1

Cách giảm lượng đường trong máu nhanh chóng khi bị tăng đường huyết

Tăng đường huyết là một vấn đề nguy hiểm vì khi lượng glucose trong máu cao, các tế bào sẽ không được cung cấp năng lượng. Lúc này, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo để tạo năng lượng thay cho glucose. Điều này có thể dẫn đến các tình trạng như nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do đường huyết.
Cách giảm lượng đường trong máu nhanh chóng khi bị tăng đường huyết Cách giảm lượng đường trong máu nhanh chóng khi bị tăng đường huyết

Khi lượng đường (glucose) trong máu quá cao - được gọi là tăng đường huyết hay đường huyết cao, cách nhanh nhất để giảm là sử dụng insulin tác dụng nhanh. Tập thể dục cũng là một cách nhanh chóng và hiệu quả để làm giảm lượng đường trong máu.Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh nên đến bệnh viện thay vì tự xử lý tại nhà.

Lượng đường trong máu quá cao có thể dẫn đến nhiễm toan ceton khi mức insulin thấp. Nhiễm toan ceton cần được điều trị khẩn cấp.

Các triệu chứng của nhiễm toan ceton gồm có:

  • Khó thở
  • Hơi thở có mùi trái cây
  • Buồn nôn và nôn
  • Miệng rất khô

Nếu không biết phải làm gì khi gặp các triệu chứng tăng đường huyết, hãy gọi cho bác sĩ để được hướng dẫn cách dùng insulin và xem có cần đến bệnh viện hay không.

Dưới đây là các biện pháp giúp làm giảm lượng đường trong máu một cách nhanh chóng, khi nào cần đến bệnh viện khẩn cấp và các cách để kiểm soát lượng đường trong máu.

Cách giảm lượng đường trong máu nhanh chóng

Điều trị kịp thời sẽ giúp làm giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa các biến chứng, bao gồm cả nhiễm toan ceton.

Một số ý kiến cho rằng uống nước hoặc ăn một bữa ăn nhẹ giàu protein có thể nhanh chóng làm giảm đường trong máu, mặc dù chưa có đủ nghiên cứu để chứng minh điều này.

Khi lượng đường trong máu tăng cao và cần giảm nhanh, hãy thử các phương pháp sau:

Dùng insulin theo chỉ định

Tăng đường huyết xảy ra khi cơ thể có quá ít insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Bổ sung insulin có thể làm giảm lượng đường trong máu.

Nói chuyện với bác sĩ về liều insulin tác dụng nhanh nên sử dụng khi xảy ra tăng đường huyết.

Nên đo đường huyết khoảng 15 – 30 phút sau khi dùng insulin để đảm bảo rằng lượng đường trong máu đang giảm và không xuống quá thấp.

Tập thể dục

Tập thể dục là một cách nhanh chóng và hiệu quả để giảm đường trong máu.

Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu trong 24 giờ hoặc thậm chí lâu hơn sau khi tập. Điều này là do hoạt động thể chất giúp làm tăng độ nhạy insulin.

Hoạt động thể chất thúc đẩy cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng. Kết quả là các tế bào vận chuyển glucose đến các cơ và lượng đường trong máu sẽ giảm.

Để giảm đường trong máu một cách hiệu quả thì nên chọn những bài tập làm tăng nhịp tim, chẳng hạn như đi bộ nhanh hay chạy bộ.

Cần lưu ý, nếu đường huyết trên 240 mg/dl thì nên kiểm tra mức ceton trong nước tiểu bằng que thử. (1) Nếu kết quả cho thấy nước tiểu có ceton thì không nên tập thể dục vì tập thể dục lúc này có thể làm cho lượng đường trong máu càng tăng cao hơn.

Tập thể dục khi nồng độ ceton trong nước tiểu cao hơn mức bình thường sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng do tăng đường huyết.

Những người bị tiểu đường type 1 nên đo đường huyết trước khi tập thể dục và có thể cần kiểm tra cả mức ceton trong nước tiểu, tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mặc dù tập thể dục là một cách hiệu quả để giảm lượng đường trong máu trong suốt cả ngày nhưng một số hình thức tập luyện, đặc biệt là tập cường độ cao trong thời gian ngắn, có thể tạm thời làm tăng lượng đường trong máu.

Điều này là do việc hoạt động gắng sức kích hoạt phản ứng stress của cơ thể, khiến cho cơ thể giải phóng glucagon để cung cấp năng lượng cho các cơ.

Nếu nồng độ ceton trong nước tiểu ở mức cao, hãy tránh tập thể dục cường độ cao và thay vào đó chỉ tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ.

Tóm tắt: Tập thể dục có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu nhưng không nên tập thể dục khi nồng độ ceton trong nước tiểu cao hơn mức bình thường. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc có nên dùng insulin để khắc phục tăng đường huyết hay không.

Khi nào cần cấp cứu?

Tăng đường huyết là một vấn đề nguy hiểm vì khi lượng glucose trong máu cao, các tế bào sẽ không được cung cấp năng lượng. Lúc này, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo để tạo năng lượng thay cho glucose.

Điều này có thể dẫn đến các tình trạng như nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do đường huyết. Đây đều là những tình trạng cần can thiệp khẩn cấp và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường type 1. Mặc dù hiếm gặp hơn nhưng bệnh tiểu đường type 2 cũng có thể gây nhiễm toan ceton.

Nếu nhận thấy các triệu chứng sau đây, người bệnh cần phải đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Que thử cho thấy nước tiểu có ceton
  • Mơ hồ, không tỉnh táo
  • Khát nước cực độ
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Buồn nôn
  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Nôn

Lượng đường trong máu cao có thể gây mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể và khiến máu có tính axit, điều này sẽ gây cản trở các chức năng bình thường của cơ thể.

Các phương pháp điều trị nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do đường huyết thường là truyền insulin tĩnh mạch và truyền dịch tĩnh mạch để khắc phục tình trạng mất nước.

Tóm tắt: Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm cần can thiệp khẩn cấp. Hãy đến ngay bệnh viện khi có các triệu chứng của nhiễm toan ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do đường huyết.

Khi nào cần đi khám?

Theo Đại học Michigan, lượng đường trong máu từ 300 mg/dL trở lên có thể gây nguy hiểm. (2) Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu hai lần đo đường huyết liên tiếp đều cho kết quả 300 mg/dL trở lên.

Hãy gọi cho bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng về bất kỳ triệu chứng nào của tăng đường huyết để được hướng dẫn các bước cần thực hiện.

Nên đi khám nếu đường huyết liên tục ở mức cao. Các triệu chứng của đường huyết cao gồm có:

  • Các lần đo đều cho kết quả cao hơn mức bình thường
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Khát nước liên tục
  • Lượng đường cao trong nước tiểu

Hỏi bác sĩ về tần suất đo đường huyết và phạm vi đường huyết lý tưởng.

Tóm tắt: Nên đi khám nếu kết quả đo đường huyết liên tục ở mức cao hoặc có các triệu chứng của tăng đường huyết kéo dài.

Biến chứng của tăng đường huyết

Đo đường huyết và kịp thời can thiệp điều trị khi bị tăng đường huyết sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng.

Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao và không được điều trị có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.

Một số biến chứng của tăng đường huyết gồm có:

  • Tổn thương thần kinh, được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Có thể làm mất cảm giác ở bàn chân và bàn tay
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường, xảy ra do các mạch máu trong mắt bị ảnh hưởng, dẫn đến suy giảm thị lực
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Giữ lượng đường trong máu luôn trong phạm vi khuyến nghị có thể làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng này.

Tóm tắt: Đường trong máu thường xuyên tăng cao và không được điều trị có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường, gồm có bệnh thần kinh, bệnh thận, bệnh võng mạc và bệnh tim mạch.

Phạm vi đường huyết

Nói chuyện với bác sĩ về mức đường huyết cần duy trì và khi nào cần đến bệnh viện.

Dưới đây là một số hướng dẫn chung về phạm vi đường huyết: (3)

Đường huyết Ý nghĩa
70 mg/dL trở xuống Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Ăn một chút thực phẩm chứa đường để đưa lượng đường trong máu về mức bình thường (ví dụ như 1/2 cốc nước ép trái cây, 1 muỗng canh mật ong hoặc 2 muỗng canh nho khô).
80 – 130 mg/dL Phạm vi lý tưởng trước bữa ăn.
180 mg/dL trở xuống Phạm vi lý tưởng sau bữa ăn (1 – 2 tiếng tính từ thời điểm bắt đầu bữa ăn).
240 mg/dL trở lên Đo ceton trong nước tiểu. Báo cho bác sĩ nếu kết quả đo vài lần liên tiếp đều cho thấy nước tiểu có nồng độ ceton ở mức trung bình.

Phạm vi đường huyết cần duy trì ở mỗi người là khác nhau, một số người cần duy trì đường huyết ở mức cao hơn bình thường. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

>>> Cách theo dõi đường huyết hiệu quả

Tóm tắt: Phạm vi đường huyết lý tưởng là 80 – 130 mg/dL trước bữa ăn và 180 mg/dL trở xuống sau bữa ăn.

Cách kiểm soát bệnh tiểu đường và sống khỏe mạnh

Các biện pháp ngăn đường trong máu tăng cao cũng chính là những cách để kiểm soát bệnh tiểu đường.

Chế độ ăn uống phù hợp

Kiểm soát lượng carbohydrate (carb) và hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa “calo rỗng” (chứa nhiều calo nhưng không có giá trị dinh dưỡng), chẳng hạn như đồ ăn vặt, nước ngọt...

Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp giữ ổn định lượng đường trong máu.

Để có chế độ ăn uống cân bằng, người mắc bệnh tiểu đường ăn nhiều các nhóm thực phẩm sau:

  • Các loại ngũ cốc nguyên cám
  • Trái cây
  • Rau củ
  • Protein nạc như gà, cá

Tập thể dục đều đặn

Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và duy trì hầu hết các ngày trong tuần.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng thần kinh có thể làm tăng lượng đường trong máu. Hãy thử một số phương pháp sau đây để thư giãn và giảm căng thẳng:

  • Thiền
  • Nghe nhạc
  • Đi dạo
  • Tập thể dục
  • Tập yoga
  • Dành thời gian cho sở thích cá nhân\
  • Gặp gỡ bạn bè

Uống đủ nước

Cung cấp đủ nước cho cơ thể là điều cần thiết để kiểm soát ổn định đường trong máu. Mất nước có thể làm tăng đường huyết. Một số dấu hiệu cho thấy cơ thể bị mất nước là nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, khô miệng, khát nước… Tốt nhất nên uống nước lọc hoặc các loại nước không chứa đường khác. Không uống nhiều nước ngọt hay nước ép trái cây có đường.

Ngủ đủ giấc

Ngủ đủ và sâu giấc có thể giúp giảm căng thẳng và cân bằng lượng đường trong máu.

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, hãy ngừng dùng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính một giờ trước khi đi ngủ, không ăn uống hay vận động mạnh trước giờ ngủ và ngủ trong phòng mát mẻ, tối và yên tĩnh.

Khám định kỳ

Người mắc bệnh tiểu đường nên làm xét nghiệm A1C định kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ.

Xét nghiệm máu này cho biết mức độ ổn định của đường huyết trong khoảng thời gian 3 tháng gần nhất. Biết chỉ số A1C sẽ giúp đánh giá hiệu quả của các phương pháp kiểm soát bệnh tiểu đường hiện tại.

Duy trì cân nặng hợp lý

Giảm mỡ thừa sẽ giúp dễ kiểm soát ổn định lượng đường trong máu hơn.

Nếu gặp khó khăn trong việc giảm cân hay kiểm soát cân nặng, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn kiêng hiệu quả, an toàn và chế độ tập luyện hợp lý.

Dùng thuốc và insulin theo chỉ định

Chỉ cần bỏ một liều thuốc hay insulin cũng có thể gây hại cho cơ thể và làm tăng lượng đường trong máu.

Do đó, điều quan trọng là phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Tóm tắt: Những thói quen sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu về lâu dài, chẳng hạn như ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước và ngủ đủ giấc.

Tóm tắt bài viết

Sử dụng insulin và tập thể dục là hai trong số những cách phổ biến nhất để làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nếu kiểm tra thấy có ceton trong nước tiểu hoặc có các triệu chứng cho thấy đường trong máu quá cao thì hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Tăng đường huyết không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ăn chuối có làm tăng lượng đường trong máu không?
Ăn chuối có làm tăng lượng đường trong máu không?

Khi mắc bệnh tiểu đường, điều quan trọng là phải giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định nhất có thể. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của một số biến chứng bệnh tiểu đường. Vì lý do này nên những người mắc bệnh tiểu đường phải tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm gây tăng đột biến lượng đường trong máu.

12 cách đơn giản để ngăn tăng đường huyết đột ngột
12 cách đơn giản để ngăn tăng đường huyết đột ngột

Tăng đường huyết đột ngột là tình trạng lượng đường trong máu tăng vọt và sau đó giảm mạnh sau khi ăn. Về ngắn hạn, tăng đường huyết đột ngột có thể gây mệt mỏi và đói. Theo thời gian, khả năng làm giảm và kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể sẽ trở nên kém hiệu quả, điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

Dấu hiệu tăng đường huyết đột ngột và cách xử trí
Dấu hiệu tăng đường huyết đột ngột và cách xử trí

Tăng đường huyết đột ngột xảy ra khi lượng glucose (một loại đường đơn) trong máu tăng cao. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, điều này xảy ra do cơ thể không thể sử dụng glucose một cách hiệu quả đúng cách.

14 cách giảm đường trong máu một cách tự nhiên
14 cách giảm đường trong máu một cách tự nhiên

Có nhiều cách để kiểm soát lượng đường trong máu một cách tự nhiên, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ hay uống đủ nước, trong đó chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng nhất.

Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng
Insulin: Vai trò đối với bệnh tiểu đường, cách sử dụng và liều lượng

Tiêm insulin có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Insulin từ bên ngoài có tác dụng thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên của cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây