1

Các phương pháp sàng lọc bệnh thận đái tháo đường

Bệnh thận đái tháo đường có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng người bệnh có thể khám sàng lọc để phát hiện sớm biến chứng này của bệnh đái tháo đường và bắt đầu điều trị kịp thời.
Các phương pháp sàng lọc bệnh thận đái tháo đường Các phương pháp sàng lọc bệnh thận đái tháo đường

Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong của bệnh đái tháo đường.

Nồng độ glucose trong máu cao mãn tính làm hỏng các mạch máu trong thận. Theo thời gian, thận mất khả năng lọc chất thải khỏi máu và cuối cùng sẽ hỏng hoàn toàn. Khi điều này xảy ra, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc phẫu thuật ghép thận để tiếp tục sống.

Không có cách chữa trị khỏi bệnh thận đái tháo đường nhưng việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp làm chậm hoặc ngăn cản quá trình tiến triển của bệnh.

Có một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để sàng lọc bệnh thận đái tháo đường. Khám sàng lọc định kỳ là một phần quan trọng trong việc kiểm soát sức khỏe thận cho những người mắc bệnh đái tháo đường.

Xét nghiệm protein trong nước tiểu

Protein sẽ bắt đầu xuất hiện trong nước tiểu khi thận bị tổn thương. Một trong những loại protein đầu tiên xuất hiện là albumin. Xét nghiệm protein nước tiểu đo nồng độ albumin có trong mẫu nước tiểu.

Dưới đây là ý nghĩa của kết quả xét nghiệm:

  • Dưới 30 miligam (mg) có nghĩa là thận vẫn đang khỏe mạnh
  • 31 đến 300 mg có thể chỉ ra bệnh thận giai đoạn đầu (albumin niệu vi lượng)
  • Trên 300 mg được coi là bệnh thận nghiêm trọng (albumin niệu đa lượng)

Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR)

Xét nghiệm này đánh giá chức năng lọc máu của thận bằng cách phân tích nồng độ creatinin trong máu. Creatinin là một chất độc mà thận lọc khỏi máu. Tốc độ lọc máu ước tính của một người được tính bằng nồng độ creatinin trong máu cộng với các yếu tố thể chất khác, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính và chiều cao cân nặng.

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm:

  • GFR từ 60 trở lên là mức bình thường.
  • GFR dưới 60 có thể chỉ ra bệnh thận.
  • GFR từ 15 trở xuống có thể là dấu hiệu của suy thận.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh là các kỹ thuật không xâm lấn tạo ra hình ảnh của các cơ quan, xương hoặc mô bên trong cơ thể. Có hai kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến được sử dụng để sàng lọc bệnh thận đái tháo đường là siêu âm thận và chụp cắt lớp vi tính (CT).

Siêu âm thận

Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh video thời gian thực của các cơ quan bên trong cơ thể.

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Chụp CT sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang 3 chiều bên trong cơ thể. Chụp CT có thể được thực hiện cùng thuốc cản quang (được đưa vào cơ thể qua đường tiêm hoặc uống) để thu được hình ảnh rõ nét hơn.

Sinh thiết thận

Sinh thiết là một thủ thuật xâm lấn, trong đó bác sĩ dùng kim dài đưa qua da vào thận hoặc thực hiện tiểu phẫu để lấy mảnh mô nhỏ của thận và sau đó mẫu mô sẽ được đem đi phân tích. Sinh thiết giúp phát hiện sẹo, viêm hoặc sự tích tụ protein mà các phương pháp chẩn đoán khác không thể phát hiện được.

>>> Tìm hiểu thêm về bệnh thận đái tháo đường

Người mắc bệnh đái tháo đường có thể giảm nguy cơ gặp phải biến chứng về thận bằng cách thường xuyên theo dõi và kiểm soát tốt lượng đường trong máu cũng như sức khỏe của thận, đồng thời khám sức khỏe định kỳ.

Nên sàng lọc bệnh thận đái tháo đường bao lâu một lần?

Theo khuyến nghị chung, người mắc bệnh đái tháo đường nên khám sàng lọc bệnh thận định kỳ hàng năm.

Những người mắc đái tháo đường type 2 nên bắt đầu sàng lọc ngay từ khi biết mình bị đái tháo đường. Đối với những người mắc đái tháo đường type 1, việc khám sàng lọc có thể bắt đầu sau 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán bệnh đái tháo đường.

Các triệu chứng của bệnh thận thường không rõ rệt, nhất là ở giai đoạn đầu và do đó dễ bị bỏ qua. Bất kỳ ai mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể gặp biến chứng về thận nhưng một số người có nguy cơ cao hơn. Những người này cần phải cẩn thận hơn trong việc sàng lọc.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường gồm có:

  • Tiền sử gia đình bị suy thận
  • Cao huyết áp
  • Bệnh tim mạch
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính
  • Sỏi thận

Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (nsaid), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen trong thời gian dài

Có xét nghiệm nào chẩn đoán được bệnh thận đái tháo đường không?

Thông thường sẽ phải kết hợp cả xét nghiệm protein trong nước tiểu và đo độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) để chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường.

Kết quả eGFR chính xác hơn và được sử dụng để xác định giai đoạn của bệnh thận. Nói chung, eGFR từ 90 trở lên có nghĩa là thận vẫn đang hoạt động tốt. Giá trị eGFR dưới 90 có nghĩa là thận đang có vấn đề:

  • eGFR từ 60 – 89 có nghĩa là chức năng thận giảm nhẹ
  • eGFR từ 30 – 59 có nghĩa là chức năng thận đã giảm nặng hơn
  • eGFR từ 15 – 29 có nghĩa là chức năng thận đã giảm nghiêm trọng
  • eGFR dưới 15 là suy thận

Tại sao cần sàng lọc bệnh thận đái tháo đường?

Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường. Theo Viện Quốc gia về Bệnh đái tháo đường, tiêu hóa và bệnh thận (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases - NIDDK), cứ 3 người mắc bệnh đái tháo đường tại Mỹ thì có 1 người bị bệnh thận.

Theo thời gian, thận mất khả năng lọc chất thải khỏi máu và cuối cùng bị hỏng hoàn toàn. Khi thận không còn hoạt động, bệnh nhân sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận để tiếp tục sống.

Bệnh thận đái tháo đường thường khó phát hiện. Các triệu chứng phổ biến, chẳng hạn như buồn nôn, rối loạn tiểu tiện, sưng phù chân tay hoặc đau cơ có thể bị bỏ qua hoặc nhầm với các tình trạng khác.

Khám sàng lọc thường xuyên là cách tốt nhất để theo dõi những thay đổi về chức năng thận. Khám sàng lọc sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh thận đái tháo đường, nhờ đó làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Tóm tắt bài viết

Khám sức khỏe định kỳ là một phần của việc kiểm soát tích cực bệnh đái tháo đường. Khám sàng lọc thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng của bệnh đái tháo đường, chẳng hạn như bệnh thận. Các phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc bệnh thận đái tháo đường là xét nghiệm protein nước tiểu, đo độ lọc cầu thận ước tính và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tiên lượng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến bệnh thận. Điều này xảy ra khi thận không còn lọc máu hiệu quả.

Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị
Bệnh thần kinh đái tháo đường: Triệu chứng và điều trị

Có nhiều loại bệnh thần kinh đái tháo đường, mỗi loại ảnh hưởng đến một số vùng nhất định trên cơ thể bạn và gây ra các triệu chứng khác nhau. Người bị đái tháo đường cần phải thường xuyên kiểm tra đường huyết và đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng của bệnh thần kinh.

Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị
Tăng kali máu do bệnh thận đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Bệnh thận đái tháo đường có mối liên hệ trực tiếp với tăng kali máu - tình trạng nồng độ kali trong máu tăng cao và cơ thể không thể tự đào thải hoặc cân bằng lượng kali dư thừa.

Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường, có thể xảy ra với cả đái tháo đường type 1 và type 2. Mắc bệnh đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ gặp phải biến chứng về thận càng cao. Ngoài ra, nguy cơ sẽ cao hơn nếu như có tiền sử gia đình bị bệnh thận hoặc có các vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp.

Cách phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường
Cách phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường

Để tránh mắc phải bệnh thận và những hậu quả nghiêm trọng do bệnh thận, người mắc bệnh đái tháo đường cần phải theo dõi và biết cách bảo vệ sức khỏe thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây