1

Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Không phải lúc nào tăng đường huyết biểu hiện triệu chứng rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ gây ra các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều lần và gây tổn hại nhiều cơ thể trong cơ thể.
Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tăng đường huyết là gì?

Tăng đường huyết có nghĩa là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn bình thường. Theo thời gian, tăng đường huyết sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Một số yếu tố có thể góp phần dẫn đến tăng đường huyết là thói quen ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên là điều rất quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Lý do là vì không phải lúc nào cũng có thể phát hiện tăng đường huyết qua triệu chứng.

Tăng đường huyết lúc đói và tăng đường huyết sau ăn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đường huyết khi không ăn uống nằm trong khoảng từ 70 đến 100 mg/dL được coi là bình thường. (1) Nếu nằm trong khoảng từ 100 đến 125 mg/dL thì được coi là tăng đường huyết lúc đói.

Để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm đường huyết lúc đói ít nhất 2 lần vào hai ngày riêng biệt. Nếu hai lần xét nghiệm đều cho kết quả từ 126 mg/dL trở lên thì có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường.

Mặt khác, lượng đường trong máu cao sau khi ăn được gọi là tăng đường huyết sau ăn. Chỉ số đường huyết trong vòng vài giờ sau bữa ăn phản ánh mức độ phản ứng của cơ thể với các loại thực phẩm trong bữa ăn. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, chỉ số đường huyết thường xuyên ở mức cao sau bữa ăn chính hoặc bữa ăn phụ có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường type 2.

Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa tăng đường huyết lúc đói và tăng đường huyết sau ăn. Cũng trong nghiên cứu vào năm 2018, các nhà nghiên cứu cho biết rằng những người bị tăng đường huyết lúc đói khả năng cao cũng bị tăng đường huyết sau ăn.

Các triệu chứng của tăng đường huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người mắc bệnh tiểu đường cần duy trì đường huyết trong phạm vi: (2)

  • từ 80 đến 130 mg/dL trước bữa ăn
  • dưới 180 mg/dL trong vòng 2 tiếng tính từ thời điểm bắt đầu bữa ăn

Lượng đường trong máu cao hơn mức này có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh tiểu đường không được kiểm soát.

Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ không cảm nhận thấy những triệu chứng của tăng đường huyết cho đến khi lượng đường trong máu ở mắc rất cao trong một thời gian dài. Nếu nhận thấy các triệu chứng của tăng đường huyết thì hãy đo đường huyết ngay.

Các triệu chứng tăng đường huyết có thể xảy ra từ từ trong vòng vài ngày đến vài tuần, gồm có:

  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
  • Mờ mắt
  • Mệt mỏi
  • Vết thương chậm lành

Càng để lâu không điều trị, tình trạng sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Tăng đường huyết có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Bệnh về mắt
  • Bệnh thận
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh thần kinh

Khi nào cần đi khám?

Nhiễm toan cetonhội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết là hai tình trạng có thể xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao. Cần phải đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết.

Nhiễm toan ceton có đặc trưng là nồng độ ceton trong máu và nước tiểu tăng cao. Ceton là một chất hóa học có tính axit, được giải phóng từ quá trình cơ thể đốt cháy chất béo làm năng lượng. Khi có quá nhiều ceton tích tụ, máu sẽ có tính axit thay vì tính bazơ như bình thường. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2013, nhiễm toan ceton thường xảy ra ở người lớn có mức đường huyết trên 250 mg/dL. Một nghiên cứu vào năm 2015 chỉ ra rằng nhiễm toan ceton có thể xảy raở trẻ em có đường huyết trên 200 mg/dL.

Nhiễm toan ceton chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường type 1 và ít phổ biến hơn ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Tuy nhiên, không phải ai có đường huyết ở mức này cũng sẽ có nhiễm toan ceton.

Ngoài các triệu chứng thường gặp của tăng đường huyết, người bị nhiễm toan ceton còn có các triệu chứng dưới đây:

  • Lượng ceton trong nước tiểu cao hơn bình thường
  • Hơi thở có mùi trái cây hoặc mùi giống như nước tẩy sơn móng tay (axeton)
  • Các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, nôn hoặc đau bụng
  • Da khô
  • Đầu óc mơ hồ, không tỉnh táo
  • Thở gấp
  • Đỏ mặt
  • Đau đầu
  • Đau nhức cơ
  • Mệt mỏi, kiệt sức

Những người bị tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết thường có mức đường huyết trên 600 mg/dL. Ngoài khát nước và đi tiểu nhiều lần, các triệu chứng của hội chứng này còn có:

  • Sốt
  • Mất nước
  • Các triệu chứng về thần kinh, chẳng hạn như lú lẫn hoặc mê sảng

Nguyên nhân gây tăng đường huyết

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tăng đường huyết gồm có:

  • Không dùng đúng liều insulin hoặc các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác
  • Ăn nhiều carbohydrate hơn bình thường
  • Ít hoạt động thể chất
  • Bệnh tật hoặc nhiễm trùng
  • Căng thẳng thần kinh
  • Chấn thương

Hiện tượng bình minh

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), lượng đường trong máu có thể tăng cao vào khoảng thời gian từ 3 đến 8 giờ sáng, trước khi ăn sáng. Tình trạng này được gọi là hiện tượng bình minh (dawn phenomenon) và các chuyên gia khuyến nghị cần phải chú ý mức đường huyết trong khoảng thời gian này.

Nguyên nhân của hiện tượng bình minh là do sáng sớm là thời điểm mà nồng độ một số hormone trong cơ thể như cortisol và hormone tăng cao. Các hormone này báo cho gan giải phóng ra nhiều glucose hơn để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sau khi thức giấc. Điều này làm tăng lượng đường trong máu.

Đường trong máu cao có thể là do mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, nếu thi thoảng mới bị tăng đường huyết vào buổi sáng thì thường sẽ không ảnh hưởng đến chỉ số A1C (HbA1C) - một chỉ số xét nghiệm đường huyết. Nhưng nếu tình trạng tăng đường huyết xảy ra thường xuyên thì chỉ số A1C có thể tăng cao đến mức đáng lo ngại.

Các yếu tố nguy cơ của tăng đường huyết

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tăng đường huyết gồm có:

  • Mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc có tiền sử gia đình mắc tiểu đường type 2
  • Tiền sử tiểu đường thai kỳ
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Tăng lipid máu (nồng độ lipid trong máu cao hơn mức trung bình)
  • Cao huyết áp

Điều trị tăng đường huyết

Tăng đường huyết có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Theo dõi mức đường huyết

Một điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường là phải đo đường huyết thường xuyên. Người bệnh nên đo trước khi ăn, sau khi ăn, trước khi đi ngủ và vào một số thời điểm khác theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ghi kết quả mỗi lần đo đường huyết vào sổ tay, bảng theo dõi đường huyết hoặc ứng dụng điện thoại. Điều này sẽ giúp cả người bệnh và bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng bệnh và hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Đo đường huyết thường xuyên sẽ giúp người bệnh biết được thời điểm đường huyết vượt ra khỏi phạm vi an toàn, nhờ đó kịp thời điều trị để đưa đường huyết về mức bình thường và ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng.

Tập thể dục

Tập thể dục là một trong những cách hiệu quả nhất để giữ ổn định đường huyết trong phạm vi khỏe mạnh và giảm đường huyết khi đường huyết tăng cao.

Những người đang dùng thuốc làm tăng insulin nên nói chuyện với bác sĩ về thời điểm nên tập thể dục trong ngày. Những người đang có biến chứng về thần kinh hoặc mắt cũng nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện an toàn.

Khi có triệu chứng tăng đường huyết, người bệnh nên đo đường huyết. Nếu kết quả trên 240 mg/dL thì hãy kiểm tra mức ceton trong nước tiểu bằng que thử.

Nếu que thử cho kết quả dương tính (nước tiểu có ceton) thì không nên tập thể dục. Viện nghiên cứu bệnh tiểu đường Hoa Kỳ (Diabetes Research Institute) khuyến cáo người bệnh không nên tập thể dục khi đường huyết trên 250 mg/dL, ngay cả khi không có ceton trong nước tiểu. (3)

Tập thể dục khi ceton trong cơ thể ở mức cao hơn bình thường sẽ càng làm tăng lượng đường trong máu. Mặc dù điều này hiếm khi xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 nhưng tốt nhất vẫn nên thận trọng.

Thay đổi chế độ ăn uống

Kiểm soát lượng carbohydrate trong chế độ ăn sẽ giúp ngăn ngừa tăng đường huyết.

Một số chế độ ăn uống có lợi cho người bệnh tiểu đường gồm có:

  • Chế độ ăn Keto (ít carb và nhiều chất béo)
  • Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải
  • Chế độ ăn DASH – một chế độ ăn uống vốn được sử dụng để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị cao huyết áp
  • Chế độ ăn chay hoặc thuần chay

Điều chỉnh kế hoạch điều trị

Sau một thời gian, bác sĩ sẽ đánh giá lại kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và tần suất xảy ra tăng đường huyết. Bác sĩ có thể thay đổi liều dùng, loại hoặc thời gian dùng thuốc.

Người bệnh không được tự ý điều chỉnh thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Các biến chứng của tăng đường huyết

Tăng đường huyết kéo dài không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó có cả những biến chứng nghiêm trọng.

Các biến chứng của tăng đường huyết gồm có:

  • Các vấn đề về da, chẳng hạn như nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường – xảy ra do các mạch máu trong mắt bị tổn thương
  • Bệnh thận đái tháo đường
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh thần kinh đái tháo đường
  • Suy thận
  • Nhiễm toan ceton, thường xảy ra ở người mắc tiểu đường type 1

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết – thường xảy ra ở người mắc tiểu đường type 2

Vấn đề về da

Lượng đường trong máu cao có thể gây ra nhiều vấn đề về da, chẳng hạn như khô da, ngứa ngáy, và các mảng da dày, sẫm màu ở bẹn, nách hoặc cổ (bệnh gai đen).

Dưới đây là một số bệnh về da có thể xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường:

  • Viêm da teo: Bệnh lý về da này có triệu chứng là những mảng màu vàng, đỏ hoặc nâu trên da với những sẩn nhỏ.
  • Bệnh gai đen: Những mảng da dày, sẫm màu, mịn như nhung ở những vị trí có nếp gấp da như bẹn, nách và cổ.
  • Bệnh xơ cứng ngón tay hoặc ngón chân: Tình trạng da dày, cứng ở ngón tay hoặc ngón chân. Tình trạng này có thể lây đến các bộ phận khác của cơ thể như đầu gối, mắt cá chân và khuỷu tay.
  • Phồng rộp: Các vết phồng rộp có thể xuất hiện đột ngột nhưng không gây đau đớn.

Tăng đường huyết còn làm chậm tốc độ chữa lành vết thương, khiến cho vết thương có nguy cơ bị lở loét hoặc nhiễm trùng. Vấn đề này thường xảy ra ở lòng bàn chân.

Tổn thương thần kinh

Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương dây thần kinh và dẫn đến bệnh thần kinh đái tháo đường.

Có 4 loại bệnh thần kinh đái tháo đường:

  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Tổn thương dây thần kinh ở tứ chi, gồm có cánh tay, cẳng chân, bàn tay và bàn chân.
  • Bệnh thần kinh tự chủ (tự trị): Tổn thương dây thần kinh chỉ đạo hoạt động của mắt, tim, bàng quang, dạ dày và các cơ quan nội tạng khác.
  • Bệnh thần kinh gốc: Tình trạng tổn thương dây thần kinh ảnh hưởng đến phần dưới của cơ thể, chẳng hạn như đùi, mông và chân hoặc các dây thần kinh ở thân trên, chẳng hạn như bụng và ngực.
  • Bệnh thần kinh khu trú: Tổn thương các dây thần kinh đơn lẻ ở đầu, mặt, thân, tay hoặc chân.

Theo CDC, bệnh thần kinh đái tháo đường phát triển chậm và có các biểu hiện như châm chích, tê bì, yếu cơ hoặc tăng nhạy cảm da. Người bệnh còn có thể bị suy giảm chức năng (ví dụ như tiểu són) hoặc đau dữ dội.

Bệnh về mắt

Tăng đường huyết không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực, thậm chí là mù lòa. Các vấn đề về thị lực thường không xảy ra ngay lập tức nhưng lượng đường trong máu cao sẽ dần dần làm hỏng các mạch máu trong mắt và dẫn đến suy giảm thị lực.

Các bệnh về mắt do tăng đường huyết gồm có:

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao có thể gây hình thành các mạch máu mới ở phía sau của mắt và ảnh hưởng đến võng mạc. Võng mạc là bộ phận có vai trò xử lý ánh sáng của mắt.
  • Phù hoàng điểm: Tình trạng hoàng điểm (điểm vàng) - một phần của võng mạc - bị tích tụ dịch và sưng phồng.
  • Đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp: Tăng đường huyết còn có thể dẫn đến kết tụ protein trên thủy tinh thể, khiến cho thủy tinh thể bị mờ đục hoặc gây tổn thương dây thần kinh thị giác và dần đến tăng nhãn áp.

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết

Đây là một tình trạng hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, chẳng hạn như mắc các bệnh lý khác.

Khi lượng đường trong máu tăng cao, thận sẽ bài tiết lượng đường dư thừa trong máu vào nước tiểu và một phần nước trong máu cũng bị bài tiết vào nước tiểu theo đường. Điều này làm cho máu trở nên đậm đặc hơn, dẫn đến tăng nồng độ natri và glucose trong máu.

Nếu không được điều trị, hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng và thậm chí là hôn mê.

Phòng ngừa tăng đường huyết

Một vài thay đổi về lối sống có thể giúp ngăn ngừa sự gia tăng lượng đường trong máu:

  • Đo đường huyết thường xuyên: Đo và ghi lại chỉ số đường huyết thường xuyên mỗi ngày, bao gồm cả thời gian đo và đo trước hay sau bữa ăn. Mang theo sổ theo dỗi khi đi tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra.
  • Kiểm soát lượng carb trong chế độ ăn: Hãy chú ý đến lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn phụ hàng ngày. Cố gắng duy trì lượng carbohydrate trong phạm vi mà bác sĩ khuyến nghị. Tốt nhất nên theo dõi lượng carb cùng với chỉ số đường huyết.
  • Biết cách xử lý khi bị tăng đường huyết: Người mắc bệnh tiểu đường cần nắm rõ những cách điều trị tăng đường huyết để nhanh chóng đưa lượng đường trong máu trở về mức bình thường.
  • Dùng thuốc theo chỉ định: Dùng thuốc đúng liều và đúng giờ hàng ngày.
  • Uống rượu bia vừa phải: Mặc dù uống rượu bia dễ gây hạ đường huyết hơn nhưng uống một lượng lớn rượu bia cũng có thể dẫn đến tăng đường huyết. Nên chọn các loại đồ uống có cồn chứa ít đường.
  • Đeo vòng tay y tế và giấy tờ tùy thân: Người bệnh tiểu đường nên đeo vòng tay y tế hoặc giấy tờ ghi rõ tình trạng bệnh để những người xung quanh có thể ứng cứu kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Đến bệnh viện ngay lập tức khi có các triệu chứng của nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết, chẳng hạn như:

  • Khó thở
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Sốt
  • Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Khô miệng
  • Mệt mỏi bất thường

Nên đi khám nếu chỉ số đường huyết liên tục ở mức cao, bất kể xảy ra trước hay sau bữa ăn. Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết nếu như đã thực hiện các thay đổi về lối sống mà vẫn không kiểm soát được đường huyết.

Người bệnh cũng nên đi khám khi:

  • phát hiện các vấn đề mới
  • vấn đề về mắt hoặc da hiện tại tiến triển nặng
  • nghi ngờ bị bệnh thần kinh đái tháo đường hoặc các vấn đề sức khỏe khác do tăng đường huyết.

Để chuẩn bị cho buổi khám:

  • Mang theo sổ theo dõi kết quả đo đường huyết.
  • Gọi điện hỏi trước xem có cần nhịn ăn để xét nghiệm máu hay không.
  • Mang theo danh sách các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng.
  • Ghi ra những câu hỏi muốn hỏi bác sĩ.

Tóm tắt bài viết

Không phải lúc nào tăng đường huyết biểu hiện triệu chứng rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ gây ra các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều lần và gây tổn hại nhiều cơ quan trong cơ thể.

Nếu không được điều trị, tăng đường huyết có thể dẫn đến nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu. Cả hai đều là những tình trạng cần điều trị khẩn cấp.

Người mắc bệnh tiểu đường cần nhận biết các dấu hiệu của tăng đường huyết và các vấn đề liên quan, đồng thời có thói quen đo đường huyết thường xuyên. Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và

Xem thêm:

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, một trong số đó là đau chân và chuột rút chân. Những biến chứng này thường xảy ra do tổn thương dây thần kinh hay còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Khi các dây thần kinh ở cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng thì tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Đây có thể là hậu quả trực tiếp của tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài.

Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến bệnh thận. Điều này xảy ra khi thận không còn lọc máu hiệu quả.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị

Hạ đường huyết xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe khác (hầu hết đều hiếm gặp) cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.

Bệnh da do đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh da do đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả da. Bệnh da do đái tháo đường là một vấn đề khá phổ biến ở những người sống chung với đái tháo đường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây