Bệnh viêm cơ tim: Triệu chứng và Điều trị

Tổng quan
Bệnh viêm cơ tim là tình trạng tim bị tổn thương do virus. Virus tấn công cơ tim, gây viêm và làm gián đoạn các đường dẫn truyền điện giúp tim đập đúng nhịp. Trong phần lớn các trường hợp, cơ thể có thể tự hồi phục mà người bệnh không nhận ra vấn đề. Tuy nhiên, đôi khi nhiễm trùng và phản ứng viêm có thể gây tổn thương, làm suy yếu tim, dẫn đến suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Kể cả những người trông có vẻ rất khỏe mạnh cũng có thể đang mắc phải tình trạng này. Một số người chỉ có triệu chứng giống với bệnh cúm. Mặc dù nhiều loại virus có thể ảnh hưởng đến tim nhưng chỉ một số loại là gây viêm cơ tim và các vấn đề tim mạch khác.
Các loại virus gây bệnh
Adenovirus
Adenovirus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cơ tim do virus ở cả trẻ em và người lớn. Loại virus này thường gây nhiễm trùng đường hô hấp, cũng có thể gây viêm bàng quang và nhiễm trùng đường ruột. Virus lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi và họng của người nhiễm bệnh.
Cytomegalovirus (CMV)
Nhóm virus này bao gồm virus herpes simplex, virus varicella-zoster (gây bệnh thủy đậu và zona) và virus Epstein-Barr (gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 50% người trưởng thành trên 40 tuổi bị nhiễm CMV. Có đến 90% người lớn từng nhiễm virus Epstein-Barr.
CMV thường tồn tại tiềm ẩn trong cơ thể và không gây hại nhưng khi tái hoạt động sẽ có thể gây nhiễm trùng, trong đó có viêm cơ tim. Virus lây lan qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người nhiễm bệnh hoặc từ mẹ sang thai nhi trong thai kỳ.
Coxsackievirus nhóm B
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cơ tim, chiếm khoảng 50% số ca bệnh. Virus có thể gây triệu chứng giống cúm hoặc trực tiếp tấn công tim, gây nhiễm trùng kéo dài từ 2 đến 10 ngày. Các triệu chứng cho thấy tim bị ảnh hưởng có thể xuất hiện trong vòng hai tuần sau nhiễm virus.
Các biểu hiện có thể nhận thấy là sốt, mệt mỏi, đau ngực. Virus này hiếm khi gây tử vong nhưng có thể dẫn đến tổn thương tim vĩnh viễn, đặc biệt nếu bệnh tái phát. Virus lây qua phân, vì vậy cách phòng ngừa tốt nhất là rửa tay thường xuyên và duy trì vệ sinh cá nhân.
Virus ECHO (Enteric cytopathic human orphan viruses)
Nhóm virus này thường gây nhiễm trùng đường tiêu hóa và phát ban da, nhưng cũng có thể gây viêm cơ tim. Virus lây qua tiếp xúc với phân nhiễm bệnh hoặc qua hít phải hạt virus trong không khí.
Parvovirus B19
Parvovirus B19 gây bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn (bệnh sốt phát ban thứ năm), một bệnh có triệu chứng phát ban nhẹ, phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Virus này cũng góp phần dẫn đến viêm cơ tim cấp ở một số trường hợp. Virus lây lan qua nước bọt hoặc dịch nhầy mũi. Do đó, rửa tay thường xuyên và che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi sẽ giúp hạn chế lây lan.
Rubella
Virus gây bệnh sởi Đức (rubella) cũng có thể gây viêm cơ tim. Ngoài ra, virus này còn có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến sảy thai, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh. Dù hiếm khi gây viêm cơ tim nhưng rubella vẫn có khả năng ảnh hưởng đến tim. Hiện đã có vắc-xin phòng bệnh rubella.
Triệu chứng
Do nhiều trường hợp nhiễm virus gây viêm cơ tim không có triệu chứng rõ ràng nên bệnh có thể không được phát hiện. Nếu có, các triệu chứng có thể gặp phải là:
- Rối loạn nhịp tim
- Đau ngực
- Mệt mỏi
- Sốt
- Đau cơ
- Đau họng
- Đau hoặc sưng khớp, chân
- Ngất xỉu hoặc khó thở
Các xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG), chụp X-quang và chụp xạ hình tim có thể giúp phát hiện tình trạng căng thẳng của tim và hỗ trợ chẩn đoán.
Điều trị
Viêm cơ tim do virus có thể được điều trị bằng các loại thuốc như:
- Thuốc kháng virus để điều trị nhiễm trùng
- Thuốc chống viêm để giảm sưng viêm ở tim
- Thuốc lợi tiểu để loại bỏ lượng nước dư thừa và giảm phù nề
Bác sĩ cũng có thể khuyến nghị thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm muối trong chế độ ăn và hạn chế hoạt động thể chất. Nếu cơ tim bị tổn thương hoặc suy yếu, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc để ổn định nhịp tim hoặc giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Phác đồ điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng và ảnh hưởng của bệnh đến tim.
Kết luận
Bệnh viêm cơ tim xảy ra khi virus tấn công cơ tim, gây viêm và làm rối loạn các đường dẫn truyền điện tim. Phần lớn bệnh nhân chỉ có triệu chứng giống cúm. Nếu được chẩn đoán viêm cơ tim do virus, người bệnh nên phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để lên kế hoạch điều trị, dùng thuốc theo đúng chỉ định và theo dõi triệu chứng để kiểm soát bệnh tốt hơn.

Bệnh tim Ebstein là một dạng dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp. Ở những trẻ bị bệnh tim Ebstein, van ba lá (van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải) hình thành không đúng vị trí và các lá van bị dị dạng. Kết quả là van ba lá không thể hoạt động bình thường và máu chảy ngược qua van, làm cho tim hoạt động kém hiệu quả. Bệnh tim Ebstein có thể dẫn đến chứng cơ tim phì đại và suy tim.

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (IC) là tình trạng cơ tim bị suy yếu do cơn đau tim hoặc bệnh động mạch vành. Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp như thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Bệnh van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng đến chức năng hoạt động. Nguyên nhân có thể là do máu bị rò rỉ (hở van tim), lỗ mở van tim bị hẹp (hẹp van tim), hoặc kết hợp cả hai.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh động mạch ngoại biên là đau khi đi lại. Khi tiến triển sang các giai đoạn sau, bệnh động mạch ngoại biên sẽ gây đau cả khi không hoạt động và các triệu chứng khác.