Mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và bệnh tim mạch là gì?

Vảy nến là một bệnh tự miễn mạn tính gây viêm trên da, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và ngứa ngáy. Bệnh còn gây ra tổn thương da, tạo ra các mảng gồ lên do quá trình thay mới tế bào da diễn ra nhanh bất thường.
Giống như các bệnh tự miễn khác, vảy nến khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức với những tác nhân mà nó nhận diện là có hại, dẫn đến tình trạng viêm lan rộng trong cơ thể. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bài viết này sẽ phân tích kỹ hơn về mối liên hệ giữa vảy nến và bệnh tim mạch.
Viêm ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch như thế nào?
Tình trạng viêm do vảy nến có nhiều biểu hiện khác nhau, bao gồm:
- Các mảng da đỏ trên cơ thể
- Viêm khớp vảy nến
- Viêm kết mạc mắt (viêm lớp niêm mạc của mí mắt)
Nghiên cứu cho thấy những người mắc vảy nến có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn tới 50% so với người không mắc bệnh. Nguyên nhân là do viêm cũng có thể ảnh hưởng đến mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch.
Xơ vữa động mạch là tình trạng tích tụ mảng bám chứa chất béo bên trong thành động mạch, làm giảm hoặc cản trở dòng máu đến tim. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, một số phương pháp điều trị vảy nến có thể gây rối loạn mức cholesterol, làm cứng động mạch và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Theo Tạp chí Da liễu Anh Quốc, những người mắc vảy nến cũng có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành.
Mối liên hệ giữa viêm khớp vảy nến và rối loạn nhịp tim
Khoảng 30% trường hợp mắc vảy nến có thể tiến triển thành viêm khớp vảy nến. Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng vảy nến có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim là tình trạng ảnh hưởng đến tần số và nhịp tim, có thể khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều.
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ, những người mắc vảy nến nặng và dưới 60 tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng.
Điều trị vảy nến có giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim không?
Học viện Da liễu Hoa Kỳ cho rằng việc điều trị vảy nến có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Dữ liệu quan sát từ một nghiên cứu năm 2021 cho thấy điều trị vảy nến có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng đánh giá mối liên hệ giữa việc điều trị vảy nến và nguy cơ bị bệnh tim mạch vẫn chưa đưa ra kết luận chắc chắn, do đó cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định hiệu quả thực sự.
Cách giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bạn có thể áp dụng những thay đổi trong lối sống sau:
Tăng cường hoạt động thể chất
Thay đổi thói quen sinh hoạt như bỏ hút thuốc và tập thể dục hằng ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị nên tập thể dục từ 75 đến 150 phút mỗi tuần, tùy vào cường độ luyện tập.
Bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức vận động khác nhau như:
- Nhảy, múa
- Đi bộ
- Bơi lội
- Nhảy dây
Hãy thực hiện các hoạt động mà bản thân cảm thấy thích thú và giúp tim đập nhanh hơn. Các bài tập cường độ cao sẽ giúp duy trì nhịp tim nhanh trong thời gian dài, mang lại lợi ích cho hệ tim mạch.
Hãy đặt mục tiêu 30 phút tập luyện aerobic mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu chưa đạt được mục tiêu này, bạn vẫn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách đi bộ hoặc chạy bộ thường xuyên.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể khiến cơ thể luôn trong trạng thái co cứng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tim mạch cũng như vảy nến.
Vận động thể chất có thể giúp giải tỏa căng thẳng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, các bài tập thư giãn như hít thở sâu và hình dung tích cực (visualization) cũng có thể hỗ trợ giảm căng thẳng hiệu quả.
Xây dựng chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch và có tác động tích cực đến tình trạng bệnh vảy nến. Một chế độ ăn tốt cho tim mạch sẽ bao gồm chất béo lành mạnh và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và natri.
Bạn có thể áp dụng các thay đổi sau:
- Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như mì ống nguyên cám, bánh mì nguyên cám và gạo lứt.
- Hạn chế thực phẩm chiên rán và bánh ngọt.
- Tăng cường protein nạc như cá, thịt gà và các loại đậu.
- Sử dụng dầu tốt cho sức khoẻ, như dầu ô liu và dầu hạt lanh.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2015 cho thấy giảm cân cũng có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng vảy nến.
Bổ sung axit béo omega-3
Axit béo omega-3 rất cần thiết đối với những người mắc bệnh vảy nến và có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì cơ thể không tự sản xuất được chất này nên bạn cần bổ sung qua thực phẩm.
Omega-3 là một loại chất béo lành mạnh, có thể giúp hạ mức cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch. Chất này còn tham gia vào quá trình sản xuất hormone giúp điều hòa nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Việc tăng cường omega-3 có thể giúp giảm triglyceride, từ đó ngăn ngừa tích tụ mảng bám trong mạch máu và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Các nguồn thực phẩm giàu omega-3 bao gồm:
- Cá béo: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi.
- Hải sản khác: Tôm, sò điệp (chứa omega-3 từ nguồn biển).
- Thực phẩm thực vật:
- Rau lá xanh
- Hạt lanh, hạt chia
- Dâu tây, mâm xôi
- Các sản phẩm từ đậu nành như đậu hũ và miso
- Quả óc chó
Nếu không thể bổ sung đủ omega-3 qua thực phẩm, bạn có thể sử dụng viên dầu cá. Nếu có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc vảy nến, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng dầu cá để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu có thắc mắc về bệnh vảy nến mãn tính hoặc các vấn đề về sức khỏe tim mạch, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Các bác sĩ khuyến nghị nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, đặc biệt nếu bạn trên 60 tuổi.
Nếu mắc vảy nến, bạn cần lưu ý các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của cơn đau tim, bao gồm:
- Đau hoặc cảm giác khó chịu ở ngực
- Đau hoặc khó chịu ở cánh tay hoặc các vùng khác của phần thân trên
- Đau ở lưng, cổ, hoặc hàm
- Khó thở
- Đổ mồ hôi lạnh
- Buồn nôn
- Chóng mặt
Nếu có những triệu chứng này hoặc nghi ngờ mình đang bị đau tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức để được hỗ trợ y tế kịp thời.
Kết luận
Bệnh vảy nến được xem là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, tương tự như các yếu tố tiền sử gia đình mắc bệnh tim, huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
Hãy trao đổi với bác sĩ về nguy cơ của bản thân và các biện pháp phòng ngừa. Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, chẳng hạn như aspirin hoặc thuốc giảm cholesterol như statin.
Ngoài ra, duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục hằng ngày và kiểm soát căng thẳng, cũng là cách giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?