Viêm phổi và bệnh tim có mối liên hệ như thế nào?

Tim và phổi có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau thực hiện chức năng cung cấp oxy cho máu, loại bỏ chất thải và vận chuyển máu cùng chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể.
Khi một trong hai cơ quan này hoạt động kém hoặc bị tổn thương, cơ quan còn lại cũng sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc cả hai phổi. Các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi có nhiệm vụ trao đổi khí, giúp oxy đi vào máu và loại bỏ khí cacbonic. Khi bị viêm phổi, các phế nang có thể bị tích tụ dịch hoặc mủ, làm cản trở quá trình trao đổi khí.
Bài viết này sẽ phân tích ảnh hưởng của viêm phổi đến hoạt động của tim, đồng thời cũng cho biết điều gì có thể xảy ra nếu một người mắc bệnh tim rồi sau đó bị viêm phổi.
Bệnh động mạch vành là gì?
Bệnh động mạch vành là dạng bệnh tim phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Bệnh xảy ra khi cholesterol và các chất khác tích tụ, tạo thành mảng bám trong mạch máu, cụ thể là trong động mạch vành – những mạch máu cung cấp máu cho tim.
Có nhiều yếu tố góp phần dẫn đến sự tích tụ này, bao gồm chế độ ăn uống, lối sống và yếu tố di truyền.
Sự tích tụ mảng bám vốn đã nguy hiểm vì có thể làm hẹp mạch máu, hạn chế lưu lượng máu đến tim và các cơ quan khác. Nguy hiểm hơn, những mảng bám có thể vỡ ra và di chuyển đến những khu vực khác như não hoặc tim, gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Viêm phổi có phải là bệnh tim không?
Bản thân viêm phổi không phải là bệnh tim mà là một bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Tuy nhiên, một số biến chứng của bệnh tim như suy tim sung huyết có thể dẫn đến tình trạng tương tự viêm phổi.
Một số dạng suy tim có thể gây phù phổi, khi tim yếu đến mức không thể bơm máu hiệu quả, dẫn đến máu ứ đọng trong tim và dồn ngược vào phổi. Lượng máu bị ứ đọng này làm tăng áp lực trong mạch máu phổi và gây tích tụ dịch trong phế nang, gây ra tình trạng tương tự viêm phổi, khi các túi khí bị lấp đầy bởi dịch.
Viêm phổi có làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch không?
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng có thể gây ra tình trạng viêm toàn thân, làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng khác, trong đó có tăng nguy cơ mảng bám vỡ ra khỏi thành mạch và dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Ngay cả khi không mắc bệnh động mạch vành hay không có mảng bám trong mạch máu, tình trạng viêm lan rộng do viêm phổi cũng có thể ảnh hưởng đến tim.
Viêm có thể cản trở hoạt động bình thường của nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, khiến suy tim trở thành một trong những biến chứng phổ biến nhất của viêm phổi.
Khoảng 30% bệnh nhân nhập viện vì bị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng và gặp biến chứng suy tim cũng như các vấn đề tim mạch khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào người bị viêm phổi cũng gặp phải nguy cơ này ngay lập tức. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ xảy ra các biến chứng về tim mạch sẽ cao nhất trong tháng đầu sau khi được chẩn đoán viêm phổi và có thể kéo dài đến 10 năm sau đó.
Làm thế nào để biết viêm phổi đang ảnh hưởng đến tim?
Rất khó để xác định khi nào viêm phổi bắt đầu ảnh hưởng đến tim vì cả hai bệnh này có thể gây ra những triệu chứng giống nhau, bao gồm:
- Đau ngực
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Giảm nồng độ oxy trong máu
Tuy nhiên, viêm phổi có một số triệu chứng đặc trưng mà bệnh tim thường không có, bao gồm:
- Ớn lạnh
- Sốt
- Ho có đờm
Viêm phổi ảnh hưởng đến tim như thế nào?
Tình trạng viêm do viêm phổi gây ra có ảnh hưởng lớn đến tim, đặc biệt là ở những người đã có sẵn bệnh tim. Mặc dù tổn thương tim do viêm phổi có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng những người mắc bệnh tim từ trước sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Trong số những người mắc suy tim rồi bị viêm phổi, có khoảng 1,4% bệnh nhân điều trị ngoại trú bị tình trạng suy tim trở nặng và 24% bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi bị suy tim trầm trọng hơn.
Ngoài phản ứng viêm, viêm phổi cũng có thể gây ra một số biến chứng tim mạch, bao gồm:
- Suy tim mới khởi phát
- Suy tim tiến triển nặng hơn
- Rối loạn nhịp tim (mới hoặc trầm trọng hơn)
- Nhồi máu cơ tim
- Nhịp tim nhanh bất thường (nhịp nhanh trên 100 lần/phút)
Mối liên hệ giữa viêm phổi và bệnh tim mạch mang tính hai chiều:
- Viêm phổi làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
- Tiền sử bệnh tim làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người mắc bệnh tim mạch (đặc biệt là suy tim) có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn gấp ba lần so với người không mắc bệnh tim.
Phòng ngừa
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm phổi và suy tim là duy trì sức khỏe tổng thể tốt bằng việc thực hiện một lối sống lành mạnh:
- Ăn chế độ ăn lành mạnh, cân đối
- Không hút thuốc (hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ cai thuốc)
- Hạn chế uống rượu bia
- Tăng cường vận động hoặc tập thể dục thường xuyên
Những người mắc bệnh tim cũng được khuyến nghị tiêm các loại vắc xin phù hợp, bao gồm vắc xin phòng cúm và viêm phổi, để giảm nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do suy tim và viêm phổi có thể không khác biệt đáng kể giữa những người đã và chưa tiêm vắc xin.
Kết luận
Chức năng tim và phổi có quan hệ mật thiết với nhau, do đó nếu một cơ quan bị mắc bệnh, cơ quan còn lại cũng có thể bị ảnh hưởng. Viêm phổi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc khiến bệnh tim đang mắc phải bị trở nặng. Bệnh tim cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi và các loại nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Hãy trao đổi với bác sĩ để kiểm soát tốt sức khỏe tổng thể và phòng ngừa các bệnh lý mạn tính như bệnh tim cũng như các bệnh cấp tính như viêm phổi.
Ngoài tiêm vắc xin, bạn nên duy trì áp dụng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Viêm động mạch tế bào khổng lồ (GCA) là tình trạng các động mạch ở vùng đầu bị viêm và sưng, khiến lòng mạch thu hẹp và hạn chế lưu lượng máu. Nếu mắt không nhận đủ máu, thị lực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mù lòa đột ngột.

Mặc dù hiếm gặp nhưng một người có thể đồng thời bị mắc cả hội chứng Raynaud và viêm khớp vảy nến (PsA). Hiện chưa có nghiên cứu nào xác nhận hoặc giải thích rõ ràng về mối liên hệ giữa hai bệnh lý này. Hội chứng Raynaud thường đi kèm với các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ và xơ cứng bì.

Lupus là một trong nhiều bệnh lý có thể gây ra hội chứng Raynaud thứ phát – một tình trạng làm giảm lưu lượng máu đến ngón tay và ngón chân do mạch máu bị co thắt.

Estrogen là một hormone thường liên quan đến sinh sản và các đặc điểm giới tính, nhưng cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì tính đàn hồi của mạch máu, cân bằng cholesterol và chống viêm, giúp ngăn ngừa bệnh tim.

Tình trạng viêm mạn tính do vảy nến có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch và rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, tập thể dục, kiểm soát căng thẳng và chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ này.