Những điều cần biết về bệnh tim bẩm sinh ở người lớn

Nhiều người sinh ra có dị tật tim nhưng không cần điều trị cho đến khi trưởng thành. Khi tim phát triển, có thể cần thực hiện phẫu thuật, dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác.
Hình ảnh 25 Những điều cần biết về bệnh tim bẩm sinh ở người lớn

Mọi người thường nghĩ rằng bệnh tim bẩm sinh chỉ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, những đứa trẻ này khi lớn lên và trưởng thành vẫn sẽ phải tiếp tục sống với tình trạng bệnh đó.

Hiện chưa có phương pháp nào để chữa khỏi hoàn toàn bệnh tim bẩm sinh nhưng có những phương pháp điều trị được nghiên cứu kỹ lưỡng giúp cải thiện chức năng tim cũng như phẫu thuật để sửa chữa các bất thường về giải phẫu.

Dưới đây là thông tin về các loại bệnh tim bẩm sinh và cách quản lý bệnh khi trưởng thành.

Các loại bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh xảy ra khi cấu trúc hoặc chức năng của tim không phát triển bình thường ngay từ khi còn trong bào thai.

Trong nhiều trường hợp, một phần của tim không phát triển đúng cách trong quá trình hình thành. Một số dị tật tim nhẹ có thể tự lành nhưng những dị tật phức tạp hơn sẽ cần phải phẫu thuật để điều trị.

Các loại bệnh tim bẩm sinh bao gồm:

  • Thông liên nhĩ (Atrial septal defect)
  • Thông sàn nhĩ thất (Atrioventricular septal defect)
  • Hẹp eo động mạch chủ (Coarctation of the aorta)
  • Chuyển vị đại động mạch (Dextro-transposition of the great arteries)
  • Hội chứng thiểu sản tim trái (Hypoplastic left heart syndrome)
  • Teo van động mạch phổi (Pulmonary atresia)
  • Tứ chứng Fallot (Tetralogy of Fallot)
  • Bất thường tĩnh mạch phổi trở về hoàn toàn (Total anomalous pulmonary venous return)
  • Teo van ba lá (Tricuspid atresia)
  • Thân chung động mạch (Truncus arteriosus)
  • Thông liên thất (Ventricular septal defect)

Dấu hiệu và triệu chứng

Triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh ở người trưởng thành có thể khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau tức ngực
  • Vấn đề về lưu thông máu, chẳng hạn như da có màu xanh tím
  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Khó vận động
  • Tiếng thổi tim
  • Đánh trống ngực, nhịp tim bất thường
  • Khó thở
  • Sưng phù ở tay, chân, chướng bụng hoặc nổi tĩnh mạch cổ

Nếu chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng thấy xuất hiện các triệu chứng mới, đặc biệt là đau ngực và khó thở, bạn cần được kiểm tra y tế ngay lập tức.

Nếu bạn đã được chẩn đoán có dị tật tim bẩm sinh, hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi có triệu chứng mới hoặc nếu triệu chứng cũ trở nên nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra hầu hết các dị tật tim bẩm sinh vẫn chưa được xác định.

Một số bệnh tim bẩm sinh có liên quan đến yếu tố di truyền, nghĩa là bạn có thể bị bệnh do thừa hưởng gen đột biến từ cha hoặc mẹ.

Ngoài ra, dị tật tim bẩm sinh có thể liên quan đến các yếu tố môi trường hoặc tình trạng sức khỏe của người mang thai trong thai kỳ. Trong nhiều trường hợp, bệnh xảy ra ngẫu nhiên mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tim bẩm sinh, bao gồm:

  • Dùng một số loại thuốc trong thai kỳ, chẳng hạn như retinoic acid (điều trị mụn trứng cá), thuốc ức chế men chuyển (điều trị tăng huyết áp) và một số loại khác
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim bẩm sinh
  • Các bệnh lý ở người mang thai, chẳng hạn như nhiễm virus rubella khi mang thai
  • Hút thuốc trong thai kỳ
  • Sử dụng rượu bia khi mang thai
  • Hội chứng di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down và hội chứng Turner

Phòng ngừa

Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn bệnh tim bẩm sinh nhưng bạn vẫn có thể giảm nguy cơ xảy ra biến chứng về sau bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh.

Một số biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch:

  • Tập thể dục thường xuyên dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Áp dụng chế độ ăn tốt cho tim mạch, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc chế độ ăn DASH (hỗ trợ kiểm soát huyết áp).
  • Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng tim mạch và sức khỏe tổng thể.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh để thừa cân hoặc béo phì.
  • Kiểm soát huyết áp, cholesterol và đường huyết trong giới hạn an toàn.
  • Ngừng hút thuốc nếu bạn đang hút.

Quản lý và điều trị

Việc quản lý bệnh tim bẩm sinh ở người trưởng thành cần có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, bạn có thể cần sử dụng thuốc hoặc trải qua nhiều thủ thuật can thiệp.

Một trong những biến chứng phổ biến của bệnh tim bẩm sinh là rối loạn nhịp tim. Để kiểm soát tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim hoặc sử dụng các thiết bị cấy dưới da, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim.

Theo hướng dẫn điều trị năm 2018 của Trường Môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người mắc bệnh bẩm sinh sẽ có tiên lượng tốt nhất khi được điều trị bởi đội ngũ chuyên gia đa chuyên khoa, bao gồm:

Chuyên gia về bệnh tim bẩm sinh: Gồm bác sĩ tim mạch, bác sĩ phẫu thuật tim mạch và các chuyên gia khác.

  • Bác sĩ điện sinh lý tim: Chuyên điều trị rối loạn nhịp tim.
  • Bác sĩ tim mạch can thiệp: Chuyên thực hiện đặt stent và các thủ thuật tim mạch khác.
  • Bác sĩ chuyên khoa hô hấp: Hỗ trợ điều trị các vấn đề về phổi và hô hấp liên quan đến tim mạch.

Tiên lượng và tuổi thọ

Tiên lượng của người mắc bệnh tim bẩm sinh phụ thuộc vào loại dị tật, mức độ nghiêm trọng và thời điểm cũng như phương pháp điều trị.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), 93% trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh sống sót được qua năm đầu tiên sẽ có thể sống đến ít nhất 35 tuổi. Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy 75% những người sống đến 18 tuổi với bệnh tim bẩm sinh có thể đạt độ tuổi 60 trở lên.

Nếu được điều trị bằng phương pháp phù hợp, người mắc bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể sống khỏe mạnh. Dù có thể cần phẫu thuật và điều trị suốt đời nhưng những tiến bộ trong y học đã giúp người bệnh kéo dài được tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Kết luận

Sống chung với bệnh tim bẩm sinh khi trưởng thành có thể khiến bạn gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ xảy ra biến chứng và kéo dài tuổi thọ bằng cách chủ động chăm sóc sức khỏe và duy trì lối sống tốt cho tim mạch.

Nếu bạn cảm thấy kế hoạch điều trị hiện tại chưa hiệu quả, hãy tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tim mạch khác cho đến khi thực sự an tâm về hướng điều trị cho tình trạng của mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp tim
Những điều cần biết về bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp tim

Bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp tim (Arrhythmogenic Right Ventricular Cardiomyopathy - ARVC) là một bệnh tim mạch di truyền nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, gây tổn thương mô cơ xung quanh tâm thất phải.

Những điều cần biết về bệnh cơ tim phì đại thể mỏm (Apical Hypertrophic Cardiomyopathy)
Những điều cần biết về bệnh cơ tim phì đại thể mỏm (Apical Hypertrophic Cardiomyopathy)

Bệnh cơ tim phì đại thể mỏm là một bệnh tim hiếm gặp, đặc trưng bởi sự dày lên của cơ tim gần đáy tâm thất trái.

Những điều cần biết về bệnh cơ tim do transthyretin amyloid (ATTR-CM)
Những điều cần biết về bệnh cơ tim do transthyretin amyloid (ATTR-CM)

Bệnh cơ tim do transthyretin amyloid (ATTR-CM) có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, sưng phù ở chân và mệt mỏi. Bệnh được điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc thực hiện ghép gan và tim.

Tất cả những điều cần biết về bệnh cơ tim di truyền
Tất cả những điều cần biết về bệnh cơ tim di truyền

Bệnh cơ tim là một tình trạng ảnh hưởng đến cơ tim, khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể. Một số loại bệnh cơ tim có thể di truyền trong gia đình.

Những điều cần biết về các loại bệnh van tim
Những điều cần biết về các loại bệnh van tim

Bệnh van tim xảy ra khi ít nhất một trong bốn van tim không thực hiện được chức năng như bình thường. Điều này có thể là do van tim bị rò rỉ làm máu bị trào ngược, van bị hẹp quá mức hoặc van không có lỗ mở.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây