Mối liên hệ giữa bệnh lupus và hội chứng Raynaud

Lupus là một trong nhiều bệnh lý có thể gây ra hội chứng Raynaud thứ phát – một tình trạng làm giảm lưu lượng máu đến ngón tay và ngón chân do mạch máu bị co thắt.
Hình ảnh 70 Mối liên hệ giữa bệnh lupus và hội chứng Raynaud

Khoảng 200.000 người trưởng thành tại Hoa Kỳ mắc bệnh lupus. Đây là một bệnh tự miễn, gây ảnh hưởng và khiến hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh trong cơ thể thay vì chỉ chống lại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng như bình thường.

Hội chứng Raynaud, còn gọi là bệnh Raynaud hoặc đơn giản là Raynaud, là tình trạng co thắt mạch máu, làm hạn chế lưu lượng máu đến các chi. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu (occlusion), dẫn đến tổn thương mô.

Hiện tượng Raynaud có hai loại:

  • Raynaud nguyên phát: Không có nguyên nhân rõ ràng.
  • Raynaud thứ phát: Do bệnh lý tiềm ẩn hoặc yếu tố môi trường gây ra.

Hội chứng Raynaud có phải là triệu chứng của bệnh lupus không?

Raynaud nguyên phát không có nguyên nhân xác định còn Raynaud thứ phát xảy ra do một bệnh lý hoặc do yếu tố môi trường. Lupus là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến Raynaud thứ phát.

Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu mối liên hệ giữa hai bệnh lý này.

Lupus có thể dẫn đến hội chứng Raynaud như thế nào?

Hội chứng Raynaud thứ phát có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây Raynaud thứ phát, bao gồm thuốc điều trị:
    • Tăng huyết áp
    • Đau nửa đầu
    • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
  • Yếu tố môi trường:
    • Tiếp xúc với dụng cụ rung (máy khoan, búa hơi...)
    • Tiếp xúc với polyvinyl chloride (PVC – một loại nhựa tổng hợp)
    • Tổn thương do lạnh (hạ thân nhiệt, tê cóng)
  • Bệnh lý xảy ra trước khi bị Raynaud:
    • Lupus
    • Xơ cứng bì
    • Hội chứng Sjögren
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Bệnh tuyến giáp

Hội chứng Raynaud gây co thắt mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến các vùng bị ảnh hưởng. Ở bệnh nhân lupus, hệ miễn dịch gây viêm tại nhiều mô trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc Raynaud.

Triệu chứng của hội chứng Raynaud liên quan đến lupus

Hội chứng Raynaud xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó một số vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, triệu chứng nhìn chung khá giống nhau do cơ chế gây bệnh đều dẫn đến cùng một kết quả: giảm lưu lượng máu đến các chi.

Raynaud thường ảnh hưởng đến ngón tay và ngón chân, nhưng triệu chứng cũng có thể xuất hiện ở:

  • Tai
  • Mũi
  • Môi
  • Núm vú

Triệu chứng điển hình của hội chứng Raynaud:

  • Vùng bị ảnh hưởng trở nên nhợt nhạt do thiếu máu hoặc chuyển sang xanh tím do thiếu oxy, ngoài ra cũng có thể thấy lạnh khi chạm vào.
  • Triệu chứng có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút.

Khi máu tuần hoàn trở lại, người bệnh có thể bị:

  • Đỏ da
  • Sưng
  • Đau
  • Cứng khớp
  • Tê bì
  • Châm chích
  • Nhói buốt
  • Cảm giác nóng rát

Biến chứng tiềm ẩn của hội chứng Raynaud thứ phát

Hiện tượng Raynaud thường không gây biến chứng, nhưng trong trường hợp nặng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Biến chứng xảy ra khi mạch máu bị co thắt trong thời gian dài, khiến một số bộ phận của cơ thể không nhận đủ máu. Mọi mô trong cơ thể đều cần oxy để tồn tại, vì thế nếu tình trạng thiếu máu kéo dài, các tế bào có thể bị hoại tử.

Một trong những biến chứng có thể gặp là loét da, đặc biệt ở đầu ngón tay và ngón chân. Những vết loét này thường đau và nhạy cảm khi chạm vào.

Nếu thiếu oxy kéo dài quá lâu, hoại tử (necrosis) có thể xảy ra. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể cần cắt bỏ (amputation) phần mô bị hoại tử.

Chẩn đoán hội chứng Raynaud liên quan đến lupus

Để chẩn đoán hội chứng Raynaud do lupus gây ra, bác sĩ cần xác định bệnh lupus trước.

Trong một số trường hợp, hội chứng Raynaud có thể là dấu hiệu đầu tiên của lupus và bệnh nhân có thể được chẩn đoán đồng thời cả hai bệnh.

Quy trình chẩn đoán Raynaud:

  • Khai thác tiền sử bệnh lý và khám lâm sàng
  • Quan sát triệu chứng:
    • Các triệu chứng thường xuất hiện khi trời lạnh hoặc khi gặp căng thẳng.
    • Thông thường, Raynaud bắt đầu xảy ra ở một ngón tay hoặc ngón chân, sau đó lan sang ngón khác.
    • Các triệu chứng có thể xảy ra đối xứng ở cả hai bàn tay hoặc bàn chân.
    • Ngón tay cái thường chỉ bị ảnh hưởng khi mắc Raynaud thứ phát, không phổ biến ở Raynaud nguyên phát.

Hiện tượng Raynaud có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở những người trong độ tuổi thanh thiếu niên hoặc 20 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc cao gấp 9 lần so với nam giới.

Điều trị hội chứng Raynaud liên quan đến lupus

Điều trị hội chứng Raynaud chủ yếu tập trung vào việc tránh các yếu tố kích thích và kiểm soát triệu chứng.

Các biện pháp giúp kiểm soát bệnh:

  • Giữ ấm:
    • Mặc áo khoác, đội mũ và đeo tất khi trời lạnh.
    • Ưu tiên đeo bao tay thay vì găng tay, vì bao tay giúp giữ ấm tốt hơn.
  • Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột: Khi bị lạnh, ngâm tay vào nước ấm để làm ấm từ từ.
  • Hạn chế các yếu tố kích thích khác:
    • Không hút thuốc (vì nicotine làm co mạch máu).
    • Tránh sử dụng các dụng cụ rung (như khoan cầm tay, búa hơi...).
  • Điều trị bằng thuốc (nếu triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt):
    • Thuốc chẹn kênh canxi như amlodipine.
    • Thuốc hạ huyết áp như nifedipine để giúp làm giãn mạch và giảm tần suất xuất hiện các triệu chứng Raynaud.

Kết luận

Hiện tượng Raynaud là tình trạng giảm lưu lượng máu từng đợt đến các bộ phận của cơ thể, chủ yếu là ngón tay và ngón chân, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các chi khác.

Raynaud thứ phát thường do yếu tố môi trường hoặc các bệnh lý tiềm ẩn trực tiếp gây ra, trong đó có lupus. Tình trạng viêm do lupus gây co thắt mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc Raynaud.

Mặc dù hội chứng Raynaud thường không nguy hiểm nhưng bệnh nhân vẫn cần giữ ấm, tránh các tác nhân kích thích và điều trị nếu cần để ngăn ngừa biến chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và bệnh tim mạch là gì?
Mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và bệnh tim mạch là gì?

Tình trạng viêm mạn tính do vảy nến có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch và rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, tập thể dục, kiểm soát căng thẳng và chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ này.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?

Mối liên hệ giữa suy thận mạn, tiểu đường và cao huyết áp
Mối liên hệ giữa suy thận mạn, tiểu đường và cao huyết áp

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây