Lợi ích và tác hại của đậu phộng đối với người bệnh đái tháo đường
Đậu phộng (lạc) không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có một số đặc tính có lợi cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Ăn đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng có thể giúp:
- hỗ trợ giảm cân
- giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- kiểm soát lượng đường trong máu
- phòng ngừa đái tháo đường
Tuy nhiên, ăn đậu phộng cũng tiềm ẩn một số tác hại. Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường type 2, hãy đọc bài viết sau đây để hiểu về những lợi ích và tác hại của đậu phộng đối với sức khỏe.
Lợi ích của đậu phộng đối với người bị đái tháo đường type 2
Thêm đậu phộng và bơ đậu phộng vào chế độ ăn uống là điều có lợi, đặc biệt đối với những người bị bệnh đái tháo đường type 2. Mặc dù không được xếp vào nhóm các loại quả hạch nhưng đậu phộng cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe giống như các loại quả hạch như óc chó, hạnh nhân hay hồ đào. Đậu phộng còn có ưu điểm là giá rẻ hơn so với hầu hết các loại quả hạch.
Giúp kiểm soát đường huyết
Những người bị đái tháo đường cần chú ý đến chỉ số đường huyết của các loại thực phẩm. Chỉ số đường huyết (glycemic index – GI) cho biết tốc độ mà carbohydrate trong thực phẩm được chuyển hóa thành glucose hay đường trong máu hay nói cách khác là tốc độ mà một loại thực phẩm làm tăng đường huyết sau ăn. Chỉ số GI được đánh giá trên thang điểm 100, GI càng cao thì tốc độ làm tăng lượng đường trong máu càng nhanh. Nước lọc hoàn toàn không làm thay đổi lượng đường trong máu và có giá trị GI là 0. Đậu phộng có giá trị GI là 13, được xếp vào nhóm thực phẩm có GI thấp.
Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh (British Journal of Nutrition), ăn đậu phộng hoặc bơ đậu phộng vào buổi sáng có thể giúp kiểm soát đường huyết trong suốt cả ngày. (1) Đậu phộng còn giúp giảm sự tăng đột biến mức insulin sau khi ăn các loại thực phẩm có chỉ số GI cao. Một lý do mà đậu phộng có thể giúp kiểm soát đường huyết là vì đậu phộng chứa một lượng lớn magiê. Một khẩu phần đậu phộng (khoảng 28 hạt) đáp ứng 12% lượng magiê khuyến nghị hàng ngày. Và theo một báo cáo của Tạp chí Nội khoa (Journal of Internal Medicine), magiê giúp duy trì ổn định lượng đường trong máu.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Một báo cáo nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ (Journal of the American College of Nutrition) cho thấy rằng ăn đậu phộng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch - một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường. (2) Thêm các loại quả hạch vào chế độ ăn uống còn giúp giảm tăng huyết áp – đây cũng là một biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường.
Giúp kiểm soát cân nặng
Đậu phộng giúp duy trì cảm giác no lâu và giảm cảm giác thèm ăn, điều này sẽ giúp duy trì cân nặng hợp lý và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Giảm nguy cơ đái tháo đường
Theo một nghiên cứu từ Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association), ăn đậu phộng hoặc bơ đậu phộng có thể làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2. Đậu phộng chứa nhiều chất béo không bão hòa và các chất dinh dưỡng khác giúp cơ thể điều hòa lượng insulin.
Tác hại của đậu phộng đối với người bị đái tháo đường type 2
Mặc dù đậu phộng có nhiều lợi ích cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 nhưng có một số điều cần lưu ý khi ăn đậu phộng.
Axit béo omega 6
Đậu phộng chứa nhiều axit béo omega-6 hơn so với các loại quả hạch. Có bằng chứng cho thấy tiêu thụ quá nhiều axit béo omega-6 có thể làm gia tăng phản ứng viêm trong cơ thể, điều này có thể làm tăng các triệu chứng đái tháo đường và tăng nguy cơ béo phì. Vì vậy nên chế độ ăn uống cần có sự cân bằng giữa axit béo omega-3 và omega-6.
Muối và đường
Các sản phẩm làm từ đậu phộng thường có thêm muối và đường – những thành phần mà bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế. Một ví dụ điển hình là bơ đậu phộng. Mặc dù rất ngon nhưng sản phẩm này có chứa nhiều chất béo, dầu và đường. Tốt nhất nên chọn những loại bơ đậu phộng tự nhiên và không chứa hoặc chỉ chứa rất ít thành phần khác ngoài đậu phộng.
Dị ứng
Đậu phộng có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng ở một số người. Đây là điều quan trọng nhất cần lưu ý khi ăn đậu phộng.
Lượng calo
Mặc dù đậu phộng mang lại nhiều lợi ích cho người mắc bệnh đái tháo đường type 2 nhưng lại có lượng calo tương đối cao và chỉ nên ăn vừa phải. Theo cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một nửa chén đậu phộng sống chứa hơn 400 calo. Để giảm lượng calo nạp vào cơ thể, hãy sử dụng đậu phộng thay cho các sản phẩm từ ngũ cốc tinh chế, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
Cách chế biến đậu phộng
Tốt nhất nên tự chế biến đậu phộng tại nhà bằng các phương pháp như luộc hoặc rang, không thêm muối và đường thay vì ăn các sản phẩm từ đậu phộng chế biến sẵn.
Một bài báo trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh quốc cho thấy rằng ăn bơ đậu phộng vào bữa sáng có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và kiểm soát lượng đường trong máu trong suốt cả ngày.
Lựa chọn thay thế đậu phộng
Đối với những người bị dị ứng hoặc không thích ăn đậu phộng thì các loại quả hạch và hạt là những lựa chọn thay thế với các lợi ích tương tự:
- Các loại quả hạch: Các loại quả hạch như óc chó và hạnh nhân có thành phần dinh dưỡng tương tự như đậu phộng và cũng có lợi cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2.
- Các loại hạt: Có thể thay bơ đậu phộng bằng bơ làm từ các loại hạt như bơ hạt hướng dương. Đây là một nguồn protein tuyệt vời với hàm lượng magiê cao hơn gấp đôi bơ đậu phộng.
Tóm tắt bài viết
Đái tháo đường type 2 là một bệnh lý rất phổ biến, nếu không kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng như bệnh tim mạch, mù lòa và suy thận. Chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát căn bệnh này. Nghiên cứu đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc ăn đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng đối với sức khỏe nói chung và đối với người mắc bệnh đái tháo đường nói riêng. Tuy nhiên, chỉ nên ăn đậu phộng ở mức độ vừa phải và hạn chế thêm các thành phần khác như muối và đường.
Loét bàn chân là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường khi không được kiểm soát tốt bằng các phương pháp như điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục, thuốc đường uống và liệu pháp insulin. Các vết loét hình thành do mô da bị phân hủy và để lộ các lớp mô bên dưới.
Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người không mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường còn có nguy cơ bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn và dễ gặp phải biến chứng nghiêm trọng hơn.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường, có thể xảy ra với cả đái tháo đường type 1 và type 2. Mắc bệnh đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ gặp phải biến chứng về thận càng cao. Ngoài ra, nguy cơ sẽ cao hơn nếu như có tiền sử gia đình bị bệnh thận hoặc có các vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp.
Để tránh mắc phải bệnh thận và những hậu quả nghiêm trọng do bệnh thận, người mắc bệnh đái tháo đường cần phải theo dõi và biết cách bảo vệ sức khỏe thận.