1

Các nguyên nhân gây ngứa chân ở người bệnh tiểu đường

Ngứa chân ở những người mắc bệnh tiểu đường có thể là do lưu thông máu kém hoặc do tổn thương dây thần kinh ở cẳng chân và bàn chân. Cả hai tình trạng này đều là do lượng đường trong máu cao gây ra.
Các nguyên nhân gây ngứa chân ở người bệnh tiểu đường Các nguyên nhân gây ngứa chân ở người bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến lượng đường (glucose) trong máu ở mức cao. Đường trong máu cao sẽ gây ra một số triệu chứng như:

  • Thường xuyên cảm thấy khát
  • Đói cồn cào
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Mờ mắt
  • Mệt mỏi

Ngoài ra, đường trong máu cao còn có thể gây ngứa ngáy, bao gồm cả ở bàn chân. Tình trạng ngứa dai dẳng ở người bị tiểu đường thường là kết quả của lưu thông máu kém hoặc bệnh thần kinh đái tháo đường.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 109 người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 cho thấy 36% gặp phải tình trạng ngứa ngáy dai dẳng. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo nghiên cứu, ngứa chủ yếu xảy ra ở những trường hợp kiểm soát bệnh tiểu đường không hiệu quả. (1)

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ngứa chân phổ biến ở người mắc bệnh tiểu đường và các cách khắc phục.

Nguyên nhân gây ngứa chân ở người bị tiểu đường

Mục đích của các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường là kiểm soát và duy trì lượng đường trong máu trong phạm vi an toàn.

Đường trong máu có thể tăng cao do nhiều nguyên nhân như quên uống thuốc, ăn quá nhiều carbohydrate, bị căng thẳng kéo dài, không hoạt động thể chấ, bị nhiễm trùng hoặc các bệnh khác.

Đường huyết cao đôi khi là nguyên nhân gốc rễ khiến chân bị ngứa. Lý do là vì lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương dây thần kinh và giảm lưu thông máu đến bàn chân.

Bệnh thần kinh ngoại biên

Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài có thể làm hỏng các dây thần kinh ở cẳng chân và bàn chân. Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Các triệu chứng gồm có:

  • Tê bì, mất cảm giác
  • Cảm giác châm chích hoặc nóng
  • Ngứa

Bệnh thần kinh cũng khiến hệ miễn dịch giải phóng cytokine - những protein giúp điều hòa phản ứng viêm. Cytokine có thể kích thích dây thần kinh và gây ngứa.

Bệnh động mạch ngoại biên

Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao còn ảnh hưởng đến sự lưu thông máu ở bàn chân và cẳng chân. Điều này có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên - một loại rối loạn tuần hoàn máu.

Ngứa do lưu thông máu kém thường đi kèm tình trạng khô da do lượng dầu tự nhiên của da bị suy giảm. Điều này khiến da chân trở nên thô ráp, nứt nẻ và bong tróc.

Các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên gồm có:

  • Đau chân khi đi lại và thuyên giảm khi nghỉ ngơi
  • Yếu cơ ở cẳng chân hoặc bàn chân
  • Tê hoặc châm chích ở cẳng chân hoặc bàn chân
  • Rụng lông
  • Da có cảm giác mát khi chạm
  • Vết cắt hoặc vết loét trên chân chậm lành
  • Lạnh hoặc tê ngón chân

Các nhân nhân khác gây ngứa chân

Bệnh thần kinh ngoại biên và bệnh động mạch ngoại biên không phải là nguyên nhân duy nhất gây ngứa chân. Ngứa chân ở những người mắc bệnh tiểu đường còn có thể là do các vấn đề về da dưới đây.

Nhiễm khuẩn

Lượng đường trong máu cao làm suy yếu hệ miễn dịch. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng da do vi khuẩn.

Vết cắt, vết phồng rộp hoặc vết xước trên da sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng da gây ngứa như chốc lở hay viêm nang lông.

Các vấn đề này có thể cần điều trị bằng kháng sinh bôi ngoài da hoặc kháng sinh đường uống để tiêu diệt vi khuẩn.

Nhiễm nấm

Ngứa chân có thể là biểu hiện của nấm bàn chân. Nguyên nhân là do nhiễm nấm Candida - một loại nấm giống như nấm men có thể phát triển mạnh ở các nếp gấp da ấm và ẩm, chẳng hạn như kẽ ngón chân. Hệ miễn dịch yếu cũng làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida. Nấm bàn chân thường gây ngứa ở các kẽ ngón chân và được điều trị bằng thuốc kháng nấm bôi ngoài da để tiêu diệt nấm và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Viêm da teo do đái tháo đường

Tình trạng này xảy ra ở khoảng 0,3 đến 1,2% người mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do những thay đổi ở các mạch máu nhỏ dưới da, dẫn đến sự phân hủy collagen.

Viêm da teo do đái tháo đường có thể xảy ra trước, cùng lúc hoặc sau khi các triệu chứng tiểu đường bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chính thức kết luận mối liên hệ giữa viêm da teo và việc kiểm soát đường huyết.

Các triệu chứng của viêm da teo do đái tháo đường gồm có dày thành mạch máu và nổi sẩn gây đau và ngứa.

Viêm da teo do đái tháo đường có thể xảy ra ở một hoặc cả hai cẳng chân cũng như các khu vực khác của chân. Tình trạng này không cần phải điều trị trừ khi có triệu chứng. Bôi steroid tại chỗ hoặc tiêm steroid có thể ngăn chặn phản ứng viêm và loại bỏ các sẩn gây khó chịu trên da.

Bóng nước do đái tháo đường

Những người bị bệnh thần kinh đái tháo đường có nguy cơ bị bóng nước hay các vết phồng rộp trên ngón chân, bàn chân và các bộ phận khác của cơ thể. Nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được xác định rõ nhưng bóng nước có thể là do da thường xuyên bị cọ sát hoặc nhiễm trùng do lượng đường trong máu quá cao.

Bóng nước do đái tháo đường thường không gây đau nhưng có thể gây ngứa.

Các bóng nước thường tự khỏi mà không cần điều trị nhưng sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng. Bệnh nhân cần theo dõi sát sao các vết phồng rộp, vết chai hoặc vết thương trên chân để tránh nhiễm trùng.

U vàng phát ban

U vàng phát ban (eruptive xanthomatosis) cũng là một vấn đề có thể xảy ra khi lượng đường trong máu ở mức cao. U vàng phát ban có biểu hiện là các nốt màu vàng, nhỏ như hạt đậu trên da và gây ngứa.

Các nốt này thường xuất hiện ở cẳng chân, bàn chân, cánh tay hoặc mu bàn tay.

Khi lượng đường trong máu được kiểm soát, u vàng phát ban sẽ tự hết.

U hạt vòng lan tỏa

Bệnh lý về da này có triệu chứng là nổi những sẩn nhỏ li ti, tạo thành cụm hình vòng tròn hoặc hình vòm do phản ứng viêm. U hạt vòng lan tỏa thường xảy ra ở bàn chân, bàn tay, cùi chỏ và mắt cá chân.

Các sẩn trên da thường không gây đau nhưng có thể gây ngứa. Triệu chứng có thể tự biến mất trong vòng vài tháng nhưng bệnh nhân vẫn nên bôi cortisone tại chỗ để da lành lại nhanh hơn.

Cách giảm ngứa chân

Để giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây ngứa chân thì cần phải kiểm soát lượng đường trong máu. Các cách để kiểm soát đường trong máu gồm có:

  • Đo đường huyết thường xuyên
  • Dùng thuốc điều trị tiểu đường theo đúng chỉ định
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng
  • Tập thể dục đều đặn

Kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp bảo vệ các dây thần kinh và thúc đẩy lưu thông máu, nhờ đó ngăn chặn hoặc giảm ngứa.

Ngoài ra còn có các cách khác để giảm ngứa như:

  • Thoa kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi tắm nếu da chân bị khô nhưng không nên thoa vào kẽ ngón chân
  • Giảm tần suất tắm, có thể chỉ tắm cách ngày.
  • Tắm bằng nước ấm, không dùng nước nóng.
  • Tránh để da tiếp xúc với các sản phẩm có chứa hóa chất mạnh hoặc mùi thơm.
  • Tránh các loại vải gây kích ứng da.
  • Chọn các sản phẩm chăm sóc da không chứa chất gây kích ứng hoặc dị ứng.
  • Lau khô da sau khi tắm rửa để nước không đọng lại trong các nếp gấp da, chẳng hạn như kẽ ngón chân.

Ngăn ngừa ngứa chân

Để ngăn ngừa ngứa chân thì cần phải kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách dùng thuốc theo chỉ định, ăn uống điều độ và tích cực hoạt động thể chất.

Các cách khác để tránh bị ngứa chân còn có:

  • Lau khô chân sau khi tắm rửa và thoa kem dưỡng ẩm.
  • Không gãi chân để giảm nguy cơ nhiễm trùng da.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô.
  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày để xem có vết thương hay không. Nếu có thì cần làm sạch và băng bó vết thương hàng ngày.
  • Mang giày vừa chân để tránh bị thương hoặc phồng rộp.
  • Hạn chế để chân tiếp xúc với nước và không tắm quá lâu.
  • Không dùng xà phòng có chứa chất tẩy rửa mạnh để tránh làm cho da chân bị khô.

Khi nào cần đi khám?

Ngứa chân do bệnh tiểu đường có thể điều trị tại nhà bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc bôi ngoài da và dưỡng ẩm.

Tuy nhiên, nên đi khám nếu tình trạng ngứa không đỡ, ngày càng nặng hơn hoặc nếu các phương pháp kiểm soát đường huyết hiện tại có vẻ như không hiệu quả.

Cũng nên đi khám nếu có các triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường hoặc bệnh động mạch ngoại biên.

Tóm tắt bài viết

Người mắc bệnh tiểu đường không nên xem nhẹ hiện tượng ngứa chân. Đôi khi, ngứa chân là dấu hiệu của lượng đường trong máu cao trong thời gian dài. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ dẫn đến các biến chứng như:

  • Tổn thương thần kinh
  • Tổn thương các cơ quan như tim, thận
  • Bệnh về da
  • Hoại tử và phải cắt cụt chân

Nếu bạn bị tiểu đường và bị ngứa chân dai dẳng thì hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các nguyên nhân gây mờ mắt ở người bệnh tiểu đường
Các nguyên nhân gây mờ mắt ở người bệnh tiểu đường

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến tầm nhìn bị mờ và một số trong đó xuất phát từ bệnh tiểu đường. Nhìn mờ có thể là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang ở mức quá cao hoặc quá thấp.

Các nguyên nhân gây đau đầu ở người bệnh tiểu đường
Các nguyên nhân gây đau đầu ở người bệnh tiểu đường

Đau đầu là một vấn đề rất phổ biến mà hầu như ai cũng đã từng gặp phải. Đa phần cơn đau đầu thường tự hết hoặc có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tiểu đường, đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu đang quá cao hoặc quá thấp.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường?
Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính xảy ra do cơ thể không thể sử dụng lượng đường trong máu (glucose) một cách hiệu quả. Nguyên nhân chính xác gây ra điều này vẫn chưa được xác định rõ nhưng rất có thể một phần là do các yếu tố di truyền và môi trường. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gồm có béo phì và mức cholesterol cao. Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể gây bệnh tiểu đường.

Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2
Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 không phải chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Trên thực tế, bệnh lý này có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố chính có thể dẫn đến tiểu đường type 2.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây