1

Cách điều trị đau thần kinh do đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có thể gây ra các vấn đề về lâu dài trên khắp cơ thể, đặc biệt là khi không kiểm soát tốt lượng đường trong máu và lượng đường trong máu liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Đường trong máu cao có thể gây ra bệnh thần kinh đái tháo đường – tình trạng tổn thương các dây thần kinh truyền tín hiệu từ bàn tay và bàn chân (bệnh thần kinh ngoại biên).
Cách điều trị đau thần kinh do đái tháo đường Cách điều trị đau thần kinh do đái tháo đường

Bệnh thần kinh đái tháo đường có thể gây tê hoặc châm chích ở ngón tay, ngón chân, bàn tay và bàn chân. Các triệu chứng khác còn có rát, buốt hoặc nhức. Những triệu chứng này được gọi chung là đau thần kinh do đái tháo đường. Ban đầu, cơn đau có thể chỉ nhẹ nhưng thường sẽ nặng dần theo thời gian và lan ra cẳng chân hoặc cánh tay. Bệnh nhân cảm thấy đau khi đi lại, cử động tay, thậm chí chỉ cần chạm nhẹ lên da cũng cảm thấy đau.

Có đến 50% người mắc bệnh đái tháo đường bị đau thần kinh. Tổn thương dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý.

Điều trị đau thần kinh do đái tháo đường

Không thể thay các dây thần kinh bị hỏng. Tuy nhiên, có những cách để ngăn dây thần kinh bị tổn thương thêm và giảm đau.

Điều quan trọng đầu tiên là phải kiểm soát lượng đường trong máu để tình trạng tổn thương dây thần kinh không tiến triển. Trao đổi với bác sĩ về phạm vi đường huyết cần duy trì và theo dõi đường huyết thường xuyên. Người bệnh có thể phải giữ cho mức đường huyết trước bữa ăn dưới 70 - 130 mg/dL và đường huyết sau bữa ăn dưới 180 mg/dL.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc để duy trì lượng đường trong máu trong phạm vi bình thường. Kiểm soát các yếu tố khác có thể làm trầm trọng thêm bệnh đái tháo đường, chẳng hạn như cân nặng và hút thuốc.

Dùng thuốc

Người bệnh có thể giảm các cơn đau thần kinh bằng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen, aspirin hoặc ibuprofen. Những loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Chỉ nên sử dụng liều thấp trong thời gian ngắn để kiểm soát các triệu chứng đau thần kinh.

Ngoài ra cũng có những loại thuốc có tác dụng giảm đau mạnh hơn hoặc có thể sử dụng lâu dài hơn.

Thuốc chống trầm cảm

Chỉ định chính của thuốc chống trầm cảm là điều trị các triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cũng có thể được sử dụng để điều trị đau thần kinh do đái tháo đường do có tác dụng can thiệp vào các chất hóa học gây cảm giác đau trong não bộ. Bác sĩ có thể kê thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline, imipramine và desipramine. Thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể gây ra các tác dụng phụ khó chịu như khô miệng, mệt mỏi và đổ mồ hôi.

Các nhóm thuốc chống trầm cảm khác như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) (như venlafaxine và duloxetine) cũng là những lựa chọn điều trị chứng đau thần kinh do đái tháo đường với ưu điểm là ít tác dụng phụ hơn thuốc chống trầm cảm ba vòng.

Thuốc giảm đau nhóm opioid

Các loại thuốc giảm đau mạnh thuộc nhóm opioid như oxycodone và tramadol có thể điều trị các cơn đau mức độ nặng. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường là giải pháp cuối cùng để giảm đau. Người bệnh chỉ nên sử dụng nhóm thuốc giảm đau opioid khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Không sử dụng những loại thuốc này trong thời gian dài do có nhiều các tác dụng phụ và khả năng gây nghiện. Trao đổi kỹ với bác sĩ và thận trọng khi dùng thuốc giảm đau nhóm opioid.

Người bệnh cũng có thể dùng thuốc gây tê tại chỗ lidocain dạng miếng dán nhưng cần cẩn thận vì miếng dán có thể gây kích ứng da nhẹ.

Thuốc chống động kinh

Một số loại thuốc vốn được sử dụng để điều trị co giật động kinh cũng có thể giúp giảm đau thần kinh. Những loại thuốc này gồm có pregabalin, gabapentin và oxcarbazepine hoặc carbamazepine. Pregabalin còn giúp cải thiện giấc ngủ. Các tác dụng phụ gồm có buồn ngủ, sưng phù và chóng mặt.

Vật lý trị liệu

Một số phương pháp vật lý trị liệu, chẳng hạn như bơi lội, có thể giúp điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường. Nên chọn các bài tập tác động thấp vì các bài tập có tác động cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các dây thần kinh vốn đã yếu.

Hãy lựa chọn chuyên gia vật lý liệu có chuyên môn để được hướng dẫn tập đúng kỹ thuật, tránh gây tổn thương thêm các dây thần kinh và phát sinh các vấn đề không mong muốn khác. Cần lưu ý rằng vật lý trị liệu có thể cải thiện tình trạng đau thần kinh do đái tháo đường nhưng sẽ không thể chữa khỏi bệnh.

Thuốc capsaicin

Capsaicin là một hợp chất có nhiều trong quả ớt cay, có tác dụng ngăn chặn sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh gây cảm giác đau. Người bệnh có thể thoa thuốc capsaicin lên các vùng da bị đau thần kinh do đái tháo đường để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng hiệu quả giảm đau của các loại thuốc capsaicin dạng bôi ngoài da. Các sản phẩm chứa capsaicin có thể gây kích ứng da.

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc có chứa thành phần capsaicin. Hợp chất này có thể gây ra phản ứng dị ứng, tương tác với các loại thuốc khác hoặc gây ra tác dụng phụ nguy hiểm trên vết thương hở và vùng da bị kích ứng hoặc nhạy cảm. Capsaicin còn có thể khiến cho da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời và các nguồn nhiệt khác. Tránh để da tiếp xúc quá lâu với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao khi sử dụng thuốc bôi ngoài da có chứa capsaicin.

Chăm sóc bàn tay và bàn chân

Bệnh thần kinh đái tháo đường gây đau và cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận đau do các dây thần kinh cảm giác bị tổn thương. Tình trạng mất cảm giác có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở bàn chân. Vì vậy điều quan trọng người bệnh đái tháo đường phải chú ý chăm sóc bàn chân.

Kiểm tra bàn chân hàng ngày để xem có vết cắt, vết loét, sưng tấy hay các vấn đề khác hay không vì bệnh thần kinh đái tháo đường gây mất cảm giác và người bệnh sẽ không cảm thấy đau khi bị thương. Vết thương không được phát hiện và điều trị có thể sẽ bị nhiễm trùng và nhiễm trùng không được điều trị sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể bị hoại tử và phải cắt cụt chi.

Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm và lau khô thật kỹ. Sau đó thoa kem dưỡng để giữ ẩm cho da nhưng không thoa vào kẽ ngón chân.

Mang giày thoải mái, vừa chân, linh hoạt và giày phải có một khoảng trống để bàn chân có thể di chuyển bên trong. Khi thay giày mới, vài ngày đầu chỉ nên đi trong thời gian ngắn và sau đó tăng dần thời gian đi mỗi ngày để không bị đau chân.

Luôn bảo vệ đôi bàn chân bằng giày, dép hoặc tất dày, không đi chân trần, nhất là khi đi lại bên ngoài để tránh bị thương.

Ngăn ngừa đau thần kinh do đái tháo đường

Kiểm soát tốt lượng đường trong máu là cách tốt nhất để để ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh. Thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc đều đặn hàng ngày.

Đau thần kinh do đái tháo đường có chữa khỏi được không?

Hiện chưa có cách chữa trị dứt điểm bệnh thần kinh đái tháo đường nhưng có nhiều phương pháp điều trị để giảm bớt các triệu chứng và ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Điều quan trọng nhất để ngăn các dây thần kinh bị tổn thương nặng thêm là duy trì đường huyết ổn định trong phạm vi khỏe mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Lợi ích của axit alpha-lipoic (ALA) đối với bệnh thần kinh đái tháo đường
Lợi ích của axit alpha-lipoic (ALA) đối với bệnh thần kinh đái tháo đường

Axit alpha-lipoic (ALA) là một liệu pháp thay thế để điều trị triệu chứng đau của bệnh viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường.

Điều trị đái tháo đường type 2 bằng cách nào?
Điều trị đái tháo đường type 2 bằng cách nào?

Đái tháo đường type 2 là một bệnh lý mãn tính xảy ra do cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả. Điều này khiến lượng đường trong máu tăng cao và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng.

Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, một trong số đó là đau chân và chuột rút chân. Những biến chứng này thường xảy ra do tổn thương dây thần kinh hay còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Khi các dây thần kinh ở cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng thì tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Đây có thể là hậu quả trực tiếp của tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài.

Bệnh da do đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh da do đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả da. Bệnh da do đái tháo đường là một vấn đề khá phổ biến ở những người sống chung với đái tháo đường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây