Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa
Tiền tiểu đường là gì?
Tiền tiểu đường hay tiền đái tháo đường là tình trạng xảy ra trước khi một người mắc bệnh tiểu đường type 2. Tiền tiểu đường còn được gọi là rối loạn đường huyết lúc đói hay rối loạn dung nạp glucose. Về cơ bản, tình trạng này có nghĩa là lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa không đủ cao để được coi là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Trong giai đoạn tiền tiểu đường, tuyến tụy vẫn sản xuất đủ insulin để đáp ứng lượng carbohydrate trong chế độ ăn. Tuy nhiên, insulin hoạt động kém hiệu quả hơn trong việc loại bỏ đường khỏi máu, do đó lượng đường trong máu vẫn ở mức cao. Tình trạng này được gọi là kháng insulin.
Tiền tiểu đường là một vấn đề phổ biến. Theo số liệu thống kê vào năm 2019, tỷ lệ người mắc tiền tiểu đường chiếm 7.5% dân số thế giới và dự tính là sẽ tăng lên 8.6% vào năm 2045.
Bị tiền tiểu đường không có nghĩa là sẽ chắc chắn mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, những người bị tiền tiểu đường có nguy cơ tiểu đường rất cao, gấp 5 đến 15 lần so với những người có lượng đường trong máu bình thường. (1)
Nguy cơ sẽ càng cao hơn nữa nếu như không có các biện pháp kiểm soát đường huyết, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.
Dấu hiệu tiền tiểu đường
Những người bị tiền tiểu đường có thể mắc bệnh tiểu đường type 2 nếu tình trạng kháng insulin tiếp tục kéo dài. Chỉ 10% những người bị tiền tiểu đường biết mình mắc bệnh vì tình trạng này thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Các yếu tố nguy cơ của tiền tiểu đường
Các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Lối sống ít vận động
- Bị cao huyết áp
- Có cholesterol cao
- Có một thành viên ruột thịt trong gia đình mắc tiểu đường type 2
- Phụ nữ từng sinh con nặng trên 4kg
Chẩn đoán tiền tiểu đường
Tiền tiểu đường là một bệnh lý thầm lặng, vì vậy nên khám sức khỏe định kỳ là điều rất quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm. Nếu nghi ngờ có thể mình bị tiền tiểu đường thì nên đi khám.
Bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm hemoglobin A1c (HbA1c) hoặc xét nghiệm dung nạp glucose đường uống.
HbA1c là một chỉ số cho biết lượng đường trong máu trong 2 đến 3 tháng gần nhất, vì vậy chỉ số này giúp đánh giá tình trạng tổng thể tốt hơn so với xét nghiệm đường huyết lúc đói. Chỉ số HbA1c từ 5,7 đến 6,4 là dấu hiệu của tiền tiểu đường.
Biến chứng của tiền tiểu đường
Mức đường huyết cao, đặc biệt là khi không được điều trị, sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống khác nhau trong cơ thể. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả các vấn đề sức khỏe mãn tính. Ví dụ, bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến:
- Mất thị lực
- Tổn thương thần kinh
- Tổn thương thận
- Bệnh tim mạch
Nồng độ insulin cao đi kèm với kháng insulin có thể gây ra nhiều vấn đề khác.
Tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống
Một nghiên cứu lớn, đa trung tâm có tên là Chương trình Phòng ngừa Bệnh tiểu đường (Diabetes Prevention Program) đã đánh giá tác động của việc thay đổi lối sống đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu phát hiện việc thay đổi lối sống sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Khi giảm cân và thường xuyên tập thể dục ở cường độ vừa phải, những người tham gia nghiên cứu đã giảm được 58% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong vòng 3 năm.
Ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục đều đặn là điều rất quan trọng. Nguy cơ mắc tiểu đường có thể được giảm thiểu đáng kể bằng cách thực hiện những điều chỉnh đơn giản về chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.
Ăn uống lành mạnh
Lựa chọn chủ yếu các loại thực phẩm toàn phần và các nguồn carbohydrate phức tạp như đậu, ngũ cốc và rau củ nhiều tinh bột. Hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa đường đơn, chẳng hạn như bánh kẹo. Những thực phẩm này sẽ làm tăng lượng đường trong máu mà hầu như không có giá trị dinh dưỡng.
Nếu không biết cách lên kế hoạch ăn uống sao cho khoa học để ngăn ngừa bệnh tiểu đường thì có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
Tích cực vận động
Cố gắng tập thể dục 150 phút mỗi tuần. Cho dù chỉ tập nhẹ nhàng như đi bộ thì vẫn tốt hơn là không vận động.
Giảm cân
Đối với những người thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chế độ ăn uống lành mạnh và tăng mức độ vận động sẽ giúp đạt được mục tiêu này.
Dùng thuốc
Những người bị tiền tiểu đường có thể sẽ được kê thuốc, chẳng hạn như metformin. Thuốc này giúp tăng độ nhạy insulin và kiểm soát lượng đường trong máu trong phạm vi khỏe mạnh.
Kết luận
Hãy bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống và lối sống ngay từ hôm nay. Những thay đổi này sẽ giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường hoặc giúp tránh các biến chứng tiềm ẩn do bệnh tiểu đường không được kiểm soát.
Những người bị tiền tiểu đường không cần quá lo lắng. Không phải ai mắc tiền tiểu đường cũng bị tiểu đường. Nếu biết cách kiểm soát thì hoàn toàn có thể đảo ngược tiền tiểu đường và ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe theo thời gian.
Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.
- 0 trả lời
- 103 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi