1

Cao Huyết Áp

Cao huyết áp là gì?

Cao huyết áp hay tăng huyết áp là tình trạng xảy ra khi áp lực máu (huyết áp) tác động lên động mạch tăng cao hơn mức bình thường. Huyết áp được xác định bằng cách đo lượng máu đi qua các mạch máu và mức độ kháng cự mà máu gặp phải khi lưu thông trong mạch.

Động mạch hẹp làm tăng mức kháng cự. Động mạch càng hẹp thì áp lực máu sẽ càng tăng cao. Về lâu dài, áp lực gia tăng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, ví dụ như bệnh tim mạch.

Cao huyết áp là vấn đề khá phổ biến và thường tiến triển âm thầm trong thời gian vài năm. Ban đầu, bệnh sẽ không bộc lộ bất kỳ triệu chứng nào ra ngoài. Nhưng ngay cả khi không có triệu chứng thì huyết áp cao vẫn có thể gây tổn thương cho các mạch máu và cơ quan, đặc biệt là não, tim, mắt và thận.

Do đó, phát hiện sớm là điều rất quan trọng. Đo huyết áp thường xuyên là cách đơn giản và hữu hiệu để phát hiện sớm những thay đổi bất thường. Nếu huyết áp tăng cao, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra liên tục trong một vài tuần để theo dõi xem chỉ số vẫn giữ ở mức cao hay giảm trở lại mức bình thường.

Vấn đề cao huyết áp có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp, gồm có uống thuốc theo đơn và thay đổi lối sống lành mạnh. Nếu không điều trị thì cao huyết áp sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Các triệu chứng của huyết áp cao

Cao huyết áp được coi là một căn bệnh thầm lặng. Ban đầu, nhiều người thường không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào mà có thể phải sau nhiều năm hoặc thậm chí vài chục năm, tình trạng bệnh mới trở nên nghiêm trọng đến mức bộc lộ các triệu chứng rõ rệt ra bên ngoài. Thậm chí, ngay cả khi đã có các triệu chứng thì nhiều người vẫn lầm tưởng đó là do một vấn đề khác về sức khỏe.

Các triệu chứng của bệnh cao huyết áp nghiêm trọng gồm có:

  • Đau đầu
  • Khó thở
  • Chảy máu cam
  • Mặt đỏ bừng
  • Chóng mặt
  • Đau ngực
  • Thay đổi thị lực
  • Tiểu ra máu

Khi có những triệu chứng này thì cần có biện pháp can thiệp ngay lập tức. Không phải ai bị tăng huyết áp cũng gặp phải những triệu chứng này nhưng nếu để đến khi xuất hiện các triệu chứng rồi mới điều trị thì sẽ là quá muộn và có thể gây tử vong.

Cách tốt nhất để biết mình có bị cao huyết áp hay không là đo huyết áp thường xuyên. Thông thường, đo chỉ số huyết áp là một phần của quy trình khám sức khỏe định kỳ.

Ngoài ra cũng nên chú ý đến những nguy cơ cao huyết áp. Ví dụ, nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch hoặc có các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh thì nên đo huyết áp hai lần một năm để có thể ngăn chặn kịp thời mọi vấn đề trước khi xảy ra.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Có hai dạng tăng huyết áp và do hai nguyên nhân khác nhau gây nên.

Tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp nguyên phát (primary hypertension) hay còn được gọi là tăng huyết áp vô căn (essential hypertension) là dạng tăng huyết áp tiến triển theo thời gian mà không xác định được nguyên nhân. Hầu hết mọi người đều bị dạng tăng huyết áp này.

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ những cơ chế nào khiến huyết áp tăng dần nhưng có thể là do sự kết hợp của các yếu tố khác nhau như:

  • Gen: Một số người có khuynh hướng di truyền bị tăng huyết áp. Điều này có thể là do đột biến gen hoặc rối loạn gen được di truyền từ bố mẹ.
  • Thay đổi về thể chất: Nếu một phần nào đó của cơ thể có sự thay đổi thì có thể dẫn đến vấn đề trên toàn cơ thể mà một trong số đó là cao huyết áp. Ví dụ, những thay đổi trong chức năng thận do lão hóa có thể làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của muối và chất lỏng. Sự thay đổi này có thể khiến huyết áp tăng cao.
  • Môi trường: Theo thời gian, các thói quen xấu như ít vận động hay chế độ ăn uống không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến cơ thể, dẫn đến vấn đề về cân nặng như thừa cân, béo phì và có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp.

Tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát thường xảy ra trong thời gian ngắn nhưng có thể trở nên nghiêm trọng hơn tăng huyết áp nguyên phát. Một số vấn đề có thể gây tăng huyết áp thứ phát gồm có:

  • Bệnh thận
  • Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Vấn đề với tuyến giáp
  • Các tác dụng phụ của thuốc
  • Sử dụng ma túy
  • Lạm dụng rượu bia
  • Vấn đề về tuyến thượng thận
  • U thần kinh nội tiết

Chẩn đoán cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp được chẩn đoán rất đơn giản bằng cách đo huyết áp. Đây thường là một phần của quy trình khám sức khỏe định kỳ. Nếu nhận thấy huyết áp tăng cao, bác sĩ sẽ yêu cầu đo thêm trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau đó để xác định chính xác chứ rất hiếm khi chẩn đoán cao huyết áp được đưa ra chỉ sau một lần đo. Lý do là bởi huyết áp có thể tăng cao tạm thời do một số yếu tố tác động, chẳng hạn như tâm lý căng thẳng khi phải đến bệnh viện. Ngoài ra, mức huyết áp cũng có sự thay đổi trong suốt cả ngày.

Nếu sau nhiều lần đo mà thấy huyết áp vẫn cao thì bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để loại trừ các vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn. Những xét nghiệm này có thể là:

Những xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định được các vấn đề thứ phát gây tăng huyết áp. Ngoài ra, từ đó bác sĩ cũng có thể biết được những ảnh hưởng của huyết áp cao lên các bộ phận trong cơ thể.

Trong thời gian này, bệnh nhân có thể được bắt đầu điều trị cao huyết áp. Việc điều trị sớm sẽ làm giảm nguy cơ gặp phải những tổn hại về lâu dài.

Cách đọc chỉ số huyết áp

Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu: Đây là chỉ số đầu tiên hoặc số nằm ở trên, biểu thị áp lực trong động mạch khi tim co bóp và bơm máu.
  • Huyết áp tâm trương: Đây là số thứ hai hoặc số nằm dưới, biểu thị áp lực trong động mạch giữa các lần tim co bóp hay nói cách khác là khi tim giãn ra.

Chỉ số huyết áp ở người lớn được phân thành 5 mức:

  • Khỏe mạnh: là khi chỉ số huyết áp dưới 120/80mmHg.
  • Nguy cơ cao huyết áp: Chỉ số huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 120 đến 129mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương dưới 80mmHg. Ở mức này thì bệnh nhân thường chưa cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần thay đổi lối sống để giảm các chỉ số.
  • Tăng huyết áp giai đoạn 1: Chỉ số huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 130 đến 139mmHg, và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương nằm trong khoảng từ 80 đến 89mmHg.
  • Tăng huyết áp giai đoạn 2: Chỉ số huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên.
  • Cơn tăng huyết áp (Hypertensive crisis): Chỉ số huyết áp tâm thu trên 180mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương trên 120mmHg. Huyết áp trong phạm vi này đòi hỏi phải có biến pháp can thiệp khẩn cấp. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào như đau tức ngực, nhức đầu, khó thở hoặc thay đổi thị lực xảy ra khi huyết áp tăng cao đến mức này thì bệnh nhân sẽ cần được cấp cứu.

Quá trình đo huyết áp được thực hiện với vòng bít. Để cho kết quả chính xác thì vòng bít phải vừa với tay.

Chỉ số huyết áp ở trẻ em và người lớn là khác nhau. Vì thế, nếu muốn đo huyết áp cho trẻ thì cần hỏi bác sĩ về các phạm vi chỉ số cụ thể.

Điều trị cao huyết áp

Việc xác định biện pháp điều trị còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có dạng tăng huyết áp và nguyên nhân.

Điều trị tăng huyết áp nguyên phát

Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn bị tăng huyết áp nguyên phát thì có thể chỉ cần thay đổi lối sống là có thể hạ huyết áp. Nếu cách này không có hiệu quả hoặc hết hiệu quả sau một thời gian thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc.

Điều trị tăng huyết áp thứ phát

Nếu bác sĩ phát hiện ra có một vấn đề về sức khỏe gây tăng huyết áp thì việc điều trị sẽ phải tập trung vào vấn đề này. Ví dụ, nếu một loại thuốc mà bạn đang dùng khiến huyết áp tăng cao thì bác sĩ sẽ cho bạn thử các loại thuốc khác không có tác dụng phụ này.

Đôi khi, mặc dù đã xử lý được nguyên nhân gốc rễ nhưng huyết áp vẫn cao. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ đưa ra phương án thay đổi lối sống kết hợp kê đơn thuốc để hạ huyết áp.

Kế hoạch điều trị tăng huyết áp thường thay đổi theo thời gian vì hiệu quả của các biện pháp điều trị có thể sẽ không được cao như lúc ban đầu và cần được điều chỉnh.

Thuốc điều trị cao huyết áp

Đa số mọi người thường phải thử nhiều loại thuốc khác nhau mới tìm ra được một hoặc các loại thuốc phù hợp với mình.

Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị tăng huyết áp gồm có:

  • Thuốc chẹn beta (beta-blocker): Thuốc chẹn beta có tác dụng làm cho tim đập chậm hơn với lực yếu hơn, từ đó làm giảm lượng máu được bơm qua các động mạch và hạ huyết áp. Loại thuốc này còn có tác dụng ngăn cản một số hormone làm tăng huyết áp trong cơ thể.
  • Thuốc lợi tiểu: Nồng độ natri cao và thừa chất lỏng trong cơ thể cũng là nguyên nhân làm tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu, hay còn được gọi là thuốc lợi niệu giúp thận thải bớt natri thừa ra khỏi cơ thể. Khi nồng độ natri giảm, chất lỏng thừa trong máu di chuyển vào nước tiểu và làm giảm huyết áp.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitor): Angiotensin là một chất làm cho các mạch máu và thành động mạch thắt chặt và thu hẹp lại. Các chất ức chế men chuyển ngăn cơ thể tạo ra nhiều chất này, từ đó giúp các mạch máu giãn ra và hạ huyết áp.
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): Trong khi các thuốc ức chế men chuyển có tác dụng ngăn chặn việc sản sinh ra angiotensin thì thuốc ức chế thụ thể angiotensin IIl lại ngăn chặn angiotensin liên kết với các thụ thể. Không có angiotensin, các mạch máu sẽ không thể thắt chặt lại được. Điều này giúp làm giãn mạch máu và hạ huyết áp.
  • Thuốc chẹn kênh canxi (Calcium channel blocker): Thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng ngăn chặn các ion canxi xâm nhập vào cơ tim. Điều này làm giảm lực của nhịp tim và huyết áp. Những loại thuốc này còn có tác động lên các mạch máu, khiến mạch máu giãn ra và hạ huyết áp xuống thấp hơn nữa.
  • Chất chủ vận Alpha-2 (Alpha-2 agonists): Loại thuốc này làm thay đổi các xung thần kinh khiến các mạch máu thắt chặt, từ đó giúp các mạch máu giãn ra và hạ huyết áp.

Điều trị cao huyết áp tại nhà

Thay đổi lối sống lành mạnh là cách giúp bạn kiểm soát các yếu tố gây tăng huyết áp. Dưới đây là một số biện pháp điều trị tại nhà phổ biến nhất:

Chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho tim mạch là điều rất quan trọng để hạ huyết áp cao và duy trì huyết áp ở mức ổn định, đồng thời giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng như bệnh tim, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Một chế độ ăn có lợi cho tim cần có các loại thực phẩm như:

  • Trái cây
  • Rau củ
  • Các loại ngũ cốc
  • Các nguồn protein nạc như cá

Tăng cường hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất sẽ giúp đạt được mức cân nặng khỏe mạnh, giảm căng thẳng, hạ huyết áp một cách tự nhiên và tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch.

Bạn nên tập thể dục vừa phải khoảng 150 phút mỗi tuần, có nghĩa là 5 lần mỗi tuần và mỗi lần chỉ khoảng 30 phút.

Đạt mức cân nặng khỏe mạnh

Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì thì nên giảm cân bằng cách ăn uống lành mạnh và tăng cường cận động để giảm huyết áp.

Hạn chế căng thẳng

Tập thể dục cũng là một cách hiệu quả để hạn chế căng thẳng. Ngoài ra còn có các cách khác nữa như:

  • Ngồi thiền
  • Hít thở sâu
  • Mát-xa
  • Giãn cơ
  • Tập yoga hoặc thái cực quyền

Ngủ đủ giấc

Đây đều là những cách giảm căng thẳng đã được khoa học chứng minh.

Hạn chế rượu bia, thuốc lá

Nếu bạn hút thuốc thì nên cố gắng cai vì các chất trong khói thuốc sẽ gây tổn hại đến các mô của cơ thể và làm cứng thành mạch máu.

Nếu bạn thường xuyên tiêu thụ nhiều rượu thì cũng nên hạn chế hoặc tốt nhất là bỏ hoàn toàn bởi rượu cũng làm tăng huyết áp.

Chế độ ăn uống cho người huyết áp cao

Một trong những cách dễ nhất để điều trị tăng huyết áp và ngăn ngừa các biến chứng là thông qua chế độ ăn uống. Những gì chúng ta ăn hàng ngày có vai trò rất lớn trong việc giảm nhẹ hoặc thậm chí điều trị tình trạng tăng huyết áp.

Dưới đây là một số lời khuyến về chế độ ăn uống dành cho người bị cao huyết áp.

Ăn ít thịt, nhiều rau quả

Một chế độ ăn với các loại thực phẩm chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật là cách đơn giản nhất để bổ sung chất xơ, giảm lượng natri, chất béo bão hòa (saturated fat) và chất béo chuyển hóa (trans fat) từ các loại thực phẩm có nguồn gốc sữa và thịt. Nên tăng lượng trái cây, rau xanh, củ và ngũ cốc nguyên hạt trong bữa ăn hàng ngày. Thay vì thịt đỏ, nên chọn các loại thịt trắng hay nguồn protein nạc như cá, thịt gia cầm hoặc đậu phụ.

Giảm natri

Những người bị tăng huyết áp và những người có nguy cơ mắc bệnh tim nên hạn chế lượng natri trong khẩu phần ăn hàng ngày trong mức từ 1.500mg đến 2.300mg. Cách tốt nhất để giảm natri là nấu thực phẩm tươi, tránh ăn hàng hoặc các loại thực phẩm đóng gói sẵn vì chúng thường có hàm lượng natri rất cao.

Cắt giảm đồ ngọt

Thực phẩm và đồ uống có đường chứa lượng calo trống (empty calories) nhưng không hề có chất dinh dưỡng. Nếu bạn muốn ăn đồ ngọt thì nên chọn trái cây tươi hoặc chocolate đen ít đường. Các nghiên cứu đã chứng minh thường xuyên ăn chocolate đen có thể làm giảm huyết áp.

Huyết áp cao khi mang thai

Phụ nữ bị huyết áp cao vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nhưng vấn đề này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé nếu như không được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trong suốt thai kỳ.

Phụ nữ bị tăng huyết áp có nguy cơ gặp phải các biến chứng cao hơn, ví dụ như suy giảm chức năng thận và những em bé được sinh ra từ bà mẹ bị tăng huyết áp thường bị nhẹ cân khi sinh hoặc sinh non.

Một số phụ nữ có thể bị tăng huyết áp trong thời gian mang thai dù trước đây không bị. Tình trạng này thường tự trở về như bình thường sau khi em bé được sinh ra. Nhưng việc bị cao huyết áp trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao trong tương lai.

Trong một số trường hợp, thai phụ bị tăng huyết áp có thể bị tiền sản giật trong thai kỳ. Tình trạng tăng huyết áp này có thể gây ra các biến chứng về thận và các cơ quan khác. Điều này có thể làm nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao và gây ra các vấn đề về chức năng gan, dịch trong phổi hoặc các vấn đề về thị lực.

Khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn thì cả mẹ và thai nhi đều sẽ gặp nguy hiểm. Tiền sản giật có thể dẫn đến sản giật. Các vấn đề về huyết áp cao trong thai kỳ là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho sản phụ và còn gây ra các vấn đề cho em bé như nhẹ cân, sinh non hay thai chết lưu.

Cho đến nay vẫn chưa có cách nào để ngăn ngừa tiền sản giật và tình trạng này chỉ chấm dứt sau sinh con ra. Nếu bạn bị cao huyết áp trong thai kỳ thì bác sĩ sẽ cần theo dõi chặt chẽ để đề phòng các biến chứng.

Ảnh hưởng của huyết áp cao đối với cơ thể

Vì tăng huyết áp thường là một vấn đề tiến triển thầm lặng nên nó có thể gây tổn hại đến cơ thể trong suốt nhiều năm trước khi các triệu chứng bộc lộ rõ rệt. Nếu tình trạng tăng huyết áp không được điều trị thì bạn có thể phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Tăng huyết áp có thể gây ra những biến chứng như:

Tổn hại động mạch

Khi ở trạng thái bình thường, động mạnh rất linh hoạt và chắc khỏe. Máu có thể lưu thông tự do mà không bị cản trở.

Huyết áp cao làm cho các động mạch cứng lại, chặt hơn và đàn hồi kém đi. Điều này khiến chất béo trong chế độ ăn dễ dàng tích tụ lại trong động mạch và hạn chế sự lưu thông máu rồi lại dẫn đến tăng huyết áp, tắc nghẽn, cuối cùng là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Tổn hại đến tim

Cao huyết áp khiến tim phải làm việc quá sức. Áp suất tăng trong các mạch máu buộc các cơ tim phải bơm thường xuyên hơn và với lực mạnh hơn so với một trái tim khỏe mạnh.

Điều này khiến tim to ra và làm tăng nguy cơ:

  • Suy tim
  • Rối loạn nhịp tim
  • Đột tử
  • Nhồi máu cơ tim
  • Não bị tổn thương

Bộ não phụ thuộc nguồn cung cấp oxy từ máu để có thể hoạt động bình thường. Huyết áp cao có thể làm giảm lượng máu cung cấp đến não và gây ra những vấn đề như:

Hiện tượng sự lưu thông máu đến não bị tắc nghẽn tạm thời được gọi là các cơn thiếu máu não thoáng qua (TIAs) .

Nếu sự lưu thông máu bị tắc nghẽn nặng và khiến các tế bào não chết thì sẽ gây đột quỵ.

Huyết áp cao không được kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng học hỏi, nói năng và suy nghĩ. Một khi đã xảy ra thì các phương pháp điều trị huyết áp cao cũng không thể khắc phục được những vấn đề này nhưng vẫn có thể làm giảm rủi ro xảy ra các vấn đề trong tương lai.

Các cách phòng ngừa cao huyết áp

Nếu bạn thuộc nhóm dễ bị cao huyết thì nên thực hiện theo theo các bước dưới đây ngay từ bây giờ để giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng đi kèm.

  • Thêm thực phẩm lành mạnh vào chế độ ăn: Từ từ thêm các loại thực phẩm, đặc biệt là rau củ tốt cho tim vào bữa ăn.
  • Hạn chế ăn thịt: thay đổi suy nghĩ, thay vì coi thịt, cơm là thức ăn chính vàrau là món phụ thì giờ ăn nhiều rau hơn và giảm thịt, cơm đi.
  • Giảm đường: Cố gắng ăn ít thực phẩm có đường.
  • Đặt mục tiêu giảm cân: Không nên có suy nghĩ giảm càng nhiều cân càng tốt mà bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về mức cân nặng khỏe mạnh đối với bản thân mình. Ngoài ra, cũng không nên giảm cân cấp tốc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC ) khuyến nghị chỉ nên giảm 0.5 – 1kg mỗi tuần. Để làm được điều đó thì mỗi ngày bạn sẽ cần tiêu thụ ít đi 500 calo so với bình thường và kết hợp việc tập luyện. Nếu cảm thấy việc tập thể dục 5 lần một tuần là quá khó thì ban đầu có thể thể tập ít rồi tăng dần.
  • Theo dõi huyết áp thường xuyên: Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng là phát hiện cao huyết áp từ sớm. Bạn có thể đến các phòng khám, bệnh viện để đo huyết áp hoặc tự mua máy và đo tại nhà. Ghi chép lại các chỉ số huyết áp và mang theo khi đi khám định kỳ để bác sĩ có thể đánh giá và phát hiện bất kỳ vấn đề nào bất thường trước khi tình trạng tiến triển nặng thêm.

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 9 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Cao Huyết Áp

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây