1

Dấu hiệu tăng đường huyết đột ngột và cách xử trí

Tăng đường huyết đột ngột xảy ra khi lượng glucose (một loại đường đơn) trong máu tăng cao. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, điều này xảy ra do cơ thể không thể sử dụng glucose một cách hiệu quả đúng cách.
Dấu hiệu tăng đường huyết đột ngột và cách xử trí Dấu hiệu tăng đường huyết đột ngột và cách xử trí

Tăng đường huyết là gì?

Hầu hết các loại thức phẩm mà chúng ta ăn đều được phân hủy thành glucose trong đường tiêu hóa. Cơ thể cần glucose vì đây là nguồn năng lượng chính để các cơ, cơ quan và não bộ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để được sử dụng làm năng lượng thì trước tiên, glucose phải được vận chuyển vào tế bào.

Insulin - một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy – có vai trò như một chiếc chìa khóa mở khóa các tế bào để glucose có thể đi vào. Nếu không có insulin, glucose sẽ không được vận chuyển vào tế bào mà tích tụ trong máu. Nồng độ glucose trong máu sẽ ngày càng tăng theo thời gian.

Tình trạng lượng glucose trong máu cao hơn bình thường được gọi là tăng đường huyết. Theo thời gian, điều này sẽ gây tổn hại các cơ quan, dây thần kinh và mạch máu.

Tăng đường huyết đột ngột xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường do cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả.

Cùng tìm hiểu về các dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị tăng đường huyết đột ngột.

Các dấu hiệu của tăng đường huyết

Nhận biết được các dấu hiệu tăng đường huyết sẽ giúp người bị tiểu đường kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Đôi khi, người bệnh có thể dễ dàng phát hiện tăng đường huyết do gặp các triệu chứng rõ ràng nhưng đôi khi, các triệu chứng chỉ thoáng qua hoặc rất nhẹ nên người bệnh không hay biết lượng đường trong máu đang ở mức cao.

Các triệu chứng của tăng đường huyết thường bắt đầu xuất hiện khi lượng đường trong máu vượt quá 250 mg/dL. Nếu không được can thiệp điều trị, các triệu chứng sẽ ngày càng trở nên nặng hơn.

Các dấu hiệu thường gặp của tăng đường huyết đột ngột gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Mệt mỏi
  • Thường xuyên thấy khát
  • Mờ mắt
  • Đau đầu

Tăng đường huyết đột ngột là gì?

Tăng đường huyết đột ngột là khi lượng glucose trong máu tăng cao nhanh chóng sau khi ăn.

Điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu ban đầu của tăng đường huyết. Phát hiện và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Các dấu hiệu ban đầu của tăng đường huyết gồm có:

  • Liên tục thấy khát
  • Khô miệng
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Nhìn mờ

Nếu nghi ngờ lượng đường trong máu cao thì hãy dùng máy đo đường huyết để kiểm tra.

Tập thể dục và uống nước sau khi ăn, đặc biệt là khi bữa ăn có nhiều tinh bột, có thể giúp giữ ổn định lượng đường trong máu.

Người bệnh cũng có thể tiêm insulin nhưng chỉ được sử dụng phương pháp này khi có chỉ định của bác sĩ và phải dùng đúng liều. Nếu sử dụng không đúng cách, insulin có thể gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).

Nếu để kéo dài, tăng đường huyết có thể dẫn đến nhiễm toan ceton.

Nhiễm toan ceton và ketosis

Khi tình trạng tăng đường huyết kéo dài mà không được điều trị, glucose sẽ ứ lại trong máu và các tế bào sẽ không được cung cấp năng lượng. Lúc này, các tế bào sẽ sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng thay thế.

Khi các tế bào sử dụng chất béo thay vì glucose làm năng lượng, quá trình này tạo ra một sản phẩm phụ có tên là ceton (ketone).

Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị nhiễm toan ceton – tình trạng máu có quá nhiều axit (ceton). Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường và có thể đe dọa tính mạng nếu không can thiệp kịp thời. Do insulin hoạt động kém ở những người mắc bệnh tiểu đường nên lượng ceton không được kiểm soát và có thể tăng lên mức nguy hiểm rất nhanh. Nhiễm toan ceton có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

Những người không mắc bệnh tiểu đường có thể dung nạp một lượng ceton nhất định trong máu. Trạng thái này được gọi là ketosis. Nhiễm toan ceton không xảy ra vì cơ thể vẫn có thể sử dụng glucose và insulin một cách hiệu quả. Insulin hoạt động bình thường giúp giữ lượng ceton trong cơ thể ở mức ổn định.

Các triệu chứng của nhiễm toan ceton

Người bị nhiễm toan ceton cần được cấp cứu. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton gồm có:

  • Hơi thở có mùi trái cây hoặc axeton
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Buồn nôn và nôn
  • Khô miệng
  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Đau ở vùng bụng
  • Mơ hồ, không tỉnh táo
  • Mất ý thức

Nguyên nhân gây tăng đường huyết đột ngột

Lượng đường trong máu thay đổi theo từng thời điểm trong ngày. Khi ăn uống, đặc biệt là ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như bánh mì, bánh ngọt, khoai tây, cơm hay bún phở, lượng đường trong máu sẽ tăng lên ngay lập tức sau bữa ăn.

Nếu lượng đường trong máu liên tục ở mức cao thì cần nói chuyện với bác sĩ về việc điều chỉnh phác đồ điều trị bệnh tiểu đường để cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết. Tăng đường huyết có thể là do các nguyên nhân như:

  • Không dùng đủ liều insulin
  • Tác dụng của insulin không kéo dài như dự đoán
  • Không dùng thuốc điều trị tiểu đường đường uống
  • Liều dùng thuốc không phù hợp
  • Sử dụng insulin hết hạn
  • Không tuân thủ đúng chế độ ăn kiêng
  • Bị bệnh hoặc nhiễm trùng
  • Đang dùng một số loại thuốc khác, chẳng hạn như steroid
  • Đang bị stress về thể chất, chẳng hạn như chấn thương hoặc mới phẫu thuật
  • Đang bị stress về tinh thần

Nếu lượng đường trong máu thường được kiểm soát tốt nhưng vẫn bị tăng đường huyết đột ngột không rõ lý do thì có thể là tăng đường huyết cấp tính hoặc tăng đường huyết do một nguyên nhân mới xảy ra gần đây.

Hãy ghi lại tất cả những loại đồ ăn và thức uống trong mỗi bữa ăn, sau đó đo đường huyết theo khuyến nghị của bác sĩ.

Thông thường, nên đo đường huyết vào buổi sáng, trước khi ăn và đo lại sau khi ăn 2 tiếng.

Đôi khi chỉ cần theo dõi vài ngày là có thể xác định được nguyên nhân gây tăng đường huyết đột ngột.

Những nguyên nhân phổ biến khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột gồm có:

  • Carbohydrate: Carbohydrate bị phân hủy thành glucose rất nhanh. Nếu cần sử dụng insulin, hãy trao đổi với bác sĩ về tỷ lệ insulin trên carb.
  • Trái cây: Trái cây tươi là nhóm thực phẩm lành mạnh cho người mắc bệnh tiểu đường nhưng trái cây có chứa một loại đường tự nhiên có tên là fructose. Loại đường này cũng làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, đối với người bị tiểu đường thì trái cây tươi vẫn là lựa chọn tốt hơn nước ép trái cây, trái cây sấy khô và mứt.
  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo: Carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu ngay lập tức sau khi ăn nhưng khi ăn đồ chứa nhiều chất béo và protein, phải sau vài giờ thì lượng đường trong máu mới tăng.
  • Nước ép trái cây đóng chai, nước ngọt có ga, nước uống thể thao và các loại đồ uống có đường khác: Tất cả đều làm tăng lượng đường, trong máu. Do đó, nếu tính toán lượng carb trong chế độ ăn thì đừng quen cộng cả lượng carb trong đồ uống.
  • Đồ uống có cồn: Đồ uống có cồn cũng làm tăng lượng đường trong máu ngay lập tức, đặc biệt là khi được pha với nước trái cây hoặc nước ngọt có ga. Đồ uống có cồn còn gây hạ đường huyết vài giờ sau khi uống.
  • Ít vận động: Hoạt động thể chất hàng ngày giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn. Trao đổi với bác sĩ về việc điều chỉnh thuốc cho phù hợp với chế độ tập luyện.
  • Điều trị hạ đường huyết quá mức: Đây là điều rất phổ biến. Hỏi bác sĩ về những biện pháp điều trị hạ đường huyết để tránh bị tăng đường huyết đột ngột.

Cách kiểm soát tăng đường huyết đột ngột

Cách tốt nhất để kiểm soát tăng đường huyết là kiểm tra lượng đường trong máu và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu đường huyết thường xuyên tăng đột ngột thì có thể sẽ phải điều chỉnh thuốc.

Tập thể dục cũng là một cách để giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nếu đường huyết liên tục trên 240 mg/dL thì phải kiểm tra mức ceton bằng que thử ceton nước tiểu. (1)

Nếu trong nước tiểu có ceton thì không được tập thể dục vì trong trường hợp này, tập thể dục có thể khiến lượng đường trong máu càng tăng cao hơn.

Nếu nghi ngờ nhiễm toan ceton thì có thể dùng que thử nước tiểu để kiểm tra. Nếu ceton ở mức cao thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.

Phòng ngừa tăng đường huyết đột ngột

Có nhiều cách để tránh bị tăng đột ngột lượng đường trong máu:

  • Thực hiện chế độ ăn uống điều độ: Lựa chọn thực phẩm phù hợp với người bị tiểu đường, chú ý khẩu phần ăn và lên kế hoạch trước cho các bữa ăn có thể giúp tránh tăng đường huyết đột ngột. Nếu cần thiết có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cách xây dựng chế độ ăn hợp lý.
  • Giảm cân nếu thừa cân: Đối với những người thừa cân, giảm cân có thể giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
  • Tính toán lượng carb: Người mắc bệnh tiểu đường nên học cách tính lượng carb của bữa ăn và giới hạn lượng carb trong phạm vi khuyến nghị để duy trì đường huyết ổn định.
  • Tìm hiểu về chỉ số đường huyết: Không phải loại carb nào cũng giống nhau. Chỉ số đường huyết (glycemic index - GI) cho biết mức độ ảnh hưởng của các loại carb khác nhau đến lượng đường trong máu. Thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ làm tăng đường huyết nhanh hơn so với những thực phẩm có chỉ số GI thấp.
  • Thử phương pháp đĩa thức ăn Plate Method để phân chia khẩu phần các nhóm thực phẩm trong bữa ăn. Theo đó, người bệnh nên đặt các món ăn lên một chiếc đĩa. Một nửa đĩa là các loại rau củ không chứa tinh bột, một phần tư đĩa là các nguồn protein nạc và một phần tư còn lại là thực phẩm chứa carb.
  • Tính toán khẩu phần: Sử dụng một chiếc cân nhỏ để đo khẩu phần thức ăn chính xác hơn.
  • Tăng cường vận động: Tập thể dục thường xuyên và giảm thời gian ngồi một chỗ sẽ giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết.
  • Đi bộ sau bữa ăn: Đi bộ khoảng 15 phút sau bữa ăn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. (2)

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Các biến chứng của bệnh tiểu đường thường xảy ra do đường huyết ở mức cao trong một thời gian dài mà không được kiểm soát. Các biến chứng có thể phát triển từ từ trong nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng.

Đường huyết cao mãn tính làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường như bệnh tim mạch, mù lòa, bệnh thần kinh và suy thận.

Đường huyết cao không được điều trị cũng có thể tiến triển thành nhiễm toan ceton. Đây là một tình trạng khẩn cấp có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

Khi lượng đường trong máu duy trì ở mức cao trong một thời gian dài, các cơ quan và hệ thống trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng.

Các biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường gồm có:

Các vấn đề về mắt

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp phải các vấn đề về mắt như:

  • Đục thủy tinh thể
  • Bệnh võng mạc đái tháo dường
  • Tăng nhãn áp

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể của mắt dày lên và hình thành những mảng mờ đục, gây suy giảm thị lực, đặc biệt là vào ban đêm.

Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra khi các mạch máu của võng mạc bị tổn thương, nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao không được điều trị làm hình thành các mạch máu nhỏ bất thường trong võng mạc. Giai đoạn đầu có thể không biểu hiện triệu chứng nhưng nếu không điều trị, bệnh võng mạc đái tháo đường có thể dẫn đến mù lòa.

Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp – tình trạng áp lực trong mắt tăng cao, làm giảm lưu lượng máu, gây tổn thương võng mạc và dây thần kinh thị giác.

Bệnh thận

Bệnh thận đái tháo đường là một bệnh tiến triển, trong đó thận – cơ quan có nhiệm vụ lọc máu - ngừng hoạt động. Bệnh thận đái tháo đường xảy ra khi lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu trong thận.

Giai đoạn đầu của bệnh thận đái tháo đường có thể không biểu hiện triệu chứng nhưng theo thời gian có thể tiến triển thành suy thận.

Tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh đái tháo đường)

Bệnh thần kinh đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao trong thời gian dài gây tổn hại các dây thần kinh.

Các triệu chứng thường xuất hiện dần dần và phát triển trong nhiều năm.

Có 4 loại bệnh thần kinh chính xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường:

  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên
  • Bệnh thần kinh tự trị
  • Bệnh thần kinh gốc
  • Bệnh thần kinh khu trú

Bệnh tim mạch

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh trong tim. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Lượng đường trong máu cao không được kiểm soát còn có thể gây tắc nghẽn mạch máu. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng và loét bàn chân. Trường hợp nghiêm trọng có thể phải cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân.

Bệnh nha chu

Những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao hơn.

Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng lượng đường trong miệng và điều này ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Mắc bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám, giảm lượng nước bọt và giảm lưu thông máu đến nướu.

Tóm tắt bài viết

Tăng đường huyết đột ngột là vấn đề phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường do cơ thể không còn khả năng sử dụng glucose một cách hiệu quả.

Đường huyết tăng cao không được kiểm soát sẽ rất nguy hiểm. Tăng đường huyết có thể dẫn đến nhiễm toan ceton – một biến chứng đe dọa đến tính mạng. Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng khác như bệnh tim mạch, mù lòa, bệnh thần kinh và suy thận.

Dùng thuốc đúng chỉ định, kiểm tra đường huyết thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống cân bằng và thói quen tập thể dục đều đặn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, tránh tăng đường huyết đột ngột và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Không phải lúc nào tăng đường huyết biểu hiện triệu chứng rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ gây ra các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều lần và gây tổn hại nhiều cơ thể trong cơ thể.

Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa
Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa

Tiền tiểu đường là một bệnh lý thầm lặng, vì vậy nên khám sức khỏe định kỳ là điều rất quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm. Nếu nghi ngờ có thể mình bị tiền tiểu đường thì nên đi khám.

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường

Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.

Chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường: Hiểu về chỉ số đường huyết
Chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường: Hiểu về chỉ số đường huyết

Biết được chỉ số đường huyết của thực phẩm và lựa chọn những thực phẩm có GI thấp sẽ giúp kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu sau bữa ăn. Việc biết chỉ số đường huyết còn giúp kết hợp các loại thực phẩm trong bữa ăn cho phù hợp.

Tổng Hợp Cách Tăng Cân Cho Người Tiểu Đường
Tổng Hợp Cách Tăng Cân Cho Người Tiểu Đường

Tổng hợp những cách tăng cân cho người tiểu đường gồm những gì? Để tăng cân người bệnh cần quan tâm đến điều gì, các chỉ số nào và cần đặt mục tiêu ra sao. Hãy tìm hiểu qua bài viết này nhé

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây