánh rán, bánh pizza, bánh quy. Bạn cũng có thể nhận nó từ ăn các loại thực phẩm nhất định, như sữa, trứng, thịt, và các sản phẩm động vật khác. Từ đó, mức cholesterol tăng thêm sẽ tích tụ bên trong cơ thể và bắt đầu gây hại.
Cholesterol cao gây bệnh tim mạch như thế nào?
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch, đồng thời cũng làm hẹp các động mạch, làm chậm và thậm chí chặn lưu thông máu. Đó là lúc mà vấn đề bắt đầu xảy ra. Máu của bạn có nhiệm vụ mang oxy tới tất cả các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả cơ tim. Nếu không có đủ oxy, các bộ phận của cơ thể sẽ không hoạt động theo cách của chúng. Ví dụ, nếu cơ tim không nhận đủ lượng máu và oxy, bạn sẽ bị đau ngực. Và nếu việc cung cấp máu đến một phần của trái tim bị tắc nghẽn hoàn toàn thì bạn sẽ bị nhồi máu cơ tim.
Có hai dạng chính của cholesterol: lipoprotein tỉ trọng thấp LDL, còn được gọi là cholesterol "xấu" và lipoprotein tỉ trọng cao HDL, còn được gọi là cholesterol "tốt". LDL là nguồn nguyên liệu chính của mảng xơ vữa động mạch. Trong khi đó HDL làm việc để lọc sạch cholesterol trong máu của bạn.
Ngoài LDL và HDL, còn có một loại chất béo khác trong máu của bạn gọi là triglyceride. Nghiên cứu cho thấy, mức triglyceride cao, giống như mức LDL cao, cũng liên quan đến bệnh tim.
Các triệu chứng cholesterol cao?
Cholesterol cao không có bất cứ triệu chứng nào. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn không ý thức rằng mức cholesterol của bạn đang trở nên quá cao. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải biết được chỉ số cholesterol của bạn là bao nhiêu. Nếu mức độ quá cao, việc hạ thấp nó sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Và nếu bạn đã bị bệnh tim mạch, giảm cholesterol còn có thể làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc tử vong vì nhồi máu cơ tim.
Cách xác định chỉ số cholesterol và ý nghĩa của nó là gì?
Nếu bạn trên 20, bác sĩ sẽ đo cholesterol của bạn ít nhất cứ 5 năm một lần. Tất cả những gì cần thiết cho việc này là một xét nghiệm máu đơn giản. Xét nghiệm sẽ cho bạn thấy:
- Mức cholesterol toàn phần
- Mức LDL
- Mức HDL
- Mức Triglycerides
Chỉ số của bạn sẽ giúp bạn và bác sĩ xác định không chỉ nguy cơ mắc bệnh tim mà còn xác định được những lựa chọn tốt nhất để hạ thấp nó. Ví dụ, mức LDL từ 190 trở lên được coi là rất cao, và bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về việc dùng thuốc để hạ thấp mức đó. Và nếu mức HDL của bạn từ 60 trở lên, rất tuyệt vời, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm xuống. Mục tiêu là giảm LDL và tăng HDL để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tim mạch.
Nhưng hãy nhớ rằng, chỉ số cholesterol chỉ là một phần trong nhiều yếu tố. Ngoài các chỉ số, bác sĩ sẽ xét đến độ tuổi, huyết áp, tiền sử hút thuốc, và tình trạng sử dụng các loại thuốc huyết áp. Tất cả những điều này cộng với việc bạn đã mắc bệnh tim sẽ cho bạn bức tranh rõ nét về nguy cơ mắc phải một vấn đề về tim nghiêm trọng trong 10 năm tới. Với bức tranh đó bạn và bác sĩ sẽ phát triển một chiến lược để giảm nguy cơ, có thể liên quan đến việc hạ thấp mức cholesterol với chế độ ăn uống hoặc có thể là dùng thuốc.
Điều gì ảnh hưởng đến cholesterol máu?
Rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến chỉ số cholesterol của bạn. Chúng bao gồm:
- Chế độ ăn. Giảm lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol trong chế độ ăn uống của bạn có thể giúp làm giảm cholesterol trong máu. Ăn quá nhiều đường và quá nhiều carbohydrate cũng sẽ làm tăng mức cholesterol.
- Cân nặng. Thừa cân tự nó đã là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, đồng thời cũng có thể làm tăng cholesterol. Giảm cân sẽ giúp giảm LDL, cholesterol toàn phần và triglyceride. Đồng thời nó có thể giúp bạn nâng cao chỉ số HDL
- Tập thể dục. Tập luyện thường xuyên có thể làm giảm cholesterol LDL và làm tăng cholesterol HDL. Bạn nên cố gắng vận động cơ thể 30 phút trong hầu hết các ngày.
- Tuổi và Giới tính. Khi bạn già đi, cholesterol tăng lên. Trước khi mãn kinh, phụ nữ thường có cholesterol thấp hơn nam giới. Sau khi mãn kinh, mức LDL của phụ nữ có xu hướng tăng lên.
- Di truyền. Các gen của bạn một phần sẽ xác định lượng cholesterol mà cơ thể bạn sản xuất. Mức cholesterol cao trong máu có thể di truyền trong gia đình.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị Cholesterol cao?
Thuốc hạ cholesterol bao gồm:
- Thuốc nhóm Statins
- Niacin
- Axít Bile resin
- Fibrates
Thuốc hạ cholesterol có hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với chế độ ăn kiêng ít cholesterol và tập thể dục đều đặn.
Thuốc nhóm Statin
Thuốc nhóm Statin ngăn chặn sự sản xuất cholesterol trong gan. Chúng giúp làm giảm LDL và triglycerides và có thể làm tăng một chút HDL. Những loại thuốc này được sử dụng như bước đầu trong điều trị cho hầu hết những người có cholesterol cao. Chúng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn, và đối với những người bị bệnh tim, statin làm giảm nguy cơ bị các cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai. Tác dụng phụ có thể bao gồm các vấn đề về ruột, tổn thương gan, và ở một vài người có thể gây đau cơ hoặc yếu. Nếu bác sĩ kê toa statin, bạn nên thảo luận về tỷ lệ phần trăm mà bạn sẽ giảm được mức cholesterol. Nói chung, sẽ vào khoảng từ 30% đến 50%.
Các loại thuốc nhóm statin bao gồm:
- Atorvastatin (Lipitor)
- Fluvastatin (Lescol, Lescol XL)
- Lovastatin (Altocor, Altoprev, Mevacor)
- Pitavastatin (Livalo)
- Pravastatin (Pravachol)
- Rosuvastatin (Crestor)
- Simvastatin (Zocor)
Niacin
Niacin là một loại vitamin B phức tạp. Nó được tìm thấy trong thực phẩm, nhưng cũng có thể được kê theo toa với liều lượng cao. Loại thuốc này làm giảm cholesterol LDL và làm tăng cholesterol HDL. Các tác dụng phụ chính là nóng bừng, ngứa ran, và nhức đầu. Aspirin có thể làm giảm nhiều triệu chứng này. Tuy nhiên hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng aspirin. Nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù Niacin có thể cải thiện lượng cholesterol của bạn, nhưng nó không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc nhóm statin.
Axit bile sequestrants
Những loại thuốc này hoạt động trong ruột, nơi chúng có thể liên kết với mật và ngăn không cho nó được hấp thu lại vào hệ tuần hoàn. Mật được làm phần lớn từ cholesterol, do đó các loại thuốc này hoạt động giúp làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Điều đó làm giảm cả cholesterol toàn phần và LDL. Các phản ứng phụ thường gặp nhất là táo bón, đầy hơi, và đau bụng. Ví dụ về các loại axit bile sequestrants bao gồm:
- Cholestyramine (Prevalite, Questran và Questran Light)
- Colesevelam (WelChol)
- Colestipol (Colestid)
Fibrates
Fibrates làm hạ thấp mức triglyceride và có thể làm tăng HDL. Người ta cho rằng fibrates làm tăng sự phân hủy các hạt giàu chất béo trung tính và làm giảm tiết chất béo trong máu.
Ví dụ về các loại fibrates bao gồm:
- Fenofibrate (Lofibra, Tricor)
- Gemfibrozil (Lopid)
- Chất ức chế hấp thu cholesterol
Ezetimibe (Zetia) làm giảm LDL bằng cách ức chế sự hấp thu cholesterol trong ruột. Vytorin là một loại thuốc kết hợp ezetimibe và một loại thuốc nhóm statin. Nó có thể làm giảm cholesterol chung và LDL và làm tăng mức HDL. Mặc dù ezetimibe có thể làm giảm cholesterol LDL của bạn, nhưng các nghiên cứu không phát hiện nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Thuốc kết hợp
Một số người bị cholesterol cao đã đạt được kết quả điều trị tốt nhất khi dùng thuốc kết hợp. Đây là những loại thuốc có chứa nhiều hơn một dược chất để điều trị các vấn đề về cholesterol, triglyceride bất thường, hoặc thậm chí cao huyết áp. Một số ví dụ bao gồm:
- Advicor: Lovastatin và niacin (acid nicotinic)
- Caduet: Atorvastatin và amlodipine, một chất ngăn chặn kênh canxi
- Liptruzet: Atorvastatin và ezetimibe
- Simcast: Simvastatin và niacin (acid nicotinic)
- Vytorin: Simvastatin và ezetimibe, chất ức chế hấp thu cholesterol
Tác dụng phụ của thuốc hạ cholesterol là gì?
Tác dụng phụ bạn cần quan tâm nhất là đau cơ. Chúng có thể là một dấu hiệu của tình trạng đe dọa tính mạng. Nếu bạn bị đau cơ, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.
Các tác dụng phụ khác của thuốc hạ cholesterol bao gồm:
- Chức năng gan bất thường
- Phản ứng dị ứng (phát ban da)
- Ợ nóng
- Chóng mặt
- Đau bụng
- Táo bón
- Giảm ham muốn tình dục
- Mất trí nhớ
Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các loại thuốc khác bạn đang dùng, bao gồm thảo dược và vitamin, và tác động của chúng đối với thuốc giảm cholesterol. Bạn không nên uống nước bưởi trong khi dùng thuốc hạ cholesterol. Nó có thể ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa các thuốc này của gan.
Một dấu hiệu nhỏ như nếp gấp ở dái tai thì có liên quan gì đến bệnh tim mạch?
Bệnh Buerger hay viêm thuyên tắc mạch máu là một bệnh hiếm gặp xảy ra ở động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Ở những người mắc bệnh lý này, các mạch máu bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối). Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến da, làm hỏng mô da và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại thư. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Buerger thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân rồi cuối cùng lan rộng ra trên cánh tay và cẳng chân.